Sau một thời gian dài khá trầm lắng, phim điện ảnh lịch sử Việt Nam đang có những khởi sắc và chuyển biến rõ rệt. Thành công của "Địa đạo" và nối tiếp là những dự án mới được công bố như "Hộ linh tráng sĩ - Bí ẩn mộ Vua Đinh", "Huyền tình Dạ Trạch"… hé mở tham vọng của những nhà làm phim kể chuyện bằng ngôn ngữ và góc nhìn mới để những câu chuyện lịch sử Việt không còn khô cứng mà sống động, gần gũi và đầy cảm xúc.
Những tín hiệu tích cực
Ra mắt vào đầu tháng 4/2025, "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối" của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của khán giả. Chỉ sau 10 ngày công chiếu, phim đạt doanh thu gần 128 tỷ đồng, trở thành phim đề tài chiến tranh có doanh thu cao nhất của điện ảnh Việt Nam.
Không chỉ thành công về mặt thương mại, “Địa đạo” còn tạo nên hiệu ứng tích cực trong cộng đồng. Phim thu hút sự quan tâm của khán giả trẻ, những người trước đây ít quan tâm đến thể loại phim lịch sử. Câu chuyện cảm động về lòng dũng cảm và hy sinh của những người lính trong chiến tranh đã chạm đến trái tim của nhiều người, góp phần khơi dậy niềm tự hào dân tộc và sự quan tâm đến lịch sử.
Poster phim “Huyền tình Dạ trạch”.
Không chỉ “Địa đạo”, một số bộ phim gần đây cũng cho thấy nỗ lực bền bỉ của các nghệ sĩ tâm huyết khai thác đề tài lịch sử Việt. Đơn cử phim “Đào, phở và piano” do đạo diễn Phi Tiến Sơn cầm trịch, tái hiện Hà Nội 60 ngày đêm khói lửa. Phim đạt doanh thu khoảng 20,8 tỷ đồng sau gần 3 tháng công chiếu, theo thông tin từ Cục Điện ảnh. Đây là một con số ấn tượng đối với một bộ phim lịch sử do Nhà nước đầu tư.
Thành công của phim không chỉ thể hiện qua doanh thu mà còn ở hiệu ứng truyền thông tích cực và sự đón nhận nồng nhiệt từ khán giả. “Đào, phở và piano”đã tạo nên “cơn sốt” tại phòng vé, với nhiều suất chiếu cháy vé và được đánh giá cao về mặt nghệ thuật, góp phần khẳng định tiềm năng của phim lịch sử Việt Nam trong việc thu hút khán giả nếu được đầu tư và kể chuyện một cách hấp dẫn.
Đoàn làm phim “Hộ linh tráng sĩ - Bí ẩn mộ vua Đinh”.
Dự kiến khởi chiếu dịp 30/4 tới có phim điện ảnh trinh thám có yếu tố kinh dị "Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu" cũng đang nhận được sự quan tâm của công chúng. Lấy bối cảnh Việt Nam thời kỳ phong kiến cuối thế kỷ 19, phim kể về hành trình phá án của thám tử tài ba Kiên. Hai năm sau khi bộ phim “Người vợ cuối cùng”, đạo diễn Victor Vũ tiếp tục khai thác tuyến câu chuyện trinh thám trong tiểu thuyết “Hồ oán hận” của tác giả Hồng Thái.
Bộ phim đã mang đến một nỗ lực đáng ghi nhận trong việc phục dựng trang phục lịch sử Việt Nam với gần 1.000 bộ cổ phục may thủ công xuất hiện trong phim, từ nhân vật chính đến từng diễn viên phụ. "Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu" không chỉ là một tác phẩm điện ảnh mà còn kỳ vọng là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, góp phần giới thiệu nét đẹp truyền thống Việt Nam đến khán giả trong và ngoài nước.
Dương Phạm Trí - nhà thiết kế và thực hành trang phục truyền thống chia sẻ về 2 bộ trang phục anh nghiên cứu cho các nhân vật trong phim.
Vẫn còn muôn vàn thách thức
Một số dự án phim lịch sử hoặc lấy cảm hứng từ những câu chuyện lịch sử vừa được công bố, cũng nhận được sự quan tâm chú ý như: “Huyền tình Dạ Trạch” và “Hộ linh tráng sĩ - Bí ẩn mộ Vua Đinh”.
Trong đó, “Huyền tình Dạ Trạch” là dự án phim đặc biệt của Đài TH Hà Nội, lấy cảm hứng từ truyền thuyết Chử Đồng Tử - một trong Tứ Bất Tử của văn hóa và tâm thức người Việt Nam (cùng với Tản Viên Sơn Thánh, Phù Đổng Thiên Vương và Mẫu Liễu Hạnh). Phim sẽ kể lại một trong những thiên tình sử nổi tiếng và đẹp nhất trong kho tàng văn hóa dân gian Việt: Chuyện tình công chúa Tiên Dung và chàng trai nghèo Chử Đồng Tử. Câu chuyện của Tiên Dung và Chử Đồng Tử còn là biểu tượng của tinh thần khai phá và khát vọng phồn vinh của người Việt xưa.
Còn “Hộ linh tráng sĩ - Bí ẩn mộ Vua Đinh” không chỉ là một bộ phim võ thuật, tâm lý, tình cảm, mà còn là một bản anh hùng ca bi tráng, thấm đẫm tinh thần dân tộc, lấy cảm hứng từ một trong vô vàn những truyền thuyết dân gian huyền bí về lăng mộ Vua Đinh - Vị Hoàng đế đầu tiên đặt nền móng cho nước Việt độc lập sau hơn 1.000 năm Bắc thuộc.
Cổ phục trong phim “Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu” được may thủ công.
Điều dễ nhận thấy là mỗi dự án phim lịch sử đều mang rất nhiều tâm huyết và sự dày công của những người làm nghề bởi từ việc chọn lựa bối cảnh, tái hiện những sự kiện lịch sử, đến việc khắc họa những nhân vật tính cách... tất cả đều phải có sự đầu tư lớn về thời gian và chất xám. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận thực tế, phim điện ảnh lịch sử Việt Nam cùng các nhà làm phim Việt đã và đang đối diện với muôn vàn thách thức.
Kinh phí sản xuất phim vẫn là nỗi lo thường trực, khi những bộ phim mang đề tài lịch sử luôn đòi hỏi bối cảnh tái dựng công phu, phục trang và đạo cụ phù hợp thời kỳ… tất cả đều tiêu tốn gấp nhiều lần một bộ phim hiện đại thông thường. Trong khi đó, khả năng thu hồi vốn vẫn luôn là ẩn số khó đoán.
Không chỉ vậy, kể một câu chuyện lịch sử hoặc lấy cảm hứng từ nhân vật trong quá khứ chưa bao giờ là điều dễ dàng. Làm sao để kể lại một câu chuyện cũ bằng lối kể mới, vừa chạm đến cảm xúc khán giả đại chúng, vừa giữ được tinh thần lịch sử nguyên bản? Các yếu tố truyền thống như trang phục, cảnh vật, âm nhạc, ngôn ngữ hay thậm chí là những thói quen, tập quán trước đây phải được xây dựng tỉ mỉ và chính xác, tạo nên một không gian văn hóa đúng thời kỳ… Đây không đơn giản là khả năng viết kịch bản, mà còn là cuộc đối thoại giữa đạo diễn - biên kịch - các nhà cố vấn về lịch sử, văn hóa… bởi mỗi chi tiết thể hiện trên phim đều có thể trở thành điểm tựa hoặc điểm yếu chí tử.
Chưa kể, trong thị hiếu khán giả, phim lịch sử vẫn mang tiếng “khó xem”, “khô cứng” và “giáo điều”, khiến nhiều người e ngại. Dù gần đây đã có những tác phẩm đổi mới cách kể, nhưng để thay đổi hoàn toàn góc nhìn định kiến ấy, các nhà làm phim có lẽ cần thêm thời gian, có thêm nhiều bộ phim chạm được trái tim người xem, sự ủng hộ từ các đơn vị phát hành và cả góc nhìn cởi mở hơn từ công chúng.