Lăng Chiêu Nghi là nơi an nghỉ của bà Trần Thị Xạ - vợ Võ vương Nguyễn Phúc Khoát, vị chúa thứ 8 trong 9 chúa nhà Nguyễn. Đến nay, lăng mộ kỳ bí giữa 4 bề cây cỏ vẫn còn giữ nguyên bản sau hơn 275 năm.
Ấn tượng với "vị vua áo dài" và hậu phương vững chắc gọi tên Chiêu Nghi
Nguyễn Phúc Khoát (1714-1765), còn được biết đến với tôn hiệu Võ vương, là vị chúa thứ 8 trong các đời chúa Nguyễn cai trị Đàng Trong trước khi Gia Long lập nên triều Nguyễn. Trong suốt hơn 20 năm ngồi trên ngai vàng, Nguyễn Phúc Khoát là người có công lớn trong việc củng cố thế lực miền Nam, mở mang bờ cõi, đồng thời đặt nền móng cho sự định hình văn hóa, xã hội đặc trưng của xứ Thuận Hóa và Gia Định.
Nguyễn Phúc Khoát là người đầu tiên chính thức xưng vương ở Đàng Trong, điều chỉnh cơ cấu trong triều đình, xây dựng một hệ thống hành chính tập trung và hiệu quả. Về đối ngoại, ông giữ thế ổn định với Đàng Ngoài trong thời gian dài, nhờ chính sách ngoại giao khéo léo và duy trì lực lượng quân sự mạnh.
Điều ít được nhắc đến hơn nhưng cũng không kém phần quan trọng là ảnh hưởng của bà Trần Thị Xạ hay còn gọi là Chiêu Nghi. Bà là một người phụ nữ có học thức và nền nếp lễ giáo, bà là mẫu nghi tề gia nội trị, góp phần củng cố luật lệ trong nội cung. Truyền thuyết và sử sách không ghi nhiều chi tiết về bà, nhưng việc được lập mộ riêng, trang nghiêm ở vùng núi Kim Ngọc (nay thuộc phường Thủy Xuân, TP.Huế) đã thể hiện rõ vai trò đặc biệt của bà trong triều đình. Sự hiện diện của bà ở vị trí phu nhân chính thất cũng mang tính biểu tượng cho hình ảnh người phụ nữ cung đình thời chúa Nguyễn - kín đáo nhưng không kém phần trọng yếu trong việc duy trì trật tự và thể diện hoàng tộc.
Từ những công lao ấy, lăng Chiêu Nghi không chỉ là nơi an nghỉ của một bậc phu nhân quyền quý mà còn là dấu tích hiếm hoi giúp hậu thế hình dung phần nào diện mạo cung đình xưa cũ.
Ngày 22/7/1750, Chiêu Nghi bệnh nặng, không chạy chữa khỏi và qua đời khi mới 35 tuổi. Chúa rất thương tiếc, sắc phong Chiêu Nghi Liệt Phu Nhân, thụy Từ Mẫn. Chúa còn cho dựng bia lớn trước lăng, ghi lại công hạnh và niềm tiếc thương đối với bà. Tấm bia bằng đá, dựng trên bệ, cao 3,1m, rộng 1,4m, có nhà bia nay đã sập, tấm bia trơ gan cùng tuế nguyệt đã gần 300 năm nhưng nét chữ, các hoa văn chạm khắc vẫn còn rất rõ.
Lăng mộ duy nhất không bị tàn phá, lý do vẫn là ẩn số
Lăng Chiêu Nghi tọa lạc trên ngọn đồi nhỏ thuộc thôn Ngọc Hồ, xã Hương Thọ, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 12km. Khác với những lăng tẩm đồ sộ của các vua chúa nhà Nguyễn, nơi đây mang dáng vẻ khiêm nhường, thanh tịnh và gần gũi với tự nhiên. Lăng được xây dựng từ năm 1750, sau khi bà Trần Thị Xạ qua đời ở tuổi 34.
Theo các nhà nghiên cứu khẳng định, lăng mộ bà Chiêu Nghi là khu lăng mộ duy nhất thời các chúa Nguyễn còn giữ được nguyên vẹn tại Huế sau những biến cố với nhà Trịnh, đặc biệt là với nhà Tây Sơn ở cuối thế kỷ 18. Sau khi Gia Long Nguyễn Ánh hoàn thành đế nghiệp, kiến trúc lăng mộ Chiêu Nghi Phu nhân chính là hình mẫu để triều đình tham khảo, phục chế lăng tẩm các tiền nhân thời chúa Nguyễn đã bị hủy hoại.
Trên bia ghi rõ thông tin của Chiêu Nghi - vợ Nguyễn Phúc Khoát
Được biết, tất cả lăng mộ của vương tộc nhà Nguyễn đều bị phá hủy. Theo sử sách ghi chép lại, sau khi chiếm thành Phú Xuân vào năm 1790, quân Tây Sơn đã tiến hành việc đập phá lăng mộ và văn bia của các chúa Nguyễn một cách đồng nhất nhằm xoá bỏ lịch sử của đối thủ. Tuy nhiên, riêng lăng mộ bà Chiêu Nghi thì không bị xâm hại cho đến nay vẫn là một ẩn số đối với giới nghiên cứu.
Khu lăng mộ của bà Trần Thị Xạ được xây dựng uy nghiêm với hai vòng thành gạch bao bọc. Vòng ngoài rộng 39m x 33m, cao gần 1,8m, có hai trụ cổng. Vòng trong nhỏ hơn, cao 1,68m, có cổng vòm ra vào cao gần 2m, dẫn vào không gian yên tĩnh. Trung tâm lăng là nền đất đắp cao, nổi bật lên nấm mộ hình chữ nhật hai tầng, xây gạch trát vôi. Tuy nhiên do tác động của thời gian và ngoại lực mà giờ đây lớp vôi đã bong tróc, vô tình để lộ kỹ thuật xây dựng tinh xảo của người xưa.
Cánh cổng ra vào lăng chính là một cánh cổng kiểu mẫu cho các lăng tẩm còn lại của 9 vị chúa Nguyễn.
Cách vòng ngoài hơn 8m là nhà bia đá, trên đó khắc 883 chữ Hán thuật lại cuộc đời và đức hạnh của bà Chiêu Nghi, đồng thời thể hiện nỗi tiếc thương từ chúa Nguyễn. Trán bia khắc hình chim phụng cách điệu, hai bên tai chạm mây lá tinh tế. Gần 300 năm trôi qua, lăng vẫn sừng sững giữa thiên nhiên, như dấu ấn không phai của một thời vương triều rực rỡ.
Điều đặc biệt là lăng Chiêu Nghi không nằm trong quần thể các lăng vua Nguyễn, mà tách biệt hoàn toàn – như một sự lặng lẽ riêng biệt của một người phụ nữ hiền hậu giữa chốn cung đình nhiều đổi thay.
Trải qua hàng trăm năm, lăng vẫn giữ được phần lớn kiến trúc nguyên thủy, với bình phong chạm trổ kỳ công, bia đá khắc dòng chữ “Chiêu Nghi” và khung cảnh quanh cây xanh phủ kín tạo nên không khí vừa kỳ bí, huyền ảo nhưng cũng rất thanh bình. Chính sự khiêm nhường ấy lại khiến nơi đây trở thành điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích lịch sử, kiến trúc cổ và muốn tìm lại sự tĩnh lặng giữa lòng cố đô.
Lăng mộ đơn sơ nhưng chứa đựng nhiều giá trị về mặt lịch sử.
Đường vào lăng khá vắng vẻ nên khi di chuyển đến đây hãy đi theo nhóm hoặc có sự đồng hành của người địa phương hoặc hướng dẫn viên du lịch.
Ngày nay, dù lăng không phải điểm du lịch nổi tiếng, nhưng với những ai say mê tìm hiểu di tích cổ và văn hóa dân gian, đây là nơi đáng dừng chân. Từ trung tâm thành phố, chỉ mất khoảng 30 phút đi xe máy theo hướng cầu Tuần - lăng Minh Mạng, du khách sẽ đến được khu lăng yên bình nằm giữa rừng thông. Nhiều đoàn khách đã chọn nơi này để chụp ảnh, ghi hình tư liệu về lịch sử. Đặc biệt là để tìm một địa điểm du lịch thư thả, không ồn ào giữa nhịp sống hối hả.