Nỗ lực thu hẹp khoảng cách giới

Trâm Anh
Chia sẻ

Hội thảo công bố Báo cáo rà soát độc lập 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới từng chỉ ra rằng, tại Việt Nam, lao động nữ chiếm gần một nửa lực lượng lao động quốc gia, tuy nhiên chất lượng việc làm lại chưa ổn định và thiếu bền vững. Thu nhập bình quân tháng của lao động nữ chỉ bằng khoảng 80% so với nam. Theo đó, trên thực tế, cả nam giới và nữ giới đều chịu những tác động từ bất bình đẳng giới, tuy nhiên phụ nữ và trẻ em gái vẫn là nhóm đối tượng chịu nhiều thiệt thòi hơn.

Phụ nữ vẫn chịu nhiều thiệt thòi

Một trong những nguyên nhân của sự thiệt thòi này là do gánh nặng lao động chăm sóc - việc gia đình không được trả lương. Các hoạt động kinh tế mà phụ nữ tham gia phải linh hoạt về thời gian để họ có thể vừa đi làm, vừa thực hiện công việc gia đình. Thực tế đó dẫn đến sự phân biệt nghề nghiệp trong thị trường lao động và có thể làm phát sinh bất bình đẳng giới trong thu nhập. Phụ nữ phải nhận ít tiền lương hơn so với nam giới trong cùng một công việc.

Hoặc có quan niệm cho rằng, phụ nữ tham gia thị trường lao động ít hiệu quả hơn, cho nên, họ nên quay về lo việc nhà. Hiện thực và trách nhiệm của phụ nữ trong việc nhà không được trả lương đã dẫn đến tỷ lệ nữ tham gia thị trường lao động ít hơn nam, kinh nghiệm ít hơn, phân biệt nghề nghiệp, khoảng cách giới trong thu nhập và cuối cùng là trình độ học vấn, kiến thức và kỹ năng của phụ nữ thấp hơn do ít được đầu tư hơn.

Theo Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women), công việc chăm sóc không lương (như nội trợ, chăm sóc con cái, lo việc họ hàng…) được thực hiện chủ yếu bởi phụ nữ và trẻ em gái. Các chuyên gia nhận định, ở khắp nơi trên thế giới, phụ nữ phải gánh vác khối lượng công việc chăm sóc không trả lương nhiều hơn so với nam giới. Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trung bình phụ nữ làm công việc chăm sóc không lương nhiều gấp 2,5 lần so với nam giới. Phụ nữ Việt Nam dành thời gian làm việc nhà gần gấp đôi so với nam giới.

Nỗ lực thu hẹp khoảng cách giới - 1

Ảnh minh họa

Đặc biệt, trách nhiệm chăm sóc gia đình là một trong những lý do chính khiến phụ nữ hạn chế tham gia thị trường lao động, phải nhận những công việc bấp bênh, không ổn định hay thậm chí là thất nghiệp.

Khoa học cũng chỉ ra nguyên nhân khiến cho đàn ông thờ ơ làm việc nhà hơn so với phụ nữ. Ví dụ, khi một người phụ nữ bước vào bếp, cô ấy sẽ nhìn thấy bát đĩa đang chờ rửa và cần mua thêm đồ cho tủ lạnh. Trong khi đó, đàn ông có thể cũng nhìn thấy bát đũa bẩn, phòng bếp bừa bộn hay chiếc tủ lạnh trống rỗng, nhưng không cảm nhận được sự “thôi thúc về tinh thần” để phải dọn dẹp ngay. Theo thời gian, những khác biệt nhỏ này tạo nên sự chênh lệch đáng kể về những việc phụ nữ làm, còn đàn ông thì không. Các ông chồng dần dần không đáp ứng được tiêu chuẩn của vợ.

Tuy nhiên, khoảng cách về giới này đang ngày càng được thu hẹp, nhất là trong thế hệ trẻ. San sẻ việc nhà dần trở thành xu hướng của nhiều gia đình hiện đại như một cách thể hiện trách nhiệm và sự quan tâm. Làm những công việc linh hoạt thời gian, có thể làm việc tại nhà cũng là điều kiện để nam giới san sẻ việc nhà cùng bạn đời. Ngoài ra, nhiều mô hình thiết thực hướng tới nam giới thay đổi quan niệm “trọng nam khinh nữ”, “ưa chuộng con trai” cũng đã được thành lập, bước đầu thay đổi nhận thức của nam giới. Nhiều nam giới trong gia đình đã ý thức trách nhiệm người cha không chỉ là trụ cột về kinh tế trong gia đình mà còn có trách nhiệm cùng vợ chăm sóc, dạy dỗ con cái, xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ; thay đổi thói quen, nhận thức về bình đẳng giới… Có thể kể đến như CLB “Nam giới tiên phong” ở huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội, CLB “Người cha trách nhiệm” do Quỹ Dân số Liên hợp quốc xây dựng…

Nỗ lực thu hẹp khoảng cách giới - 2

Ảnh minh họa

Bình đẳng bắt đầu từ gia đình

Anh Nguyễn Minh Tuấn, một ông bố đang “đảm nhận” đưa đón và lo ăn uống cho con mỗi ngày và tự nhận thu nhập đang… không bằng vợ, cho rằng, bình đẳng thực sự không phải là ai chịu khổ nhiều hơn, mà là cùng nhau gánh vác. Bình đẳng cũng không phải là đổi vai, mà là có quyền lựa chọn và chia sẻ trách nhiệm, chứ không phải bám vào định kiến để giữ đặc quyền cho riêng mình. “Vợ tôi sinh đứa đầu 2 tháng đã mon men đi làm rồi vì ở nhà nhiều cũng chán, mà lại nhớ việc, trộm vía cô ấy cũng khỏe nhanh. Sinh đứa thứ 2 thì ngược lại, sức khỏe yếu đi nên nghỉ hẳn… 4 năm. Nghỉ làm ở công ty cũ, cô ấy ra ngoài bán hàng online, công việc cũng thuận lợi. Đến khi thuê được quản lý ưng ý cho cửa hàng rồi thì cô ấy đi làm lại ở công ty cũ, được vài tháng chi nhánh tái cơ cấu và lên thẳng chức phó giám đốc. Tôi không cấm cản gì và luôn ủng hộ, vì cả hai vợ chồng đều thích trẻ con và đều có nhu cầu phấn đấu trong công việc. Thế nên tôi không ngại việc nhà, tắm rửa cơm nước cho con, và tôi thấy việc đó hoàn toàn bình thường”, anh nói.

Còn theo anh Bùi Minh Toàn (làm việc trong lĩnh vực xây dựng tại quận Cầu Giấy): “Tôi từng nộp đơn nghỉ việc khi vợ vừa sinh em bé thứ 2 được 3 tháng vì công ty bắt đi công tác xa nhà dài ngày. Sếp tôi lúc đó rất cáu và nói vợ em sinh con chứ có phải em sinh đâu mà bảo trách nhiệm. Tôi nghĩ quan niệm về bình đẳng giới ở Việt Nam vẫn còn cần phải cố gắng thay đổi, để cả phụ nữ và đàn ông vẫn vừa được cống hiến cho công việc và cả gia đình. Hy vọng rằng, những chính sách về an sinh, xã hội và việc làm sẽ ngày được quan tâm hơn, khả thi hơn, chú ý đến yếu tố về giới để hướng tới sự công bằng cho tất cả. Chị em phụ nữ không cần phải cố gắng để “có tất cả”, gồng mình sống theo những kỳ vọng truyền thống để vừa trở thành người chăm sóc gia đình, vừa thăng tiến tốt trong sự nghiệp”.

Nỗ lực thu hẹp khoảng cách giới - 3

Ảnh minh họa

Theo chuyên gia Lê Thị Lan Phương (Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ), quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đã và đang tạo cho gia đình những điều kiện tiếp thu những giá trị văn hóa mới của xã hội hiện đại. Thế nên trong những năm gần đây, nhận thức về tình yêu, hôn nhân có nhiều biến đổi. Tỷ lệ phụ nữ được thực hiện quyền bình đẳng về kinh tế, việc làm và được thụ hưởng thành quả lao động ngày càng cao. Tự do trong tình yêu và hôn nhân được tôn trọng trên cơ sở bình đẳng giới và được pháp luật bảo vệ, góp phần nâng cao vị thế của người phụ nữ trong gia đình và xã hội.

Bà Phương cho rằng, con đường tới một xã hội bình đẳng bắt đầu từ chính gia đình, cho dù̀ hình thái gia đình có thể khác nhau, truyền thống hoặc phi truyền thống. Bình đẳng giới không hề xa xôi, bắt đầu từ việc thúc đẩy bình đẳng trong các gia đình, khuyến khích sự chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên, bao gồm việc chăm sóc con cái, phân chia công việc gia đình giữa những người bạn đời, đồng thời cùng phấn đấu cho công việc hoặc sự nghiệp riêng và có những đóng góp tích cực cho xã hội.

Chia sẻ

Trâm Anh

Tin cùng chuyên mục

Nữ Chủ tịch Hội giàu lòng nhân ái

Nữ Chủ tịch Hội giàu lòng nhân ái

Những năm gần đây, Hội LHPN xã Xuy Xá là điểm sáng trong công tác hội và các hoạt động an sinh xã hội ở huyện Mỹ Đức. Kết quả đó có sự đóng góp tích cực của chị Lê Thị Khuyến, Chủ tịch Hội LHPN xã.

Nhớ tàu điện Hà Nội

Nhớ tàu điện Hà Nội

Hà Nội là đô thị hội tụ vẻ đẹp truyền thống và hiện đại, nơi kết nối những mạch nguồn lịch sử và tinh hoa của dân tộc. Trong dòng chảy bất tận của thời gian, tàu điện đã ghi dấu một phần trong đó, khẳng định sức sống mạnh mẽ, lâu bền. Cho đến ngày nay, những tuyến tàu điện dường như vẫn đang thầm lặng làm nên phong vị riêng có của mảnh đất kinh kỳ.