Khi về nhà thu dọn đồ đạc, chị Phương phát hiện chiếc điện thoại cũ của chồng trong ngăn kéo.
Anh Trần Phong (47 tuổi) và chị Lý Phương (sống ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc) đã kết hôn với nhau nhiều năm, có với nhau một cô con gái tên là Tiểu Vũ. Cuộc sống hôn nhân vô cùng viên mãn cho tới năm ngoái, trong một lần khám sức khỏe tại cộng đồng, mọi thứ đã thay đổi.
Khi đó, bác sĩ đã gọi riêng chị Lý Phương ra nói chuyện, nét mặt cả hai đều đầy căng thẳng nên anh Phong nhận ra sức khỏe của mình có điều gì đó không ổn. Trên đường về nhà, anh nói đùa với vợ: “Có phải anh bị bệnh nặng, em định đi lấy chồng khác à?” Chị lườm anh: “Toàn nói nhảm”.
Nhưng từ hôm đó, mọi đồ ăn thừa trong nhà đều được chị Phương dồn vào bát chồng. Khi anh hỏi, chị chỉ cười: “Em đang giảm cân”. Tuy nhiên, bệnh tình của anh Phong ngày càng trở nặng và phải nhập viện điều trị. Dẫu vậy, chị Phương vẫn giấu chồng về bệnh tình của anh, không cho chồng biết anh mắc ung thư gan giai đoạn cuối.
Khi chồng hỏi, chị đều nói: “Bác sĩ nói chỉ là cái u nhỏ trên gan thôi, anh đừng nghĩ linh tinh”. Khi đó, anh Phong chỉ khẽ “ừ” rồi đưa tay sờ bụng. Thế nhưng, khi anh thường đau quặn về đêm, nỗi nghi ngờ trong lòng càng lớn, anh nghĩ cái u nhỏ ấy, e là không còn nhỏ nữa.
Anh Phong đón sinh nhật trong bệnh viện.
Một buổi tối, khi vợ đi lấy nước, anh Phong gọi con gái đến bên giường, rút dưới gối ra một phong bì. Trong đó là thẻ ngân hàng và mảnh giấy nhỏ rồi dặn con: “Mật khẩu là ngày sinh của con, đừng tiêu linh tinh. Đừng nói với mẹ”. Khi đó, cô con gái 15 tuổi của anh đã không kìm được nước mắt, lắp bắp: “Bố... bố sắp...”. Nghe vậy, anh vội xua tay: “Con nói bậy gì đấy! Bố còn phải trông cháu ngoại cơ mà!”
Thế nhưng tới tháng 4, anh Phong ra đi đột ngột, bỏ lại hai mẹ con chị Phương.
Khi về nhà thu dọn đồ đạc, chị Phương phát hiện chiếc điện thoại cũ của chồng trong ngăn kéo. Mật khẩu vẫn là ngày cưới của hai người. Mở phần ghi chú, dòng đầu tiên khiến chị lặng người: “Ngày 15/3/2022, xác nhận ung thư gan giai đoạn cuối. Không dám nói với Phương, cô ấy sẽ mất ngủ mất”.
Những ghi chép tiếp theo là những điều bình dị đến nhói tim: “Tiểu Vũ hôm nay thi đứng nhất lớp, tiếc là mình không thể đi họp phụ huynh”, “Phương thích ăn mì chua cay dưới nhà, sau này không còn ai ăn cùng cô ấy nữa”, “Thẻ ngân hàng để ở ngăn thứ 3 của tủ quần áo, mật khẩu là sinh nhật Tiểu Vũ”.
Dòng cuối cùng được viết ngày 7/4, một ngày trước khi anh Phong qua đời. Nét chữ anh nguệch ngoạc: “Đau quá, muốn nói xin lỗi Phương, nhưng lại sợ cô ấy khóc”.
Lý Phương ngồi lặng trên giường, chiếc điện thoại rơi xuống đất. Thì ra anh biết tất cả. Thì ra mỗi lần nói “không sao” là khi cơn đau trong anh như dao cắt. Chị nhớ lần cuối lau người cho chồng, anh co người lại, nói “đừng chạm, ngứa” nhưng giờ nghĩ lại, có lẽ không phải anh ngứa mà là quá đau, đau không chịu nổi.
Nghĩ đến đây, người vợ úp mặt vào tay, bật khóc.
Một đêm khuya, chị nghe tiếng con khóc. Mở cửa vào, chị thấy con gái đang ôm chiếc áo khoác cũ của bố, điện thoại phát đi phát lại đoạn ghi âm: “Tiểu Vũ, học hành cho tốt, đừng hay cãi mẹ…” Chị không nói gì, lặng lẽ đóng cửa, xuống bếp nấu bát mì chua cay, thêm thật nhiều giấm, đúng vị mà chồng từng thích.
Không một lần nói “anh yêu em”, không một lời hoa mỹ. Nhưng trong từng bữa cơm, từng dòng ghi chú, từng hành động thầm lặng ấy là cả một đời yêu thương. Có những điều chưa kịp nói lúc còn sống, đến khi người mất đi rồi, lại hóa thành nỗi đau âm ỉ nhất. Giống như những dòng chữ trong chiếc điện thoại cũ, chẳng có lấy một từ “yêu”, nhưng lại cất giữ trọn vẹn một đời quan tâm, bằng tình yêu chưa từng phai.
Xem thêm: Đọc được tin nhắn của vợ và sếp, chồng lập tức mang con đi xét nghiệm ADN