Khi chó, mèo có hành động bất thường, đột ngột bỏ ăn thường xuyên, lo lắng, hoảng sợ, tự liếm bộ lông của mình thì đây có thể thú cưng đang gặp tình trạng căng thẳng về tâm lý.
Tưởng chừng stress chỉ là căn bệnh tâm lý xuất hiện ở người nhưng ít biết thú cưng cũng có thể rơi vào trường hợp này và khiến sức khoẻ chúng ảnh hưởng trầm trọng.
Nguyên nhân khiến chó, mèo bị ảnh hưởng về tâm lý
Stress ở chó, mèo là một hiện tượng phổ biến, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và hành vi của chúng. Nguyên nhân gây stress ở thú cưng thường liên quan đến yếu tố môi trường, sức khỏe, hoặc tâm lý.
Đặc biệt, với những giống chó, mèo có nhu cầu vận động cao, việc không được chơi đùa hoặc tập luyện đầy đủ có thể làm gia tăng sự căng thẳng.
Một trong những lý do hàng đầu là thay đổi môi trường sống. Khi chó, mèo phải đối mặt với sự thay đổi lớn như chuyển nhà, thay đổi chủ nhân, hoặc có thành viên mới trong gia đình (người hoặc thú cưng khác), chúng thường cảm thấy lo lắng và bất an. Điều này là do chúng là loài động vật quen với thói quen và không thích sự xáo trộn.
Ngoài ra, việc thiếu sự tương tác và vận động cũng là nguyên nhân khiến chó mèo rơi vào trạng thái stress. Khi bị bỏ mặc quá lâu hoặc không nhận được đủ sự quan tâm từ chủ nhân, chúng có thể cảm thấy cô đơn và chán nản.
Tiếng ồn và kích thích quá mức cũng là yếu tố khiến thú cưng bị ảnh hưởng về tâm lý. Chó, mèo thường rất nhạy cảm với tiếng động lớn như pháo hoa, tiếng máy hút bụi hoặc tiếng ồn từ công trình xây dựng. Những âm thanh này không chỉ gây khó chịu mà còn khiến chúng hoảng sợ. Tương tự, việc tiếp xúc với những mùi hoặc ánh sáng mạnh bất thường cũng có thể làm chúng căng thẳng.
Yếu tố sức khỏe cũng là một nguyên nhân quan trọng. Các vấn đề như đau nhức, bệnh lý hoặc nhiễm trùng có thể khiến chó mèo cảm thấy khó chịu và dễ nổi cáu. Việc không được khám sức khỏe định kỳ hoặc điều trị bệnh kịp thời sẽ làm gia tăng mức độ stress.
Cuối cùng, sự thiếu ổn định trong thói quen hằng ngày cũng gây ảnh hưởng đến sức khoẻ tinh thần của chúng. Chó, mèo thường cảm thấy thoải mái khi lịch trình ăn uống, ngủ nghỉ và vận động được duy trì đều đặn. Nếu có sự thay đổi đột ngột, chúng dễ rơi vào trạng thái lo lắng, hoảng sợ.
Theo các chuyên gia thú y, việc nhận biết dấu hiệu chó, mèo bị stress là rất quan trọng để chăm sóc cho thú cưng của mình. Mặc dù, có những dấu hiệu nhỏ và dễ bị bỏ qua, nhưng nếu không chăm sóc kịp thời, nó có thể trở nên căng thẳng và ảnh hưởng đến sức khỏe của thú cưng.
Các “con sen” nên làm gì nếu thú cưng bị stress?
Tạo môi trường sống ổn định và an toàn
Đa phần thú cưng thích không gian sống yên tĩnh, hạn chế tiếng ồn lớn và không bị quấy rầy bởi những âm thanh với tần số cao. Do đó, hãy sắp xếp nơi ở thoải mái, rộng rãi cho chó, mèo vận động.
Ngoài ra, tránh thay đổi môi trường sống đột ngột. Nếu buộc phải thay đổi, hãy cho chúng thời gian thích nghi dần. Bên cạnh đó, sắp xếp nơi ở quen thuộc với đồ dùng yêu thích như ổ nằm, đồ chơi để giúp chúng cảm thấy an toàn.
Duy trì thói quen hằng ngày
Nên thiết lập và duy trì một lịch trình cố định cho chó, mèo ăn uống, vận động và nghỉ ngơi. Cố gắng giữ lịch sinh hoạt quen thuộc, vì chó, mèo dễ cảm thấy an toàn khi có sự ổn định.
Ngược lại, những thay đổi đột ngột trong lịch trình, chẳng hạn như giờ ăn bị lệch hoặc không được chơi đùa như thường lệ, có thể làm chó mèo rơi vào trạng thái bất an. Một lịch trình rõ ràng không chỉ giúp chúng khỏe mạnh mà còn củng cố mối quan hệ tin cậy với chủ nhân.
Tăng cường vận động và hoạt động vui chơi
Dành thời gian chơi đùa với thú cưng mỗi ngày, sử dụng các món đồ chơi phù hợp như bóng, cần câu mèo, hoặc đồ chơi nhai được để chúng hoạt động.
Đối với chó, hãy đi dạo với chúng giải tỏa năng lượng, giúp giảm căng thẳng và cải thiện tâm trạng. Với mèo, tạo cơ hội leo trèo hoặc săn mồi giả bằng các dụng cụ như trụ cào móng hoặc đồ chơi tương tác.
Dành thời gian vuốt ve, massage nhẹ nhàng để giúp thú cưng thư giãn và cảm nhận được tình yêu thương.
Mèo hoặc chó đều thích sự vuốt ve và tương tác với các "con sen". Vì thế, hãy dành thời gian 30-60 phút mỗi ngày để trò chuyện và chơi đùa cùng với chúng.
Chăm sóc sức khỏe định kỳ
Chú ý đến các dấu hiệu bất thường như thay đổi hành vi, chán ăn, thường xuyên liếm lông hoặc rụng lông nhiều hơn bình thường. Hãy đưa thú cưng đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị sớm các vấn đề về tâm lý.
Các "con sen" hãy đảm bảo chế độ dinh dưỡng cân bằng, cung cấp đầy đủ nước sạch và thực phẩm phù hợp. Cung cấp các sản phẩm hỗ trợ như tinh dầu thiên nhiên an toàn cho thú cưng hoặc đồ ăn vặt giúp giảm stress.
Trong trường hợp stress nặng, có thể tham khảo ý kiến bác sĩ thú y để sử dụng thuốc chuyên dụng hoặc liệu trình chuyên sâu. Ngoài ra, việc áp dụng các biện pháp trên không chỉ giúp chó mèo giảm stress mà còn tăng cường mối quan hệ giữa bạn và thú cưng, giúp chúng sống vui khỏe hơn mỗi ngày.