Khi những ông chồng làm... vợ

Nhà văn Hoàng Anh Tú
Chia sẻ

Điều gì sẽ xảy ra khi một người đàn ông chọn việc đưa đón con đi học, đưa đón vợ đi làm, hết việc vội vã trở về lo cơm cơm nước nước? Một người đàn ông cắm rễ trong bếp ngày này qua năm nọ sẽ bị coi là gì?

KHI NHỮNG ÔNG CHỒNG MANG GIỚI TÍNH… VỢ

Tôi có 5 ông bạn mang “giới tính vợ”. Một ông thì đang có cuộc hôn nhân viên mãn, một ông thì bị vợ… bỏ, ba ông còn lại thì đang vô cùng hoang mang.

Đầu tiên, phải nói về cái ông bị vợ… bỏ, tạm gọi là anh A. Tôi hỏi 5 bà vợ của 5 ông thì 4/5 đều nói: Chồng kiểu đó đáng bỏ! Bởi những lý do: Đàn ông gì mà đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành. Lần nào đi với anh A là mắc mệt vì anh ấy hết chê rau này chưa tươi, thịt kia bị tiêm tăng trọng không nên ăn, tại sao mua nho mà không mua táo, táo rẻ hơn nho mà lại tốt cho sức khoẻ. Của đáng tội cậu bạn tên A của tôi đúng là mắc mệt thật. Đúng kiểu bà nội trợ. Chỉ có một bà vợ trong số 5 bà vợ khen: Anh A cũng tốt mà, 3 đứa con một tay anh lo có đứa nào ốm sốt gì đâu? Anh ấy hơi hà tiện nhưng đổi lại là anh A cũng mua được mấy miếng đất ngoại thành đó thôi. Các bà vợ còn lại nhao nhao lên: Mấy miếng đất đầu thừa đuôi thẹo trên phố cũng chả ai mua mà về tận quê cách 50km mua thì rõ là lỗ hà ra lỗ hổng, phí tiền. 3 đứa con trộm vía mạnh khoẻ chứ chẳng phải do anh ta khéo chăm. Tôi hỏi trực tiếp vợ anh A: Vì sao chị bỏ anh ấy? Chị đáp: Hai vợ chồng không còn cùng tầng bay nữa. Nói chuyện với anh ấy phát bực vì tư duy manh mún, đã thế còn hay quát tháo vợ con bừa bộn.

Rồi, giờ đến anh B, cái anh mang giới tính vợ nhưng đang có hôn nhân viên mãn. Vợ anh B cũng chính là cái cô đã khen anh A. Tôi hỏi cô: Sao chồng chị cũng như anh A mà chị lại không bỏ chồng như vợ anh A? Chị cười mà đôi mắt cứ lấp la lấp lánh: Bởi nếu không có anh xã nhà chị thì chị đâu có hôm nay? Anh ấy đỡ đần chị, là hậu phương vững chắc của chị. Thú thực với Tú, chị nấu ăn dở tệ, các con chả đứa nào nuốt nổi. Mấy lần anh xã nhà chị ốm, tụi trẻ con đứa nào cũng mếu máo khi phải ăn đồ chị nấu, thậm chí mua đồ bên ngoài bọn nó cũng chê. Chỉ thích cơm bố nấu. Bởi anh xã hiểu được khẩu vị của từng đứa. Tôi lại cắc cớ hỏi: Ở vị trí của chị, đi cùng chồng 100% nội trợ, chị không… xấu hổ sao? Chị phá lên cười: Sao phải xấu hổ? Chồng mình mà! Chị thấy anh ấy quá đẹp trai, tận tâm với chị, chu đáo từng chiếc áo dài chị mặc được là phẳng phiu mỗi sáng. Mỗi khi chị stress vì công việc lại có anh ôm chị vào lòng, massage cho chị, rủ rỉ cùng chị. Có được người chồng như vậy chị tu bao kiếp mới có đấy! (Tôi nói khẽ với bạn đọc rằng chồng chị chả đẹp trai đâu, trái lại, cực xấu - nhưng anh đúng là người đàn ông chu đáo, tận tâm vô cùng). Tôi quay qua hỏi 4 bà vợ còn lại thì 3,5 bà xuýt xoa: Anh B đúng chuẩn chồng soái ca rồi. Lần nào cả đám tụ tập đều mê đồ ăn anh B nấu. Dù gì trước đây anh í cũng là giáo viên trường dạy nấu ăn, bếp trưởng của nhiều khách sạn cho đến khi vợ lên chức, anh xin nghỉ việc để lui về làm hậu phương cho “bà chủ tịch”. Sở dĩ tôi nói 3,5 bà vợ là bởi 1 bà vợ khen nhưng vẫn chê nhỏ vào tai tôi: Người như chị B (vợ anh B) lấy chồng đầu bếp nó phí cả chị B ra. Chị B không thấy vấn đề chứ nhân viên chị B nhiều người coi thường chồng sếp lắm.

Khi những ông chồng làm... vợ - 1

Ảnh minh họa

LÀM CHỒNG XÓ BẾP

Là 3 cái ông đang hoang mang kia tự trào nói vậy: Chúng tôi là những ông chồng xó bếp.

Tại sao? Tại sao khi mà nhiều phụ nữ cáng đáng chuyện lẽ ra dành cho đàn ông thì được khen ngợi là mạnh mẽ trong khi có anh chồng nào đổi phận làm vợ thì lại bị bĩu môi? Tại sao? Tại sao đàn ông mà làm việc giống… phụ nữ thì lại bị coi thường? Chả có nhẽ công việc những người vợ vẫn làm đều là thứ công việc… thấp cấp, hèn kém cái đàn ông ra?

Tôi đã gặp nhiều người đàn ông như thế! Họ vốn chẳng giỏi giang gì ngoài việc biết nấu những bữa cơm rất ngon, biết chăm sóc con khéo hơn cả phụ nữ, thích đi chợ mua đồ dù chưa chắc đã biết mặc cả. Vì họ chẳng mấy giỏi giang nên đi làm công hay bị sếp mắng, ra kinh doanh thì thua lỗ. Chứ không lẽ lại bơm xe hay làm cửu vạn? Nên họ chỉ còn cách làm việc nhà chăm chỉ, nấu những bữa cơm tươm tất cho vợ con, đưa đón con đi học, học cùng con, chơi cùng con.

Vậy thì sao? Sao ai cũng cho rằng họ là thứ đàn ông hèn? Sao ai cũng coi thường họ? Sao ai cũng ném cho họ những lời miệt thị, rẻ rúng? Thế nên nhiều người đàn ông kiểu đó ngày càng khép kín. Nỗi sợ khiến họ dần tránh mặt bạn bè hoặc tiêu cực hơn, họ trở thành những kẻ chém gió tơi bời ngoài quán nhậu, cố tỏ ra họ giống những gã đàn ông bất tài nhưng sĩ diện ngoài kia.

Bao nhiêu người đàn ông như thế? Nhẽ ra họ có thể trở thành ông chồng nội trợ nhưng xã hội hà khắc, miệng lưỡi người đời khiến họ không dám nhận vai trò làm vợ mà cứ phải gồng mình lên làm đàn ông.

Khi một phụ nữ tài năng thực sự, thích thú chuyện kinh doanh, lăn lộn thương trường, nếu họ gặp một người đàn ông giúp họ giữ mái ấm vậy chẳng phải là tốt lắm sao? Nhưng bao nhiêu người phụ nữ như thế có được một tấm chồng chịu làm nội trợ thay vợ? Là bởi những định kiến hẹp hòi của thiên hạ nên đàn ông chịu xuống bếp thay vợ ngày một hiếm hoi đi.

Chúng ta cứ kêu gọi bình quyền nhưng chính chúng ta lại gán cho việc một người đàn ông làm vợ để vợ làm chồng là chuyện bất bình thường. Thật bất công nếu như đàn ông xuống bếp giúp vợ đôi ba phen, đôi ba việc thì được tôn vinh thành soái ca trong khi đàn ông chọn trọn vẹn với bếp để giữ mái ấm gia đình khi vợ bận chinh chiến ngoài kia thì bị coi rẻ rúng.

Khi những ông chồng làm... vợ - 2

Ảnh minh họa

LÀM ĐÀN ÔNG KHÔNG SUNG SƯỚNG?

Nhiều chị em luôn có câu cửa miệng: Làm phụ nữ khổ thật. Kiếp sau xin làm đàn ông. Thôi, trước khi quyết định kiếp sau có làm đàn ông không thì hãy nhìn xem đàn ông kiếp này có sướng không cái đã!

Làm đàn ông đôi khi thật khó! Bé thì không được khóc vì “đàn ông đàn ang sao lại khóc nhè”. Thích chơi búp bê dù kể cả coi búp bê như nhân viên và mình là giám đốc thì cũng bị thay bằng chiếc ôtô, siêu nhân (mà phải là siêu nhân nam nhé). Lớn hơn chút nữa có bạn gái thì phải lo bao bạn gái vì đàn ông galant không bao giờ để phụ nữ trả tiền. Lấy vợ vào rồi thì phải lo làm trụ cột gia đình. Kiếm được tiền mà ít hơn vợ là coi như xong. Mà kiếm được tiền thì cũng phải giữ nguyên sự lãng mạn như trước khi cưới, vẫn phải biết làm việc nhà. Bằng không thì thế nào cũng bị vợ ca bài “chồng nhà người ta”. Nên nhiều người đàn ông từ bé bị bắt nhường phụ nữ nhiều thành ra sợ phụ nữ. Nên nhiều người đàn ông chọn trốn việc nhà vì sợ về đến nhà nghe vợ cằn nhằn. Nên nhiều đàn ông không kiếm được tiền nhiều hơn vợ thì sinh ra bất mãn bởi miệng lưỡi thị phi ngoài kia.

Bình quyền làm ơn hãy bắt đầu từ việc phân công việc nhà. Ai làm được cái gì và làm tốt cái gì thì người đó nhận. Chứ đừng phân giới tính trong công việc. Đàn ông không kiếm được tiền nhiều hơn vợ thì anh ta sẽ lo việc nhà cửa thay vợ, đừng lên án. Vì vợ chồng họ như thế là bình quyền hơn nhà bạn rồi. Vậy thôi!

Cuối cùng, sĩ diện nào thì cũng chỉ là nhãn mác phù phiếm thôi, nếu anh yêu vợ, muốn hạnh phúc gia đình bền lâu, hãy cứ làm người đàn ông nội trợ. Thứ chúng ta nắm giữ được trên tay há chẳng phải là sự mãn nguyện của vợ, niềm hạnh phúc của con đó sao? Sao cứ sống theo miệng lưỡi người đời ngoài kia?

Chia sẻ

Nhà văn Hoàng Anh Tú

Tin cùng chuyên mục

Họa từ “trai thương vợ cũ, gái nhớ chồng xưa”...

Họa từ “trai thương vợ cũ, gái nhớ chồng xưa”...

Có những cặp vợ chồng sau khi đổ vỡ mãi mãi không còn muốn nhìn mặt nhau. Nhưng cũng có những cặp đôi dù hôn nhân đã kết thúc vẫn mang hoài niệm về quãng thời gian xưa cũ trong cuộc hành trình mới của mình. Để rồi một lúc nào đó, sự yếu mềm lại dẫn họ về cõi "trai thương vợ cũ, gái nhớ chồng xưa" và vô tình kéo theo nhiều hệ luỵ sau đó...

Tô màu lại hôn nhân

Tô màu lại hôn nhân

Trong một không khí mới mẻ và rực rỡ của một năm mới đang đến gần, nhìn lại hôn nhân của mình nếu bạn thấy nó đang nhạt màu thì hãy cùng tôi tô lại màu cho hôn nhân.

Bước qua “dông bão”, đi về phía mặt trời

Bước qua “dông bão”, đi về phía mặt trời

Những cú sốc tâm lý, những tổn thương sâu sắc trong tâm hồn, mất niềm tin vào cuộc sống… tưởng chừng như khiến họ gục ngã. Nhưng rồi, bằng nghị lực, với sự giúp đỡ của những người xung quanh, họ tự chữa lành nỗi đau của mình, vượt lên để có cuộc sống tốt hơn, đón nhận hạnh phúc mới.

Biên tập lại cuộc đời

Biên tập lại cuộc đời

Bởi những năm tháng đã đi qua, bởi những mối quan hệ đã chẳng còn đủ ấm, bởi những cơm áo gạo tiền và những cuộc chạy đua với deadline hay những ước mơ đã bị biến dạng… Bởi bạn là phụ nữ hiểu biết và bạn cần phải sống gọn lại để có thể đi xa hơn, làm được nhiều hơn những gì mà bạn đang theo đuổi…

Vợ không hoàn hảo

Vợ không hoàn hảo

Tôi là con trai trưởng, dưới còn có 2 em gái. Tôi đã từng kỳ vọng sẽ lấy được một cô vợ đảm đang “hết phần thiên hạ”, sẽ thay tôi lo việc đối nội của gia đình (đối ngoại thì tôi đảm nhiệm).

Hôn nhân mai mối

Hôn nhân mai mối

Chưa từng nhận được những lời ngọt ngào, yêu thương và lãng mạn từ chồng, khiến Hương cảm thấy cô đơn trong chính ngôi nhà của mình.

Thật thà trong hôn nhân

Thật thà trong hôn nhân

Chúng ta ai cũng muốn cưới một người chồng trung thực, một người vợ thật thà. Nhưng rồi nhiều khi sự trung thực ấy thành… trúng thực, sự thật thà thành trái đắng lúc nào không hay.

Cháu bà nội, tội bà ngoại...

Cháu bà nội, tội bà ngoại...

Các cụ xưa có câu: “Cháu bà nội, tội bà ngoại” và nhiều người nay nhìn nhận nó như một sự tiêu cực. Rằng cháu thì của bà nội nhưng tội vạ đâu đều do bà ngoại mà ra. Có thực là vậy không?