Trước khi đến với tôi, anh ấy đã ly hôn và có con riêng 8 tuổi. Chúng tôi gặp nhau trong một cuộc hội thảo, lần đó thấy anh là đàn ông đi công tác mà vẫn quản chuyện con cái ở nhà, gọi điện nhắc nhở. Rồi, đứa trẻ chuyện gì cũng hỏi ý kiến của bố, tôi thấy làm lạ liền hỏi han. Anh tâm sự thật với tôi về hoàn cảnh ly hôn, đang phải một mình “gà trống nuôi con”. Tôi thấy thương cảm với anh rất nhiều.
Sau lần đó, tôi và anh trở thành thân thiết, có chuyện gì của con, anh cũng tâm sự để nhờ tư vấn. Dần dần, tôi và anh yêu nhau. Tuy nhiên, để đến được với anh, tôi đã phải đấu tranh và thuyết phục gia đình rất nhiều. Vì họ cho rằng, tôi là “gái tân” thì không nên lấy một người đàn ông đã có gia đình. Với điều kiện của tôi có thể lấy được một người đàn ông hơn anh về mọi mặt. Tuy nhiên, tôi đã kiên quyết bảo vệ tình yêu của mình đến cùng.
ảnh minh họa
Tôi cứ ngỡ mình sẽ có một tổ ấm hạnh phúc, thế nhưng kết hôn xong thì thực tế cuộc sống lại hoàn toàn khác. Con riêng của chồng luôn xem mẹ kế như “kẻ bên lề” trong cuộc sống của hai bố con. Dù con vẫn ngoan, chào tôi lễ phép mỗi khi đi đâu về, tôi bảo ăn thì ăn, bảo đi ngủ thì ngủ; nhưng lúc nào con cũng lạnh lùng với tôi.
Nhiều khi tôi cảm giác như con sống vô cảm với mình. Những lúc có chồng tôi ở nhà, tôi dường như trở thành “vô hình” khi hai bố con nói chuyện, chơi với nhau. Làm thế nào để con riêng của chồng không còn xem tôi là “kẻ bên lề” mà yêu thương, gần gũi như với người mẹ? Mong Tâm Giao “gỡ rối” giúp tôi.
Bạn đừng buồn khi thấy bố con anh ấy vui vẻ, yêu thương nhau. Đơn giản chồng bạn yêu con trước khi yêu bạn. Họ có cả một quá khứ với bao nhiêu kỷ niệm, đã thấu hiểu nhau, nên có nhiều chuyện để nói. Anh ấy là đàn ông, nên cũng không khéo léo trong việc "phân phối tình cảm" trong gia đình. Là phụ nữ, bạn phải tự nhận vai trò "người nhóm lửa"thôi.
Con riêng của chồng không hỗn hào, hư đốn, không phản kháng hay coi bạn là kẻ thù cũng là may mắn cho bạn lắm rồi. Nó lạnh lùng, e dè, co mình lại là để quan sát xem bạn đối xử với nó ra sao. Có thể nó cũng muốn làm thân với bạn, nhưng không biết bắt đầu từ đâu, bởi nó chỉ là đứa trẻ.
Sẽ là sai lầm nếu bạn dùng quyền lực của mẹ kế, hay mượn tay người chồng ép buộc đứa con phải yêu bạn. Tình yêu phải được khơi gợi dần dần bằng những việc làm, cử chỉ, lời nói, sự quan tâm và cả sự kiên nhẫn nữa.
Buổi tối bạn thử ngồi cạnh con khi nó học bài, hỏi xem nó có thấy bài nào khó không để giảng giải giúp nó? Bạn là quần áo và gấp lại, để lên vai ghế, dặn con rằng: "Sáng mai mặc bộ này nhé, mẹ đã giặt sạch, là khô rồi".
Hoặc thỉnh thoảng bạn rủ con đi siêu thị, hỏi con có muốn mua gì thì mẹ mua cho. Thấy bố con nó trò chuyện vui vẻ, bạn cứ chủ động "góp vui" cùng; hoặc tạo ra những trò chơi mà cả ba người cùng tham gia.
Tóm lại, chỉ có tình yêu chân thành mới khiến người khác cởi mở lòng mình. Trẻ con, nhất là những đứa trẻ thiệt thòi, thiếu thốn tình cảm lại càng nhạy cảm hơn với tình yêu thương của người khác. Hy vọng bạn đã yêu anh ấy, nay lại cố gắng để yêu cả con anh ấy nữa. Nhóm lên ngọn lửa yêu thương, bạn sưởi ấm người khác và sưởi ấm cả lòng mình.