Nhật ký làm mẹ

T.Thu
Chia sẻ

Không phải cứ sinh con ra mà chúng ta trở thành mẹ. Và cũng không phải mẹ là người lớn thì làm cái gì cũng tốt, cũng đúng. Đôi khi, chính con lại đang giúp mẹ trưởng thành hơn, chín chắn hơn mỗi ngày.

Chuyện thứ 1

Hôm đó, mẹ phát hiện ra cây ớt mọc trong chiếc chậu bé xinh đặt ngoài hiên nhà đã đậu được 2 quả bé xinh. Cũng là thành quả bao lâu nay mẹ chăm bón, tưới tắm cho cây. Mẹ liền sốt sắng gọi Tít để cùng chia sẻ niềm vui ấy cho Tít. Rồi mẹ bảo: “Tít ơi, con lấy điện thoại ra chụp quả ớt để làm kỷ niệm nhé”. Lúc đó, Tít đang chăm chú xem tivi, nghe mẹ gọi vội vàng mang điện thoại ra trước hiên nhà. Nhưng mẹ đợi mãi, thấy Tít vẫn cứ loay hoay quanh mấy cái chậu cây. Bực quá, mẹ liền mắng: “Trời ạ, con lớn từng này rồi mà không biết đâu là quả ớt ư? Mẹ thấy thật phí công cho con ăn học lâu nay”. Trước cơn giận dữ của mẹ, Tít chỉ im lặng, không nói gì.

Nào ngờ, đến buổi chiều hôm đó, cô giáo gọi điện cho mẹ, nói là Tít tan học rồi mà không chịu về nhà. Tít nói muốn ở lại trường. Khi cô giáo hỏi thì Tít òa khóc, tâm sự là Tít không còn thấy yêu mẹ vì mẹ đã mắng oan Tít. Mẹ cho rằng Tít không biết nhận diện quả ớt, nhưng thực ra, lúc đó Tít đang mải ngắm một con sâu bò ở chậu cây mồng tơi. Tít rất buồn và Tít không muốn gặp lại mẹ nữa.

Lời kể của cô giáo khiến mẹ ngỡ ngàng. Với mẹ, trong lúc bực mà la mắng Tít vài câu là chuyện rất nhỏ và mẹ đã không còn nghĩ đến nó nữa. Nhưng hóa ra với Tít, việc này lại không nhỏ chút nào. Tít ấm ức thấy mình không được mẹ đánh giá đúng. Tít im lặng chịu đựng vì Tít không muốn trở thành người nóng giận như mẹ. Vì thế mà Tít muốn bỏ đi khỏi nhà. Rất may là Tít đã chia sẻ suy nghĩ của mình với cô giáo thay vì hành động dại dột.

Tối đó mẹ đã nói chuyện nghiêm túc với Tít và xin lỗi vì đã không kiềm chế được cảm xúc của mình. Mẹ cũng nhận sai vì áp đặt nhận định của mình lên Tít, mà không cần biết nhận định đó có đúng không. Lẽ ra mẹ nên bình tĩnh hơn, từ tốn đợi Tít giải thích lại tình huống ban sáng.

Nhật ký làm mẹ - 1

Ảnh minh họa

Chuyện thứ 2

Mẹ nấu mấy món ngon mà Tít rất thích. Nhưng, Tít chỉ ăn qua loa với vẻ mặt không vui vẻ lắm. Rồi Tít lặng lẽ bỏ lên phòng. Sau khi dọn dẹp xong mẹ mới có thời gian hỏi thăm Tít. Lúc này, Tít òa khóc kể lại là một bạn trong lớp đã làm mất chiếc gọt bút chì hình quả táo mà Tít rất thích.

Nghe xong, trước bộ dạng nhạt nhòa nước mắt của Tít, mẹ vội vỗ vai Tít nói: “Ôi dào, mẹ tưởng chuyện gì. Cái gọt bút chì đó mất rồi thì để mai mẹ đưa con đi mua cái khác. Việc này rất là nhỏ, con đừng mất thời gian suy nghĩ nữa. Sau này con ra đời, sẽ còn nhiều khó khăn khác lớn hơn nhiều. Thôi, con nín đi rồi còn học bài. Con trai ai lại khóc như vậy”.

Mẹ cứ ngỡ nói vậy là sẽ giúp Tít loại bỏ suy nghĩ tiêu cực và trở nên bản lĩnh hơn. Nhưng hóa ra là mẹ đã lầm. Tít càng khóc to hơn và bảo mẹ: “Mẹ không hiểu con. Đó là món quà mà con được tặng dịp sinh nhật. Con không cần mẹ nữa, lần sau, con sẽ không chia sẻ với mẹ nữa. Con trai khóc thì làm sao, con trai không được buồn hả mẹ”.

Lời nói của Tít khiến mẹ phải suy nghĩ lại. Bài học mẹ rút ra là đừng bao giờ cố phủ nhận nỗi buồn của người khác và cho rằng nó quá nhỏ, không đáng kể gì. Thực ra, việc có thể nhỏ với người này, nhưng lại rất lớn với người khác. Mẹ cũng không nên định kiến giới, cho rằng Tít là con trai mà khóc nhè là yếu đuối. Thay vào đó, lẽ ra mẹ có thể động viên Tít: “Đúng rồi, mất đi chiếc gọt bút chì được bạn tặng là rất đáng tiếc. Nếu là mẹ, mẹ cũng sẽ buồn lắm. Con cứ khóc đi, có mẹ ở bên con đây. Sau đó, mẹ với con sẽ cùng đi mua một chiếc gọt bút chì mới cho con nhé”.

Chuyện thứ 3

Lớp Tít có một bạn gái mới chuyển tới. Bạn lại được cô giáo xếp chỗ ngồi ngay cạnh Tít, kế bên ô cửa sổ nhìn ra một vườn cây của trường. Hàng ngày, chim chóc kéo đến vườn cây hót véo von. Thi thoảng, còn có một hai con chim sà xuống, bay sát gần cửa sổ lớp học.

Một ngày, Tít nói với mẹ muốn mang chậu hoa của nhà tới lớp đặt ở bệ cửa sổ. Thì ra, Tít muốn “dụ” lũ chim bay đến để bạn mới được ngắm chú chim gần hơn. Tít thật thà kể với mẹ là Tít thích bạn vì bạn gái rất xinh. Giờ ra chơi, hai bạn thường ngồi nhìn ra ngoài cửa sổ mà nói nhiều chuyện trên trời dưới bể.

Cuối tuần, ông bà ngoại và các dì sang nhà chơi với Tít. Trong câu chuyện, mẹ đã vui vẻ kể lại việc Tít có bạn gái và còn có nguyện vọng dụ cho đàn chim tới gần cửa sổ để lấy lòng bạn nữa. Mẹ cứ nghĩ, đây là chuyện tầm phào, vui vui của trẻ con và trẻ con thì làm gì có bí mật. Hơn thế, mẹ chỉ kể cho người thân trong nhà nên chẳng có gì mà phải ngại. Nào ngờ, khi Tít nghe thấy mẹ kể chuyện thầm  kín của mình đã rất giận. Tít giữ im lặng với mẹ suốt 2 ngày, ngay cả bữa cơm cũng chỉ cắm cúi ăn chứ không ríu rít như mọi ngày. Mẹ đã phải kỳ công làm lành và xin lỗi Tít vì hành động của mình. Mẹ hứa với Tít từ lần sau, sẽ không mang chuyện riêng của Tít ra chia sẻ nữa.

Bài học mẹ rút ra qua sự việc này ai cũng có sự riêng tư. Khi mẹ chia sẻ điều thầm kín với ai, mẹ cũng mong được người đó giữ kín cho mình và Tít cũng vậy.  Mẹ cần phải tôn trọng bí mật đó của Tít. Chỉ có Tít mới có quyền nói bí mật của mình ra cho mọi người biết.

Nhật ký làm mẹ - 2

Ảnh minh họa

Chuyện thứ 4

Hàng ngày, mẹ vẫn là người đưa Tít đi học và đón Tít về nhà. Thực ra trường không xa nhà nhưng mẹ lo Tít tự đi sẽ có nhiều bất trắc như dễ bị va quệt, rồi lạc đường, và tệ hơn là có thể bị bắt cóc.

Mọi việc lẽ ra cứ diễn ra như vậy cho đến lần đó, mẹ bận họp nên không về đón Tít đúng giờ được. Trời mỗi lúc một tối, mẹ rất lo nhưng không có ai khác để nhờ đón Tít. Một mình ở lại trường, Tít rất muốn được về nhà nhưng lại không biết đường, gọi xe ôm thì lại không có tiền và con cũng không dám đi vì luôn nghe mẹ nhắc “chỉ có ngồi sau xe mẹ con mới được an toàn”. Thế là Tít đã phải ngồi đợi mẹ tận gần 7h tối, may là có bác bảo vệ đưa Tít vào phòng của bác ngồi để Tít đỡ sợ.

Lần đó mẹ rút ra bài học là đừng bao giờ cố bảo bọc con quá mức. Bởi, dù yêu và chăm con thế nào thì cũng có lúc cha mẹ không thể lo chu toàn mọi việc được. Hơn thế, cha mẹ rồi cũng sẽ già đi và con phải tự bước đi một mình. Lẽ ra, mẹ phải dạy cho Tít cách tự đi về nhà hay là gọi xe ôm như thế nào cho an toàn. Bằng tuổi Tít, nhiều bạn đã rất tự lập, không để bố mẹ phải bận tâm về mình nhiều nữa.

Là thế đấy, mỗi ngày bên Tít, cuốn nhật ký của mẹ lại một dày thêm. Mỗi bài học được rút ra, lại cho mẹ thêm kỹ năng để có thể làm một người mẹ tốt hơn của Tít.

Chia sẻ

T.Thu

Tin cùng chuyên mục

Anh biết lỗi rồi

Anh biết lỗi rồi

Trong một con hẻm nhỏ ở Thủ đô, gia đình nhỏ của Hoài và Thịnh luôn đầy ắp tiếng cười của hai cô con gái nhỏ. Họ sống trong một căn phòng khá rộng rãi, nằm trong khu trọ thoáng đãng, đẹp đẽ với những hàng cây xanh mướt che mát.

Giáo dục Thủ đô: Khẳng định vị thế dẫn đầu

Giáo dục Thủ đô: Khẳng định vị thế dẫn đầu

Năm 2024, ngành Giáo dục Thủ đô tròn 70 năm thành lập. Trong quá trình xây dựng và phát triển, ngành Giáo dục Thủ đô đã luôn tiên phong, đổi mới, khẳng định vị trí đứng đầu trong đào tạo nguồn nhân lực. Vào dịp kỷ niệm 20/11 năm nay, Chủ tịch nước đã có quyết định trao tặng Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Huân chương Lao động hạng Nhất.