Mẹ đẻ mang đồ ăn dưới quê lên thăm con gái nhưng hành động của mẹ chồng khiến tôi quyết định ly hôn

Thy Dung
Chia sẻ

Tôi năm nay 30 tuổi. Chồng tôi và tôi kết hôn được 3 năm nhưng mãi mới có tin vui. Thời gian trước đó là chuỗi ngày dài tôi phải chịu những lời mỉa mai cay nghiệt từ mẹ chồng. Bà không ngần ngại gọi tôi là “gà mái không biết đẻ” làm tôi vừa buồn vừa áp lực.

Sau 3 năm chạy chữa, từ thuốc đông y đến các đợt khám tổng quát, cuối cùng tôi cũng mang thai. Cả gia đình hai bên đều vui mừng khôn xiết. Mẹ chồng tôi thậm chí còn đề nghị đến chăm sóc tôi trong thai kỳ, với lý do muốn bù đắp những vất vả tôi đã trải qua.

Ban đầu, tôi rất ngại, vì từ khi kết hôn, vợ chồng tôi sống riêng, ít khi tiếp xúc với bà. Tôi lo rằng việc ở chung sẽ nảy sinh mâu thuẫn. Nhưng vì chồng tôi rất hiếu thảo, tôi đành chấp nhận.

Ba tháng đầu thai kỳ, tôi bị ốm nghén nặng, ăn uống không ngon miệng, sức khỏe suy giảm trông thấy. Thấy tôi gầy đi rõ rệt, mẹ ruột tôi rất xót xa. Bà quyết định tự tay làm những món ăn bổ dưỡng gửi lên thành phố cho tôi.

Biết tôi thích hương vị quê nhà, mẹ đã tận tâm làm sạch từng con gà, từng miếng thịt heo tự tay nuôi để mang lên cho con gái. Thế nhưng, vừa thấy mẹ mang đồ đến, mẹ chồng tôi đã buông lời mỉa mai: “Ngày xưa, phụ nữ mang thai ăn gì cũng được, đâu có cầu kỳ như bây giờ. Đúng là mẹ nào con nấy, chỉ biết nuông chiều quá mức”.

Mẹ đẻ mang đồ ăn dưới quê lên thăm con gái nhưng hành động của mẹ chồng khiến tôi quyết định ly hôn - 1

Tôi vẫn nghĩ mẹ chồng chỉ nói cho vui miệng. (Ảnh minh họa)

Dù không vui, tôi vẫn im lặng cho qua, nghĩ rằng bà chỉ nói cho vui miệng. Điều đáng nói, chỉ sau 1 ngày, khi tôi định lấy ra nấu, tủ lạnh đã vơi đi đáng kể.

Tôi thắc mắc hỏi mẹ chồng, ban đầu bà chối, nhưng khi tôi đòi kiểm tra camera, bà mới thừa nhận đã lấy thịt gà, thịt heo gửi cho em chồng tôi. Lý do bà đưa ra là: “Nó mới sinh con chưa đầy nửa năm, cần bồi bổ hơn”.

Nghe vậy, tôi vừa tức giận vừa bất ngờ. Bà không hỏi ý kiến tôi, tự ý lấy đi món ăn mà mẹ ruột tôi cất công chuẩn bị. Mẹ chồng còn lớn tiếng lý luận: “Mang thai không nên ăn quá nhiều thịt, bồi bổ quá đà không tốt. Với lại, nhiều đồ ăn thế này, con ăn không hết, để lâu hỏng phí lắm”.

Mẹ tôi cũng có mặt lúc đó, bà không thể kiềm chế được. Bà mắng mẹ chồng: “Con gái tôi đang mang thai, sức khỏe không tốt, vừa ăn được một chút thì bà lại mang đi cho người khác. Bà có nghĩ đến cảm xúc của tôi hay không?”

Tôi yêu cầu mẹ chồng lấy lại số đồ ăn đó. Đây không chỉ là món ăn yêu thích của tôi mà còn là tâm huyết và tình cảm của mẹ ruột tôi. Nhưng mẹ chồng chẳng những không nhận lỗi, mà còn quay ra trách ngược tôi: “Đồ ăn ở quê thôi mà, giá trị bao nhiêu đâu? Con gái tôi ăn rồi thì làm gì có chuyện đòi lại?”.

Bà còn tiếp tục chỉ trích: “Người ngoài nghe chuyện này sẽ nghĩ cô ích kỷ, đến vài miếng thịt cũng không muốn chia sẻ”.

Tôi không thể kiềm chế được nữa, quyết định nói rõ với chồng. Nhưng chồng tôi lại bảo: “Chỉ là vài miếng thịt, có đáng làm to chuyện không? Mẹ và em gái anh thích ăn thì thôi em nhường một chút, anh đi siêu thị mua bù cho em cũng được”.

Nghe anh nói, nước mắt tôi trào ra. Liệu đồ ăn ở siêu thị có thể so sánh với số thịt heo, thịt gà mẹ tôi tự nuôi hay không?

Mẹ tôi khuyên: “Con hãy suy nghĩ thật kỹ. Khi con mang thai, họ đã đối xử với con như vậy. Sau này sinh con xong, không đi làm được, họ sẽ còn chèn ép con hơn”.

Lời mẹ khiến tôi bừng tỉnh. Hiện tại, tôi vẫn đi làm nhưng đã bị mẹ chồng coi thường, nếu sinh con và phụ thuộc vào gia đình chồng, liệu tôi sẽ sống thế nào?

Cuối cùng, tôi quyết định ly hôn. Tôi yêu cầu chồng và mẹ chồng dọn ra khỏi căn nhà này – vốn là tài sản do bố mẹ tôi mua.

Chồng tôi cố gắng thuyết phục: “Chỉ là vài cân thịt thôi mà, đáng để ly hôn sao?” Nhưng tôi biết, vấn đề không nằm ở số thịt heo, thịt gà. Đây là sự thiếu tôn trọng, thiên vị và một gia đình không có ranh giới rõ ràng.

Khi viết những dòng này, tôi ôm bụng bầu 4 tháng, nước mắt cứ thế rơi không ngừng. Tôi không hối hận với quyết định rời xa một gia đình không tôn trọng mình, bởi đó là cách duy nhất để bảo vệ bản thân và con tôi. Những áp lực và tổn thương từ mối quan hệ ấy đã khiến tôi mất ngủ triền miên, ăn uống không ngon, dẫn đến việc sút cân trong thai kỳ. Thương con gái, mẹ tôi đã đưa tôi về quê để chăm sóc. Chính sự yêu thương và quan tâm của mẹ đã giúp tôi lấy lại cân bằng, tinh thần dần ổn định, cân nặng cũng cải thiện. Nhờ trải nghiệm này, tôi thấm thía rằng, khi mang thai, sức khỏe tinh thần quan trọng biết nhường nào.

Bài tâm sự được gửi từ độc giả có email: anhduong…89@gmail.com

Tâm lý của mẹ bầu tác động ra sao đến sự phát triển của thai nhi?

Tâm lý của mẹ bầu có vai trò quan trọng trong suốt thai kỳ, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi qua nhiều khía cạnh. Khi mẹ bầu có tinh thần tích cực, cơ thể sẽ sản sinh nhiều hormone như oxytocin và serotonin, giúp cải thiện tuần hoàn máu, tăng cường cung cấp oxy và dưỡng chất cho thai nhi. Điều này không chỉ giúp thai nhi phát triển tốt hơn về thể chất mà còn hỗ trợ hoàn thiện hệ thần kinh và trí não.

Ngược lại, nếu mẹ bầu thường xuyên bị căng thẳng, lo lắng hoặc trầm cảm, cơ thể sẽ tiết ra nhiều hormone cortisol, gây ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ và hệ miễn dịch của thai nhi. Nghiên cứu cho thấy, thai nhi của những bà mẹ gặp căng thẳng kéo dài có nguy cơ cao mắc các vấn đề về hành vi, khả năng học tập và sức khỏe tâm lý sau khi chào đời.

Không chỉ vậy, tâm trạng của mẹ bầu còn ảnh hưởng đến nhịp tim và hệ tiêu hóa, dẫn đến nguy cơ giảm lưu lượng máu đến nhau thai, gây chậm phát triển hoặc nhẹ cân ở thai nhi. Đặc biệt, nếu mẹ bầu bị stress quá mức trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba, nguy cơ sinh non hoặc biến chứng thai kỳ cũng tăng lên đáng kể.

Do đó, việc giữ cho tinh thần thoải mái, lạc quan là điều cực kỳ cần thiết. Mẹ bầu có thể thực hiện các biện pháp như tập yoga, thiền, trò chuyện cùng người thân, tham gia các hoạt động giải trí nhẹ nhàng, hoặc tìm sự hỗ trợ từ bác sĩ tâm lý khi cần thiết. Một môi trường sống yêu thương và sự chăm sóc từ gia đình cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp mẹ bầu duy trì tâm trạng tích cực, từ đó bảo vệ sức khỏe và sự phát triển tốt nhất cho em bé.

Chia sẻ

Thy Dung

Tin cùng chuyên mục

Nói chuyện với ông bà thật thú vị

Nói chuyện với ông bà thật thú vị

Chắc hẳn, bạn đã hơn một lần than thở: “Ở nhà với ông bà chán lắm vì chẳng biết nói chuyện gì với ông bà?”. Nhưng bạn có nghĩ rằng, thực ra ông bà mình là một kho tàng các loại chuyện và kinh nghiệm sống, chỉ là chúng ta chưa biết gợi mở mà thôi. Hãy bắt đầu bằng những câu hỏi “chìa khóa” sau nhé: