Khi một mối tình phải trải qua nhiều thử thách, trắc trở, thậm chí biết trước có thể sẽ thất bại, chia xa, thì mỗi giây phút trong cuộc tình đó, người trong cuộc đều rất nâng niu, trân trọng, để không bỏ lỡ khoảnh khắc nào cùng nhau. Với họ, hạnh phúc là hành trình được bên nhau, nghĩ về nhau, lo cho nhau, kể cả khi ở cách xa nhau ngàn vạn cây số…
Dành hết thanh xuân để chờ nhau…
Trần Thị Chinh (28 tuổi, giảng viên giao tiếp tiếng Nhật tại Hà Nội) và chồng học cùng nhau từ lớp 9 cho tới hết cấp 3. Nhưng nếu quay lại khoảng thời gian mười mấy năm về trước ấy, Chinh không hề nghĩ tới việc hai người sẽ yêu nhau, mà còn là yêu xa, chờ nhau tới gần chục năm, rồi lấy nhau và có tổ ấm như bây giờ…
“Hồi ấy chồng mình chẳng khác gì khúc gỗ, vì lúc nào cũng lạnh lùng và cục mịch, chẳng bao giờ nói những điều hay, lãng mạn”, Chinh nhớ lại. Ký ức thời đi học của đôi bạn đơn giản là những tiếng buzz gọi nhau trên yahoo để hỏi bài, hỏi về trường lớp. “Mình và anh những ngày đầu tiên ấy tranh cãi đủ điều, ganh đua nhau học tập, ganh cả từng điểm số để thi đầu vào trường phổ thông. Anh luôn giỏi giang nhưng lạnh lùng, ít nói và có sự kênh kiệu, kiêu hãnh phát ghét. Sau đó lên lớp 11, vì sự gắn bó ấy mà chúng mình cứ mơ hồ giữa tình bạn và trên tình bạn một chút, vẫn gọi nhau là tớ bạn, cùng học tập, cùng cố gắng về điểm số và kết quả học tập, thi cử, cùng vẽ lên một tương lai sẽ lên đại học và cố gắng cùng nhau”, Chinh kể.
Nhịp sống ấy chệch đi một chút khi Chinh qua Nhật Bản học tiếp. Những dự định sẽ học gần nhau, sẽ tiếp tục cố gắng bên nhau bỗng chốc nhạt nhòa dần trong tâm trí cả hai... Từ lúc ấy, họ tạm ngừng lời hứa hẹn và cũng chẳng có một sự ràng buộc nào. Chinh nhớ lúc ấy, Huy (chồng cô bây giờ) chẳng phản đối cũng chẳng đồng tình mà chỉ lặng im và nói cô cứ đi theo quyết định của mình. Chinh dần hiểu, tình yêu tuổi học trò chỉ có sự trong sáng, thanh thuần chứ không đủ niềm tin và lý trí.
Vợ chồng chị Chinh trong một chuyến cắm trại cuối năm vừa qua
Xa nhau tới hàng ngàn km, cả hai vẫn cố gắng dành cho nhau những cuộc gọi qua mạng hay những dòng tin nhắn vội, kể về những câu chuyện thường ngày. “Mình qua Nhật vừa học vừa làm, bận rộn vất vả, có những ca làm thêm vào ban đêm chỉ tranh thủ những phút giải lao để gọi về. Nhưng dù có bận rộn thế nào chỉ cần mở máy ra thấy những dòng tin anh gửi, mình cũng cảm thấy vui và có thêm động lực, nhất là cảm giác trước khi ngủ anh đều nhắn tin báo và dặn mình làm khuya mệt nhớ ăn uống đầy đủ. Chính những sự động viên ấy đã giúp Chinh tự nhủ rằng, anh chính là bến bờ mà mình thuộc về”.
Yêu xa cực kỳ nhiều thử thách. Chinh rất sợ Huy quen người khác, nhưng cũng chẳng thể nào ràng buộc anh vì họ chẳng hứa hẹn gì với nhau cả. Gần 4 năm yêu xa, khoảng thời gian không dài không ngắn ấy dường như đã đủ để thử thách cả hai. Không hứa hẹn những lời ngọt ngào, bay bổng nhưng khi cô trở về, họ vẫn có nhau, luôn có bạn bè, thầy cô dõi theo gửi những lời chúc, động viên cả hai cùng cố gắng.
Rồi chính Huy là người động viên Chinh… đi tiếp, trở lại Nhật hoàn thành nốt việc học của mình. “Chỉ nghĩ tới việc tốt nghiệp rồi mà quay lại ôn thi tiếp thì thật là gian nan, ấy vậy mà mình vẫn làm được, cũng chính là nhờ những động viên từ anh. Dần dần mình càng hiểu, chúng mình không chỉ là bạn, là người yêu đơn thuần mà như là tri kỷ của nhau, bên nhau theo cách rất đơn thuần, không cầu kì, không vụ lợi, chỉ cần trong lòng thực sự có nhau”, Chinh chia sẻ. Chục năm yêu nhau trong xa nhớ, bây giờ cả hai trở thành vợ chồng, được bố mẹ hai bên yêu thương và có một gia đình nhỏ hạnh phúc. “Từng ấy năm quen nhau, có lẽ thương mình thiệt thòi khi phải yêu xa nên anh chưa bao giờ to tiếng hay cãi vã qua lại với mình, cả hai không hay đổ lỗi cho nhau mà đều tự biết mình sai và tự sửa đổi, miễn là vẫn còn thẳng thắn và chia sẻ thật lòng mọi suy nghĩ với nhau”, Chinh xúc động.
Rẽ ngang để… đi cùng nhau
“Mình và chồng quen nhau bởi tình yêu với nhiếp ảnh. Đúng là mối duyên kỳ lạ. Hai đứa cách nhau gần hết chiều dài đất nước. Mình ở Hà Nội, còn chồng thì ở TP Hồ Chí Minh. Hồi ấy mình cũng chẳng bao giờ nghĩ mình lấy chồng xa như thế”, chị Minh Châu (sống tại Hà Nội) kể.
Hai vợ chồng chị chơi chung với một nhóm bạn thân, chỉ chat và nói chuyện với nhau qua mạng, nhưng rồi dần dần mến nhau. “Mình thích cách nói chuyện hài hước và thông minh của chồng nên trong lòng có cảm mến. Nhưng khi chồng nói chồng thích mình, mình nói thẳng: Mình cũng mến chồng nhưng chúng mình ở xa quá, chỉ nên làm bạn thôi. Thế rồi cứ nhiều lần từ chối và ngừng nói chuyện với nhau nhưng không đi đến hồi kết, cả hai đứa đều không thắng được đoạn tình cảm trong lòng. Chồng mình nói: Xa rồi sẽ có cách”, chị Châu nhớ lại.
Vợ chồng chị Châu chụp tại Hồ Gươm, Hà Nội.
Và rồi chồng chị đã thể hiện quyết tâm thật. Hồi ấy, chồng chị Châu mới đi làm nhưng cứ đợt nào rảnh là anh bay ra thăm chị. Nhưng yêu là một chuyện, cưới lại là vấn đề khác, vì họ vẫn dùng dằng, phân vân chuyện ở đâu. “Mình thì chẳng bao giờ nghĩ rằng mình đi xa khỏi Hà Nội. Còn chồng thì không muốn ra Hà Nội vì sợ không phù hợp văn hóa. Rồi ở TP Hồ Chí Minh anh đang có sẵn hệ thống, mạng lưới cho công việc đã xây dựng suốt từ thời gian đi học đại học. Suy nghĩ rất nhiều, mình quyết định cưới và theo chồng vào Nam”, chị Châu kể.
Từ đó, hai gia đình xa xôi, không hề quen biết nhau trở thành thông gia. Lễ dạm ngõ - hai bên gia đình lần đầu tiên gặp nhau cũng có kỷ niệm đáng nhớ. Để rút gọn lại thủ tục cho hai bên gia đình đỡ phải đi lại, tuy gọi là lễ dạm ngõ nhưng lại mang tinh thần tương đương với lễ ăn hỏi. Nhà chị Châu đã lên lịch đặt cỗ mời họ hàng để tiếp đón gia đình nhà trai hết rồi, thì đùng cái có ca Covid-19 đầu tiên ở Hà Nội, các tuyến phố bị phong tỏa. Bố mẹ chồng chị ở xa, lại có bệnh nền nên cũng sợ, bàn với hai vợ chồng có thể hoãn lại không? “Nhưng chồng mình quyết tâm nói bố mẹ không ra thì một mình con cũng ra. Thế là mẹ chồng, anh trai chồng và chồng đã cùng ra để hỏi vợ cho chồng. May mà anh quyết tâm nên dăm lần bảy lượt mới lấy được vợ đó”, chị Châu nhớ lại, giọng đầy tự hào.
Rồi họ bước vào cuộc sống hôn nhân, vừa hạnh phúc có vì được ở cùng nhau và cũng vừa cùng nhau giải quyết đủ thứ mâu thuẫn.
Bằng cách nào ư? Chị Châu trả lời, đó là chia sẻ, có chuyện gì đều nói cho nhau nghe. Nói cho nhau nghe về những suy nghĩ, cảm xúc của nhau. Nói cho nhau nghe một ngày mệt nhọc có gì. Có những lúc khó chịu, bực tức, không kiểm soát được, lời nói khó nghe cũng thốt ra, thì lúc ấy nên dành cho nhau những khoảng im lặng để bình ổn lại cảm xúc. Mà bình ổn rồi thì nói hết cho nhau nghe tại sao lại như vậy, cần an ủi thì an ủi, cần xin lỗi thì xin lỗi đừng có chiến tranh lạnh. Bởi vì nếu đã đủ hiểu nhau rồi, thì biết rằng ai cũng có những cảm xúc nhất thời cần bộc lộ. Cuộc đời ai cũng có những nỗi khổ niềm đau, chọn đi cùng nhau rồi thì hãy chia sẻ. Cũng chính vì thói quen luôn chia sẻ nên những hiểu nhầm, những phần xấu xí tiêu cực trong mỗi người đều dần dần được bớt đi.