Chạy chốn con bất hiếu

Nguyễn Huyền
Chia sẻ

“Ối làng nước ơi, thằng Mạnh nó giết tôi, cứu tôi với...”. Ông Tuấn vừa chạy thục mạng vừa la thất thanh. Cách đằng sau một quãng, con trai ông tay cầm dao, miệng gào thét "không cho ông bán, ông giết cả lũ, ông giết tất...". Không ai giám xông ra để can thiệp vì con dao bầu sắc ngọt trong tay Mạnh liên tục chém lấy chém để bất cứ ai xông vào...

Từ “con của Trời”

Nói đến chuyện con cái của vợ chồng ông Tuấn thì cả làng không ai không thương cảm. Hai vợ chồng cưới nhau hơn 15 năm nay, bà Hoài đã trải qua sáu lần sinh nhưng đều không nuôi được. Đứa thì chết yểu từ lúc còn trứng nước trong bụng mẹ, đứa sinh ra được vài tháng, thậm chí là vài tuổi đều lần lượt ra đi. Cho đến khi đứa con gái thứ sáu lên một tuổi bị bệnh mất đi, bà không thể sinh thêm được một đứa nào nữa. Nghĩ phần âm nhà mình chắc có điềm không hay, hai vợ chồng chăm chỉ khấn bái ở nhà, rồi tìm đến hết chùa này đến miếu khác lễ bái quanh năm. 5 năm sau, Mạnh ra đời như một sự đền đáp tấm lòng thành kính của họ.

Từ khi Mạnh được sinh ra, không chỉ vợ chồng ông Tuấn mà cả làng “nín thở” lo lắng từng theo dõi sự lớn lên của Mạnh. Ai cũng sợ không may một ngày nào đó Mạnh lại giống như những chị em trước, mệnh ngắn mà rời bỏ bố mẹ. Nhưng may mắn đã mỉm cười với vợ chồng ông Tuấn, Mạnh cứ thế lớn lên, trưởng thành mà không hề ốm đau quặt quẹo như các anh chị em mệnh yểu trước đây. Ai cũng nói Mạnh là "con của Trời" nên mới vượt qua được nạn “sát con” của vợ chồng ông Tuấn.

Nhưng cũng vì là "con của Trời" nên từ nhỏ đến lớn Mạnh trở thành “vua con” trong gia đình. Mọi yêu cầu của con trai, ông Tuấn đều đáp ứng dù có khó khăn đến thế nào đi chăng nữa. Sự nuông chiều đó đã khiến Mạnh sống chỉ biết mỗi bản thân mình. Chật vật mãi mới học hết cấp III, Mạnh ở nhà lêu lổng, ăn chơi chứ nhất quyết không chịu đi học nghề, hay đi làm như bạn bè cùng lứa. Bố mẹ, họ hàng khuyên nhủ thế nào Mạnh cũng bỏ ngoài tai.

Chạy chốn con bất hiếu - 1

Ảnh minh họa

Trong cơn lốc đô thị hóa, đất làng có giá, Mạnh đòi bố mẹ bán đi một nửa số đất mà họ đang có. Tiền bán đất dùng để xây nhà cao tầng cho Mạnh cưới vợ. Nghĩ hai vợ chồng tuổi cũng già không còn sức lực để quản nổi con, thôi thì cưới vợ về cho chúng nó quản nhau cũng tốt, nên ông Tuấn đồng ý. Mảnh đất gần năm 500m2 được cắt ra làm ba, một phần bán lấy tiền, một phần đất xây ngôi nhà mới, phần đất có ngôi nhà cũ ông bà giữ lại để phòng thân và có chút của để lại cho cháu chắt sau này.

 Ai ngờ vừa cưới vợ xong, Mạnh đòi ở riêng một mình trong ngôi nhà mới xây khang trang rộng rãi ấy. Lý do là mẹ chồng con dâu không hợp khiến cuộc sống của vợ chồng Mạnh… “khó thở”. Ban đầu, ông Tuấn không chịu, nhưng rồi đứa con trai từ nhỏ đến lớn quen sống kiểu “đòi gì được nấy” nên ông bà đành dọn xuống ngôi nhà cũ trên phần đất còn lại để ở. Trong suy nghĩ của Mạnh, đất đai của nhà rộng thế kia bán đi gửi tiết kiệm đủ sống cả đời nên cả vợ lẫn chồng không ai có ý định kiếm lấy một nghề gì đó để mưu sinh. Số tiền bán đất xây nhà còn dư lại, vợ chồng Mạnh dùng gửi tiết kiệm lấy tiền tiêu hàng tháng. Xót ruột vợ chồng trẻ chẳng chịu ra ngoài bươn chải làm ăn, ông Tuấn bàn vợ đầu tư mở một cửa hàng tạp hóa cho vợ chồng Mạnh buôn bán.

Hàng xóm láng giềng không ít lần đàm tiếu về sự bất hiếu của Mạnh. Hai vợ chồng trẻ sống nhàn hạ trong ngôi nhà rộng thênh thang mặc cho bố mẹ già cả sống trong ngôi nhà cũ xuống cấp. Đã thế, mấy lần ông Tuấn bảo rút tiền tiết kiệm để cơi nới sửa sang lại ngôi nhà cũ ấy thì Mạnh nhất định không cho. Mạnh bảo nhà cũ rồi sửa sang lại làm gì cho tốn tiền, đằng nào sau này cũng chẳng ai ở, đất ấy bán đi lấy tiền làm việc khác. Thấy con cư xử bất hiếu, ông Tuấn tức giận tuyên bố từ mặt rồi tự bỏ tiền ra để cơi nới lại ngôi nhà cũ. Mạnh vẫn ngông nghênh, bất cần mọi lời đàm tiếu của mọi người.

Chạy chốn con bất hiếu - 2

Ảnh minh họa

Đến thằng con… bất hiếu

Dân gian có câu “miệng ăn núi lở”, nhà có của nhưng cứ ngồi không ăn mãi rồi cũng hết. Số tiền tiết kiệm gửi ngân hàng kia chỉ đủ để vợ chồng Mạnh rút dần chi tiêu trong những năm đầu sinh hai đứa con. Vợ chồng chẳng có nghề nghiệp gì, quán tạp hóa bố mẹ mở cho cũng chẳng chịu chăm chỉ quán xuyến. Ngày nào thích thì mở cửa bán, không thích thì đóng cửa cả tuần nên quán tạp hóa chẳng có khách mấy. Đã vậy, Mạnh còn ngập vào món lô đề cờ bạc, nợ nần bủa vây.

 Không có tiền tiêu và trả nợ cờ bạc, Mạnh đòi bố mẹ bán tiếp mảnh đất có ngôi nhà cũ ông bà đang sống riêng, tiền thì đưa cho vợ chồng hắn trang trải nợ nần còn ông bà chuyển sang nhà của mình ở. Biết chằng nhờ vả gì được đứa con trai chỉ biết có tiền nên ông Tuấn không đồng ý. Liên tục bị chủ nợ đến đòi, dùng mọi cách khủng bố cuộc sống suốt ngày đêm, Mạnh đành bán mảnh đất và ngôi nhà đã được bố mẹ sang tên cho mình trước đây để trả nợ. Vợ chồng con cái dắt díu về sống chung với ông bà Tuấn. Bà Hoài thấy con trai đổ đốn, bất hiếu, buồn phiền phát bệnh ốm lên ốm xuống, mấy lần tưởng chết. Bà luôn miệng dặn ông không được bán đất hoặc sang tên chuyển nhượng mảnh đất họ đang sở hữu cho Mạnh. Bà không dặn ông cũng biết nếu làm như thế thì sớm muộn gì họ cũng bị Mạnh đẩy vào cảnh không nhà không cửa.

Tuy bị trắng tay nhưng Mạnh vẫn không tỉnh ngộ. Ngày nào hắn cũng gầm gừ bắt bố mẹ phải bán đất. Mấy lần Mạnh đưa khách vào xem đất nhưng ông Tuấn lấy quyền chủ sở hữu trên pháp luật nhất quyết không cho bán. Khách xem đất thấy vậy nên chẳng dám mua. Không bán được đất, Mạnh suốt ngày chửi bới, bất mãn với bố mẹ. Ngày nào hắn cũng uống rượu say, chửi vợ đánh con, gây sự hết làng trên xóm dưới. Hễ ai đụng vào là chửi bới ăn vạ chẳng khác gì Chí Phèo.

Cầu xin bố mẹ bán đất không được Mạnh càng ngày càng hằn học. Gần một năm trở lại đây, mọi người chứng kiến không ít lần Mạnh uống rượu say đuổi đánh cha mình khắp ngõ xóm. Ban đầu còn có người ra can ngăn, nhưng sau ai cũng sợ Mạnh tìm đến phá nhà phá cửa nên để mặc. Chính quyền xã mấy lần thấy Mạnh làm quá cũng cho lên trụ sở công an xã làm việc răn đe, nhưng rồi đâu lại vào đấy. Hàng ngày, mỗi khi Mạnh say rượu về nhà đập phá, vợ chồng ông Tuấn lại trốn ra ngoài, hoặc đến nhà bà con họ hàng tá túc đến khi Mạnh hết say thì về. Một số người thấy cảnh ông Tuấn khổ sở chạy trốn đứa con bất hiếu thì khuyên ông bán đi một nửa mảnh đất còn lại, trả nợ cho Mạnh để cuộc sống yên bình trở lại. Nhưng, ông Tuấn có vẻ như đã rút ra được bài học trong lần bán đất, xây nhà, cho tiền Mạnh trước đây. Ông không muốn lặp lại sai lầm đó lần thứ hai. Trong thâm tâm, ông bà vẫn còn muốn sự mất mát ấy sẽ thức tỉnh Mạnh và là bài học để cô con dâu khuyên bảo chồng, kiếm nghề làm ăn đàng hoàng. Số đất đai bố mẹ giữ cho sẽ là của để dành cho con cái Mạnh sau này.

Lý là vậy, nhưng không biết đến bao giờ Mạnh mới chịu thức tỉnh và vợ chồng ông Tuấn mới hết cảnh chạy trốn con trai đuổi đánh khắp làng khắp xóm vì không chịu bán đất. Ai cũng ái ngại cho ông vì tuổi đã ngoài 70, liệu ông có còn sức để tiếp tục chạy trốn thằng con bất hiếu được bao lâu nữa.

Chia sẻ

Nguyễn Huyền

Tin cùng chuyên mục

Mẹ làm gì mà không trông cháu?

Mẹ làm gì mà không trông cháu?

Chị là thành viên trong Câu lạc bộ (CLB) khiêu vũ của chúng tôi. Hôm đó, sau giờ tập buổi sáng, chị nán lại ở sân tập để trò chuyện với chúng tôi thêm một lát. Bỗng nhiên, con gái chị hớt hải từ đâu chạy lại, buông lời trách mẹ...

Bi hài chuyện con gái cưng xuất giá

Bi hài chuyện con gái cưng xuất giá

Bố mẹ nào khi sinh con ra cũng mong con mình được chăm sóc và có điều kiện sống đủ đầy, nhất là những gia đình có con một. Chính tình yêu thương có phần thái quá ấy đã khiến những bậc làm cha mẹ không nghĩ được rằng thời gian của những cô con gái cưng của mình ở nhà với bố mẹ chỉ chiếm một phần đầu của cuộc đời. Phần sau, con gái họ sẽ phải gắn với gia đình riêng, nơi...