Tìm lại bữa cơm nhà

M. Ngọc
Chia sẻ

Ngày đầu tiên của năm mới, cả nhà bà gồm hơn 10 thành viên cùng tề tựu đông đủ bên mâm cơm nhà. “Cháu mời bà ăn cơm”, “Cháu chúc bà năm mới vui vẻ”... Bà Hạnh nghe tiếng con cháu líu ríu bên tai mà cảm động muốn rơi nước mắt.

Rồi bà reo lên: “Các con cháu im lặng cho bà nói mấy lời. Bà rất vui vì được thấy cả nhà mình lại quây quần như thế này. Giờ tất cả cùng nâng ly, chúc mừng năm mới 2025 đã tới”.

“Vâng, nâng ly thôi, chúc mừng năm mới 2025”.

Ở tuổi này, bà Hạnh thấy mình đã không còn nhu cầu gì nhiều, việc ăn uống càng muốn đơn giản. Nhưng, cũng vì con cháu mà bà quyết giữ lại bữa cơm nhà như thế.

Ở khu phố cổ này, gia đình bà Hạnh nổi tiếng là đại gia đình tứ đại đồng đường luôn hòa thuận. Mẹ chồng bà Hạnh năm nay đã ngoài 90 tuổi, tuy đi lại đã trở nên khó khăn nhưng đầu óc vẫn minh mẫn. Thế hệ thứ hai là bà Hạnh. 5 năm trước, chồng bà đã qua đời, vì vậy, bà dọn sang ở chung với mẹ chồng để tiện bề chăm sóc cụ như bà vẫn làm hơn nửa thế kỷ qua, kể từ ngày bà về làm dâu của cụ. Vợ chồng bà Hạnh sinh được 2 anh con trai, sau kết hôn, hai anh cũng đều sống dưới cùng một mái nhà với bà và mẹ. Rồi lần lượt các cháu nội ra đời. Ngôi nhà cổ dường như chật hơn, nhưng lại luôn rộn rã tiếng cười.

Tìm lại bữa cơm nhà - 1

Ảnh minh họa

Lâu nay, bà Hạnh vẫn là người chủ trì mọi việc trong nhà. Bà cáng đáng việc đi chợ cho cả đại gia đình. Chiều tối, các con dâu đi làm về đều xuống bếp giúp bà nấu cơm. Ở nhà bà, bữa cơm thường cũng đông vui như nhà khác có cỗ, thường phải chia ra làm 3 mâm mới đủ. Cái nồi cơm điện của nhà bà là loại nồi công nghiệp, chuyên dùng cho các cơ quan, trường học. Rau cỏ, thịt thà mang ra chế biến cũng xếp đầy một góc bếp. Chưa kể mỗi người mỗi sở thích, bà thì luôn cố gắng nấu được nhiều món để con, cháu nào cũng được ngon miệng. Cơm xong, các con, cháu lại í ới rủ nhau dọn dẹp. Cháu nhỏ thì xếp bát đũa, ai khỏe chân thì bê mâm, cất nồi. Người khéo léo hơn hay tối đó không bận việc thì nhận chân rửa bát. Mấy anh chị em ngồi ngoài sân rộng, người múc nước, người xếp bát, vừa làm vừa kể chuyện nhà, chuyện cơ quan nghe mà vui đáo để.

Song, hơn 1 năm trước, con trai thứ của bà chuyển sang làm công ty nước ngoài, cô con dâu thứ nghe đâu cũng đi tập gym, làm đẹp gì đó. Hai cháu con của anh con trai lớn cũng bận rộn học thêm để thi chuyển cấp, rồi vào trường chuyên, lớp chọn. Cháu đi học thì bố mẹ chúng cũng mướt mải làm xe ôm đón đưa con. Đúng lúc đó mẹ chồng bà lại bị ốm, cần được bà quan tâm chăm sóc hơn bình thường. Giờ giấc sinh hoạt của các con cháu khác nhịp, bà thì cũng bận rộn nên quyết định cho các con ăn riêng. Chiếc nồi cơm điện công nghiệp được bà cất lên gác xép. Hàng sáng, thay vì xách chiếc làn to đi chợ, nay, bà chỉ mua một chút ít để nấu cho mình và mẹ chồng. Còn hai gia đình các con muốn ăn gì thì... tùy nghi di tản.

Thời gian đầu thoát khỏi trọng trách lo cho cả đại gia đình, bà thấy nhàn hẳn. Hai người phụ nữ đều cao tuổi ăn uống có là bao, vì vậy bà chỉ nấu luôn một lần ăn cả ngày. Ngày trước, phải 7h tối cả nhà mới cùng ăn cơm tối thì nay từ 5h chiều, bà đã xới cơm nóng cho mẹ chồng và mình ăn luôn. Đến 9h tối thì hai mẹ con đã chuẩn bị tắt điện đi ngủ.

Nhưng lúc đó, bà để ý các con vẫn cứ lục tục đi ra đi vào. Cô con dâu thứ hai về nhà muộn rồi mới bắt đầu đầu nổi lửa nấu nướng. Lắm lúc, con ăn xong thì cũng đã rất khuya, rồi bố mẹ chúng mới lại hò hét các con học bài. Nằm trên giường, bà nghĩ, ăn khuya, học khuya vậy thì hại sức khỏe lắm.

Nhưng, nhà con thứ còn chịu nổi lửa. Bà để ý, đến cả tháng nay, cấm thấy nhà cậu cả nấu cơm. Cứ tối đến, khi bố mẹ chúng đón các con về là cả nhà đưa nhau vào phòng riêng, đóng cửa lại, chẳng buồn giao lưu với mọi người. Bà hỏi qua các cháu thì được biết, nhà nó giờ chuyển sang ăn ở ngoài hàng. Vì thế, nhà chỉ là nơi để con cháu ngủ.

Tìm lại bữa cơm nhà - 2

Ảnh minh họa

Bà vốn là người phụ nữ truyền thống nên cho rằng, nhà mà bếp cứ lạnh thì rồi hạnh phúc cũng sẽ nguội lạnh dần. Thêm nữa, bần cùng bất đắc dĩ mới phải ăn ngoài thôi chứ vừa đắt, lại không thể đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm như cơm nhà. Các cháu của bà sẽ lớn lên thế nào nếu chỉ dựa vào những bữa cơm hàng cháo chợ đó.

Vì vậy, bà quyết định nói chuyện với anh con trai cả. Bà hỏi các con công việc bận rộn thế nào mà không tự nấu lấy cơm. Nào ngờ, cô con dâu cười bảo: “Chúng con về muộn, trên đường thì ghé qua đâu đó ăn luôn cho nhanh mẹ ạ. Mặn ngọt gì thì cũng có nhà hàng họ lo”. Các cháu bà đứng cạnh đó cũng hào hứng nói: “Vâng, ăn ngoài càng nhàn. Cháu đỡ phải dọn dẹp bát đũa, lau bếp bà ạ”. Bà lại hỏi con dâu: “Vậy nhưng thu nhập của vợ chồng con thế nào? Có làm ăn được lâu dài không để mà suốt ngày ăn hàng?”. Lúc đó con dâu bà mới bẽn lẽn bảo: “Ngày trước, hay ăn cơm nhà thì vợ chồng còn có thời gian hỏi chuyện nhau mẹ ạ. Từ ngày ăn cơm hàng, con cũng chẳng hỏi bố nó làm ăn thế nào. Chỉ biết là vợ chồng cứ chia nhau ra mà trả tiền thôi”.

Nói chuyện xong với con cả, bà lại trò chuyện với con trai thứ. Cô dâu thứ cười bảo: “Chồng đi làm về muộn, con thì bận học, con về nhà trước cũng chả để làm gì. Thôi thì con đi chơi, đi tập gym giết thời gian. Về nhà khuya thì cùng ăn tối giản cho xong bữa, tiện gì ăn nấy, có hôm thì ăn cơm với bát canh, hôm thì úp bát mì tôm cũng xong bữa. Kề cà nấu món nọ món kia thì có mà hết đêm”.

Nghe hai con nói xong, bà thấy quả thật sống như vậy thật không ổn chút nào. Rồi các cháu bà cũng sẽ quên mất là có bữa cơm nhà, bố mẹ chúng cũng quên trách nhiệm là có một gia đình phải vun vén, sum vầy.

Rồi 1 tuần sau, bà quyết định họp gia đình, tuyên bố sẽ trở lại với bữa cơm “đại gia đình” như trước. Trong đó bà sẽ lại giúp đi chợ cho đại gia đình. Nhưng bây giờ, để thuận lợi cho mọi người sinh hoạt, thì có thể chia bữa cơm thành nhiều nhịp. Bà và cụ ăn trước để giữ sức khỏe. Mâm cơm sau đó được phần lại cho những người về sau. Tuy nhiên, con cháu sẽ ăn tại nhà của bà và mẹ để bà, cụ vẫn được gặp gỡ con cháu. Và các cháu khi ăn cơm, vẫn phải thực hiện lễ nghĩa, mời cơm người lớn tuổi.

Còn đến cuối tuần, cả nhà cùng cố gắng sẽ lại cùng nấu ăn,  ăn chung một giờ và cùng chia nhau dọn dẹp như trước.

Sau một tuần “thử nghiệm”, bà thấy rằng, khi có bữa cơm nhà, các con, cháu bà đã có ý thức về nhà, thay vì thân ai người nấy lo như trước. Con dâu cũng biết giúp bà nấu cơm. Các con cháu thì được ăn những bữa cơm đủ đầy, sạch sẽ... thay vì kiểu ăn tạm bợ cho xong.

Thôi thì mỗi nhà mỗi cảnh, ít ra là những bữa cơm nhà đang dần dần kéo con cháu bà xích lại gần nhau trong một đại gia đình. Bà bận hơn nhưng bà lại vui vì sự bận rộn đó.

Chia sẻ

M. Ngọc

Tin cùng chuyên mục