Hôm đó cô giáo nhắn tin cho tôi thông báo con trai sử dụng tài liệu trong khi làm bài kiểm tra 15 phút. Do là lần đầu con mắc lỗi nên cô tha thứ nhưng cô muốn tôi nhắc nhở, phân tích thêm để con hiểu về sai phạm của mình.
Về tới nhà, tôi liền la con: “Tại sao con lại quay cop. Vậy là thiếu trung thực. Mẹ không muốn con tái phạm nữa”.
Con tôi đáp lại: “Mẹ luôn bảo con phải trung thực nhưng con thấy người lớn cũng có nhiều hành động không trung thực đó thôi. Chẳng hạn con thấy mẹ hay vượt đèn đỏ, rồi mấy lần còn đi ngược chiều nữa”.
Bị con “mách tội” ngược lại, tôi liền thanh minh: “Tại vì mấy lần đó mẹ suýt bị muộn giờ làm nên mới làm vậy. Con không được so bì với người lớn. Học sinh đi học thì cấm kỵ quay cop bài”.
“Người lớn bận rộn phải vượt đèn đỏ để đi nhanh thì trẻ con cũng có nhiều lý do chưa học được bài nên mới phải quay cóp chứ ạ”, con tôi nói.
Tôi đem cuộc trò chuyện đó chia sẻ với người bạn thân là một giáo viên tâm lý kèm theo lời than vãn trẻ con bây giờ thật hay lý sự. Bạn tôi cười, nói đúng là việc dạy dỗ con trẻ giờ không đơn giản. Trong khi người lớn vẫn luôn nghĩ con mình còn là trẻ con, mà trẻ con thì nói sao, bảo sao thì phải nghe vậy. Nhưng kỳ thực, trẻ con cũng có suy nghĩ và quan điểm riêng. Đặc biệt, chúng vẫn thường nhìn vào người lớn để học hỏi.
Ảnh minh họa
- Cha mẹ muốn dạy con điều nay lẽ phải thì trước tiên phải là tấm gương cho con về những ứng xử đúng mực. Cha mẹ hay chửi bậy, đánh mắng nhau thì không thể dạy cho con phải sống ôn hòa, nói năng lịch sự, lễ phép. Có nhiều đứa trẻ được sinh ra và nuôi lớn trong môi trường bạo lực cũng sẽ học cách ứng xử bạo lực của bố mẹ và dần trở nên hung hãn, thích động tay chân để giải quyết vấn đề. Con cậu đã nói đúng, với trẻ con quay cop bài là sai nhưng với người lớn cũng không thể ngụy biện cho hành vi vi phạm Luật Giao thông và nhiều vi phạm khác. Nếu hàng ngày, ngồi sau xe của mẹ và thấy mẹ thường xuyên vượt đèn đỏ, rồi đi ngược chiều thì chúng sẽ dần không còn tin vào lời mẹ dạy về sự trung thực nữa”, bạn tôi nói.
- Nhưng trong cuộc sống, cha mẹ đâu thể luôn làm việc đúng. Cũng có lúc chúng ta phạm sai lầm. Vậy thì không thể vì thế mà từ bỏ việc dạy con lời hay lẽ phải và chấp nhận để con mắc lỗi được. Tôi nói với bạn.
- Đúng là không ai là hoàn hảo cả. Vấn đề là khi mắc lỗi, cha mẹ hãy dũng cảm thừa nhận với con trẻ, xin lỗi chúng và hứa sẽ sửa sai. Quan trọng là chúng ta chứng minh cho con thấy bố mẹ chúng đang nỗ lực làm tấm gương tốt cho con chứ không phải chỉ biết phán xét, trách lỗi con còn mình thì ứng xử, hành động sao cũng được.
Lời của bạn nói đã giúp tôi có thêm kỹ năng trên hành trình làm cha mẹ. Trở về nhà, tôi đã nói với con: “Mẹ nhận lỗi vì có lúc đã vượt đèn đỏ. Từ nay, mẹ sẽ có ý thức hơn khi đi trên đường. Mẹ con mình sẽ luôn cùng giúp nhau, nhắc nhau sửa chữa nếu mắc lỗi nhé”.