Đầu năm đi lễ cầu an: Thực hành sao cho đúng?

VÂN NGA (thực hiện)
Chia sẻ

Đầu năm, đi lễ chùa không chỉ là tục lệ mà còn là nét đẹp trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt, nhưng đi lễ thế nào cho đúng để tránh sa vào mê tín dị đoan hay có những hành vi thiếu tôn nghiêm chốn cửa Phật. Báo Phụ nữ Thủ đô có cuộc trò chuyện với đại biểu Quốc hội Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam về vấn đề này.

Hiện nay, có nhiều người đến lễ chùa đầu năm cầu xin tài lộc, công danh, bình an… cùng với dâng mâm cao cỗ đầy, rải tiền lẻ, đốt tiền vàng… Xin thầy đánh giá như thế nào về hiện tượng trên và cho biết người dân nên thực hành việc lễ chùa đầu năm như thế nào để đúng với đạo Phật và ứng xử phù hợp ở chốn linh thiêng?

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm: Đi chùa lễ cầu nguyện bình an, lộc tài, kinh doanh… là tâm nguyện bình thường của con người. Nhưng làm sao cho việc lễ bái thành tâm của mình. Đến chùa thì nên ăn mặc, tác phong trang nghiêm. Nơi tôn nghiêm không nên dùng điện thoại trong lúc làm lễ, vì mình bị tán tâm không chú tâm vào được và ảnh hưởng đến người đang lễ bên cạnh. Đi lại giữ gìn trật tự vệ sinh môi trường, đi lại nhẹ nhàng điềm đạm vừa lễ Phật vừa vãng cảnh. Vào chùa đến cổng từ bi, lòng trần nhẹ bẫng.

Về việc tiền cúng, trong các kinh điển cũng nhắc tới “Cúng dường giả phúc đẳng hà sa”. Có nghĩa là, cúng dường thì được nhiều phúc. Nhưng chúng ta phải hiểu rõ cúng dường là “cung dưỡng”, tức là cung cấp, dưỡng nuôi Phật tâm của mình. Vật chất chỉ là biểu tượng cho lòng thành, chứ không có giá trị về mặt tâm linh trong việc lễ nhiều hay lễ ít. Vì vậy, khi đến chùa có dâng cúng đồng nào tùy tâm, không phân biệt giàu nghèo, nhiều ít.

Đầu năm đi lễ cầu an: Thực hành  sao cho đúng? - 1

Đại biểu Quốc hội Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (người ngoài cùng)

Lễ nhiều mà tâm không chân thành, làm những việc không trong sáng, cuộc đời không chân chính, thì cũng không bằng bà lão ăn mày tâm thành kính, chí thành thì công đức được rất lớn. Chúng tôi muốn nhắn nhủ tới ai quan niệm rằng lễ nhiều thì được Phật ban lộc nhiều, lễ ít được ban lộc ít không phải việc chính đáng của đạo Phật.

Ngay cả việc đặt tiền, không nên đặt tiền lên bàn thờ, vì hành động đó trông vừa phản cảm vừa tạo cơ hội cho kẻ gian vào nhặt lấy mà nên đặt đúng vào nơi tiếp nhận là hòm công đức.

Về dâng lễ, lòng thành cúng, có thể mua bông hoa, trái quả, đặt ở một nơi thôi không cứ phải chia năm sẻ bảy, làm sao cho dâng lễ thanh cao, tỏ lòng thành kính là quan trọng nhất khi đi lễ.

Về việc đốt tiền vàng là tín ngưỡng dân gian, không phải là trong Phật giáo. Đây là tập quán, tập tục lâu đời nên bảo bỏ ngay thì nhiều người chưa bỏ được, cần tiếp tục tuyên truyền để mọi người hiểu và dần dần bỏ. Bởi không nên lãng phí tài chính và làm ảnh hưởng môi trường.

Nhiều năm nay, mặc dù đã được tuyên truyền rất nhiều song vẫn còn một số người khi đến chùa chưa thực sự hiểu và thực hành tốt nét đẹp văn hóa du xuân. Xin thầy chia sẻ thêm về điều này?

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm: Đến chùa có hai dạng, một là tín đồ, hai là Phật tử. Tín đồ là người có đức tin, tín ngưỡng, đến chùa chủ yếu là lễ. Vì vậy, cần hướng dẫn cho người ta có nếp sống văn minh, tôn nghiêm nơi thờ tự. Còn Phật tử thì chúng tôi quán triệt rõ ràng, họ nghe pháp, giảng kinh. Đã là phật tử là người tu tập kỹ rồi thì họ hiểu về giáo pháp, đến chùa họ chỉ tụng kinh thôi chứ không lễ giải hay đốt vàng mã.

Những năm gần đây, nhờ tuyên truyền, hướng dẫn cho các tín đồ cũng có cách hành xử văn minh, các nhà chùa chuẩn bị sẵn các trang phục để phụ nữ đến có thể mượn mặc, các chùa cũng tổ chức trang nghiêm, có hiệu ứng tốt.

Đầu năm đi lễ cầu an: Thực hành  sao cho đúng? - 2

Ảnh minh họa

Lễ Phật du xuân là nét đẹp của văn hóa Việt Nam. Quan niệm của người dân miền Bắc thì mùa xuân là trẩy hội, du xuân. Mọi người nên sắp xếp, đi lễ vào những ngày tháng hợp với điều kiện công tác, sinh hoạt, làm ăn kinh tế. Bởi vì khi tâm ta vui vẻ thì đó là mùa xuân. Khi tâm ta tưởng nhớ tới đức Phật là có Phật trong tâm.

Thưa thầy, Trung ương Giáo hội Phật giáo đã có chỉ đạo nào đối với các chùa, cơ sở tự viện, tăng ni trong việc triển khai các hoạt động phục vụ nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của người dân dịp đầu năm mới, tránh các hiện tượng mê tín dị đoan, lãng phí rườm rà?

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm: Trung ương Giáo hội Phật giáo đã ra công văn hướng dẫn các chùa, cơ sở tự viện và tăng ni trong toàn quốc về tổ chức nghi lễ cầu quốc thái dân an, nghi lễ cầu an phục vụ nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của người dân trong dịp đầu năm. Theo đó, khuyến cáo các chùa không phô trương rườm rà, phải bảo đảm trang nghiêm, tiết kiệm, tránh mê tín dị đoan, không đốt vàng mã, không cúng giải hạn, tránh những nội dung không phù hợp với truyền thống của Phật giáo. Trong công tác tổ chức phải lưu ý tránh cách dùng từ, thuật ngữ và các yếu tố mang hình thức dịch vụ tâm linh không đúng với thuần phong mỹ tục và văn hóa truyền thống dân tộc.

Đồng thời, tăng cường các bài giảng, pháp thoại, hướng dẫn thực hành thiền, buổi lễ cầu an online kết nối rộng rãi đồng bào Phật tử trong nước và Việt kiều ở nước ngoài nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh, đem đến sự lạc quan, bình an trong năm mới.

Các chùa, cơ sở tự viện có điều kiện tổ chức Tết trồng cây hưởng ứng phong trào vì một Việt Nam xanh của Chính phủ. Bảo đảm công tác an toàn vệ sinh thực phẩm. Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy tại các chùa, cơ sở tự viện. Tích cực tuyên truyền về an toàn khi tham gia giao thông đường bộ trong dịp du xuân.

Trân trọng cảm ơn Thầy!

Chia sẻ

VÂN NGA (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục

Phụ nữ Gia Lâm vận động thực hiện “ứng xử đẹp” tại các danh lam, di tích lịch sử

Phụ nữ Gia Lâm vận động thực hiện “ứng xử đẹp” tại các danh lam, di tích lịch sử

Năm 2022, Hội LHPN huyện Gia Lâm thực hiện điểm mô hình Danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử kiểu mẫu với không gian thực hiện chính là khu di tích thờ Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan tại xã Dương Xá. Chúng tôi xác định thực hiện thành công mô hình sẽ góp phần khẳng định vai trò của phụ nữ trong xây dựng Thủ đô Hà Nội văn minh, thanh lịch, khơi dậy niềm tự hào, tình yêu Hà Nội và khát vọng...

Từ phụ nữ nhập cư đến nghị sĩ Pháp

Từ phụ nữ nhập cư đến nghị sĩ Pháp

Là nữ nghị sĩ Pháp gốc Việt đầu tiên, bà Stéphanie Đỗ đã viết nên một câu chuyện đầy cảm hứng và kiên định: Không chỉ nỗ lực để thành công trên con đường chính trị của mình mà còn truyền cảm hứng tới nhiều phụ nữ khác để họ tự tin tiến bước trên con đường đã chọn.