Trước đó, người ta cứ nghĩ cô đột tử vì sử dụng điện thoại xuyên đêm, song tâm thư cuối cùng đã hé lộ sự thật đau lòng.
Thời gian gần đây, mạng xã hội Trung Quốc rúng động trước câu chuyện một sản phụ trẻ tuổi qua đời sau khi sinh con thứ hai. Ban đầu, nhiều người lầm tưởng nguyên nhân xuất phát từ việc cô thức khuya lướt điện thoại dẫn đến đột tử, kèm theo đó là loạt bình luận chỉ trích như “dùng điện thoại quá mức”, “thức khuya hại sức khỏe”.
Tuy nhiên, khi gia đình lên tiếng làm rõ, sự thật mới được hé lộ, hoá ra câu chuyện đằng sau đau lòng và phẫn nộ hơn rất nhiều.
Sản phụ qua đời vì trầm cảm sau khi sinh con thứ 2.
Theo chia sẻ từ mẹ ruột, sản phụ bị trầm cảm sau sinh nghiêm trọng, mất ngủ kéo dài khiến tinh thần suy sụp. Vì mất ngủ, cô thức trắng xem điện thoại cả đêm. Sau đó, mẹ bỉm ngồi dậy và bắt đầu sắp xếp các đồ dùng của em bé một cách gọn gàng, hành động này được lặp đi lặp lại suốt thời gian dài. Không ai biết, trong bóng tối im lặng, cô đã âm thầm chống chọi với cảm xúc vỡ vụn của mình.
Mẹ ruột nạn nhân sau đó đã công khai những đoạn ghi chú cuối cùng được tìm thấy trong điện thoại của con gái. Đó là những dòng chữ rời rạc, nhưng chan chứa tuyệt vọng. Cô viết rằng, mình mang thai con thứ hai khi vẫn đang một mình chăm con đầu lòng còn nhỏ. Cô gần như kiệt sức khi phải làm hết việc nhà, thiếu sự hỗ trợ của chồng. Dù đã nhiều lần lên tiếng cầu cứu, cô chỉ nhận lại sự lạnh nhạt và những lời mắng mỏ.
Khi cảm thấy không thể gánh nổi mọi thứ, cô tìm đến chồng, người đáng lẽ là chỗ dựa lớn nhất cho ba mẹ con. Nhưng đổi lại, anh ta mỉa mai cô "làm lố", "thần kinh có vấn đề". Không an ủi, không sẻ chia, chỉ có chỉ trích và chối bỏ. Dưới đây là nội dung bức tâm thư cô để lại, như một lời nói cuối cùng trước khi rời khỏi thế gian này.
"Anh à, em đột nhiên thấy tủi thân quá. Không biết sống như thế này còn có ý nghĩa gì nữa. Mỗi lần em đưa ra một yêu cầu rất nhỏ, thứ em nhận lại luôn là sự chế giễu, mắng nhiếc. Anh chưa từng chủ động quan tâm đến em. Khi em bụng to, có việc không làm nổi, nhờ anh giúp, anh lại cau có, khó chịu. Em khóc vì em tủi thân, anh lại nói em bị bệnh. Anh suốt ngày lặp đi lặp lại những câu như ‘cô có bệnh đấy’, ‘cô thần kinh à’, nói mãi đến mức người không có bệnh cũng bị nói thành có bệnh. Em thực sự sắp trầm cảm rồi. Mỗi lần em buồn hay khó chịu, em chỉ biết giấu trong lòng, vì em không biết nói với ai. Nói với anh thì chỉ nhận lại những lời châm chọc. Anh là chồng em, nhưng cách anh đối xử với em còn không bằng một người xa lạ. Mang thai vốn đã khiến tâm trạng em rất thất thường, em chỉ cần một chút quan tâm nhỏ nhoi từ anh thôi… Một chút thôi mà cũng không có".
Tâm thư dài của sản phụ được mẹ ruột công bố khiến nhiều người xót xa.
Khi sinh con xong, cô vẫn nuôi hy vọng mọi thứ sẽ khá hơn. Nhưng thực tế còn khắc nghiệt hơn. Chồng thường xuyên vắng nhà về đêm, để cô một mình xoay xở với hai đứa trẻ. Tình trạng kiệt sức về thể chất và tinh thần ngày càng trầm trọng. Không ai hỏi han. Không ai dang tay ra đỡ. Và rồi, cô sụp đổ.
Sự ra đi của người mẹ trẻ khiến cộng đồng mạng xót xa và giận dữ. Cô không từ bỏ vì không yêu con. Cô chỉ không còn chút sức lực nào để tiếp tục chống chọi một mình nữa. Những dòng cuối cùng cô để lại không phải là than trách số phận, mà là tiếng thét trong tuyệt vọng của một người vợ, một người mẹ cần được lắng nghe.
Mẹ ruột nạn nhân đã quyết định công bố nội dung này như một lời cảnh tỉnh. Bà nói, con gái mình yêu con, yêu gia đình, đã cố gắng hết sức. Nhưng trầm cảm sau sinh không thể tự vượt qua, nếu không có sự cảm thông và đồng hành từ người thân, đặc biệt là người chồng. Mang thai, sinh nở, làm mẹ, chưa bao giờ là hành trình của một người. Và điều tàn nhẫn nhất, không phải là cơn đau thể xác, mà là sự im lặng và lạnh nhạt từ chính người từng hứa sẽ nắm tay mình suốt đời.
Việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho sản phụ là rất quan trọng, đặc biệt ở giai đoạn sau sinh.
Trầm cảm sau sinh: Hiểu đúng để bảo vệ sức khỏe tinh thần của mẹ
Trầm cảm sau sinh là một vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng mà nhiều bà mẹ phải đối mặt sau khi sinh con, thường xảy ra trong vòng 6 tháng đầu. Đây không đơn giản là cảm giác buồn nhất thời, mà là sự suy sụp về cảm xúc, thể chất và tinh thần, nếu không được nhận diện và hỗ trợ kịp thời, có thể để lại hậu quả lâu dài.
a. Dấu hiệu nhận biết trầm cảm sau sinh:
- Tâm trạng u uất, buồn bã kéo dài, dễ bật khóc, cảm thấy mình vô dụng.
- Khó ngủ (dù em bé đang ngủ), hoặc ngủ nhiều nhưng vẫn mệt mỏi.
- Mất hứng thú với mọi thứ, kể cả việc chăm con.
- Dễ cáu gắt, tức giận vô cớ, cảm giác cô lập, xa cách với gia đình.
- Lo lắng quá mức, cảm thấy bản thân không đủ tốt hoặc sợ hãi khi ở một mình với con.
- Có suy nghĩ tiêu cực về bản thân, đôi khi nghĩ đến việc làm hại bản thân hoặc em bé.
b. Cách phòng tránh và vượt qua trầm cảm sau sinh:
- Chia sẻ cảm xúc thật: Đừng im lặng chịu đựng. Hãy tâm sự với người thân hoặc tìm đến bác sĩ, chuyên gia tâm lý để được lắng nghe.
- Gia đình đồng hành: Sự chia sẻ từ chồng, bố mẹ hoặc người thân trong việc chăm sóc con là liều thuốc tinh thần rất quan trọng cho sản phụ.
- Chăm sóc cơ thể và nghỉ ngơi hợp lý: Một chế độ ăn uống đầy đủ, ngủ nghỉ linh hoạt và vận động nhẹ nhàng có thể giúp cải thiện tâm trạng rõ rệt.
- Tự nhắc bản thân rằng: Làm mẹ không cần hoàn hảo: Đừng so sánh, đừng ép bản thân phải “đảm đang”, hãy tử tế với chính mình.
- Tìm đến chuyên gia: Nếu cảm giác buồn bã, kiệt sức và mệt mỏi kéo dài hơn 2 tuần, đừng chần chừ tìm đến bác sĩ tâm lý hoặc bác sĩ sản khoa, việc điều trị sớm sẽ giúp mẹ phục hồi nhanh chóng và an toàn.