Con là “bác sĩ” chữa lành cho bố mẹ!

MAI CHI
Chia sẻ

Con cái là sợi dây kết nối cha mẹ và gia đình bền vững. Hơn thế, trong nhiều gia đình, đứa con còn giúp bố mẹ hàn gắn những mâu thuẫn, đổ vỡ để thêm hiểu và xích lại gần nhau.

Con là “bác sĩ” chữa lành cho bố mẹ! - 1

Sự nhạy cảm của trẻ nằm ngoài sức tưởng tượng của cha mẹ. Ảnh minh họa

Quyết định ly thân với chồng khi con còn quá nhỏ, chị Phương Thanh (sống tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) từng hứa sẽ làm nhiều điều tốt nhất cho con. Nhưng điều chị không ngờ đến là con trai chị thi thoảng lại hỏi những câu khiến chị nhói lòng: “Bố đi đâu rồi?”. Nén nước mắt, chị nói dối con: “Bố đi làm xa!”. Thế là thằng bé cứ nhìn ảnh bố rồi tự gọi “bố ơi, bố ơi” mãi. Cho tới một ngày, chồng chị bị tai nạn. Nhận thấy con trai rất yêu và nhớ bố, chị quyết định làm một việc mà biết chắc sẽ bị nhiều ý kiến phản đối, thắc mắc: Đón chồng về nhà để chăm sóc.

“Ngày đón bố ở viện về, con cứ lạ lẫm, ngơ ngác, vì lâu rồi chưa được gặp bố. Ấy vậy mà chỉ trong thời gian ngắn thôi, con đã biết động viên bố, chơi với bố cho bố đỡ buồn và giúp bố mẹ một vài việc lặt vặt”- chị Thanh kể.

 6 tuổi, con trai chị Thanh trở thành cầu nối “chữa lành” vết thương tình cảm cho bố mẹ. Cậu bé cùng mẹ tập vật lý trị liệu cho bố mỗi tối. “Chính nhờ có con mà bố và mẹ đã nắm tay nhau một lần nữa, bỏ qua dị nghị của mọi người, bỏ qua cái tôi của bản thân; để con lại có một gia đình đủ bố và mẹ”- chị Thanh tâm sự.

Hoàn cảnh nhà chị Mộc Trinh (chung cư Ecohome, phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm) cũng không khác nhà chị Thanh là mấy. Chồng đi làm xa, nên tình cảm vợ chồng phai nhạt dần, rồi chị biết chồng mình có người khác. Hai mẹ con ngay lập tức chuyển ra ngoài ở. Con chị Trinh, bé Trung Đức lúc ấy mới 5 tuổi cứ có cơ hội được về chơi với ông nội là lại tỉ tê với ông, bảo ông nói bố về ở với mẹ. “Cả nhà bao nhiêu người lớn không khuyên nổi chúng tôi bỏ nhau, nhưng con cứ kiên trì cùng ông nội động viên bố mẹ, thế rồi chúng tôi cũng quyết định bỏ qua cho nhau để con có một gia đình đầy đủ thật sự!”.

Theo chuyên gia giáo dục sớm Lưu Minh Hường, các bạn nhỏ luôn rất nhạy cảm và tinh ý trong mọi việc, đặc biệt là những việc liên quan đến bố mẹ mình. Đôi khi người lớn chúng ta vẫn nghĩ đơn giản rằng chỉ cần giấu không cho con biết, hoặc không cãi vã, không to tiếng trước mặt con thì con sẽ không biết gì. Nhưng thực ra các bé vẫn có thể dễ dàng nhận ra bố mẹ đang bất hòa qua những thay đổi trên ánh mắt, khuôn mặt, hành động cử chỉ của bố mẹ. Chắc chắn các con cũng sẽ buồn khi thấy những người mình yêu thương nhất không vui, lạnh nhạt với nhau, thậm chí không còn ở với nhau nữa. Sự thật là dù người bạn đời tồi tệ đến đâu, trong mắt trẻ thơ họ vẫn là những người cha, người mẹ tốt và các con luôn muốn được sống trong một gia đình hạnh phúc, đầy đủ bố và mẹ.

Bởi vậy, dù thế nào, ứng xử văn minh trong hôn nhân cũng đồng thời là cách dạy con hiệu quả về tình yêu thương, kể cả khi các con không còn được ở cùng bố hoặc mẹ. “Tình yêu thương của cha mẹ sẽ quyết định chất lượng giáo dục của gia đình. Cãi vã chỉ là vấn đề nhỏ của cha mẹ nhưng hãy nói rằng cả hai vẫn luôn yêu thương trẻ. Và quan trọng, hãy lắng nghe tiếng nói của con. Bởi rất có thể, đó là liều thuốc chữa lành cho mâu thuẫn tưởng chừng đã không còn cách cứu vãn của bố mẹ”- chị Lưu Minh Hường nói.

Chia sẻ

MAI CHI

Tin cùng chuyên mục