Trước tình trạng mức sinh giảm sâu tại một số vùng kinh tế-xã hội trọng điểm, mới đây, Bộ Y tế đã đề xuất giải pháp nhằm điều chỉnh mức sinh phù hợp tại các vùng này. Một số địa phương cũng đã đề ra biện pháp khuyến khích phụ nữ sinh đủ 2 con để duy trì mức sinh thay thế.
Kết hôn, sinh con không còn là đích đến bắt buộc
Với nhiều người trẻ, hạnh phúc không còn bị ràng buộc vào việc kết hôn hay lập gia đình, sinh con mà chọn sống độc thân, tập trung sự nghiệp, hưởng thụ cuộc sống, khám phá thế giới. Nhiều người cũng lo ngại mình chưa sẵn sàng cho một kế hoạch dài hạn. Sống độc thân là cách để họ tìm kiếm các giá trị, ý nghĩa cho cuộc sống.
Thuỳ Mây, hiện đang sống ở Hà Nội chia sẻ, cô không ngại việc kết hôn, nhưng hiện tại, khi sự nghiệp đang trên đà phát triển, cùng với nhiều dự định trước mắt, mục tiêu kết hôn đã trở thành “danh mục phụ”. “Dự định của tôi là có một sự nghiệp ổn định, có thể đến 1 số quốc gia để khám phá, du lịch, trước khi đặt một mối quan hệ lâu dài”, Thuỳ Mây cho biết. Đến nay, cô đã 35 tuổi, mỗi năm đi du lịch 2-3 quốc gia, nhưng chuyện kết hôn, với cô, vẫn còn “bỏ ngỏ”.
Quan niệm sống độc thân giúp tiết kiệm chi phí đang dần thay đổi theo góc nhìn mới mẻ hơn. Nhiều người trẻ, thay vì phải chi tiêu cho gia đình, chọn đầu tư vào chính bản thân mình, không ngần ngại chi tiền để du lịch, mua sắm, làm đẹp, học thêm kỹ năng mới hoặc phát triển những sở thích cá nhân.
Không chỉ ngại kết hôn, nhiều người trẻ còn lựa chọn chỉ sinh 1 con hoặc không sinh con để đảm bảo chất lượng cuộc sống cá nhân. Minh An (ở Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, hai vợ chồng đã kết hôn 3 năm nhưng cả hai vẫn chưa có ý định sinh con. Vợ chồng cô đều cho rằng, có con là niềm vui, nhưng cả hai phải chuẩn bị đủ tâm lý cũng như vật chất để nuôi dạy đứa trẻ nên người.
7 bảng biểu về kết hôn muộn.
Việt Nam luôn duy trì mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ) trong gần 20 năm liên tục từ năm 2002 đến 2020, nhưng gần hai năm nay, mức sinh của phụ nữ giảm xuống 1,96 con và không đạt mức sinh thay thế. Mức sinh giảm sẽ ảnh hưởng tới cơ cấu, quy mô dân số, làm suy giảm nhóm dân số trong độ tuổi lao động, tăng nhanh quá trình già hóa dân số... Nếu không có những điều chỉnh chính sách, những giải pháp kịp thời để đưa mức sinh tăng trở lại đạt mức sinh thay thế, tương lai dân số Việt Nam giảm dần..., làm chậm quá trình phát triển của kinh tế-xã hội của đất nước.
Đặc biệt, mức sinh chênh lệch đáng kể giữa các vùng, xu hướng sinh rất ít con đã xuất hiện tại các đô thị. Hai vùng thấp hơn mức sinh thay thế (Đông Nam Bộ (1,56), Đồng bằng sông Cửu Long (1,8). Hai vùng, với 21 tỉnh vẫn duy trì ở mức thấp hơn mức sinh thay thế là Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Cụ thể, tỉnh Tiền Giang có tổng tỉ suất sinh trong 6 năm từ 2014 -2019 là: 1,75 con/phụ nữ - 1,62 con - 2,0 con - 1,99 - 1,68 - 1,82. Địa phương có mức sinh thấp nhất cả nước là TP Hồ Chí Minh, từ năm 2015-2019 là: 1,45 con/phụ nữ - 1,24 - 1,36 -1,33 - 1,35.
Làm gì để “kích cầu” phụ nữ sinh con ở vùng có mức sinh thấp?
Trước tình trạng đáng báo động khi mức sinh giảm sâu, một số tỉnh thành có mức sinh thấp trong cả nước đã áp dụng chính sách khuyến khích phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi được hưởng mức hỗ trợ bằng tiền. Theo đó, tại tỉnh Đồng Nai, những xã, phường, thị trấn thực hiện 3 năm liên tục đạt và vượt tỷ lệ 60% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sinh đủ 2 con thì được hỗ trợ số tiền là 20 triệu đồng. Xã, phường, thị trấn thực hiện 5 năm liên tục đạt và vượt tỷ lệ 60% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sinh đủ 2 con sẽ được hỗ trợ là 40 triệu đồng. Phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi, thường trú trên địa bàn tỉnh Đồng Nai được hỗ trợ một lần số tiền là 1 triệu đồng. Phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người sống tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số được miễn phí thực hiện tầm soát trước sinh (sàng lọc trước sinh), tầm soát sơ sinh (sàng lọc sơ sinh) tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh. Nguồn kinh phí được bố trí từ nguồn ngân sách địa phương theo phân cấp ngân sách hiện hành.
Ảnh minh họa
Tại TP Hồ Chí Minh, phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi sẽ được hỗ trợ với mức hỗ trợ 3 triệu đồng. Phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, đối tượng sống tại xã đảo được hỗ trợ thực hiện tầm soát trước sinh và tầm soát sơ sinh với tổng số tiền là 2 triệu đồng. Số tiền này bao gồm: tầm soát trước sinh với định mức là 600.000 đồng, tầm soát sơ sinh với định mức là 400.000 đồng và hỗ trợ bằng tiền một lần là 1 triệu đồng. Thành phố sẽ chi hơn 198,5 tỷ đồng để thực hiện chính sách này trong 5 năm, bắt đầu từ ngày 21/12/2024. Hiện nay, tại TP Hồ Chí Minh, tổng tỉ suất sinh vào năm 2023 là 1,32 con/phụ nữ. Bên cạnh đó tốc độ già hóa của thành phố đang diễn ra rất nhanh. Năm 2023, số liệu người cao tuổi của thành phố khoảng 1,1 triệu người, tương ứng khoảng 11% trong tổng dân số của thành phố. Với mục tiêu giải quyết tình trạng mức sinh thấp, TP Hồ Chí Minh cũng đang có giải pháp để thích ứng với quá trình già hóa dân số; có nhiều hoạt động truyền thông để người dân có thể nhận thức được những hệ lụy khi mức sinh xuống quá thấp, đồng thời đề xuất khen thưởng cho những xã 5 năm liên tục, 3 năm liên tục có tỉ lệ trên 60% các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sinh đủ 2 con.
Bàn về vấn đề giải pháp kích cầu sinh đủ con hiện nay, GS.TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện dân số và các vấn đề xã hội, Trường đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ tài chính cho các gia đình trẻ như miễn giảm học phí, thuế thu nhập cá nhân, các khoản đóng góp cho cộng đồng và hỗ trợ bằng tiền một lần hoặc hằng tháng, ưu tiên mua nhà ở xã hội... Ngoài chế độ nghỉ việc có lương khi mang thai, sinh đẻ, con ốm, cặp vợ chồng đang nuôi con nhỏ cần được hưởng chế độ làm việc linh hoạt như đi muộn về sớm, nghỉ không lương, làm việc tại nhà... để thuận lợi cho việc chăm sóc con cái.
PGS.TS Nguyễn Đức Vinh, Viện trưởng Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cũng từng khuyến nghị, cần đẩy mạnh truyền thông vận động về quy mô gia đình 2 con đến mọi địa bàn và nhóm xã hội, cả ở nơi đang có mức sinh cao, mức sinh thấp hay mức sinh thay thế. Mọi công dân đều nên hiểu rõ chính sách sinh đẻ của nhà nước với khẩu hiệu "mỗi gia đình nên có 2 con". Bên cạnh đó, tiếp tục chú trọng giảm tử vong trẻ em, nâng cao bình đẳng giới, giảm thiểu tình trạng nhu cầu tránh thai không được đáp ứng cũng như có thai và sinh con ngoài ý muốn, nhất là ở những nơi có mức sinh còn cao; tạo môi trường thân thiện và thuận lợi cho kết hôn, sinh đẻ và nuôi dạy con cái phù hợp với xã hội hiện đại, nhất là ở những nơi có mức sinh thấp.
Ở những nơi có mức sinh thấp, các chính sách phúc lợi xã hội hỗ trợ chỉ một phần chi phí cho người sinh đẻ và nuôi con nhỏ mang tính khuyến khích cũng sẽ có hiệu quả nhất định khi mà đa số người dân vẫn muốn có 2 con. Và đặc biệt, mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế và các quan điểm, giải pháp cơ bản cần được thể chế hóa và đưa vào văn bản quy phạm pháp luật (như Luật Dân số) và lồng ghép vào các chiến lược, chương trình của chính phủ và các ban ngành.