Giọt máu đào

Đinh Quỳnh Chi
Chia sẻ

Sau đám tang chồng, Oanh vẫn không kìm được nước mắt. Chao ôi, tai nạn chỉ diễn ra trong tíc tắc mà cuộc đời của Oanh và hai đứa trẻ đã bước sang một bước ngoặt khác... Oanh đã từng mong đó chỉ là cơn ác mộng mà khi cô tỉnh dậy, mọi thứ lại trở về như trước...

Nhìn Oanh còn trẻ mà sớm chịu cảnh góa bụa, không ai cầm được nước mắt. Thương Oanh một, mọi người còn thương hai đứa trẻ mười. Chúng còn quá nhỏ, đã mất mẹ rồi, nay lại mất cả bố.

Hai đứa trẻ ấy không phải con đẻ của Oanh mà là con riêng của Hùng - chồng Oanh. Hồi đó, nghe tin cô chấp nhận làm vợ sau của một người đàn ông góa vợ, lại có con riêng, cả gia đình Oanh phản đối dữ lắm. Mẹ Oanh khóc lóc, thề từ mặt nếu Oanh vẫn cả gan đến với Hùng. Oanh đã phải chấp nhận quỳ xuống từ biệt, xin mẹ tha thứ cho đứa con gái bất hiếu rồi lặng lẽ xách va li đi. Cô yêu Hùng và chấp nhận tất cả để được sống cùng anh. Khi đó, Oanh 28 tuổi, mới biết yêu lần đầu.

Đúng như mẹ nói, làm vợ Hùng rồi, Oanh mới thấy hạnh phúc của mình thật gian nan. Hùng thương cô, nhưng vì làm nghề lái xe đường dài nên anh thường xuyên phải xa nhà, nhiều khi cả tháng trời. Oanh bỗng nhiên phải đảm đương trách nhiệm của một bà mẹ hai con, cho dù cô còn chưa một lần sinh nở. Chăm sóc cho hai đứa trẻ, một lên 3, một đã hơn 10 tuổi ấy là hai sự khó nhọc khác nhau. Đứa út ít còn sài đẹn, nay ốm mai đau khiến Oanh thường xuyên phải thức đêm trông coi, bế bồng. Đứa trẻ lên 10, lại không chấp nhận Oanh là mẹ kể. Ngay ngày đầu tiên Oanh dọn về nhà của bố con Hùng, nó đã nhìn Oanh bằng ánh mắt nảy lửa. Hùng vừa đi khuất, nó rít lên: “Mẹ tôi mất rồi, giờ tôi chỉ còn bố. Vậy mà cô dám chiếm mất bố của tôi. Tôi hận cô”. Oanh không tin nổi một đứa trẻ non nớt lại có thể nói ra những lời khủng khiếp đến thế. Từ đó, khỏi phải nói Oanh đã khổ sở với sự chống đối của con chồng thế nào. Nhưng không sao, chấp nhận làm mẹ kế, nghĩa là cô biết mình phải rộng lượng, bao dung hơn. Cô vẫn nhẹ nhàng với con chồng mà không một lời trách cứ. Mỗi khi Hùng về, hỏi tình hình ở nhà, cô chỉ cười nói các con ngoan, giúp đỡ em nhiều việc nhà. Oanh không muốn vì mình mà bố con Hùng bất hòa. Cô cũng tin rằng, tình yêu của cô đủ lớn để cảm hóa lũ trẻ.

Giọt máu đào - 1

Ảnh minh họa

Và Oanh đã đúng. Từ lúc nào, sự lương thiện, trái tim yêu thương của Oanh đã cảm hóa hai đứa trẻ. Những trò chống đối ít dần. Hai đứa trẻ bắt đầu để cho chị đến gần chúng. Oanh thấy rất hạnh phúc. Cô không sinh ra chúng nhưng nghĩ thương các con riêng của chồng. Chúng còn nhỏ mà sớm mất mẹ và Oanh muốn bù đắp cho thiệt thòi ấy. Oanh không biết lúc mình và chồng có con chung, thì tình cảm của cô có san sẻ không, nhưng ít ra lúc này, Oanh sẽ yêu thương chúng hết lòng. Từ đó, Oanh đã giúp cho bố con Hùng có một mái ấm thực sự. Hùng có thể đi lái xe dài ngày mà vẫn có thể yên tâm là các con anh được chăm sóc chu đáo. Còn hai đứa trẻ, thì ở bên Oanh cũng rất vui vẻ, hồn nhiên.

Có một điều khiến Oanh lạ, và sau này khi đã hiểu, thì cô chẳng thèm thắc mắc nữa, đó là anh em nhà Hùng rất ít khi đến thăm gia đình cô. Lúc Hùng đến với Oanh, họ còn tỏ ra có trách nhiệm, rồi dò xét xem Oanh là người thế nào. Nhưng khi Oanh chính thức trở thành vợ Hùng, thì họ vui ra mặt. Không phải vì họ mừng cho hạnh phúc của vợ chồng cô, mà vì từ nay, hai cháu của họ đã có người chăm sóc, nuôi nấng. Họ chuyển giao trách nhiệm đó cho Oanh rồi không cần biết các cháu mình sống chết ra sao, thừa thiếu thế nào. Hùng làm lái xe, vất vả mà thu nhập có hạn. Oanh lại phải lăn lộn mưu sinh, tằn tiện chi tiêu, để nuôi mình, và phụ chồng nuôi con chồng. Cô có thể nhịn ăn, nhịn mặc, nhưng không để con chồng thiếu thốn. Oanh cũng chẳng có nhiều thời gian để suy nghĩ, tị nạnh. Con cháu nhà họ, nhưng họ không thương thì Oanh thương.

Lấy chồng nửa năm, Oanh vẫn chưa có được hạnh phúc làm mẹ. Từ chỗ độc thân, vô lo vô nghĩ , nay Oanh lúc nào cũng đầu tắt mặt tối. Nhưng cứ nghĩ đến lũ trẻ, mới bé xíu vậy mà đã mất mẹ là Oanh lại quên đi vất vả.

Thế mà xót xa thay, ông trời thật quá nhẫn tâm khi còn cướp nốt Hùng ra khỏi vòng tay Oanh. Oanh tưởng mình không thể gượng dạy được nữa thì mẹ cô tới, nói muốn đón cô về. Bà bảo dù gì thì Oanh cũng là con gái của bà, giận con lắm nhưng bà hiểu vì sao ngày xưa, Oanh quyết dứt áo ra đi. Nhưng, còn hai đứa trẻ con Hùng thì sao?. Ngay cả khi Hùng đã mất đi, anh em nhà Hùng cũng chỉ góp mặt ở đám tang cho tròn nghĩa vụ. Lúc đầu, họ còn thăm dò, xem Hùng mất đi có để lại tài sản thừa kế gì không? Và họ đánh tiếng mình là họ hàng, người thân của các cháu thì có thể sẽ phải giúp các cháu đứng ra quản lý tài sản. Nhưng rồi sau đó, họ thấy vợ chồng Oanh chẳng có của nả gì thật. Chưa kể, Oanh còn đang ôm một món nợ từ hồi Hùng vay tiền mua xe ô tô để mưu sinh, giờ mới trả gần hết. Còn ngôi nhà hai vợ chồng đang ở cũng chỉ là đi thuê mà thôi. Không anh em nào của Hùng ngỏ ý giúp đỡ cô, ngoài mấy lời nói thương cảm cho có. Họ cũng xa gần nói là nhà cũng khó khăn, bận rộn nên không tìm được người chăm lo cho hai đứa trẻ. Có lẽ, đường cùng thì sẽ phải tìm trung tâm bảo trợ nào đó.

Giọt máu đào - 2

Ảnh minh họa

 Oanh đã biết rõ bản chất họ nên chẳng quan tâm làm gì. Họ chỉ đang cố gắng đùn đẩy trách nhiệm chăm cháu cho Oanh thôi. Trước lời đề nghị của mẹ, Oanh cảm động lắm. Dù gì thì cô vẫn còn hạnh phúc khi có mẹ để tựa vào. Mẹ cô bảo về nhà đi, rồi mở quán nước, quán rau kiếm đồng ra đồng vào. Cuộc sống có thể vẫn chưa hết vất vả nhưng ít nhất, cô không bị cô độc.

Oanh đồng ý nhưng thưa với mẹ cho cô một đặc ân. Đó là cô muốn đón lũ trẻ theo. Cô không có máu mủ ruột già với chúng nhưng dù sao, Oanh cũng vẫn là mẹ kế của chúng. Oanh muốn Hùng ở nơi xa sẽ tiếp tục được an lòng vì các con của anh vẫn có người chăm sóc. Về với mẹ con cô, lũ trẻ có cháo ăn cháo, có rau ăn rau nhưng cô tin, chúng sẽ không bị thiếu thốn tình yêu thương. Mẹ già của Oanh, xùi xụt khe khẽ gật đầu. Bà rưng rưng bảo với Oanh: “Một giọt máu đào hơn ao nước lã. Họ không thương cháu họ thì mình sẽ trở thành giọt máu đào của các cháu, con ạ. Mình cứ sống tốt đi, rồi trời sẽ thấu”.

Và thế là từ đó, Oanh và 2 đứa trẻ có một cuộc sống mới. 4 con người cứ thế nương tựa vào nhau, bình an bước qua ngày. Người thân của hai đứa trẻ thấy Oanh không đòi hỏi gì ở nhà họ, lại tự nguyện giúp họ nuôi cháu thì rất mừng và tuyên bố là “trăm sự nhờ cô giúp”.

Một tối, trời mưa to, con lớn của Hùng ngồi ru em ngủ. Oanh đang lúi húi nấu cơm trong bếp. Chợt, cô nghe thấy nó khe khẽ hát, giọng run run: “Trời mưa bong bóng phập phồng/Mẹ đi lấy chồng con ở với ai”. Chỉ thế thôi mà Oanh đã rưng rưng. Oanh biết lũ trẻ đang lo lắng nếu Oanh đi lấy chồng, thì chúng sẽ bơ vơ.

Oanh bước đến bên giường, nhẹ nhàng ngồi xuống bên hai đứa trẻ, khe khẽ nói: “Các con yên tâm, dì Oanh sẽ không đi lấy chồng đâu. Mà nếu có lấy, dì cũng sẽ mang các con theo. Dì sẽ là giọt máu đào của các con cả đời này”…

Hai đứa trẻ có lẽ chưa đủ hiểu lắm về câu nói của Oanh. Nhưng, chúng cũng đã hiểu rằng, dù có thế nào, chúng cũng sẽ luôn được yêu thương, che chở. Chúng vòng tay, ôm chầm lấy Oanh...

Chia sẻ

Đinh Quỳnh Chi

Tin cùng chuyên mục

Mâm cơm đãi khách

Mâm cơm đãi khách

Những mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu đôi khi không đến từ chuyện lớn, mà chỉ là cách lau nhà, nêm nếm món ăn hay một câu nói vô tình. Nhưng rồi, chính một bữa cơm lại có thể giúp mọi người nhìn nhau bằng ánh mắt khác.

Bà ngoại... tái giá

Bà ngoại... tái giá

Bà ngoại tôi quyết định tái giá ở tuổi 71 khiến mọi người sững sờ, nhất là mẹ tôi. Tôi là người sống gần ngoại nhiều nhất nên cũng là người duy nhất hiểu được lý do vì sao bà lại quyết định tìm hạnh phúc ở tuổi xế chiều.