Bố mẹ lao đao vì con chót “ăn cơm trước kẻng”

M.Ngọc
Chia sẻ

Chỉ vì phút bồng bột, quá đà khi yêu, hai đứa “dở xanh dở chín” đã trở thành vợ chồng, rồi làm bố, làm mẹ. Để rồi bây giờ, anh chị phải khốn khổ nuôi con, nuôi cháu.

1.

Con gái chị vừa mới qua năm thứ nhất đại học. Hồi nó mới yêu, chị đã dặn con: “Làm thân con gái thì phải lo giữ gìn. Con phải biết điểm dừng, khi nào hai đứa học xong, có công ăn việc làm tử tế thì bố mẹ hai bên sẽ cho cưới hỏi đàng hoàng”. Con gái chị vâng dạ rõ ngoan. Người yêu nó, tiếng là bằng tuổi nhưng còn kém con gái chị gần 11 tháng cũng gật đầu lia lịa: “Hai bác cứ yên tâm, cháu sẽ không làm gì để liên lụy đến em nhà mình. Chúng cháu sẽ chứng minh cho bố mẹ hai bên thấy tình yêu của chúng cháu sẽ trở thành động lực để hai đứa cùng phấn đấu chứ không phải là trở ngại của tương lai”.

Chị nghe các con nói vậy cũng yên tâm. Nào ngờ có ngày, chúng đi quá giới hạn, rồi còn để lại hậu quả là cái thai đang thành hình trong người con gái chị.

- Hai đứa này thật ngu dại, nông nổi quá. Không phải cứ chửa đẻ là thành bố mẹ đâu. Hai đứa đã nghĩ tới những năm tháng phía trước chưa? Rồi hai đứa sẽ sống như thế nào khi tiền để nuôi thân còn chưa có, nói gì đến nuôi con?

Lần đó, nghe tin con gái đưa bạn trai về nhà rồi thông báo “tin dữ” đã mang bầu, chồng chị giận tới mức huyết áp tăng vọt.

- Dạ, chúng con trót dại, chỉ có một hai lần đi quá giới hạn, không ngờ lại có em bé.

- Cháu sẽ về xin phép bố mẹ để hỏi cưới em nhà mình. Cháu xin chịu trách nhiệm hoàn toàn với em nhà mình ạ. Chúng cháu không muốn bỏ đứa bé nên mong các bác ủng hộ. Chúng cháu sẽ vừa chăm con, vừa đi học.

Lời hứa của hai đứa trẻ chẳng khiến vợ chồng chị thấy thoải mái hơn chút nào. Thay vào đó, chị chỉ nhìn thấy những ngày tháng phía trước của con gái thật là mờ mịt.

Bố mẹ lao đao vì con chót  “ăn cơm trước kẻng” - 1

Ảnh minh họa

Đêm ấy, vợ chồng chị gần như thức trắng. Chị nghĩ biết bao phương án, ngộ nhỡ nhà trai phủi tay, không nhận dâu nhận cháu thì sao? Nếu vậy, anh chị có sẵn sàng cho con gái làm mẹ đơn thân không? Hay là anh chị sẽ khuyên con bé bỏ cái thai rồi làm lại từ đầu. Nhưng, dẫu gì, đó cũng là cháu ngoại của anh chị, anh chị cũng không đành lòng bỏ cháu.

- Con mình lâu nay vẫn được tiếng là hiền lành, ngoan ngoãn. Em còn dự tính cho nó học lên thạc sĩ, có điều kiện thì du học nước ngoài. Vậy mà giờ, mới chân ướt chân ráo vào đại học chưa đâu vào đâu đã lại vướng vào chuyện lùm xùm. Rồi thằng bé kia, anh xem, có khác gì một đứa trẻ to xác không? Nó vẫn còn ngây ngô, nào đã từng trải gì để có thể là chỗ dựa cho con mình - chị nói với anh mà như khóc.

2.

Một tuần sau đó, trong sự trông ngóng của anh chị, cuối cùng, nhà trai cũng... tới nhà chị nói chuyện. Trước đây, nghĩ là con gái mới yêu, từ lúc đó tới lúc kết hôn hãy còn nhiều thay đổi nên chị chẳng mấy để tâm tới gia cảnh người yêu của con. Vậy mà nó lại đặt anh chị vào thế đã rồi, xấu dở gì chị cũng chẳng còn lựa chọn. Chị quan sát ông bà thông gia tương lai xem họ là người thế nào. May mắn sao, họ cũng tử tế. Chỉ là, cả hai ông bà cũng lớn tuổi rồi mới sinh con nên nay “cha mẹ già mà con thì cọc”. Về hưu đã nhiều năm, hai ông bà chỉ trông vào đồng lương hưu ít ỏi, xem ra chẳng thể giúp được gì cho hai đứa.

Qua cách nói chuyện, chị cũng nhận thấy hai ông bà chẳng thích thú gì khi bỗng nhiên phải... nhận cả dâu lẫn cháu, lại là cô con dâu ông bà chưa từng biết mặt, hiểu tính nết trước đó. Song, may sao họ không thuộc kiểu người “phủi tay”, hay là “đổ cho chị cái lỗi không biết dạy con gái”

- Vì cái thai trong bụng cháu mỗi ngày mỗi lớn, thế nên chúng ta không thể chần chừ. Tôi tính thế này, cuối tháng này có ngày đẹp, chúng ta cho hai cháu kết hôn luôn. Có thể tính dồn luôn ăn hỏi và cưới vào cùng một ngày cho tiện- ông thông gia tương lai đặt vấn đề với nhà chị.

- Thôi thì đành vậy, bây giờ thì chẳng thể làm gì cầu kỳ hơn được. Chồng chị thở dài thườn thượt đáp. Vậy nhưng, nếu cưới rồi thì ông bà định sắp xếp cuộc sống cho hai đứa thế nào?

- Các cháu hiện chỉ có thể ở chung trong nhà tôi thôi vì chúng tôi không đủ điều kiện để mua nhà riêng cho hai đứa. Các cháu cứ dọn về phòng cháu nhà tôi đang ở, có chăng thì cuối tuần này tôi cho quét lại vôi ve cho sáng sủa. Đồ đạc thì có gì dùng nấy. Con trai tôi, ông bà biết rồi, đã nào có sự nghiệp gì. Lâu nay, cháu vẫn sống dựa vào bố mẹ. Chúng tôi già cả, nuôi con trai đã là gắng sức nên cũng chẳng có tài sản gì trao lại cho các con.

Nghe đến đây, chị lại càng thấy não nề hơn. Con gái chị đã tự đẩy mình vào thế khó, “đâm lao phải theo lao” nên giờ chẳng thể đòi hỏi kén cá chọn canh gì. Nhà trai bảo sao thì nhà gái phải nghe vậy, chả dám có ý kiến gì...

Bố mẹ lao đao vì con chót  “ăn cơm trước kẻng” - 2

Ảnh minh họa

3.

Sau cưới, con gái chị dọn về nhà chồng ở. Biết nhà thông gia không có điều kiện, anh chị chủ động đứng ra xin đóng góp một phần kinh phí để nuôi vợ chồng các con và đứa cháu sẽ ra đời nay mai. Thi thoảng, đợi lúc con về thăm nhà, chị lại tranh thủ nấu món nọ, món kia, rồi dúi thêm cho con gái ít tiền xăng xe, tiêu vặt. Chị biết cảnh sống phụ thuộc vào nhà chồng, lại còn mang tiếng “ăn cơm trước kẻng” của con gái chẳng sung sướng gì. Song, vì ngại với bố mẹ và cũng không muốn làm bố mẹ phải lo lắng mà con chị đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

Mỗi lần nhìn cảnh con ôm bụng đến trường, tan học lại tất bật về nhà phụ bố mẹ chồng lo toan nhà cửa mà chị ứa nước mắt. Ngoài kia, mấy đứa bằng tuổi con chị, giờ này vẫn được tự do bay nhảy, làm điều mình thích. Còn con chị, phải từ bỏ hết mọi thú vui, bạn bè cũng tan tác. Mới cưới có mấy tháng mà con chị rộc rạc, trầm tính hẳn đi, chẳng bù hồi còn ở nhà với mẹ, nó lúc nào cũng tươi rói. Cuối cùng, không đành lòng, chị bàn với chồng sang xin phép thông gia đón con về nhà để tiện bề chăm chút.

- Thưa anh chị, so với nhà bên đó, nhà em cũng rộng rãi, thoáng mát và thuận tiện đi lại hơn. Em tính thế này, anh chị cho em đón cả hai vợ chồng cháu về chăm một thời gian. Thôi thì con là con chung, cháu là cháu chung, chúng ta đừng phân biệt nội ngoại. Anh chị cũng để em đứng ra nuôi các con luôn cho tiện.

Được sự đồng ý của thông gia, chị đón các con về nuôi. Ngày ngày, chị đứng ra cơm nước cho cả hai vợ chồng, tiền học tiền ăn của hai đứa, anh chị cũng trang trải hết. Sau khi con gái sinh con, anh chị thì trở thành ông bà mọn chính hiệu, cứ tất bật cả ngày. Ban ngày, các con bận đi học, đi thi, không ở nhà với con đã đành, tối đến con gái con rể... bận học cũng lại nhờ để con ngủ luôn với ông bà. Hôm nào chị mệt, không đứng ra phụ giúp là y rằng hai vợ chồng con đùn đẩy cho nhau bế con, chăm con, rồi cãi vã khiến nhà cửa om sòm theo. Đó là chưa kể con rể anh chị, chắc là chán cuộc sống hôn nhân tù túng, rồi lại bị chê cười là “trẻ con làm bố trẻ con” nên thay tính đổi nết. Lắm lúc, chị còn thấy con rể quát vợ, rồi đổ lỗi vì con mà làm nó khổ. Anh chị phải đứng ra phân tích thiệt hơn để  giúp các con giảng hòa.

- Không hiểu nếu chúng ở một mình, tiền không, việc không, kỹ năng sống không, sự chín chắn, trách nhiệm với nhau và với con cũng thiếu nốt... thì chúng sẽ duy trì gia đình như thế nào? Một lần, chị hỏi chồng.

Chị hỏi vậy thôi chứ thừa biết câu trả lời sẽ là gì. Giờ đây, mỗi lần nghĩ tới con, cháu là chị thấy nản và thầm trách các con khi yêu không nghĩ tới những hệ lụy này.

Chia sẻ

M.Ngọc

Tin cùng chuyên mục

Cô độc trong hôn nhân

Cô độc trong hôn nhân

Hôm nay dậy sớm, đứng soi gương lâu hơn, chị mới thấy tóc mình đã có vài sợi bạc. Thời gian trôi nhanh quá, mới đó mà đã hơn 2 năm, chị và chồng trở thành hai người xa lạ sống chung một nhà.