“Tái chế”... chồng

Nhà văn Hoàng Anh Tú
Chia sẻ

Chồng hỏng rồi đừng bỏ đi. Bạn có thể “tái chế” lại chồng đấy!

CHỒNG HỎNG

Thế nào là một người chồng hỏng? Tôi không thể định nghĩa được thế nào là một người chồng hỏng đâu. Vì hỏng hay không vốn là do người vợ đang “sở hữu” người chồng đó quyết định. Tất cả mọi đánh giá, nhận xét của bất cứ ai không phải vợ anh ta đều là sai hết. Thế nên có những người đàn ông hỏng be hỏng bét như rượu chè, cờ bạc nhưng vợ anh ta vẫn sử dụng anh ta được thì anh ta vẫn chẳng phải là chồng hỏng. Ngược lại, có những người đàn ông tiến sĩ này, giáo sư nọ nhưng trong mắt vợ anh ta, anh ta vẫn cứ là chồng hỏng. Vì cô ấy không dùng được nữa.

Chồng hỏng, như những lá thư tâm sự của nhiều người vợ đã gửi tôi thì là những người đàn ông không dùng làm chồng được nữa. Nhất là ở cái thời đại mà phụ nữ cũng đã không còn phụ thuộc vào kinh tế của chồng, phụ nữ đã có thể tự lập, tự chủ thì ngày càng có nhiều những ông chồng bị “vứt xó”. Nhiều cuộc hôn nhân chỉ còn là nhãn dán trên mối quan hệ vợ chồng. Chồng hỏng nhưng chưa bỏ vì nhiều lý do ràng buộc như con cái, như sĩ diện của cha mẹ, như bản thân người phụ nữ đó cũng chưa muốn bỏ đi. Những cuộc hôn nhân đó tôi hay gọi là hôn nhân “chết lâm sàng”.

Nhưng cũng lại có những người chồng hỏng là do… vợ. Vì vợ cái gì cũng ôm đồm vào mình hết. Cơm nước, chăm con, nhà cửa… cái gì vợ cũng ôm vào vì định kiến phụ nữ của gia đình. Lâu dần, vai trò của người chồng trong nhà không còn nữa. Người chồng đó bị coi như… thằng con trai lớn. Nhiều người vợ sửng cồ lên với tôi rằng: Thế theo anh tôi phải làm sao? Tôi nói chồng mình khản cả giọng nhưng anh ta không làm thì tôi phải làm thôi. Chán đến mức không còn muốn kêu nữa. Kiểu chồng hỏng này vô cùng phổ biến vì số phụ nữ làm vợ kiểu ôm đồm cũng đông chẳng kém.

“Tái chế”... chồng - 1

Ảnh minh họa

Có 1 cái câu thế này: “Bạn không thể dạy trẻ ứng xử tốt hơn bằng cách khiến chúng cảm thấy tồi tệ hơn. Khi trẻ cảm thấy tốt hơn, chúng cư xử tốt hơn”. Tôi mạo muội đổi chỗ “trẻ” sang chữ “chồng”, các bạn đọc thử xem liệu có đúng không?

Bởi tôi là đàn ông nên khi tôi nói đàn ông đa phần đều giống lũ trẻ, chắc hẳn nhiều chị em sẽ thấy đó không phải là một nhận xét phiến diện chứ? Ít nhất là với đàn ông kiểu tôi - 44 tuổi, 1 vợ, 3 con, có tí chút tiếng nói trong xã hội nhưng tôi tự thấy mình vẫn khá là trẻ con. Tôi vẫn giận điên lên nếu vợ mình châm chọc mình, bỉ bai mình, phán xét mình. Giận điên lên nhưng tôi sẽ không đánh vợ, nói lại vợ. Vì tôi vẫn rất trẻ con, vẫn coi vợ là mẹ… của đám con mình, vẫn coi vợ là người mình yêu thương, muốn giữ rịt lại với mình đến lúc mình già khụ, lọm khọm, xuống lỗ. Nên cách hành xử của tôi cũng khá trẻ con. Tôi sẽ dỗi vợ. Bỏ ăn. Tôi sẽ chán nản vô cùng. Tôi không còn thiết làm gì nữa. Ờ, nhiều mẹ sẽ vào mắng tôi: Đàn ông mà nhu nhược thế sao? Vậy không nhu nhược là giơ nắm đấm dạy vợ ư? Vợ không phải là trẻ con mà dạy dỗ. Phải, vợ không phải trẻ con nên vợ là người lớn. Người lớn thì phải bao dung đúng không?

“TÁI CHẾ” LẠI MỘT ÔNG    CHỒNG HỎNG

Không phải là sửa chữa lại chồng. Mà là tái chế. Là lành làm gáo, vỡ làm muôi. Là thay đổi lại tính năng của người đàn ông bạn đã lấy làm chồng.

Tôi hay khuyên những người vợ đã thất vọng về chồng lâu năm rằng: Hãy thử cho anh ta một danh phận khác thử xem. Đừng nghĩ anh ta đang là chồng mình nữa. Ví dụ như biến anh ta thành… bạn trai của mình đi. Tôi vẫn tin rằng nếu người vợ nào cũng nhìn chồng mình như… tình nhân, rất có thể cô ấy sẽ quay lại thời thiếu nữ. Từ từ đã, đừng giãy nảy lên thế. Chẳng có công thức nào xác quyết rằng cưới nhau về rồi là hết thời yêu đương cả. Đôi khi chính vì ta đã tự biến mình thành vợ và cứ đòi hỏi người đàn ông kia phải sống như một người chồng. Chúng ta chứ không phải gã đàn ông ta gọi là chồng kia, thay đổi sau khi cưới. Là chính ta đã thay đổi. Chúng ta đổ cho cơm áo gạo tiền mưu sinh, trách nhiệm làm vợ oằn vai. Nên chúng ta chép miệng, tặc lưỡi như con thạch sùng, cho phép anh ta được… làm chồng như mọi ông chồng tệ khác. Là chính ta hạ giá mình, cho phép anh ta bỏ bê mình, mặc kệ mình, thậm chí xúc phạm mình.

Là tôi muốn chị em bắt đầu từ chính bản thân mình trước nhất. Muốn ai đó coi mình là nữ hoàng thì bản thân mình hãy cư xử như một nữ hoàng. Giá trị của bạn đến đâu bạn xứng đáng được trân trọng đến đó. Bạn vẫn là bạn của ngày anh ta theo đuổi bạn chứ?

“Tái chế” một ông chồng hỏng còn là trao thưởng cho anh ta. Làm chồng bạn là một phần thưởng cho anh ta chứ không phải một công việc anh ta phải làm. Muốn vậy, phần thưởng phải có giá trị cao. Bắt đầu bằng sự tôn trọng. Đừng nói với tôi rằng bạn vẫn luôn tôn trọng chồng nếu như bạn chẳng bao giờ chịu ghi nhận những điều tích cực nơi anh ấy. Đàn ông nghĩ về việc được vợ tôn trọng bằng thước đo việc vợ ghi nhận mình đến đâu.

“Tái chế” một ông chồng hỏng cần một quá trình nhìn nhận, đánh giá lại năng lực của chồng. Một cách khách quan và tích cực. Bạn chỉ có thể nhìn thấy và nhìn ra điều đó khi bạn nhìn bằng con mắt của một phụ nữ không phải là vợ anh ta.

“Tái chế”... chồng - 2

Ảnh minh họa

CHO HÔN NHÂN MỘT CƠ HỘI NỮA ĐI

“Tái chế” lại một ông chồng hỏng vốn là việc chúng ta cho hôn nhân của mình thêm một cơ hội nữa. Giống như tôi nói lúc vào bài vậy, hỏng hay dùng ngon vốn là từ đánh giá, nhận xét của chính người vợ, chủ sở hữu người chồng đó. Thế nên thay đổi góc nhìn một cái là có khi chồng hỏng lại là một người đàn ông đáng mơ ước của phụ nữ khác ngoài kia. Đừng cố gắng sửa chữa chồng, hãy “tái chế” lại chồng. Hãy tìm ra những điểm tốt nơi chồng để sử dụng nó cho cuộc hôn nhân này của hai bạn vậy. Được không?

Tôi vẫn nghĩ rằng khi đàn ông chúng tôi còn trẻ con thì phụ nữ các chị, các em, các cô, các mẹ hãy làm người lớn. Hãy dạy chúng tôi ứng xử tốt hơn không phải bằng cách khiến chúng tôi cảm thấy tồi tệ hơn. Mắng nhiếc, bỉ bai, châm chọc, coi thường, phán xét… những thứ tiêu cực như vậy, làm ơn, đừng dùng nó với con cái mình và cũng đừng dùng nó với chồng mình.

Tôi nghĩ về việc 2 vợ chồng sống với nhau (cả với con cái cũng vậy) cần lắm việc chúng ta nhìn vào điểm tốt của nhau, phát huy điểm tốt. Là khi chồng (và con) cảm thấy họ tốt, họ sẽ cư xử tốt hơn. Và ngược lại, các chị cũng sẽ vậy đúng không? Khi chúng ta được trân quý, được ghi nhận, được đối tốt, chẳng lý gì mà chúng ta vẫn cư xử tệ bạc với đối phương. Nếu có, đó là trường hợp hết cách sửa chữa rồi!

Sửa chữa nhau bằng cách nghĩ tốt về đối phương, bạn thử chưa? Nếu bạn đã thử, bạn có kiên nhẫn chưa? Bởi muốn đứa con của bạn hay chồng của bạn trở nên tốt đẹp hơn, hãy dùng lời tiên tri tự hoàn thành này: Cứ tin và thể hiện cho con bạn, chồng bạn thấy họ là một người tốt. 

Chia sẻ

Nhà văn Hoàng Anh Tú

Tin cùng chuyên mục

Học cách yêu mẹ chồng

Học cách yêu mẹ chồng

Là một người đàn ông, thật khó để tôi đồng cảm được với những gì nhiều người vợ phải trải qua khi có một người mẹ chồng đích thị là… mẹ chồng hắc ám. Bởi những người mẹ chồng là những người phụ nữ đã sinh ra chúng tôi, đã dạy chúng tôi cách để yêu một người phụ nữ thế nào cho đúng. Và bởi, dù họ có sai đấy, nhiều khi, chữ hiếu đè nặng trên vai khiến chúng...

Giữ lại trái tim còn những thiết tha

Giữ lại trái tim còn những thiết tha

Nhiều phụ nữ nói với tôi rằng họ đang sống trong cuộc hôn nhân tệ hại vì họ lấy nhầm phải một ông chồng tệ hại. Họ ước gì người chồng của họ sẽ thay đổi để hôn nhân này được cứu rỗi lại…

Chúng ta ly hôn đi

Chúng ta ly hôn đi

Hôm đó, trong lúc tức giận, Lê nói với chồng: “Được, chúng ta ly hôn đi. Em cũng chán cảnh sống này rồi”. Không ngờ, Hùng đáp trả mà không cần suy nghĩ thêm: “Ly hôn thì ly hôn, đừng có nghĩ là đây sợ nhé”.

Phải yêu bản thân thôi

Phải yêu bản thân thôi

Gần như lần đầu tiên sau gần 3 năm “gia nhập nhóm”, chị mới “rón rén” đồng ý cùng chị em đi ăn tối, rồi cafe chém gió. Lúc đầu trông chị bẽn lẽn, ngại ngùng lắm, nhưng chỉ lát sau là chị.... bùng nổ.

Hôn nhân chao đảo khi chồng... ra phố

Hôn nhân chao đảo khi chồng... ra phố

Hai năm trước, con trai đỗ đại học ở Hà Nội, chị đồng ý cho chồng ra phố tìm việc để chăm sóc con. Nhưng không ngờ, quyết định đó khiến cho cuộc hôn nhân của họ bị chao đảo.

Đừng làm vợ, hãy làm phụ nữ

Đừng làm vợ, hãy làm phụ nữ

Nhiều người nói vợ phải là cáo thì mới trị được chồng, phải là hổ báo để chồng biết sợ, đừng làm trâu, ngựa và mèo chỉ dành cho những cô bồ. Ô hay, tại sao mèo chỉ dành cho những cô bồ? Tại sao vợ lại chỉ chết vai hổ mà không thể làm mèo?

“Uốn nắn” chồng gia trưởng

“Uốn nắn” chồng gia trưởng

Mỗi khi Mai có quan điểm riêng hoặc thực hiện theo cách của mình, Hòa lại chỉ trích vợ không tiếc lời. Điều này khiến Mai cảm thấy mệt mỏi và không được tôn trọng.