Trả lời 6 câu hỏi này sẽ giúp ích cho bạn khi đứng trước ngã ba đường và phải quyết định nên đi tiếp hay quay lại.
Đa phần chúng ta đều có ước mơ cho tương lai của mình. Chúng ta đã đặt ra những mục tiêu và hy vọng sẽ đạt được. Chúng ta đã đạt được tiến triển theo hướng mà mình mong muốn.
Nhưng đôi khi chúng ta gặp phải sự trì trệ trên đường đi, thậm chí là một bức tường dường như không thể vượt qua. Đến một lúc nào đó, chúng ta phải trả lời câu hỏi quan trọng là liệu chúng ta nên tiếp tục hay từ bỏ.
Dưới đây là 6 câu hỏi bạn nên trả lời khi cần đưa ra quyết định.
1. Bạn cảm thấy giấc mơ vẫn còn sống động không?
Khi lần đầu tiên có một giấc mơ, chúng ta cảm thấy tràn đầy năng lượng. Chúng ta muốn dừng mọi thứ lại và bắt đầu cuộc hành trình. Chúng ta tin rằng mình có thể đạt được mục tiêu nếu nỗ lực hết mình.
Nhưng không phải mọi giấc mơ đều tồn tại mãi mãi. Đôi khi chúng mất đi sự rực rỡ, chúng phai nhạt và chúng không còn. Vì vậy, hãy tự hỏi: “Giấc mơ của bạn vẫn còn tồn tại chứ?”, “Bạn có thấy phấn khích khi nghĩ về điều đó không?”, “Giấc mơ của bạn có còn tươi đẹp như trước không?”
Nếu câu trả lời là có, có lẽ bạn nên tiếp tục theo đuổi con đường này.
2. Bạn có đủ năng lượng để tiếp tục không?
Mọi hoạt động có giá trị đều cần năng lượng. Nếu việc đạt được mục tiêu dễ dàng và ít tốn công sức thì mọi người đều có thể đạt được. Nhưng để đạt được mục tiêu cần phải nỗ lực và mục tiêu càng lớn thì nỗ lực càng lớn.
Một số người từ bỏ ước mơ của mình chỉ vì họ cạn kiệt năng lượng. Họ quá mệt mỏi để tiếp tục. Bạn có thể biết khá rõ mình có đủ năng lượng cần thiết để đến đích hay không.
Phi công Amelia Earhart đã từng nói: “Điều khó khăn nhất là quyết định hành động, phần còn lại chỉ là sự kiên trì”.
3. Bạn có chắc chắn đó chính là ước mơ của bạn ngay từ đầu không?
Rất nhiều người đã đi được một nửa chặng đường để thực hiện ước mơ của mình nhưng rồi mới phát hiện ra ngay từ đầu nđó chưa bao giờ là ước mơ của họ. Họ có thể bị áp đặt bởi cha mẹ, nửa kia, một người bạn, một đồng nghiệp có thiện chí...
Đôi khi, giấc mơ mà chúng ta theo đuổi thực ra lại thuộc về người khác. Đó là giấc mơ của họ, không phải của chúng ta. Vì lý do nào đó, chúng ta bị cuốn vào việc theo đuổi mục tiêu của người khác.
Chúng ta cần thừa nhận rằng mình không có đủ khả năng để đạt được mục tiêu của người khác.
Nhà văn người Mỹ Mark Twain có câu nói rằng: “Bí quyết để tiến lên phía trước là hãy bắt đầu”.
Tất nhiên, chúng ta có xu hướng nghĩ rằng điều này chỉ áp dụng cho quá trình bắt đầu nhưng nó cũng áp dụng cho việc bắt đầu lại với một giấc mơ mới. Quyết định thực hiện thay đổi là bước quan trọng nhất để tạo nên sự thay đổi.
4. Bạn có mắc phải sai lầm về chi phí chìm không?
Nói một cách đơn giản, ngụy biện chi phí chìm xảy ra khi chúng ta tiếp tục một cách phi lý hoạt động không còn đáp ứng kỳ vọng của mình. Nó được gọi là chi phí chìm vì đó là chi phí chúng ta đã phải chịu và không thể thu hồi được. Đó là tiền bạc, thời gian hoặc năng lượng đã được chi ra.
Chúng ta mắc vào cái bẫy này theo nhiều cách như:
– Tăng cam kết đầu tư vào một khoản đầu tư đang đi xuống vì đã đầu tư quá nhiều.
– Duy trì một mối quan hệ rõ ràng đã kết thúc vì đã ở trong mối quan hệ đó quá lâu.
– Tăng gấp đôi nỗ lực cho một dự án mà lẽ ra chúng ta phải từ bỏ vì đã dành quá nhiều thời gian và tiền bạc cho nó.
Chuyên gia kinh doanh người Mỹ, Peter Drucker, là một chuyên gia về năng suất. Ông nhận thấy rằng rất nhiều thời gian bị lãng phí khi chúng ta cố trở nên thành thạo về những gì mình không nên làm. Chúng ta chỉ có một số ít nguồn lực có sẵn. Càng sớm biết được điều gì xứng đáng với nguồn lực đó sẽ càng tốt hơn.
Bất cứ khi nào chúng ta đánh giá xem có nên tiếp tục theo đuổi ước mơ hay từ bỏ, hãy nhận thức sự cám dỗ của chi phí chìm. Chỉ vì chúng ta đã đầu tư vào thứ gì đó không có nghĩa là chúng ta nên đầu tư thêm. Nếu chúng ta đã đầu tư rất nhiều mà không thu được kết quả gì thì đây có thể là bằng chứng rõ ràng cho thấy đã đến lúc phải thay đổi.
5. Bạn có sẵn sàng đặt ra thời hạn không?
Đôi khi việc đặt ra thời hạn quyết định chúng ta nên tiến hay rút lui. Hãy xác định khoảng thời gian hợp lý để dành cho việc theo đuổi, sau đó đưa ra quyết định. Việc có thời hạn sẽ giúp bạn tập trung hơn.
Chúng ta dễ bị cuốn vào việc theo đuổi một mục tiêu nào đó và mất hết khái niệm về thời gian và lý trí. Và trước khi chúng ta biết điều đó, chúng ta đã đầu tư nhiều hơn dự định. Chúng ta tự hỏi làm sao mình lại đến bước này.
Vì vậy hãy đặt ra thời hạn. Hãy tự nhủ rằng, đến ngày này, bạn sẽ tiến lên hoặc quay lại. Đánh dấu vào lịch của bạn và đưa ra quyết định khi đến ngày đó.
6. Thành công có thể sắp đến gần không?
Nhà phát minh người Mỹ Thomas Edison đã nói rằng: "Nhiều người thất bại trong cuộc sống vì họ không nhận ra mình đã gần thành công đến thế nào khi họ bỏ cuộc".
Đôi khi, chỉ cần nỗ lực thêm một chút nữa là bạn sẽ đạt được thành công. Đôi khi, chỉ cần kiên trì thêm một chút nữa là chúng ta có thể thực hiện được ước mơ của mình. Nhưng làm sao bạn biết được thành công đang ở ngay trước mắt hay cách xa ngàn dặm?
Bạn luôn có thể nhờ một người bạn hoặc đồng nghiệp đáng tin cậy cho ý kiến và cuối cùng, quyết định vẫn là ở bạn. Một góc nhìn khác có thể giúp bạn nhìn rõ hơn so với khi bạn chỉ nhìn một mình.