Nhiều cô gái ngay cả khi đã đi lấy chồng vẫn thường về nhà ngoại “ăn trực” nhưng,”bòn của” như em chồng Giang thì quả là siêu... vô tâm.
Bố mẹ chồng Giang sinh được 2 con, chồng Giang là anh, sau có cô em tên My. Hồi Giang về làm dâu, My cũng đã tốt nghiệp đại học, đi làm được mấy năm. Nghe nói, công việc của My khá tốt, lương ổn định. Tuy nhiên, thu nhập cụ thể của cô như thế nào thì chả ai biết, bởi lẽ, bố mẹ chồng Giang vẫn đứng ra nuôi cơm con gái. Hàng ngày, cô vẫn ở chung nhà, sinh hoạt cùng cả đại gia đình nhưng không ai bắt cô phải đóng góp sinh hoạt phí dù cô đã đi làm có lương.
Giang không phải người hẹp hòi, hơn thế cô nghĩ đây là việc riêng của bố mẹ chồng với em chồng, không liên quan đến vợ chồng cô. Về phần mình, Giang luôn làm tròn trách nhiệm của con dâu với nhà chồng. Tháng tháng, cô nộp tiền ăn cho bố mẹ chồng chợ búa, còn cuối tuần, cô đi chợ nấu các món cải thiện cho mọi người. Tiền điện nước sinh hoạt cô nhận trả vì biết lương hưu của bố mẹ chồng khiêm tốn. Nếu so với việc ở riêng thì chi phí sinh hoạt của vợ chồng Giang bỏ ra tốn kém hơn nhưng với Giang thì chi tiêu cho người thân trong nhà chẳng đi đâu mà thiệt nên cô vẫn rất vui vẻ.
Khi con Giang lên 3 tuổi thì em chồng cô kết hôn. My lấy một anh ở ngay xóm bên, chỉ cách nhà ngoại 3km. Vì thế, tiếng là đã lấy chồng nhưng gần như ngày nào, My cũng sang nhà ngoại.
Ảnh minh họa
Nếu như trước đây, bố mẹ chồng Giang còn đứng ra làm trụ cột của gia đình, thì hiện nay, ông bà đã chuyển giao trọng trách đó cho Giang. Hàng tháng, ông bà gửi Giang tiền ăn của hai ông bà, còn lại tiêu pha như thế nào, Giang chủ trì hết. Một lần trong bữa ăn có đông đủ cả nhà, bố mẹ chồng Giang cũng đã tuyên bố rõ việc đó. My nghe thấy nhưng gần như “bỏ ngoài tai”. Thời gian đầu sau kết hôn, rồi mang bầu, My lấy cớ ốm nghén không tự nấu cơm được nên tối nào hai vợ chồng cũng đưa nhau về nhà ngoại ăn cơm. Thôi thì một hai bữa thì Giang không nói nhưng em chồng cứ rền rã như vậy suốt mấy tháng trời. Đã thế, cô em chồng còn không nói một lời nào với Giang vì cho rằng mình “ăn cơm của bố mẹ”. Mẹ chồng Linh xót con gái, rồi “bữa cơm thêm bát thêm đũa chứ tốn kém là bao” nên cứ thấy con gái đến ăn là mừng. Nhưng bà không hiểu, như vậy là vợ chồng Giang lại có thêm gánh nặng “nuôi vợ chồng em chồng”.
Sau đó, em rể Giang chuyển việc, phải đi làm về muộn nên không tiện qua nhà ngoại ăn cơm nữa. Vợ chồng My tự ăn riêng, nhưng, My lại chuyển hướng “bám” nhà ngoại theo cách khác. Đó là cô chỉ đi chợ mua thực phẩm tươi sống rồi mang về nhờ mẹ chế biến, nấu nướng hộ. Mẹ chồng Giang ở nhà rảnh rang nên nấu giúp con gái hết món nọ, món kia rồi đóng hộp, đợi con gái đến mang về. Ban đầu, Giang chỉ nghĩ là cô em chồng bận bịu nên nhờ mẹ giúp ít bữa, sau này, Giang phát hiện hóa ra cô... muốn tiết kiệm chi phí nhà mình nên đổ bộ hết sang nhà ngoại. Chẳng thế mà ở nhà Giang, chỉ dăm bữa nửa tháng là đã hết bình gas vì mẹ chồng suốt ngày ninh, nấu cho vợ chồng con gái và cháu ngoại. Chưa hết, lần nào về nhà ngoại lấy thức ăn, Giang cũng tiện tay bê luôn quần áo bẩn để... chạy nhờ máy giặt nhà ngoại, rồi mẹ con cũng tắm táp, vệ sinh sạch sẽ luôn bên bà mới chịu về nhà mình. Mùa đông thì mấy mẹ con tranh thủ dùng nước nóng, đèn sưởi, còn mùa hè thì mẹ con về nhà ngoại bật điều hòa nằm cho mát, đợi tối hẳn, trời dịu lại mới đèo nhau về nhà mình. Giang vốn quan tâm đến việc lo ăn uống đủ chất cho cả nhà, nên cuối tuần đi siêu thị, cô thường mua về rất nhiều hoa quả, các loại sữa để dùng dần. Cô em chồng biết vậy nhưng rất thoải mái lấy đồ ăn. Hết mẹ ăn thì lại cho các con ăn theo khả năng như thể “về nhà sẽ không có”. Có lần, Giang vừa mua được chùm nho sữa của Úc hết mấy trăm nghìn, thêm vài hộp váng sữa ngoại... để vào tủ lạnh. Tối đến, khi cơm nước xong xuôi, cô mở tủ lấy cho con ăn thì phát hiện... nho, váng sữa đã sạch bách. Hỏi thì mẹ chồng cô vô tư bảo: “À, lúc chiều mấy mẹ con em My sang ăn hết rồi. Con My cứ khen nho bác Giang mua vừa giòn, ngọt. Còn thằng Tít thì thích ăn váng sữa lắm, còn bảo ngày mai bác lại mua tiếp cho cháu”.
Giang nghe xong chẳng biết phải bình luận như thế nào. Miếng ăn là miếng nhạy cảm, không lẽ chị em so đo tính toán với nhau. Nhưng, cô cũng không thể thoái mái với tính vô tư quá của em chồng.
Ảnh minh họa
Giang cũng hiểu, vợ chồng em còn trẻ, phải lo toan nhiều thứ. Nhưng, vợ chồng Giang cũng vậy, thu nhập chỉ có hạn, chưa tới mức tiêu pha không cần suy nghĩ. Giang để ý thấy em chồng chỉ quan tâm bố mẹ... bằng miệng thôi chứ chẳng bao giờ mua biếu bố mẹ thứ gì. Nhưng, hễ bố mẹ có gì tốt, là cô lại mắt trước mắt sau xin của bố mẹ. Như cái lần Giang sang Hàn Quốc công tác, khi về có mua tặng bố mẹ chồng một hộp sâm quý để bồi bổ sức khỏe. Mẹ chồng Giang mừng lắm, còn định đem ngâm dùng dần. Nhưng, sâm chưa kịp ngâm thì ít hôm sau, Giang đã không tìm thấy hộp sâm đâu cả. Cô hỏi thì mẹ chồng giải thích: “À, con My thích hộp sâm quá nên xin bố mẹ cho mang về dùng rồi. Nó bảo hai vợ chồng dạo này hay ốm nên uống thêm sâm cho tăng cường sức khỏe. Bố mẹ tuy già rồi nhưng sức khỏe còn dẻo dai, ít ốm vặt nên nhường cho em dùng trước”. Lần khác, khi trời trở lạnh, Giang biết bố mẹ chồng hay bị lạnh nên mua một cái máy sưởi về cho ông bà dùng. Song, vừa mới “khai trương” máy được mấy ngày thì My lại xin mang về dùng vì “có máy sưởi bọn trẻ sẽ ít bị ốm hơn”. Ấy thế nhưng, ở nhà, lâu lâu Giang lại thấy các cháu khoe bố mẹ mới sắm đồ này, thức nọ, rồi còn đổi xe máy mới chứng tỏ hai vợ chồng vẫn có tiền rảnh rang, chỉ là thích “tăng xin, giảm mua” mà thôi.
Từ lúc nào, Giang thấy khó chịu vì tính khôn vặt của em chồng. Cô cứ lấy cớ về chơi với bố mẹ nhưng thực ra là về bấu víu, ỷ lại vào bố mẹ. Sinh nhật bố chồng, vợ chồng Giang đứng ra tổ chức tiệc nho nhỏ cho ông, còn tặng ông quà là chiếc thẻ xông hơi dưỡng sinh (Giang đăng ký tên của bố nên em chồng không dùng được). Còn My cũng kéo con sang dự tiệc rồi chúc bố những lời tốt đẹp. Tuy nhiên, cô rào trước, đón sau rằng vợ chồng cô còn khó khăn, phải nuôi con nhỏ nên xin... nợ quà bố. Tất nhiên, bố mẹ My chẳng bao giờ trông chờ vào món quà của con nên ông bà đều gạt đi, bảo không cần mua gì cho bố cả. Ông bà chỉ cần các con mạnh khỏe, hòa thuận, hạnh phúc là được. Mẹ chồng Giang còn xót xa vì con gái vất vả, nên dặn con cứ an tâm đi làm kiếm tiền lo cho cháu ngoại của bà. Về phần ông bà sẽ tự lo hoặc là có anh chị lo cho.
Mỗi lần nghĩ về cô em chồng, Giang lại nhớ tới câu “con gái cái bòn”. Thôi thì con gái hay dựa vào nhà ngoại giúp đỡ, hỗ trợ. Nhưng, dựa cả vào nhà ngoại, có gì bòn được là bòn bất chấp việc này có hợp lý không hay quên rằng trong nhà còn có anh trai, chị dâu và các cháu trông vào như em chồng Giang thì thật không nên chút nào.