“Cấm vận” con riêng của chồng

Thu Giang
Chia sẻ

Cho rằng con riêng là “cầu nối” giữa chồng mình và vợ cũ nên từ lúc về chung một nhà, Hoài “cấm vận”, không cho con riêng của chồng đi lại, quan hệ hay liên lạc với mẹ nó. Cứ thế, mỗi lần người mẹ muốn thăm con cũng chật vật, gian nan.

1.

Người mẹ trẻ tìm đến Văn phòng luật sư để xin tư vấn về quyền thăm nuôi con sau ly hôn. Bởi hơn hai năm nay, kể từ ngày hôn nhân đổ vỡ, con trai về sống cùng chồng cũ, chị muốn thăm nuôi con rất khó khăn. “Tôi cảm thấy quyền thăm nuôi con của mình đang bị người khác tước đoạt. Con trai tôi luôn bị mẹ kế ngăn cấm gặp tôi. Vậy nên, mỗi lần muốn gặp con là tôi phải nhờ hết người này đến người khác “dàn kịch” đưa thằng bé đi chơi để hai mẹ con gặp nhau. Nếu không có ai giúp đỡ, tôi không có cách nào để gặp được con mình…”, người mẹ nói trong nghẹn ngào.

Chị kể, 8 năm trước, chị bước vào cuộc hôn nhân với người đàn ông yêu mình chân thành. Hai đứa con ra đời đủ nếp, đủ tẻ những tưởng tăng thêm phần hạnh phúc cho gia đình họ. Ấy vậy mà khi con trai lên 5, con gái lên 3 tuổi thì cuộc hôn nhân của họ gặp sóng gió. Công việc làm ăn của chồng chị thất bại, bao nhiêu vốn liếng đầu tư đều mất hết, còn kéo theo một khoản nợ lớn. Anh chị phải bán nhà để trả nợ, sau đó, chị đưa các con về nương nhờ bên nhà ngoại, còn anh tính chuyện đi xuất khẩu lao động để làm lại kinh tế.

“Cấm vận” con riêng của chồng - 1

Ảnh minh họa

Ba năm chồng đi xuất khẩu lao động trở về, chị tưởng gia đình sẽ đoàn tụ, mái ấm gia đình lại hạnh phúc quây quần như xưa. Nhưng không ngờ, sau giây phút đoàn tụ là một sự thật phũ phàng chị phải đón nhận. Hóa ra, ba năm đi xuất khẩu lao động, chồng chị đã được một phụ nữ “giúp đỡ” rồi sa vào lưới tình của chị ta. Họ đã sống với nhau như vợ chồng trong 3 năm đó và cũng đã có một đứa con riêng. Khi chồng chị hết hạn về nước, người phụ nữ đó cũng mang con theo về cùng. Và, bấy giờ chị mới biết, số tiền mà chồng gửi về trả nợ trong những năm qua có một nửa của người phụ nữ đó giúp đỡ. Sau khi chồng về nước, hùn thêm một ít tiền nữa cùng với số tiền chị tiết kiệm, dành dụm trong ba năm qua để mua một căn chung cư nhỏ cho cả gia đình sống. Chị nghĩ, chắc chồng đã lựa chọn quay về với vợ con. Nhưng không, đó là cách anh đền bù lại cho mẹ con chị, sau đó thì nói lời chia tay. Anh bảo, bây giờ anh nợ cả tình lẫn tiền với người phụ nữ đó nên đành phải đưa ra quyết định đứt gánh nửa đường với chị.

Người phụ nữ lắm mưu nhiều kế hơn chị, có nhiều tiền để đầu tư mở công ty cho anh làm ăn nên đã dành phần thắng. Dù biết rõ vẫn còn tình cảm với vợ con nhưng anh đành phải ly hôn. Chị kinh tế không đảm bảo nên chẳng thể nuôi cả hai con nên họ đành thỏa thuận con trai sống với bố còn con gái bé hơn sống cùng mẹ. Tổ ấm của họ cứ thế đổ vỡ trong nỗi đau khổ tột cùng của chị.

“Cấm vận” con riêng của chồng - 2

Ảnh minh họa

2.

Hoài lớn lên trong gia đình kinh tế khó khăn nên học xong lớp 12 đã tính chuyện đi xuất khẩu lao động kiếm tiền phụ giúp bố mẹ. Nhờ hướng đi này, kinh tế gia đình Hoài được cải thiện rồi khấm khá dần. Dù là con gái nhưng Hoài trở thành trụ cột kinh tế của gia đình, không chỉ gửi tiền về lo cho bố mẹ, xây sửa nhà cửa mà còn lo được cho hai đứa em trai được đi học đại học.

Hết thời hạn đợt xuất khẩu đầu tiên, Hoài tiếp tục làm thủ tục đi xuất khẩu lần thứ 2. Trong lần thứ 2 quay lại Nhật, Hoài gặp và yêu một đồng hương Việt Nam cũng qua đó làm việc. Họ đã sống như vợ chồng hai năm rồi đường ai nấy đi vì không hợp nhau trong cuộc sống hàng ngày. Chuyện tình cảm đổ vỡ đó khiến Hoài “sợ yêu” một thời gian khiến cho tuổi xuân của cô qua đi cái thời đẹp nhất. Đổi lại, Hoài lao vào làm việc kiếm tiền và tích lũy được số vốn kha khá. Ở thời điểm đó, Hoài gặp anh, người đàn ông thất bại làm ăn trong nước, đi xuất khẩu lao động để mong có tiền trả nợ. Cảm mến sự chân thành của anh, ban đầu Hoài giúp anh trong công việc làm thêm để nhanh có tiền trả nợ. Dần dần, cô cảm mến anh và nảy sinh tình cảm dù biết rõ anh đã có gia đình ở quê nhà. Hoài cho anh “vay” tiền để gửi về nước trả nợ, lấp đầy khoảng trống tình cảm cho anh ở bên này khi sống xa vợ con. Cứ thế, một người đàn ông đang trong hoàn cảnh vừa cần tiền lẫn thiếu thốn tình cảm ấy đã ngã vào lòng Hoài lúc nào không hay.

Anh giấu mối quan hệ của họ với vợ con. Hoài cũng nghĩ, họ cứ sống bên này như vợ chồng, xây dựng một tổ ấm mới thì chả liên quan gì đến vợ con của anh trong nước. Chỉ cần thỉnh thoảng, cô đưa tiền để anh gửi về cho vợ nuôi con, trả nợ dần là được. Thế nhưng mọi sự không suôn sẻ như tính toán của họ, công việc làm ăn bên Nhật của cả hai không còn thuận lợi như trước, về nước làm ăn lúc này là an toàn và thuận lợi hơn. Vậy là họ quyết định về nước, trước khi về Hoài cũng đã tính sẵn, cô phải có được anh một cách hợp pháp.

Về nước, Hoài lại dùng đủ mọi cách ép anh ly hôn để đến với mình. Khi vợ chồng anh ly hôn, Hoài không muốn anh và vợ cũ có bất kỳ mối quan hệ nào, dù trên phương diện giữ liên lạc để quan tâm tới các con. Khi vợ chồng anh chia mỗi người nuôi một đứa, Hoài bảo như vậy thì chẳng ai phải cấp dưỡng nuôi con nên không cần thiết phải giữ liên lạc của nhau làm gì. Cô bắt chồng không được có quan hệ gì với vợ cũ, sợ đứa con làm cầu nối cho bố mẹ gặp nhau nên cô “cấm vận” luôn thằng bé không được liên lạc với mẹ. Không muốn đổ vỡ hôn nhân lần hai, kinh tế lại phụ thuộc vào vợ nên chồng Hoài đành phải nghe theo mọi sự điều chỉnh của vợ trong cuộc sống, kể cả việc không cho con trai liên lạc với mẹ mình.

“Cấm vận” con riêng của chồng - 3

Ảnh minh họa

3.

“Cá chuối đắm đuối vì con”, chị chẳng thế nguôi nhớ thương đứa con trai đang sống cùng chồng cũ. Biết thằng bé cũng nhớ nhung mẹ và em gái nên thỉnh thoảng chị lại nhờ người thân bên nội “dàn kịch” đón cháu về bên nhà chơi để mấy mẹ con gặp gỡ nhau. Nhưng chuyện đó cũng chẳng giấu diếm được mãi, Hoài phát hiện ra và càng thắt chặt việc “cấm vận” hơn. Kết quả là lâu nay, chị chẳng thể nào thăm nom, gặp gỡ con trai được. Không chỉ vậy, mỗi dịp lễ, tết, sinh nhật, chị gửi quà cho con cũng bị Hoài gửi trả lại, không cho thằng bé nhận bất thứ gì từ mẹ. Điều đau khổ nhất với chị là sự “cấm vận” của Hoài đã khiến thằng bé có vấn đề về tâm lý, u uất có dấu hiệu của sự trầm cảm. Những điều đó, chị nắm bắt được từ người em chồng tốt bụng vẫn âm thầm mang tin tức của thằng bé cho chị.

Chị muốn nói chuyện với chồng về vấn đề của con trai nhưng chẳng thể nào liên hệ được với anh. Bởi cũng giống như con trai chị, Hoài cũng đang dùng lệnh “cấm vận” chồng, không được liên lạc, qua lại gì với vợ cũ.

Cực chẳng đã, chị đành tìm đến pháp luật để tìm cách bảo vệ quyền gặp, thăm nuôi con của mình, mong đưa con thoát khỏi tình trạng hiện nay.

Chia sẻ

Thu Giang

Tin cùng chuyên mục

Con trai lấy vợ, mẹ làm dâu

Con trai lấy vợ, mẹ làm dâu

Lẽ thường, con trai lấy vợ thì mẹ có thêm con dâu, được lên chức mẹ chồng. Ấy vậy nhưng ở nhà bà, từ ngày con trai cưới vợ, bà giống như quay lại thuở đầu làm dâu.

Những nỗi đau từ bạo lực giới

Những nỗi đau từ bạo lực giới

Bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn đang xảy ra không chỉ Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới, là nguy cơ tiềm tàng phá vỡ sự ổn định, bền vững của gia đình và trật tự an toàn xã hội và vi phạm nghiêm trọng tới quyền con người.