Tạo cơ hội để người khuyết tật hòa nhập cộng đồng

Bài và ảnh: HỒNG NHUNG
Chia sẻ

Người khuyết tật (NKT) là một trong các nhóm đối tượng yếu thế, được quan tâm trong những hoạt động của Chương trình số 08-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025”. Trong đó, giải pháp được chú trọng là tạo thêm nhiều cơ hội để NKT tự tin hòa nhập cộng đồng, có khả năng sống độc lập.

Hỗ trợ việc làm giúp người khuyết tật tự tin vượt lên hoàn cảnh

Có được công việc ổn định, từ đó tự nuôi sống bản thân mình đó là mong ước của những người khuyết tật (NKT) có khả năng lao động. Được giải quyết, hỗ trợ việc làm sẽ giúp họ tự tin vượt lên hoàn cảnh.

Có mặt tại phiên giao dịch việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động là người khuyết tật lần thứ II năm 2024”  tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội từ rất sớm, anh Vương Văn Thứ (35 tuổi, ở Đông Anh, Hà Nội) kỳ vọng sẽ tìm được việc làm như mong muốn, nhưng sau khi đi một lượt các gian hàng tuyển dụng, anh Thứ cho biết việc tìm kiếm công việc với mình không hề đơn giản.

“Tôi bị khuyết tật vận động do tai nạn từ năm 2001 nên sau khi học hết cấp 3 tôi đăng ký học tin học văn phòng. Tuy nhiên, do bị liệt tay phải nên việc đi làm với tôi rất khó khăn. Sau nhiều lần tìm kiếm công việc, tôi chỉ xin được làm cộng tác viên online với mức lương dao động từ 1,5 - 2 triệu đồng/tháng. Nay tìm đến phiên giao dịch việc làm với mong muốn tìm công việc tốt hơn nhưng lại rất khó. Không có việc làm ổn định, tôi cảm thấy mình luôn là gánh nặng cho gia đình, xã hội” – anh Thứ nói.

Tương tự, anh Mai Văn Hải, 25 tuổi, hiện đang thuê trọ tại Long Biên, Hà Nội, là một NKT, lại gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống và tìm kiếm cơ hội việc làm. Hải từng làm nghề bán hàng rong trước khi quyết định học marketing bán hàng qua livestream đầu năm nay.

Tạo cơ hội để người khuyết tật hòa nhập cộng đồng - 1

Các đại biểu bấm chuông khai mạc phiên giao dịch việc làm lồng ghép dành cho lao động là người khuyết tật.

Dù đã từng tham gia phỏng vấn offline tại một công ty, nhưng do vấn đề đi lại khó khăn, Hải không được nhận. Không nản lòng, Hải quyết định học thêm các kỹ năng như chỉnh sửa video và thiết kế trên Canva. Sau 6 tháng miệt mài, Hải đã có thể sử dụng máy tính thành thạo, đặc biệt thiên về các công việc chỉnh sửa và thiết kế.

Dẫu vậy, một trở ngại lớn vẫn tồn tại: Hải chưa có máy tính riêng. Điều này khiến Hải không thể làm việc tại nhà như một số công việc tuyển dụng yêu cầu. Hiện tại, để đến nơi làm việc Hải sẽ phải đi taxi. Dù biết chi phí di chuyển cao, nhưng em vẫn mong muốn được làm tại một công ty để tích lũy kinh nghiệm thực tế. Hải chia sẻ: “Em hy vọng tìm được một công ty sẵn sàng đón nhận NKT như em, để em có cơ hội rèn luyện kỹ năng, phát triển bản thân, và xây dựng sự nghiệp bền vững”.

Chị Kim Oanh, sống ở Long Biên, Hà Nội, cùng người con trai bị khuyết não bẩm sinh đến tìm việc làm cũng cho biết: Con trai chị vừa mới hoàn thành khoá học Đông y và có nguyện vọng sẽ tìm được công việc phù hợp với năng lực và sở trường của mình. Theo chị Oanh, từ bé, dù khuyết tật bẩm sinh nhưng con trai chị luôn tự lập, tự đi lại, tự tìm kiếm và ứng tuyển vào các công việc. “Tôi mong muốn con có một công việc ổn định, bền vững để đảm bảo cho bản thân có nguồn thu nhập ổn định, đủ chi trả các chi phí chữa bệnh và dành dụm chút ít cho tương lai”, chị Oanh cho biết.

Theo ông Trịnh Xuân Dũng, Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội, hiện nay, NKT có nhiều thuận lợi khi tham gia vào thị trường lao động như được hỗ trợ, khuyến khích từ các chính sách pháp luật của Nhà nước và Liên hợp quốc; ngày càng có nhiều NKT tự tin, gỡ bỏ mặc cảm, khẳng định khả năng thông qua các hoạt động của Hội, nhóm, CLB của NKT, tự tin khởi nghiệp; được nâng cao kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp, xã hội… khẳng định giá trị bản thân. Nhiều nhà tuyển dụng đã bắt đầu học hỏi, nắm bắt kiến thức thông tin về chính sách hỗ trợ việc làm NKT; làm mới và sửa chữa cải tạo cơ sở vật chất có tiếp cận theo hướng phục vụ cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, họ cũng đang gặp một số rào cản như: Đa số NKT chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển sinh học nghề và việc làm, tay nghề không ổn định. Nhiều NKT thiếu kỹ năng sống và kỹ năng làm việc; chưa hiểu rõ yêu cầu công việc, thiếu thông tin về học nghề và tuyển dụng; khả năng tiếp cận thông tin và cơ hội về đào tạo hướng nghiệp, việc làm còn hạn chế; một số doanh nghiệp chưa có cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất cho NKT tại nơi làm việc… Điều này khiến cho NKT khó tiếp cận cơ hội việc làm…

Đồng hành cùng người khuyết tật trong tìm kiếm việc làm

Phiên giao dịch việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động là người khuyết tật năm 2024 tại Hà Nội có sự tham gia của 37 doanh nghiệp, trong đó 14 doanh nghiệp đặc biệt quan tâm tới lao động khuyết tật. Trong tổng số 1.286 chỉ tiêu tuyển dụng, tuyển sinh, có 516 chỉ tiêu tuyển dụng, tuyển sinh lao động là người khuyết tật.

Một trong số đó là Công ty Thương mại S.COOL, đang cần tuyển từ 20-30 nhân sự cho workshop trải nghiệm làm terrarium - những hệ sinh thái mô phỏng môi trường tự nhiên trong bể kín. Anh Nguyễn Quốc Trường, Giám đốc Công ty cho biết, qua quá trình hợp tác với người lao động khuyết tật, anh nhận thấy nhiều người có năng khiếu đặc biệt trong lĩnh vực thủ công, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất các sản phẩm terrarium tinh xảo của công ty. Anh Nguyễn Quốc Trường chia sẻ: "Chúng tôi ưu tiên tuyển dụng người điếc, khiếm thính cho workshop sắp tới. Sau đó, nếu các bạn cảm thấy phù hợp và muốn gắn bó lâu dài, chúng tôi sẵn sàng đào tạo nghề và ký hợp đồng lao động".

Tạo cơ hội để người khuyết tật hòa nhập cộng đồng - 2

Ông Trịnh Xuân Dũng, Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội.

Ông Tạ Văn Thảo, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, cho biết, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động, vấn đề việc làm luôn đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt với NKT. Hiện tại, Hà Nội có hơn 100.000 người khuyết tật, trong đó hơn 7.000 người có khả năng lao động. Tạo việc làm cho người khuyết tật không chỉ giúp cải thiện đời sống cá nhân mà còn đóng góp vào sự phục hồi và phát triển kinh tế.

Còn ông Trịnh Xuân Dũng, Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội thì, việc trợ giúp người khuyết tật có công việc ổn định là cách thiết thực nhất để họ hòa nhập xã hội và đóng góp vào sự phát triển của các doanh nghiệp cũng như nền kinh tế.

Theo ông Dũng, Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội hiện có 16.700 NKT tham gia là hội viên của hội. Việc làm cho NKT chính là con đường bền vững giúp người khuyết tật thực sự hòa nhập vào đời sống. Có việc làm, NKT không chỉ có cơ hội tiếp xúc với xã hội mà còn có thu nhập, tạo dựng cuộc sống tự lập, góp sức lao động phát triển kinh tế xã hội như tất cả các công dân khác.

Ông Dũng cho biết, trong nhiều năm qua, Hội NKT thành phố Hà Nội đã thực hiện hỗ trợ việc làm cho NKT bằng nhiều hình thức khác nhau như: Phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức các sàn giao dịch việc làm, mỗi phiên có trên 150 NKT đến tham gia, 12 doanh nghiệp tuyển dụng là NKT, 31 hồ sơ được doanh nghiệp tiếp nhân; kết nối với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển lao động là NKT; hỗ trợ NKT tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi giải quyết việc làm thông qua Ngân hàng chính sách xã hội; hỗ trợ sinh kế, viết đề xuất dự án về đào tạo công nghệ thông tin, tập huấn trang bị kỹ năng và bán hàng online; tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi thông qua ngân hàng chính sách xã hội… Đến nay, có gần 800 NKT được vay nhằm mục đích sản xuất, chăn nuôi và kinh doanh với số dư nợ khoảng 24 tỷ đồng.

Hội cũng ký thỏa thuận hợp tác với cty Intellife thực hiện dự án “Chung tay vì cộng đồng” để hỗ trợ tuyển lao động là NKT, đến nay có khoảng 145 lao động đang làm nhiều công việc khác nhau và trụ việc tại công ty; ký thỏa thuận hợp tác với công ty Cổ phần tập đoàn BELLViệt Nam về dự án “Hỗ trợ và kiến tạo không gian khởi nghiệp cho NKT”, đến nay đã có khoảng 30 người đang bán sản phẩm cho công ty theo hình thức mở các điểm bán hàng trực tiếp và bán hàng online trên hệ thống app của công ty.

Chia sẻ

Bài và ảnh: HỒNG NHUNG

Tin cùng chuyên mục

Học sinh phổ thông mở trại hè cho các em nhỏ

Học sinh phổ thông mở trại hè cho các em nhỏ

Học Trại hè khoa học Science Camp là hoạt động thường niên dành cho các em nhỏ từ 6-13 tuổi được tổ chức bởi Society of Open Science (SOS), câu lạc bộ khoa học lớn nhất của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Qua các mùa hoạt động, trại hè đã trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều gia đình mỗi năm.

Những tấm gương bình dị tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc

Những tấm gương bình dị tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc

Những năm qua, phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc của thành phố Hà Nội đã phát triển rực rỡ với nhiều kết quả nổi bật. Hàng trăm những mô hình, cách làm hay đảm bảo an ninh trật tự, xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến trong phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc, cùng lực lượng công an chung tay giữ gìn sự bình yên của Thủ đô.

Tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân

Tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân

Ngày 1/7/2025, cùng với cả nước, 126 xã, phường mới hình thành sau sắp xếp tại Hà Nội chính thức vận hành theo mô hình chính quyền 2 cấp. Thái độ phấn khởi và thuận lợi khi đến làm thủ tục hành chính tại xã, phường mới của Nhân dân đã cho thấy sự tận tâm, trách nhiệm của các cán bộ công chức làm việc tại bộ máy chính quyền mới trong phục vụ Nhân dân.

Cô gái Việt được vinh danh trong Forbes 30 Under 30 châu Á

Cô gái Việt được vinh danh trong Forbes 30 Under 30 châu Á

Tạp chí Forbes Asia vừa công bố danh sách 30 Under 30 châu Á năm 2025, vinh danh 30 cá nhân dưới 30 tuổi có ảnh hưởng nổi bật trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương trên 10 lĩnh vực khác nhau. Trong danh sách năm nay, Jenny Huỳnh (tên thật là Huỳnh Việt Hoàng Vy) là một trong hai đại diện đến từ Việt Nam, được xướng tên ở hạng mục Truyền thông, Tiếp thị và Nội dung số.

Hà Nội nỗ lực nâng cao chất lượng dân số

Hà Nội nỗ lực nâng cao chất lượng dân số

Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; nâng cao chất lượng dân số và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; chú trọng giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, chất lượng dân số… là những mục tiêu mà Hà Nội nỗ lực thực hiện trong thời gian qua.

Quyền lợi và trách nhiệm trong vấn đề sinh sản

Quyền lợi và trách nhiệm trong vấn đề sinh sản

Ngày Dân số Thế giới 11/7 năm nay có chủ đề:“Quyền tự quyết về sinh sản trong một thế giới đang thay đổi”. Đây là thông điệp chính thức được Văn phòng Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam công bố và được Bộ Y tế đưa vào Kế hoạch truyền thông dân số nhằm đẩy mạnh nhận thức cộng đồng về vai trò, quyền lợi và trách nhiệm trong vấn đề sinh sản.