Chồng chúa, vợ tôi

M.Ngọc
Chia sẻ

Khuyên khệ nệ bê mâm cơm ra phòng khách. Hai tay đau nhức, mà cô còn chưa có thời gian đi khám lại. Dương không những không đỡ cho vợ, còn buông một câu lạnh lùng: “Nhanh lên, làm cái gì cũng chậm”.

Cơn ức trào lên tận cổ làm Khuyên no luôn. Nếu không vì con gái đang chờ được ăn cơm chắc Khuyên đã không ngồi lại. “Haiz...”, Khuyên còn chưa kịp xới xong cơm cho con thì lại nghe thấy tiếng chồng thở hắt ra.

- Mâm cơm trắng nhởn, nhìn chán chả muốn ăn. Giò lụa, trứng luộc lại đi với củ cải luộc. Chả hiểu em tính toán kiểu gì. Ít nhất cũng tráng lấy đĩa trứng cho tử tế.

Lúc này Khuyên không còn nhẫn nhịn được trước sự khó tính, khó nết của chồng. Trứng luộc là cô nấu theo sở thích của con gái. Còn chiều nay cô đi làm về muộn không kịp ra chợ mua đồ nọ, thức kia, tiện trong tủ lạnh có sẵn củ cải thì đem luộc. Mâm cơm có thể không đẹp mắt thật, nhưng vẫn nóng hổi, bày biện gọn gàng. Khuyên có phải ba đầu sáu tay đâu mà lúc nào cũng làm mọi việc chỉn chu theo ý muốn của chồng được.

Đến giờ, con của vợ chồng Khuyên đã lên 7. Chẳng ai nghĩ được rằng, cùng với sự lớn lên của con thì sự mệt mỏi, chán chồng trong Khuyên càng tăng dần. Bề ngoài chồng Khuyên đẹp trai, hiền lành nhưng có sống cùng mới biết, anh cực kỳ gia trưởng, chỉ thích đè nén, áp đặt người khác.

Và Khuyên chính là người phải chịu trận đầu tiên. Trong nhà, đồ đạc sắp xếp ra sao, đều phải theo quy định của Dương, Khuyên không có cơ hội thay đổi lại. Đơn cử chuyện rất nhỏ như cái mũ bảo hiểm, Khuyên thì muốn treo sau cánh cửa ra vào để mỗi lần đi đâu là nhớ đội ngay. Nhưng Dương lại bảo mũ là phải treo tít ngoài ban công cho khỏi vướng tầm mắt. Thành thử, nhiều lần, Khuyên xuống tới bãi để xe rồi mới nhớ quên mũ, lại phải lên nhà tìm. Còn Dương thì đi làm bằng ôtô, nên anh chả bao giờ bị ảnh hưởng vì việc có mũ bảo hiểm trên đầu hay không.

Ngày trước, khi Dương cần giảm cân, anh nói với Khuyên cả nhà từ nay sẽ ăn theo “khẩu phần”, mỗi người một đĩa, chia theo định lượng rõ ràng. Khuyên thấy cách ăn đấy không hợp với gia đình buổi tối, nhưng, vì chồng cô đành chiều. Mấy tháng sau, tự nhiên, cũng trong bữa ăn, Dương lại yêu cầu vợ từ mai phải ăn theo mâm. Anh nói ăn bằng khay, đĩa chẳng khác gì cơm hàng cháo chợ, không ra hình thức mâm cơm gia đình như thể chưa từng bắt vợ đổi sang ăn theo suất. Ấy là vì Dương đã không còn phải ăn theo tiêu chuẩn để kiểm soát cân nặng. Vậy là Khuyên lại phải xoay theo chồng, nếu không thì Dương sẽ mặt nặng mày nhẹ.

Chồng chúa, vợ tôi - 1

Ảnh minh họa

Dương là thế, cấm bao giờ hỏi ý kiến vợ, con một câu. Anh chỉ coi cảm xúc của mình là nhất còn vợ con có vui, buồn, ấm ức hay không thì không quan trọng. Hôm nào ở cơ quan công việc của Dương thuận lợi thì Khuyên và con còn dễ thở một chút. Ngược lại, Dương sẽ mang bộ mặt cáu kỉnh, sẵn sàng quát nạt mọi thứ về nhà và trút lên vợ con, cấm ai phản kháng.

Bước ra ngoài gia đình, Khuyên cũng đi làm. Công việc ngày cuối năm của Khuyên cũng bận không kém chồng. Vì vậy, lắm hôm lo cơm nước xong cô lại phải vào bàn làm việc tiếp. Nhưng, nếu Dương cũng có nhã ý thức muộn thì Khuyên còn được ngồi làm việc. Bằng không, anh sẽ yêu cầu Khuyên phải tắt hết đèn với ly do “không có ai làm việc ngoài giờ như thế”. Đồng nghiệp gọi điện đến cho Khuyên để trao đổi công việc, Dương liền quát to, cố tình để người ở đầu dây bên kia nghe tiếng: “Đi ngủ đi, giờ này còn gọi điện làm phiền nhau thế”. Còn Khuyên thì ngượng ngùng không để đâu cho hết vì ứng xử bất lịch sự của chồng. Ấy thế nhưng ngược lại, khi Dương cần trao đổi công việc, anh lại không cho vợ con làm ồn. Khuyên nếu có nhắc chồng đi ngủ sớm thì anh lạnh te đáp như kiểu chính Khuyên là nguyên do khiến anh phải vất vả: “Ngủ làm sao được. Ngủ sớm để mà cả nhà này treo niêu à”. Vẫn biết là thu nhập của Dương hàng tháng cao hơn Khuyên, nhưng không thể vì thế mà anh mặc định chỉ có anh mới là người quan trọng, việc của anh thì cần kíp hơn việc của Khuyên.

Cả ngày đi làm, tối thì lo việc nhà cửa, Khuyên gần như từ bỏ mọi thú vui của bản thân. Cô chỉ có duy nhất một tiếng buổi sáng, cùng mấy chị em trong khu nhà xuống sân tập erobic. Khuyên tính, lúc đó chồng con đều đang ngủ nên sẽ không ảnh hưởng tới ai. Nhưng, Dương lại không thích vợ giao lưu như vậy. Anh còn cho rằng chỉ có mấy bà mấy mẹ rửng mỡ mới đem nhau ra nhảy nhót trước mặt bàn dân thiên hạ. Dương chẳng cần nể nang gì, còn nhắn tin lên nhóm khu tập thể yêu cầu chị em dừng tập thể dục khiến Khuyên muối mặt. Nếu Khuyên chọn tập thể dục trong phòng tập vào buổi chiều, thì Dương lại không chịu về sớm giúp cô làm việc nhà. Đã có lần Khuyên thử đi tập về muộn thì Dương rền rĩ, đay nghiến cô. Tóm lại, lúc nào Dương cũng chỉ muốn Khuyên là người của gia đình, chỉ được ở trong nhà và ngoan ngoãn nghe theo sắp đặt của Dương. Bao năm qua, hễ Khuyên mở lời nói với chồng về việc mình nhận được lời mời họp lớp, tụ tập bạn bè, Dương đều khó chịu bảo Khuyên không đi. Trong khi đó, Dương có đủ các hội nhóm, nào tennis, bóng bàn, bóng đá... mỗi lần đi với bạn là Dương có thể đi cả ngày rồi về nhà say mèm. Hễ Khuyên góp ý thì Dương lại trừng mắt bảo: “Đàn ông thì được quyền vậy, đàn bà biết gì mà can thiệp vào”. Rồi: “Anh đi gặp ai là đều có mục đích, không như ai đó đi tám chuyện vô bổ, vớ vẩn. Tốt nhất em yên lặng mà lo cho gia đình này”.

Chồng chúa, vợ tôi - 2

Ảnh minh họa

Cho đến cái lần Dương sỗ sàng hạnh họe cơm vợ nấu, Khuyên đã không còn chịu đựng thêm được nữa. Cô gọi điện về cho mẹ, tâm sự. Nhưng không ngờ, mẹ cô lại bảo: “Đàn ông ai mà chẳng gia trưởng vậy. Con găng lên làm gì, thôi thì chín bỏ làm mười. Chuyện to hóa bé, chuyện bé hóa không có gì. Con phải giữ gia đình cho con con nữa”.

Trong mắt mẹ Khuyên, lý do mà cô muốn chia tay chồng thật là vớ vẩn. Phải khi nào Dương bạo hành, bỏ bê vợ con, bồ bịch bên ngoài thì mới là người chồng hỏng. Còn lại thì đều có thể cho qua được hết.

Khuyên lại nghĩ khác. Chính vì cô lâu nay cứ nghĩ nín nhịn để giữ gia đình mà Dương đã tự cho mình quyền áp chế vợ con. Chưa bao giờ, dù là việc lớn, việc nhỏ trong nhà anh bàn với vợ. Khuyên chỉ được biết khi anh đã giải quyết xong. Anh luôn cho rằng, vị trí của vợ mình chỉ là ở trong bếp. Vì thế, Dương có thể nói gì vợ cũng được, kể cả có trút bực tức lên vợ cũng chẳng sao.

Nhưng, từ giờ, Khuyên sẽ không để mọi việc tiếp tục như vậy nữa. Cô không muốn con gái nhìn vào cuộc hôn nhân của bố mẹ, rồi sẽ lại nghĩ đàn ông mới có quyền hành trong gia đình.

Vì thế, Khuyên đã viết hết suy nghĩ ra một lá thư, để lại trên bàn cho Dương rồi dắt con về nhà mẹ đẻ. Cô vốn là con gái ngoan, ít cãi lại lời mẹ nhưng lần này, cô quyết định xin mẹ cho cô được làm theo những gì cô cho là đúng. Trong thư, cô nhắn với chồng: Nếu anh không thay đổi, không tôn trọng em thì có lẽ, em sẽ không quay lại nữa. Vợ chồng sống với nhau cần có sự bình đẳng chứ không phải là “chồng chúa, vợ tôi”.

Chia sẻ

M.Ngọc

Tin cùng chuyên mục

Mẹ chồng từng ghét tôi ra mặt, sau trận ốm thập tử nhất sinh, bà khiến cả nhà phải ngỡ ngàng

Mẹ chồng từng ghét tôi ra mặt, sau trận ốm thập tử nhất sinh, bà khiến cả nhà phải ngỡ ngàng

Ngày bước chân về nhà chồng, tôi đã chuẩn bị tinh thần cho một cuộc sống không dễ dàng. Quả đúng như vậy, mẹ chồng đối xử với tôi lạnh nhạt ra mặt. Bà chẳng bao giờ trò chuyện hay chỉ bảo điều gì. Những bữa cơm gia đình, bà nói chuyện với chồng tôi, còn tôi như một cái bóng.

Làm cha mẹ “COOL” trong mắt con

Làm cha mẹ “COOL” trong mắt con

Có bao giờ bạn ước mình sẽ là người mà con luôn tự hào và vui vẻ khoe với bạn bè về bạn không? Một người bố, người mẹ mà con đi đâu cũng nói: “Bố tớ, mẹ tớ tuyệt vời”. Chắc hẳn ai cũng mong điều đó, nhưng để trở thành một phụ huynh "cool" trong mắt con có khó không? Câu trả lời là nó không khó như bạn nghĩ đâu!

“Cưa” lại vợ mình

“Cưa” lại vợ mình

Vân hiểu rõ quyết định kết hôn của Hoàng không bắt nguồn từ tình yêu, nhưng cô đã chấp nhận lựa chọn này. Bởi lẽ trong thâm tâm, Vân tin rằng Hoàng là người đàn ông tốt, hơn nữa, anh xuất thân từ một gia đình nền nếp gia phong.

Tấm gương của con

Tấm gương của con

Hôm đó cô giáo nhắn tin cho tôi thông báo con trai sử dụng tài liệu trong khi làm bài kiểm tra 15 phút. Do là lần đầu con mắc lỗi nên cô tha thứ nhưng cô muốn tôi nhắc nhở, phân tích thêm để con hiểu về sai phạm của mình.