Tội phạm mua bán người hoạt động ngày càng tinh vi, phức tạp, nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng, vì vậy người dân cần nâng cao cảnh giác để không trở thành nạn nhân của hoạt động mua bán người.
Nạn nhân của chiêu trò “việc nhẹ, lương cao”
Thời gian qua, nhiều nạn nhân đã được giải cứu từ Campuchia về Việt Nam. Những bị hại ở nhiều độ tuổi, không chỉ những người ở vùng sâu, vùng xa, trình độ thấp mà cả ở thành phố, thậm chí nhiều người có tới hai bằng đại học, ở khắp các tỉnh thành trên cả nước. Cùng với đó, hàng trăm đối tượng trong các đường dây mua bán người, kể cả cư trú tại Campuchia cũng đã bị bắt giữ, đưa về Việt Nam xử lý.
Mới đây nhất, ngày 11/4/2025, Công an tỉnh Nghệ An vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với hai đối tượng cầm đầu đường dây lừa đảo, đưa công dân sang làm việc tại nước ngoài, rồi sau đó bán cho các ổ nhóm tội phạm lừa đảo quốc tế tại các đặc khu tam giác vàng là Bùi Thị Thảo (sinh năm 1994, quê quán ở xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) và Lê Văn Hà (sinh năm 1999; trú xã Tam Đỉnh, huyện Anh Sơn, Nghệ An).
Với thủ đoạn lừa đảo đưa các nạn nhân sang Thái Lan làm việc trên máy tính với mức lương 800 USD/tháng, các đối tượng đã đưa nạn nhân sang Myanmar bán cho các ổ nhóm tội phạm lừa đảo quốc tế. Những người bị lừa bán bắt buộc phải ký hợp đồng, bị thu giữ hộ chiếu. Mỗi người được cung cấp 1 máy tính, 2 chiếc điện thoại, 1 tệp giấy A4 và được hướng dẫn cách tiếp cận khách hàng, cách lừa đảo. Mỗi ngày, những người này buộc phải làm việc từ 12 tiếng đến 17 tiếng, khi làm việc có người theo dõi, giám sát. Nếu không làm việc sẽ bị đánh đập...
Đối tượng Võ Hải Đương bị bắt giữ. Ảnh: Int
Tháng 1/2025, Công an TP Hồ Chí Minh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 5 đối tượng trong đường dây mua bán người xuyên quốc gia gồm: Nguyễn Thanh Cường (19 tuổi, ngụ quận 1) là người liên hệ trao đổi với các đối tượng ở Campuchia; Trần Nhựt Minh (29 tuổi, ngụ quận 4) và Võ Hải Đương (23 tuổi, ngụ quận 7); Bùi Thị Tâm Tuyền (30 tuổi, quê Đắk Lắk) và Huỳnh Thị Hoàng Quyên (27 tuổi, quê An Giang). Theo cơ quan công an, sau khi tiếp nhận đưa 31 công dân Việt Nam đang tạm giữ tại Campuchia do vi phạm pháp luật và 5 công dân được giải cứu vào tháng 7/2024, lực lượng chức năng đã mở rộng điều tra, xác minh thấy có dấu hiệu nghi vấn hoạt động dụ dỗ, lôi kéo, cưỡng ép đưa người trong nước sang Campuchia làm việc tại các casino trá hình, công ty hoạt động lừa đảo qua mạng.
Cơ quan công an đã xác định ba đối tượng Nguyễn Thanh Cường, Trần Nhựt Minh, Võ Hải Đương là những người làm việc cho các "đại lý" để đưa người xuất cảnh trái phép sang Campuchia. Trong đó, Cường là người liên hệ, trao đổi với các đối tượng “cầm đầu” ở Campuchia, còn Minh và Đương là những người tìm các con mồi, người có nhu cầu để dẫn dụ, ép buộc, đưa sang Campuchia.
Với thủ đoạn đưa ra thông tin gian dối như tuyển dụng lao động làm việc tại nước ngoài "việc nhẹ, lương cao" và nhiều thủ đoạn khác, các đối tượng đã dụ dỗ, lôi kéo, dẫn dắt các cá nhân trong nước sang Campuchia để nhận được phí giới thiệu. Đáng chú ý, lợi dụng việc nạn nhân nợ tiền, không có khả năng chi trả, các đối tượng đã có hành vi đánh đập, đe dọa, ép buộc nạn nhân phải xuất cảnh trái phép sang Campuchia và "bán" cho đại lý.
Tiếp tục mở rộng điều tra, Cơ quan công an đã xác định Bùi Thị Tâm Tuyền và Huỳnh Thị Hoàng Quyên thường xuyên qua lại giữa Việt Nam và Campuchia để chọn, "dẫn dụ" các nạn nhân đưa sang Campuchia lao động trái phép tại các "trung tâm lừa đảo".
Ép nạn nhân lừa đảo trên trực tuyến
Đáng nói, các nạn nhân bị lừa bán sang Campuchia thực chất làm việc tại các “trung tâm lừa đảo trực tuyến”, “casino trá hình”… Đơn cử như chiều ngày 10/12/2024, anh Q (35 tuổi, ngụ tại Long An), sau khi bị lừa bán sang Campuchia, anh bị các đối tượng đánh đập, giam giữ và ép buộc gọi điện về cho gia đình yêu cầu tiền chuộc hàng trăm triệu đồng. Hay như N.V.Q, 16 tuổi ở Bắc Giang bị lừa sang Campuchia với lời hứa hẹn về một công việc lương cao. Song đến nơi, Q bị ép tham gia vào một đường dây trực tuyến, bị ép giả danh các cô gái trẻ, sử dụng mạng xã hội để làm quen với đàn ông Việt Nam, sau đó dụ dỗ họ đầu tư tài chính vào các dự án ảo với hứa hẹn lợi nhuận khổng lồ để chiếm đoạt tài sản của các nạn nhân. Khi Q không đồng ý, các đối tượng đã yêu cầu gia đình chuộc 200 triệu đồng mới trả cậu bé về. Để ép gia đình Q chuyển tiền, các đối tượng đánh đập, tra tấn, chích điện. Gia đình Q đã chuyển 176 triệu đồng mới đưa được con trai về nước.
Đối tượng Bùi Thị Tâm Tuyền, Nguyễn Thanh Cường và Huỳnh Thị Hoàng Quyên (từ trái sang)
Đã có rất nhiều nạn nhân cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự khi bị ép làm việc trong các cơ sở lừa đảo qua mạng tại Campuchia, bị quản thúc nghiêm ngặt, đánh đập và đòi tiền chuộc. Theo Cục Phòng chống ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng), hầu hết các đường dây tội phạm đều được tổ chức rất chặt chẽ, có sự tham gia của các đối tượng trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài và đối tượng người nước ngoài. Phần lớn các đối tượng sử dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi lừa đảo. Chúng lập các hội, nhóm với những lời mời hấp dẫn như “việc nhẹ, lương cao”, “tuyển dâu cho người Trung Quốc”, từ đó dụ dỗ, tuyển mộ nạn nhân. Theo thống kê, có tới 94% vụ mua bán người liên quan đến việc sử dụng mạng xã hội với các tài khoản "ảo" trên facebook, zalo, telegram... Các phương thức phổ biến của tội phạm mua bán người, đó là lừa bán lao động sang Lào, Campuchia, Myanmar để cưỡng bức lao động, bóc lột tình dục và phần lớn số họ bị ép buộc tham gia lừa đảo trực tuyến. Bên cạnh đó, chúng lợi dụng dịch vụ môi giới lao động biển, đưa người lao động lên các tàu cá sau đó bóc lột sức lao động (tiền lương bị trừ hết vào tiền môi giới hoặc đã chi ăn, ở trong thời gian người lao động chờ việc); nhiều lao động không có kỹ năng làm biển hoặc muốn về đất liền sẽ bị bạo hành nghiêm trọng…
Đặc biệt, tình trạng ép buộc nạn nhân hoạt động lừa đảo trực tuyến đang gia tăng. Các nạn nhân thường bị lừa sang Campuchia, Lào, Myanmar, sau đó bị ép buộc thực hiện các kịch bản lừa đảo nhắm vào chính người Việt Nam trong nước. Họ bị thu giữ hộ chiếu, điện thoại, xóa hết dữ liệu có liên quan đến hoạt động lừa gạt của đối tượng. Nếu không đạt chỉ tiêu lừa đảo, hoặc muốn về Việt Nam, họ bị bán đi các casino khác, nhiều người bị nhốt, đánh đập, thậm chí bị chích điện và đòi tiền chuộc với số tiền lớn.
Tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng chống mua bán người
Trước tình hình tội phạm mua bán người tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, để chủ động phòng tránh, Bộ Công an khuyến cáo, người dân cần nâng cao cảnh giác, nhất là đối với các hành vi, thủ đoạn như: Tội phạm mua, bán người thường dùng tên, tuổi, địa chỉ giả; thường xuyên không cung cấp hình ảnh, số điện thoại; liên lạc chủ yếu qua mạng xã hội như zalo, facebook… Đối tượng không hẹn gặp trực tiếp, chủ yếu hướng dẫn, liên lạc qua điện thoại. Đặc biệt là các đối tượng dùng nhiều số điện thoại khác nhau, hoặc liên lạc qua mạng xã hội. Các công việc, địa điểm làm việc mà các đối tượng dụ dỗ, hứa hẹn đưa nạn nhân đến làm việc thường không có địa chỉ cụ thể…
Đối với chiêu bài “việc nhẹ, lương cao” để mua bán người qua biên giới, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Hà Nội nhấn mạnh: Để tránh sập bẫy lừa đảo, người dân cần cẩn trọng khi đi xin việc. Khi vào các website tìm việc làm nên chú ý phần mô tả công việc bảo đảm được thể hiện rõ ràng, cụ thể về mức lương, công việc, địa chỉ công ty, năm thành lập... Khi đọc một quảng cáo mô tả công việc phải có đầy đủ nhiệm vụ, quyền lợi của nhân viên, nên xem yêu cầu công việc có phù hợp với vị trí công việc đó không, rồi tìm kiếm công ty đó trên nhiều trang thông tin khác. Đặc biệt cần hết sức lưu ý là không bao giờ có việc nhẹ, lương cao. Khi người lao động được mời chào một công việc có tính chất nhẹ nhàng, lương hậu hĩnh thì điều đó chắc chắn không có..
Ông Vũ Quang Thành khuyến cáo người lao động cần tìm đến các kênh tuyển dụng chính thức của doanh nghiệp hoặc hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm các địa phương cũng như tham gia các phiên giao dịch việc làm do các Trung tâm dịch vụ việc làm tổ chức.