Tôi có sở thích lang thang trong ngõ ngách của những ngôi làng xưa, mà giờ đã là thành phố, thành phường. Trong những đận đi phiêu lãng ấy, tôi nhận ra rằng đằng sau những chật hẹp, xô bồ và ồn ã thì vẫn còn đó những mảnh hồn quê thương nhớ. Đó là những chiếc cổng làng lặng lẽ đứng trước rêu phong của thời gian, chứng kiến biết bao vui buồn của phận đời, phận người.
Phía sau cổng làng…
Hà Nội được biết đến là miền đất trăm nghề. Nếu như cả nước có trên 800 làng nghề mang đậm nét truyền thống đặc biệt thì chỉ riêng Hà Nội đã có 359 làng nghề. Những làng nghề tiêu biểu như: Khảm trai Chuyên Mỹ (Phú Xuyên), thêu ren Quất Động (Thường Tín), mây tre đan Phú Vinh (Chương Mỹ), may comple Đại Xuyên (Phú Xuyên), may áo dài Trạch Xá và làm đàn Đào Xá (Ứng Hòa), gốm sứ Bát Tràng, hoa Ngọc Hà, đào Nhật Tân, sản xuất giấy dó, giấy phiến chỉ Cầu Giấy, làm giấy trang kim Kiêu Kỵ, lò rèn Đa Sỹ, giả kim hoàn Hàng Bạc, đúc đồng Ngũ Xã… Mỗi làng mỗi nghề nhưng điểm chung của tất thảy những định danh ấy là cổng làng. Làng có cổng. Người tứ xứ muốn tìm đến làng, chỉ cần đến được cổng làng là chẳng thể có sự lạc lối.
Cổng làng cổ Đường Lâm - một trong những cổng làng cổ nổi tiếng nhất Việt Nam được ví như nơi lưu giữ hồn quê của xứ Đoài.
Hơn hết, ở tất thảy những nơi có nghề này, cổng làng đã trở thành biểu tượng rất đỗi tự hào của người dân, là hình ảnh thân quen tô điểm sức sống văn hoá tinh thần cho mọi làng quê. Là nơi chứng kiến bao cuộc hẹn hò, tiễn đưa và đón đợi những người xa quê trở về làng. Mỗi người xa quê khi nhớ về quê hương là nhớ về hình ảnh cổng làng thân thương bên gốc đa, giếng nước, sân đình.
Tôi nhớ mãi đận trò chuyện với Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức (nguyên Phó Chủ nhiệm Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội). Trong câu chuyện xoay quanh đất và người Hà Nội hôm ấy, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức quả quyết mảnh đất ngàn năm văn hiến này vẫn còn không ít trầm tích văn hóa mà không phải nơi nào cũng có được.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức. Kinh đô Thăng Long xưa là khu vực 36 phố phường, người đời vẫn quen gọi là đất Kẻ Chợ. Bao bọc quanh kinh thành ngày xưa là những ngôi làng cổ. Mỗi làng đều có một cổng. Chiếc cổng như một định danh cho vùng đất ấy.
Từ những “gợi ý” của Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, tôi bắt đầu tìm hiểu về mảnh đất ngàn năm văn hiến này. Tôi nhớ có lần khi nghe nói về làng thuốc Nam Đại Yên, tôi tò mò đi vào một con ngõ bên đường Hoàng Hoa Thám. Giờ hầu như không còn vườn thuốc Nam nào. Nhưng chỉ cách con đường sầm uất có vài trăm mét, tôi lại gặp một chiếc cổng làng – cổng làng Đại Yên. Ngay bên cổng làng, vẫn còn có những người bán thuốc Nam. Tôi nghiệm ra rằng, đằng sau những lớp bê-tông nặng nề, đằng sau những không gian chật hẹp thì vẫn có đâu đó một "nếp làng" vẫn âm thầm được gìn giữ…
Cổng làng cổ Cự Đà mang đậm dấu ấn của làng quê Bắc Bộ.
Lại nữa, có lần mải miết đi trên con phố Gia Thượng (Long Biên) tôi bắt gặp một chiếc cổng làng vẫn sừng sững trên vỉa hè. Không nhiều người biết được lịch sử của chiếc cổng, chỉ biết rằng nó đã tồn tại từ rất lâu rồi. Ông Nguyễn Ngọc Trúc (89 tuổi ở Gia Thượng) bảo tôi rằng, từ khi về làm rể ở làng đến nay đã gần 70 năm, ngày ấy chiếc cổng làng đã có rồi. Ông Nguyễn Ngọc Trúc còn nhớ rõ xưa kia hai bên cổng làng là những hàng tre cao vút, bên cạnh còn có một cái giếng nước là nơi cung cấp nước sinh hoạt cho cả làng. Chỗ giếng nước đã bị lấp bây giờ chính là nơi con đường rộng thênh thang với tên gọi phố Gia Thượng. Dù vậy, chiếc cổng vẫn được giữ lại, như một phần của nét văn hóa của làng quê nơi đây được người dân gìn giữ.
Phía trước cổng làng Gia Thượng có đề “Gia Thượng thôn” bên trên, hai bên dưới còn có câu “Đại đạo chi hành”, có ý nhắn nhủ người làng cứ đường lớn mà đi. Bên phải “Trí tuệ Lạc Hồng khai tự mẫu”, “Tâm linh siêu việt phóng càn khôn”. Phía sau: “Nhân nghĩa ân tình tâm đức trọng”, “Tổ quốc vạn xuân hành đại đạo”, “Căn nguyên đạo pháp tấu hòa an”, “Hương thôn bách tính tạo anh hùng”. Đây đều là những điều nhắc nhở cũng như những truyền thống tốt đẹp của ngôi làng được chuyển hóa thành câu đối viết trên cổng để người làng dù có đi đâu cũng nhớ đến, từ đó cũng góp phần hình thành nên nhân cách của mỗi người.
Lưu giữ hồn cốt làng quê
Có đi mới biết, chiếc cổng làng xưa kia lại đóng vai trò quan trọng đến nhường nào. Người xưa đều xem cổng làng được xem là bộ mặt, là biểu tượng cho nếp sống, cốt cách của người dân sống trong làng. Trong tâm thức của họ, cổng làng luôn có một “chỗ đứng” quan trọng.
Nhà cửa trong làng có thể tuềnh toàng, cuộc sống có thể còn lam lũ, khó khăn, nhưng cổng làng thì phải được dựng ngay ngắn, đàng hoàng. Chẳng thế mà trong dân gian xưa đã có những ví von như: “Làng không cổng chẳng khác gì nhà không cửa”, hay “Nhà có nóc, làng có cổng”.
Cổng làng Cựu, xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
Làng quê xưa, mỗi làng có thể chỉ có một cổng duy nhất nhưng cũng có nhiều làng dựng hai cổng, gồm có cổng tiền và cổng hậu (cổng trước và cổng sau). Có quy luật phong thủy được ngầm mặc định trong việc bố trí cổng làng đó là cổng tiền thường hướng về phía Đông Nam, hướng của mặt trời mọc, hướng của gió lành, thể hiện ước vọng về sự sinh sôi, tươi tốt. Còn cổng hậu, thường hướng về phía Tây, hướng mặt trời lặn nhằm tiễn đưa những vướng bận, u sầu, không may mắn. Cánh cửa ấy mở ra mỗi sớm, với hy vọng mang về phúc lộc và niềm vui…
Chuyên gia văn hóa Phùng Hoàng Anh (Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam) cho biết, cổng làng gắn liền với sự hình thành và phát triển của làng. Dù to hay nhỏ, có thể xây bằng gạch hoặc bằng đá, chiếc cổng làng thể hiện cho một nếp làng bề thế, thể hiện cả cốt cách của ngôi làng, của những người dân trong làng. Ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ, hầu như ở đâu có làng thì ở đó có cổng làng. Các vùng nông thôn gắn liền với sản xuất lúa nước là những vùng có nhiều cổng làng được xây bề thế. Tất cả những cái hay cái đẹp, đôi khi là những điều răn dạy, nhắc nhở cũng được viết thành câu đối khắc trước cổng, cổng làng vì thế trở thành một phần của văn hóa làng.
Dù giữ vai trò và vị trí quan trọng, là trầm tích văn hóa quý báu nhưng thật đáng buồn thay, cho đến nay, chưa có cơ quan nào thống kê cả nước có bao nhiêu cái cổng làng cổ và bao nhiêu cổng làng đã bị phá đi theo từng năm. Có lẽ chính vì sự lãng quên ấy mà hiện số cổng làng nhuốm màu thời gian đang tồn tại cũng chỉ khiêm tốn. Hầu hết những cổng làng được xây dựng từ thời xưa đã bị phá bỏ và chìm sâu vào ký ức xa xăm.
Nhiều ngôi làng, bóng dáng cổng làng mang “dấu xưa” dần được thay thế bởi các kiểu cổng chào vay mượn, sao chép, ít giá trị thẩm mỹ.
Nhà văn Nguyễn Văn Học - một người yêu nét xưa cũ của xứ Đoài cũng đôi lần tỏ ra tiếc nuối với tôi vì sự mất mát của những chiếc cổng làng. Bởi chiếc cổng được xem là một điểm mốc đánh dấu không gian làng. Phía sau cổng làng chính là sự kết nối, gắn bó cộng đồng, làng xã, là những nét chung về phong tục, tập quán, văn hóa riêng biệt mang dấu ấn, bản sắc riêng của từng làng quê. Cổng làng truyền thống thường toát lên vẻ tôn nghiêm, trang trọng, thể hiện sự nền nếp, kỷ cương của văn hóa làng xã. Cổng làng là một điểm nhấn trong bố cục hài hòa với không gian của lũy tre xanh, con đường làng, gốc đa, bên nước, ao làng, sân đình và những cánh đồng thẳng cánh cò bay. Để rồi mỗi người con của làng quê vì cuộc sống mưu sinh phải bươn chải làm ăn nơi đất khách quê người mỗi lần nhớ về quê hương, gia đình, nơi chôn rau cắt rốn là lại bồi hồi, rưng rưng nhớ tới cái cổng làng với bao cảm xúc xốn xang.
Thiết nghĩ, đối với những cổng làng, đặc biệt là những chiếc cổng làng cổ còn giữ được đến ngày nay thì việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị của cổng làng cần phải được xem trọng hơn. Bởi xem trọng những giá trị văn hóa này cũng là cách nâng cao, trao truyền nét đẹp văn hóa của con người trong thời đại mới.