Cùng nhau chia ngọt sẻ bùi thì dễ, nhưng gánh vác hoạn nạn cùng nhau được mấy đôi mấy cặp?
Hôn nhân vốn là sự hòa hợp giữa vợ và chồng, giữa các thành viên trong gia đình. Nếu phân chia quá rõ ràng, họ sẽ không còn là người thân nữa, cùng lắm là bạn cùng phòng.
Những cặp vợ chồng không sẵn sàng chia sẻ 3 điều này với nhau, đa số họ chẳng khác gì hai người trọ cùng phòng.
Thứ nhất: Tiền bạc
Loan và Thành có bầu rồi mới tổ chức đám cưới. Lúc mới bước chân vào hôn nhân, cả hai quyết định tiền ai người nấy giữ, còn các chi tiêu trong nhà sẽ cưa đôi. Ban đầu khá thuận lợi, hai người không gặp khúc mắc gì, nhưng cuối thai kỳ sức khỏe của Loan không được tốt, cô không thể đi làm nên thu nhập không còn như xưa.
Lúc này, Loan ngỏ ý Thành đưa tiền cho cô nhiều hơn để trang trải chi tiêu trong nhà nhưng anh lại tỏ ra không vui. “Không phải là chúng ta đã nói rõ ràng với nhau ngay từ đầu rồi sao? Tại sao giờ tôi lại phải đóng góp nhiều tiền hơn chứ?”, Thành bực dọc. “Bởi vì anh là bố của con tôi”, Loan tức giận đáp.
(Ảnh minh họa)
Hai người cứ thế cãi qua cãi lại, Thành vẫn không chịu hiểu, nhất quyết không muốn đưa thêm tiền cho vợ vì cảm thấy làm vậy thì mình sẽ phải chịu thiệt. Anh chỉ quan tâm đến túi tiền của mình mà không nghĩ rằng vợ đã phải hi sinh những gì để sinh con cho anh ta. Cuối cùng, hai người ly hôn.
Tiền bạc vốn là một vấn đề nhạy cảm, nếu không biết cách quản lý thì nó rất dễ chi phối hôn nhân, khiến tình cảm vợ chồng rạn nứt. Không ít cặp đôi giống như Loan và Thành, tuy đã nên duyên vợ chồng nhưng họ rất rạch ròi với nhau chuyện tiền bạc, tiền của ai người nấy giữ, mỗi tháng sẽ đóng góp 1 phần tiền bằng nhau để chi tiêu sinh hoạt trong nhà.
Đó cũng là một cách, nhưng giữa vợ và chồng có nhất thiết phải rạch ròi, so bì ai đóng góp nhiều hơn, ít hơn không? Hơn nữa, việc này sẽ khiến nửa kia bị tổn thương sâu sắc, vì cảm thấy người bạn đời của mình quá tính toán, yêu tiền hơn yêu mình.
Hai vợ chồng không thể chia sẻ tiền bạc với nhau, quan tâm đến từng xu từng hào, ngay cả tiền nuôi con cũng phải mặc cả từng li từng tí, một cuộc hôn nhân như vậy sao có thể hạnh phúc bền lâu được?
(Ảnh minh họa)
Thứ hai: Khó khăn, thử thách
Có câu: “Vợ chồng vốn là chim cùng rừng, gặp họa thì bay riêng”. Ý chỉ những cặp vợ chồng không thể chia sẻ khó khăn cùng nhau, khi gặp hoạn nạn thì mệnh ai người nấy lo.
Cùng nhau chia ngọt sẻ bùi thì dễ, nhưng gánh vác hoạn nạn cùng nhau được mấy đôi mấy cặp? Cung đường hôn nhân không bao giờ bằng phẳng và dễ đi, chắc chắn sẽ gặp sóng gió, chông gai. Nếu cứ thấy khó là bỏ cuộc, lùi bước, mặc kệ đối phương tự xoay xở thì chắc chắn cuộc hôn nhân này không thể dài lâu được.
Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn. Nếu hai vợ chồng bên nhau những lúc khó khăn, kề vai sát cánh cùng nhau đương đầu với khó khăn, tiến về phía trước thì tin rằng khó khăn nào cũng sẽ vượt qua. Và sau những thăng trầm của cuộc sống, tình cảm vợ chồng sẽ ngày càng khăng khít, cả hai sẽ càng trân trọng và yêu thương nhau nhiều hơn.
(Ảnh minh họa)
Thứ ba: Cảm xúc, suy nghĩ
Điều quan trọng nhất giữa vợ chồng là sự giao tiếp. Vợ/chồng là người đồng hành cùng bạn tới hết cuộc đời này, là người cùng bạn chia ngọt sẻ bùi, là người chung chăn chung gối, là người gần gũi nhất với bạn. Nếu ngay cả vợ/chồng bạn cũng không thể thoải mái chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ của mình thì bạn có thể chia sẻ với ai?
Nếu không muốn hoặc không thể chia sẻ với chồng/vợ thường là do bạn đang rơi vào những trường hợp sau: Hoặc là bạn không coi đối phương là người thân mà chỉ là người ngoài nên không thể tin tưởng chia sẻ với họ, hoặc là do nửa kia không biết lắng nghe khiến bạn buồn chán, về lâu về dài không muốn chia sẻ nữa.
Thế nhưng nếu vợ chồng không thể chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ với nhau thì khoảng cách giữa hai người sẽ ngày càng xa cách, dần dần bạn sẽ không thể hiểu được nửa kia và cảm thấy nửa kia thật xa lạ. Lúc này, dù hai vợ chồng sống chung dưới một mái nhà nhưng có khác gì hai người trọ cùng phòng không?