Thời gian qua, cách bày tỏ tình cảm trong gia đình của một bạn gái trẻ, sinh năm 2006 được đăng tải trên mạng xã hội đã thu hút sự chú ý của dư luận. Theo đó, người bố và anh trai đã có nhiều hành động thân thiết như ôm hôn con gái, em gái. Nhiều người cho rằng, cách thể hiện tình cảm như vậy là không nên vì bạn gái trẻ này đã lớn. Trước sự việc này, báo Phụ nữ Thủ đô đã có cuộc trò chuyện với Ths tâm lý Đỗ Như Hảo - Giám đốc điều hành Học viện Thành Công.
Thưa chuyên gia, quan điểm của chị về việc cha mẹ thể hiện tình cảm với các con đã lớn như thế nào? Liệu, việc có các hành động quá thân thiết như ôm, hôn có phù hợp?
Th.s Đỗ Như Hảo: Việc thể hiện tình cảm trong gia đình, giữa cha mẹ và con cái, luôn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và duy trì mối quan hệ gia đình gắn bó, tin cậy và yêu thương. Việc ôm, hôn, nắm tay, hay những cử chỉ thân mật khác có thể giúp con cái cảm thấy an toàn, được yêu thương và ủng hộ. Tuy nhiên mỗi gia đình có cách thể hiện tình cảm khác nhau, và điều này có thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố như văn hóa, tôn giáo, và cá nhân.
Trong nhiều trường hợp, việc ôm, hôn, nắm tay giữa cha và con gái, mẹ và con trai là những hành động tự nhiên và bình thường để biểu hiện tình cảm, sự yêu thương và gắn kết gia đình. Nhưng một số người có thể cảm thấy không thoải mái hoặc cho rằng những hành động này không phù hợp do ảnh hưởng của các chuẩn mực xã hội và văn hóa.
Ở nhiều nền văn hóa, trong đó có Việt Nam, việc thể hiện tình cảm giữa cha mẹ và con cái, đặc biệt là khi con đã trưởng thành, cần có sự tế nhị và chừng mực. Hôn môi, đặc biệt là nơi công cộng, có thể được xem là hành động quá mức và thiếu phù hợp. Con cái cũng thường nhìn vào những hành động của cha/mẹ để đánh giá, lựa chọn người bạn trai/bạn gái trong tương lai. Chính vì vậy bố mẹ cần có những ranh giới nhất định để giúp con định hình được khoảng cách với người khác giới nhằm bảo vệ bản thân trong tương lai.
Bên cạnh đó, ngoài việc thể hiện tình cảm với con gái/con trai đã lớn bằng những cử chỉ phù hợp như lời nói yêu thương, sự lắng nghe, quan tâm, chia sẻ thì cha mẹ cũng cần cân nhắc rất kỹ trước khi đưa hình ảnh lên mạng xã hội. Việc chia sẻ những khoảnh khắc riêng tư lên mạng xã hội có thể khiến cộng đồng hiểu lầm về mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, dẫn đến những suy nghĩ và đánh giá sai lệch, ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh cá nhân và gia đình.
Ths tâm lý Đỗ Như Hảo - Giám đốc điều hành Học viện Thành Công.Ảnh: NVCC
Bên cạnh những ý nghĩa tốt đẹp, việc tạo ra thói quen tiếp xúc thân mật giữa cha mẹ với con đã lớn có mặt trái gì không, thưa bà?
Việc tạo ra thói quen tiếp xúc thân mật giữa cha mẹ và con cái có thể mang lại nhiều lợi ích về mặt tình cảm và tâm lý. Tuy nhiên, nếu không được thực hiện một cách đúng mực và tôn trọng, nó cũng có thể gây ra một số hệ lụy xấu. Dưới đây là một số hệ lụy mà cha mẹ cần biết để có được sự điều chỉnh phù hợp.
- Hiểu lầm về khoảng cách giới tính
Việc tiếp xúc thân mật quá mức có thể khiến trẻ hiểu sai về khoảng cách và ranh giới giữa nam và nữ, dẫn đến những hành vi không phù hợp trong các mối quan hệ khác ngoài gia đình. Nếu trẻ không được hướng dẫn về tầm quan trọng của ranh giới cá nhân, trẻ có thể gặp khó khăn trong việc thiết lập và duy trì ranh giới này trong các mối quan hệ xã hội và cá nhân sau này.
- Dậy thì sớm
Trong một số trường hợp, sự tiếp xúc thân mật có thể thúc đẩy sự phát triển tâm sinh lý sớm hơn so với lứa tuổi của trẻ. Một số nghiên cứu cho thấy việc tiếp xúc với nội tiết tố từ cha mẹ có thể kích thích dậy thì sớm ở trẻ. Điều này có thể làm trẻ trở nên tò mò và hành động theo cách không phù hợp với độ tuổi của mình, ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý và cảm xúc.
- Gây rối loạn hành vi tình dục
Trẻ em học hỏi hành vi từ những người xung quanh, bao gồm cả cha mẹ. Việc cha mẹ thường xuyên có những hành động thân mật quá mức có thể khiến trẻ nhầm lẫn về hành vi tình dục và dễ dàng bị lạm dụng tình dục.
Trẻ cũng có thể bắt chước theo hành vi của cha mẹ và có những hành vi tình dục không phù hợp với độ tuổi, từ đó dẫn đến những hậu quả đau lòng như có thai ngoài ý muốn, quan hệ với trẻ vị thành niên…
- Ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái:
Khi trẻ lớn lên, việc cha mẹ tiếp tục có những hành động thân mật quá mức có thể khiến trẻ cảm thấy khó chịu và muốn xa lánh cha mẹ. Điều này có thể dẫn đến mối quan hệ rạn nứt và gây khó khăn trong giao tiếp giữa cha mẹ và con cái.
Xã hội và bạn bè có thể có những quan điểm khác nhau về việc thể hiện tình cảm trong gia đình. Trẻ có thể cảm thấy áp lực hoặc bị kỳ thị nếu những hành động thân mật giữa cha mẹ và con cái không phù hợp với chuẩn mực của cộng đồng xung quanh.
Vậy theo chuyên gia, việc thể hiện tình cảm của cha mẹ như thế nào là phù hợp với lứa tuổi, quá trình phát triển của con?
Chúng ta có thể dễ dàng thấy rằng, khi các con còn nhỏ, lứa tuổi mầm non, mẫu giáo, thậm chí đến tuổi tiểu học con trẻ rất thích được bố mẹ ôm hôn, vì đem lại cho con cảm giác an toàn, yêu thương. Khi trẻ lớn lên, chúng bắt đầu nhận thức rõ hơn về bản thân và mong muốn được tôn trọng như những cá nhân riêng biệt. Càng lớn, trẻ càng mong muốn được tự lập và tự do khám phá thế giới xung quanh. Việc ôm ấp có thể khiến trẻ cảm thấy mất đi sự riêng tư và kiểm soát cơ thể của mình.
Ảnh minh họa
Việc thể hiện tình cảm với con cái, đặc biệt là khi con đã lớn, cần được thực hiện một cách tinh tế và phù hợp với độ tuổi, tâm lý và văn hóa của con. Dưới đây là một số lời khuyên dành cho cha mẹ.
- Tôn trọng sự riêng tư và ranh giới cá nhân
Khi con cái trưởng thành, chúng cần có không gian riêng tư và sự tôn trọng nhất định từ phía cha mẹ. Cha mẹ nên hạn chế những hành động thân mật quá mức, đặc biệt là những hành động như ôm hôn nơi công cộng. Thay vào đó, cha mẹ có thể thể hiện tình cảm qua những cử chỉ quan tâm, lời nói yêu thương, sự lắng nghe và chia sẻ.
- Giao tiếp cởi mở và tôn trọng
Cha mẹ cần có những trao đổi cởi mở và tôn trọng với con cái về cách thể hiện tình cảm phù hợp. Cha mẹ nên chú ý đến phản ứng của con cái đối với các hành động thân mật và sẵn sàng điều chỉnh khi thấy con cảm thấy không thoải mái. Việc lắng nghe và tôn trọng cảm xúc của trẻ sẽ giúp xây dựng một môi trường gia đình lành mạnh và an toàn.
- Giáo dục giới tính sớm và phù hợp
Cha mẹ nên cung cấp kiến thức về giới tính và tình dục một cách phù hợp với lứa tuổi để con hiểu rõ về ranh giới cơ thể và sự khác biệt giới tính. Điều này giúp trẻ hiểu rõ hơn về cơ thể mình, các mối quan hệ và biết cách tự bảo vệ mình.
- Lựa chọn cách thể hiện tình cảm phù hợp với độ tuổi và tâm lý của con
Với con gái: Khi con gái bước vào tuổi dậy thì, cha mẹ nên tránh những hành động thân mật quá mức, đặc biệt là những hành động liên quan đến cơ thể. Thay vào đó, cha mẹ có thể thể hiện tình cảm qua những cử chỉ quan tâm như: Vuốt tóc, ôm nhẹ, nắm tay, hoặc dành thời gian trò chuyện, tâm sự với con.
Với con trai: Khi con trai bước vào tuổi dậy thì, cha mẹ nên tôn trọng sự độc lập của con và tránh những lời nói hay hành động so sánh con với người khác. Cha nên là người khuyến khích con trai tham gia các hoạt động thể thao, rèn luyện sức khỏe, hỗ trợ con trai trong việc định hướng nghề nghiệp và phát triển bản thân; chia sẻ với con trai về những kinh nghiệm sống và truyền đạt cho con những giá trị đạo đức. Cha mẹ có thể thể hiện tình cảm qua những cử chỉ khích lệ, động viên, hoặc dành thời gian chơi thể thao, tham gia các hoạt động chung với con.
- Tạo dựng một môi trường gia đình an toàn và yêu thương
Cha mẹ nên tạo dựng một môi trường gia đình an toàn và yêu thương để con cái cảm thấy thoải mái và được tôn trọng. Con cái cần được biết rằng cha mẹ luôn yêu thương và tin tưởng chúng, bất kể điều gì xảy ra. Một môi trường gia đình tích cực sẽ giúp con phát triển một cách lành mạnh và có những mối quan hệ tốt đẹp và đúng mực với mọi người xung quanh.
- Trân trọng cảm ơn chuyên gia!