Ngay từ lần đầu tiên hai gia đình gặp mặt, bố mẹ chồng chị B đã nói thẳng với ông bà thông gia rằng vợ chồng chị B phải có trách nhiệm nuôi họ và người cô ruột.
Chị B (24 tuổi) đã sang Nhật Bản học được 7 năm và đang định cư ở đây. Năm 2022, chị đi thực tập thì gặp anh A tại nơi làm việc. Anh sang Nhật 4 năm với vai trò là kỹ sư phần mềm.
Khi quen nhau, biết anh là con trai cả trong gia đình hai chị em, là cháu đích tôn và gia đình sống ở Hà Nội nên chị B đã nói thẳng rằng sau khi cưới, chị sẽ không ra Bắc làm dâu vì sợ cảnh mẹ chồng nàng dâu. Nếu anh đồng ý thì tiếp tục quen nhau, nếu không thì chia tay và anh đã đồng ý nên cả hai tiếp tục mối quan hệ hẹn hò.
Tháng 10/2022, chị B cùng anh A trở về Việt Nam để thăm ba mẹ chị B, xin phép gia đình cho quen nhau. Nhân đó, anh cũng xin phép được dọn về sống chung với chị B, để tiện chăm sóc nhau hơn.
Biết con trai về Việt Nam, bố mẹ anh A đã bay vào Nam, đến nhà chị B một cách đột ngột. Có lẽ không báo trước nên khi bố mẹ tới, anh A không có nhà.
Ngay từ lần đầu tiên gặp mặt, bố mẹ anh A đã đề nghị: “Hai đứa ăn ở với nhau vậy rồi, cho tụi nó cưới đi”. Tuy nhiên, điều sốc hơn là họ đã nói thẳng rằng vợ chồng chị B phải có trách nhiệm nuôi bố mẹ anh A và người cô ruột (tức em gái của bố), với lý do là cô ruột có công nuôi lớn anh.
Chị B chia sẻ câu chuyện của gia đình nhà chồng trong chương trình Người thứ 3.
Nghe đến đây, chị B và gia đình hoang mang tột độ. “Bố tôi rất nóng tính, nhưng ông cũng đã phải kìm lại”, chị B chia sẻ. Nhưng sau đó, gia đình chị B vẫn cho chuyện này trôi qua êm đẹp, rồi hai người quay lại Nhật Bản tiếp tục làm việc.
Tháng 4/2023, bố mẹ chị B ra Hà Nội gặp thông gia với mục đích trao đổi việc cưới xin, xem xét hoàn cảnh gia đình anh A. Thế nhưng, họ không được đón tiếp tử tế, bố mẹ chị B được thông gia tương lai tiếp đón bằng những món ăn thiếu trang trọng như mía, khoai,…
Hôm sau, ba mẹ chị B đi thăm họ hàng anh A như lời mẹ anh A nói. Khi đó, ba mẹ chị B phải chi trả tất cả quà cáp cho họ hàng bên sui gia, thậm chí là tiền đi chợ nấu cơm.
Tháng 8/2023, anh A và chị B tổ chức lễ đính hôn và đăng ký kết hôn. Mẹ chồng không chuẩn bị lễ vật gì mà toàn quyền để cho con gái xử lý. Và, người chị chồng này chỉ chuẩn bị duy nhất một mâm trái cây rẻ tiền, sơ sài.
Sau lễ đính hôn, nhiều lần mẹ chồng và chị chồng gợi ý em dâu tặng quà cho cháu trai. “Hầu như ngày nào mẹ chồng, chị chồng cũng gọi điện nhóm cho tôi. Khi nào gọi điện mẹ chồng cũng chỉ nói về chị chồng thôi, nhưng ngay cả khi nói chuyện với mẹ tôi, bà cũng vậy”, chị B chia sẻ.
Mẹ chồng hay để ý những món đồ trong nhà chị B, mỗi khi thấy thứ gì, bà đều hỏi giá. Sau đó lại dặn chị B phải sống tiết kiệm vì cực khổ lắm mới làm ra được đồng tiền, thế nhưng bà lại luôn nhắc cháu ngoại thích cái nọ cái kia, rồi khoe mua cả bộ trang sức vàng với chị B.
Chị B thường xuyên gửi quà về cho chị chồng, bố mẹ chồng, nhưng chị không bao giờ nhận được lời cảm ơn. Thậm chí, chị chồng nhận được quà còn không báo đã được nhận hay chưa.
Hai vợ chồng chị chồng làm bác sĩ, nhưng dựa dẫm vợ chồng chị B từ những cái nhỏ nhất, chẳng hạn như nhờ làm file execel dù chỉ làm 5 phút là xong. “Với tôi, giúp không sao hết. Nhưng thay vì chị nhờ thì chị hỏi cách làm đi, để sau không phải làm phiền chúng tôi nữa. Đó mới là cách suy nghĩ của người lớn thực sự, đằng này chị nhờ từ cái nhỏ nhất”, chị B bực bội nói.
Không những vậy, chị chồng còn tìm cách tiếp cận ba mẹ chị B, thậm chí muốn gọi họ là ba mẹ. Gia đình chị B kinh doanh tự do, đang có một căn nhà cho thuê ở TP.HCM nên chị chồng nhiều lần đề nghị dọn tới đó ở, với lý do đi học. Ba mẹ chồng cũng muốn vào đó ở.
Đỉnh điểm, gần đây mẹ chồng chị B nói với mẹ ruột của chị rằng, chị chồng đang làm giấy tờ cho con mình nhận chồng chị làm con nuôi. Đó là giọt nước tràn ly, khiến bố mẹ chị B quyết định phải làm gì đó để dừng lại việc này.
Bố chị B nói chuyện với nhà chồng của chị chồng để xác nhận chuyện nhận con nuôi. Không biết đôi bên nói gì mà chị chồng gọi điện chửi chị B. Sau đó, nhà chồng chị phủ nhận việc này, bảo rằng chỉ đang “nói chơi”.
Vì chuyện nhà chồng, vợ chồng chị B đã cãi nhau rất nhiều lần. Hiện tại, chồng chị B đã chặn liên lạc với chị chồng.
Lắng nghe câu chuyện của chị B, đạo diễn Lê Hoàng cảm thán: “Gia đình chồng quá tham lam, họ thấy một đứa con dâu ở nước ngoài nên tìm mọi cách khai thác nó. Gia đình chồng đang lợi dụng em về đủ thứ trong cuộc sống, sự lợi dụng không bao giờ dừng lại, ngày càng lớn hơn thôi, họ sẽ tìm cách lấy tiền, tài sản, những cái khác từ em”.
Đạo diễn Lê Hoàng cũng khuyên rằng, chị B nên nói chuyện rõ ràng với chồng về chuyện của nhà chồng, làm bất cứ chuyện gì về tiền bạc cũng phải hỏi ý kiến vợ, nếu không được thì ly hôn. “Đừng nghĩ rằng cứ nhẫn nhịn rồi sẽ qua đi, càng về lâu những khuyết điểm sẽ càng tăng lên. Khi nào có con, sự lạm dụng sẽ tăng lên, em sẽ càng ở thế yếu hơn”, đạo diễn Lê Hoàng nói.
Từ câu chuyện này, đạo diễn Lê Hoàng cũng nhắn nhủ đến khán giả rằng hãy rút kinh nghiệm, biết nói lên ý kiến, quan niệm của mình để bảo vệ bản thân trong hôn nhân. Trong hôn nhân, nếu kết hôn với gia đình lợi dụng, hãy chấm dứt ngay và không để mọi chuyện tiến xa hơn.