Ghen trong hôn nhân: “Nêm” sao cho vừa?

Mai Chi
Chia sẻ

Ghen là gia vị của tình yêu, nhưng nếu gia vị này được “nêm” không vừa vặn, có thể khiến hôn nhân không còn ấm êm.

Biết ghen quá là khổ, mà không thoát ra được!

Hai vợ chồng chị Như (32 tuổi, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) mới kết hôn được 3 năm và đã có 1 con. Chồng chị làm chuyên viên quan hệ khách hàng của một hãng xe ôtô, giờ giấc thoải mái, tính chất công việc cần giao lưu nhiều. Theo lời chị Như, trước đây, chồng chị rất hay quản lý vợ, do công việc của chị khi đó đi lại nhiều và cũng tiếp xúc nhiều. “Đi đâu, làm gì ngoài giờ hành chính là mình phải báo cáo anh rất chi tiết. Đó là chưa kể anh còn cài sẵn định vị trong điện thoại nữa. Những sự đầu tư của mình vào váy áo, mỹ phẩm thường không nhận được ủng hộ từ anh cho lắm, thay vào đó là dò xét thì đúng hơn”, chị kể. Tuy nhiên, sau khi sinh con đầu lòng, chị Như cũng chuyển công tác, công việc không còn phải tiếp xúc nhiều nữa. Ngược lại, công việc của chồng chị tốt lên, gặp gỡ nhiều hơn, anh được lên chức và những “mối tơ vò” không tên cũng từ đây mà ra.

“Chồng mình quen một chị hơn khoảng chục tuổi, nhưng chị này có cách nói chuyện trẻ trung nên rất hợp với chồng mình. Trước đây thì chưa thân nhiều, nhưng kể từ khi mình nghỉ sinh thì họ nói chuyện với nhau nhiều hơn hẳn, do công ty 2 người cũng ở cạnh nhau nữa. 1 tuần 7 ngày thì mình biết được 4 -5 ngày gặp nhau không ăn sáng thì ăn trưa, không ăn trưa thì ăn chiều. Tóm lại mình thấy chồng rất chiều bà chị này. Mình cũng chưa khẳng định được anh và chị ta là bồ bịch gì nhưng thấy quá khó chịu trước kiểu thân thiết này. Trước đây, anh cũng hay kể cho mình nghe về chị ấy, nhưng kể từ khi mình nhắc nhở chồng đừng thân quá mức thì chồng không còn nhắc gì đến chị ấy nữa”.

Dẫu vậy, chị Như cảm thấy hình như sau khi sinh con, công việc cũng bớt phải đi lại nhiều thì cảm giác ghen tuông với chồng càng ngày càng dâng lên cao. Chị nhớ, trước đây chị đi làm thì bị chồng định vị, nhưng bây giờ, chị cũng muốn kiểm soát chồng theo cách ấy thì chồng chị gạt đi và tắt định vị luôn. “Có chuyện gì anh cũng chỉ kể qua loa. Mình thấy rất rối trí, không làm sao tập trung làm được việc gì vì cứ cảm giác chồng đang giấu giếm chuyện gì đó. Mình cũng đã thử mặc kệ nhưng trong lòng lấn cấn vô cùng, nhưng cứ nghĩ về chồng xem anh đang đi đâu, làm gì thì mệt mỏi quá”, chị Như tâm sự.

Ghen trong hôn nhân: “Nêm” sao cho vừa? - 1

Ảnh minh họa

Hai vợ chồng chị Kim Oanh (phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm) quen biết nhau từ ngày còn đi học, lại gần nhà nhau. Trước khi lấy nhau, chồng chị Oanh từng thích và tán tỉnh một người bạn khác của chị. Sau này, tình cảm đó không đi đến hồi kết, rồi anh và chị nên duyên thành vợ chồng. Một thời gian, người bạn kia đi lấy chồng, có gửi thiệp mời đám cưới đến vợ chồng chị. Nhưng chưa cần biết có đi hay không, chị đã vội bóng gió chồng: “Anh thích đi quá nhỉ!”. Chồng nói chị đa nghi, anh chỉ là muốn nhân dịp gặp lại bạn bè xưa thôi, thì chị từ đá xéo chuyển sang… đá thúng đụng nia.

Cho đến giờ, dù đã gần hai mươi năm lấy nhau, nhưng câu chuyện về người bạn cũ kia vẫn là đề tài “nóng” giữa hai vợ chồng mỗi lần giận dỗi. Chị thường đào lại chuyện xưa để chứng minh rằng, vì anh còn chưa quên người cũ nên mới không đồng thuận với vợ. “Anh nói tôi làm mất tình cảm vợ chồng quá nhiều, cách sống của tôi cũng làm mất tình cảm anh em trong nhà, khiến cuộc sống gia đình lộn xộn. Rất nhiều lần anh cũng xuống nước, nói tôi sống thoáng lên một chút, bớt nghĩ ngợi, anh chỉ có tôi và các con thôi. Nhưng như một thói quen rồi, tôi rất khó rũ được chuyện xưa ra khỏi tâm trí. Thành thử, lúc cả hai cãi nhau, anh nói sống với tôi quá mệt mỏi, muốn cả hai giải thoát để tìm lấy bình yên…”.

Người ngoài thường nhận xét vợ chồng chị Hải (34 tuổi, ở quận Cầu Giấy) giống như một đôi đũa lệch. Chị cao ráo, trắng trẻo, còn chồng chị thì thấp tròn và nước da thì rất đen. Chồng chị là dân công trình, lúc thì làm gần nhà, nhưng cũng có khi xa nhà hàng tháng trời. “Công bằng mà nói, anh ấy cũng là người hiền lành, thương vợ thương con, chịu khó làm ăn tiết kiệm tích lũy cho gia đình. Làm xa nhà nhưng anh ấy ăn tiêu có chừng có mực, hàng tháng đều tích cóp về cho tôi nuôi con. Tuy nhiên, anh ấy lại có điểm yếu lớn, đó là thường xuyên ghen tuông, suy diễn”, chị kể.

Theo chị Hải, chị đi công tác với cơ quan hay đi chơi với bạn bè, anh thường gọi hàng mấy chục cuộc điện thoại hỏi cặn kẽ chị ở đâu, làm gì, với ai? Rồi anh còn vào tin nhắn điện thoại, vào facebook của chị để đọc trộm. Sau đó có điều gì không vừa tai, vừa mắt là đay nghiến. “Thời gian gần đây, công việc, đi làm về đến nhà lại chăm sóc, dạy dỗ 2 đứa con học hành khiến tôi vô cùng mệt mỏi. Thế nhưng cứ vài ngày anh lại suy diễn, móc máy là tôi đi chơi với bạn bè vui vẻ hơn chồng”, chị Hải mệt mỏi chia sẻ. Chính vì thế mà bây giờ, hai vợ chồng họ gần như không bao giờ có những câu chuyện tâm sự chia sẻ riêng mà chỉ trao đổi chỉ xoay quanh 2 đứa con. “Bởi quả thật, tôi không còn biết nói gì với anh nữa, kể chuyện bạn bè hay công việc thì lại sợ anh để bụng, rồi suy diễn. Có góp ý để anh sửa đổi thì chồng tôi cũng chẳng nói gì, cứ làm như không nghe thấy vậy”.

Ghen trong hôn nhân: “Nêm” sao cho vừa? - 2

Ảnh minh họa

Đừng để ghen tuông làm hỏng hạnh phúc

Chuyên gia tâm lý Chử Thị Thanh Hương, Viện Tư vấn Tâm lý SunnyCare cho rằng, ghen tuông là trạng thái cảm xúc bình thường. Ghen tuông không xấu, ghen đúng cách, vừa phải còn có thể khiến đối phương thấy được sự trân trọng và những khúc mắc giữa đôi bên cũng được giải quyết. Nó chỉ bất thường và nguy hiểm khi người ta không kiểm soát được sự bùng phát dữ dội của nó, khiến bản thân và đối tác kiệt sức, chuyển thành hành động bốc đồng. Với bản thân người đang ghen, cảm giác ghen tuông có thể nhanh chóng phát triển thành chứng hoang tưởng, ám ảnh và đe dọa phá hủy chính mối quan hệ mà họ đang sợ đánh mất nhất.

Thực tế cho thấy, tình yêu thường tàn lụi khi sự nghi ngờ cao hơn sự tin tưởng. Về giải pháp, theo bà Hương, “chữa “bệnh” ghen đòi hỏi con người phải có hiểu biết nhất định; đồng thời phải có một lý trí tỉnh táo, lành mạnh và một thái độ ứng xử nhân văn trong cuộc sống. Trong một tình yêu lành mạnh, cả hai bên cùng giải quyết mâu thuẫn theo cách xây dựng, không làm tổn thương đối phương”.

Vậy, ghen thế nào để được… yêu nhiều hơn? Để niềm tin trong mối quan hệ vẫn còn và những cảm xúc của đôi bên vẫn được lắng nghe và tôn trọng? “Điều quan trọng là cần thành thật và thẳng thắn với nhau. Khi đang có cảm giác ghen tuông, không nên bắt đầu cuộc trò chuyện vào lúc cảm xúc đang dâng trào mãnh liệt, mà cần bình tĩnh, trong cách nói chuyện cũng không nên chỉ đổ lỗi hoặc buộc tội. Cũng giống như bạn đang cởi mở và cho phép cảm xúc của chính mình bộc lộ, hãy cố gắng dành chút không gian cho cảm xúc của đối phương”, bà Hương nói.

Thông thường, khi ta yêu một người thì hay lo lắng người kia sẽ xa mình. Tất nhiên, nồng độ của tâm lý lo sợ ấy mỗi người mỗi khác, cho nên ranh giới của gìn giữ chính đáng với việc ràng buộc quá mức khiến người kia mất tự do, ngột ngạt là khá mong manh. Cùng với việc biết “ghen” vừa phải thì mỗi người vợ/người chồng cũng cần có ứng xử phù hợp, chừng mực để bạn đời của mình có được cảm giác an tâm, không phải lo lắng bị phản bội.

Chia sẻ

Mai Chi

Tin cùng chuyên mục

Tình già

Tình già

“Mẹ ơi, con xin phép đưa bố lên trông nhà cho vợ chồng con mấy bữa, khi nào ổn thỏa thì con lại để bố về với mẹ, được không ạ?”.

Caramel mùa hè

Caramel mùa hè

Món caramel ấy, dù đã mấy chục năm trôi qua, vẫn còn trong trí nhớ tôi - ngọt đắng đan xen, mềm như lòng bàn tay của bà, và gợi nhớ nhung như một đêm hè.

Tình yêu ngục tù

Tình yêu ngục tù

Chị bảo vì em gái chị yêu nhầm người nên không chỉ cô em gái bị ảnh hưởng mà còn khiến cuộc sống của gia đình chị cũng nơm nớp theo sự đe dọa của người đàn ông yêu ngông cuồng đó.

Làm vợ

Làm vợ

Từ bé được mẹ chiều chuộng, lấy chồng lại được yêu thương, Ngọc kết hôn gần một năm mà chưa từng nấu nổi một bữa cơm cho chồng. Cô tin phụ nữ hiện đại không cần bếp núc để giữ chân đàn ông. Cho đến khi mẹ chồng lên chơi vài ngày, những lời chê trách khiến cô hiểu: Yêu thương, nếu không biết giữ, rồi cũng sẽ nguội lạnh mà rời đi…

Bi kịch từ đứa con sinh thiếu tháng

Bi kịch từ đứa con sinh thiếu tháng

Ngân xuất hiện ở phòng tư vấn với đứa con trai hơn một tuổi kháu khỉnh. Nhìn đứa bé bụ bẫm, dễ thương trong sáng như thiên thần bên người mẹ có học thức, xinh đẹp, không ai nghĩ họ lại là nạn nhân bạo lực gia đình gần hai năm nay.

Yêu sau cưới

Yêu sau cưới

Ngân và Trung cưới nhau qua mai mối khi cả hai đã bước vào độ tuổi mà gia đình không còn muốn con cái "kén cá chọn canh" nữa. Trung khi ấy 30 tuổi, là một người đàn ông thành đạt, trầm tính và chín chắn, đang làm trưởng phòng kỹ thuật tại một công ty lớn. Ngân 28 tuổi, là cô giáo tiểu học hiền lành, chu đáo, sống giản dị và có phần khép kín.

Dặm muối cho hôn nhân

Dặm muối cho hôn nhân

Mai chẳng biết hôn nhân trở nên nhạt nhẽo từ lúc nào, chỉ biết là gần đây, cô và chồng chẳng còn có sự đồng điệu. Những câu chuyện mà người nói cũng nói cho có, còn người trả lời thì trả lời cho xong...

Chọn hiếu hay tình?

Chọn hiếu hay tình?

Cha mất sớm, mẹ ở vậy nuôi tôi. Kinh tế chật vật, cuộc sống khó khăn vất vả, mẹ đã hy sinh và sống vì tôi. Vì thế ngay từ khi còn là một đứa trẻ, tôi đã nguyện sau này bằng bất cứ giá nào cũng sẽ sống cho mẹ nhiều hơn. Thế nhưng đến giờ phút này, tôi cảm thấy cuộc đời mình sẽ gặp nhiều bất hạnh nếu như sống đúng với tâm nguyện ấy.

Đàn bà, con gái biết gì

Đàn bà, con gái biết gì

Câu nói cửa miệng của anh với vợ thường là: “Đàn bà con gái biết gì mà tham gia”, “Đàn bà con gái chỉ làm hỏng việc”... Đến nỗi, nhiều khi anh nói với vợ trong sự vô thức như một thói quen...

Phụ nữ nhẹ dạ và cạm bẫy lừa đảo

Phụ nữ nhẹ dạ và cạm bẫy lừa đảo

Trong guồng quay hối hả của cuộc sống hiện đại, không ít gia đình đang phải đối mặt với những “cơn sóng ngầm” âm thầm phá hoại hạnh phúc. Một trong số đó là tình trạng các chị em nhẹ dạ, trở thành nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo tinh vi. Vấn nạn này không chỉ gây tổn thất tài chính mà còn để lại những vết rạn trong hôn nhân, đẩy nhiều cặp đôi đến bờ vực tan...