Khu chợ 110 năm tuổi là biểu tượng của Cần Thơ, khách Tây cực mê vì kiến trúc độc lạ

H.M
Chia sẻ

Ngôi chợ gắn liền với giai thoại người đẹp Tây Đô được in lên logo thành phố Cần Thơ có tuổi đời 110 năm.

Được xem là ngôi chợ có kiến trúc đẹp nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nơi luôn được nhắc tên trong các câu chuyện về bến Ninh Kiều, những giai thoại về người đẹp Tây Đô hay chuyện giao thương, trao đổi của các thương nhân đến từ nhiều tỉnh thành miền Tây Nam Bộ thời xưa, chợ cổ Cần Thơ là điểm đến không thể bỏ qua khi có cơ hội đặt chân tới thủ phủ miền Tây. Thăng trầm sau hơn một thế kỷ, chợ vẫn giữ nguyên nét đẹp kiến trúc độc đáo cùng những giá trị văn hóa đặc sắc, níu chân du khách tứ phương.

Khu chợ 110 năm tuổi là biểu tượng của Cần Thơ, khách Tây cực mê vì kiến trúc độc lạ - 1

Khu chợ 110 năm tuổi là biểu tượng của Cần Thơ, khách Tây cực mê vì kiến trúc độc lạ - 2

Theo sách Chuyên khảo về tỉnh Cần Thơ hay Monographie de la provine de Can Tho (1904), chợ Cần Thơ xưa ở làng Tân An, tổng Định Bảo, đứng hàng đầu trong 10 khu chợ lớn nhất làng. Khi ấy, Cần Thơ tọa lạc trên địa phận của trấn Vĩnh Thanh cùng với Long Xuyên, Châu Đốc. Tới thời Minh Mạng, Châu Đốc đổi tên thành An Giang, Cần Thơ trở thành huyện Phong Phú. Chợ cổ Cần Thơ cũng được biết tới với nhiều cái tên khác nhau như chợ Hàng Dương (hoặc Hàm Dương) hay chợ Lục tỉnh ở những năm đầu thành lập chợ, bởi chợ là nơi tập kết, buôn bán sầm uất nhất nơi sáu tỉnh Nam kỳ.

Nếu Sài Gòn có Bình Tây, Bến Thành thì Cần Thơ có chợ Lục tỉnh được xây cùng thời điểm những năm 1915. Theo ghi chép của Huỳnh Minh trong Cần Thơ xưa và nay, chợ Lục Tỉnh ngày xưa có bến Lê Lợi (về sau đổi thành bến Ninh Kiều) dành cho các thương hồ neo đậu ghe thuyền để mua bán. Ven bờ có hàng dương nên người dân địa phương gọi nơi này là chợ Hàng Dương, lại có người gọi là chợ Hàm Dương với ngụ ý chỉ một ngôi chợ tập trung nhiều gian hàng nhỏ lẻ vừa trên sông, vừa trên đất liền. 

Khu chợ 110 năm tuổi là biểu tượng của Cần Thơ, khách Tây cực mê vì kiến trúc độc lạ - 3

Khu chợ 110 năm tuổi là biểu tượng của Cần Thơ, khách Tây cực mê vì kiến trúc độc lạ - 4

Tới năm 2005, ngôi chợ Hàm Dương xưa đã xuống cấp trầm trọng, không thể sử dụng được nữa nên chính quyền thành phố Cần Thơ đã đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng lại ngôi chợ trên nền tảng kiến trúc cũ và đặt tên là chợ Cần Thơ. Tuy nhiên, người dân nơi đây thì không gọi chợ Cần Thơ mà gọi là chợ cổ Cần Thơ vì chợ đã có tuổi đời hơn 100 năm tuổi. Song, khu chợ cũng được biết với cái tên nhà lồng chợ cổ Cần Thơ, bởi ngay trong chợ có một nhà lồng chuyên phục vụ các món ăn, thức uống cho du khách khi đến tham quan.

Khu chợ 110 năm tuổi là biểu tượng của Cần Thơ, khách Tây cực mê vì kiến trúc độc lạ - 5

Khu chợ 110 năm tuổi là biểu tượng của Cần Thơ, khách Tây cực mê vì kiến trúc độc lạ - 6

Với diện tích khoảng 1.700 m², nhà lồng chợ cổ Cần Thơ được thiết kế theo hình chữ T, mặt tiền hướng ra đường Hai Bà Trưng. Gian chính là một cổ lâu với một tháp chính và hai tháp phụ. Tháp lớn nhất có gắn đồng hồ, hai bên có hai tháp nhỏ đối xứng. Hai dãy bên được xây dựng theo kiểu trùng thiềm điệp ốc, "thượng lầu hạ hiên" 3 lớp mái. Chợ gây ấn tượng bởi mái ngói lợp kiểu âm dương, trần cong xương cá, cùng những hàng cột kèo chạm trổ tinh xảo. Nóc tháp trang trí thêm phù điêu cách điệu hỏa châu, long vân… Hành lang tháp chính được chạy hoa văn kỷ hà, tạo thêm điểm nhấn. Mái tháp đoạn giao nhau hình chữ T có 4 cột bê tông đỡ lấy. Tháp chính được xây thêm một mái hiên, lợp ngói ống lưu ly đồng bộ. Tất cả tạo nên một không gian vừa cổ kính, vừa hiện đại, mang đậm dấu ấn văn hóa đồng bằng sông Cửu Long.

Khu chợ 110 năm tuổi là biểu tượng của Cần Thơ, khách Tây cực mê vì kiến trúc độc lạ - 7

Khu chợ 110 năm tuổi là biểu tượng của Cần Thơ, khách Tây cực mê vì kiến trúc độc lạ - 8

Chợ cổ Cần Thơ thu hút lượng lớn du khách trong nước và đặc biệt là khách quốc tế khi bày bán nhiều mặt hàng đặc sản địa phương và đồ lưu niệm, đồ thủ công mỹ nghệ mang đậm dấu ấn miền Tây. Hiện có hơn 20 cửa hàng bán đồ lưu niệm như nón lá, các vật dụng làm từ gỗ, dừa, áo bà ba hay các mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống. Ngoài ra, chợ còn bày bán nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản để phục vụ du khách. Từ năm 2009, thành phố Cần Thơ đã triển trai xây dựng phố đi bộ, khu ẩm thực, chợ đêm và bán đồ lưu niệm tại bến Ninh Kiều, chợ cổ Cần Thơ. Khu vực này hoạt động từ khoảng 18 giờ hôm trước cho đến 4 giờ sáng ngày hôm sau để tạo điều kiện cho các vị khách có thể mua sắm, tham quan hay vui chơi tốt nhất.

Khu chợ 110 năm tuổi là biểu tượng của Cần Thơ, khách Tây cực mê vì kiến trúc độc lạ - 9

Khu chợ 110 năm tuổi là biểu tượng của Cần Thơ, khách Tây cực mê vì kiến trúc độc lạ - 10

Năm 2010, nhà lồng chợ cổ Cần Thơ đã chính thức trở thành biểu tượng thành phố khi được khắc hoạ hình ảnh cách điệu lên logo đại diện cho mảnh đất Cần Thơ. Không chỉ là một khu chợ truyền thống với mục đích giao thương thông thường, chợ cổ Cần Thơ là nơi đã gắn liền với nhiều thế hệ những người con miền Tây, trải qua biết bao thăng trầm suốt gần 110 năm lịch sử, trở thành công trình mang tính biểu tượng của vùng đất Cần Thơ mộc mạc mà duyên dáng.

Chia sẻ

H.M

Tin cùng chuyên mục

Sức hút về đêm ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Sức hút về đêm ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Các sản phẩm du lịch đêm sử dụng công nghệ, hướng đến phát triển bền vững trong khai thác và phát huy giá trị di tích được đưa vào khai thác ở Hà Nội nói chung, Văn Miếu - Quốc Tử Giám nói riêng đã đưa Văn Miếu - Quốc Tử Giám thành điểm đến hàng đầu của cả nước về phát triển du lịch thông minh.

Loại củ xưa mọc hoang nay là đặc sản chị em săn lùng, cực hiếm nên cứ rao bán là hết sạch

Loại củ xưa mọc hoang nay là đặc sản chị em săn lùng, cực hiếm nên cứ rao bán là hết sạch

Củ niễng là đặc sản của vùng đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt phổ biến ở một số tỉnh như Nam Định, Thái Bình, Hải Dương,... Niễng vốn là một loại củ mọc hoang, gần các khu nước, đầm lầy, góc ao hay ven sông, chỉ rộ vào vào 1 tháng duy nhất mỗi năm. Vừa ngon lại vừa hiếm, nên đó là lý do tại sao dân địa phương cũng phải săn đón khi mùa niễng đến.