Đặc sản Hậu Giang đều là những món ngon mà có thể nhiều người chưa từng được nếm thử.
Bún gỏi dà Hậu Giang
Nghe tên bún gỏi dà bạn sẽ không khỏi tò mò với cái tên nghe vô cùng lạ lẫm này, nhìn món này cũng khá giống bún mắm thường gặp ở nhiều địa phương khác. Thành phần đặc trưng của một tô bún gỏi dà gồm có tép bạc, thịt ba chỉ, bún, giá, tương xay, dừa khô nạo, nước me, mắm nêm, đậu phộng rang, ngò gai, rau và nước dùng. Yếu tố quyết định làm nên sự thành công của món ăn đó là tép và nước dùng. Phải dùng tép đất thì mới có vị ngọt đậm đà. Tép luộc xong lột vỏ lấy phần thịt để nguyên con trông rất đẹp mắt. Nước súp phải được hầm bằng xương heo chung với nước luộc tép, nêm thêm ít đường và ít nước me chua.
Bún gỏi dà chua ngọt có thể ăn kèm cùng với rau muống và bông chuối bào, và không thể thiếu hẹ. Ngoài ra món ăn còn hấp dẫn bởi hương vị tạo nên bởi sự hòa quyện của tương xay, tỏi băm và đậu phộng rang đâm nhuyễn, làm cho món ăn thêm phần đậm đà. Tất cả đã hài hòa với nhau để làm nên một món ăn đặc sắc vô cùng hấp dẫn.
Cháo lòng Cái Tắc
Cháo lòng miền Tây nổi tiếng gần xa nhưng phải ở Cái Tắc thì du khách mới cảm nhận được rõ hương vị của món đặc sản Hậu Giang này. Gạo nấu cháo được chọn phải là loại gạo cũ, còn được người dân gọi là gạo nở, không rang. Nồi cháo ngon và đạt tiêu chuẩn là phải thật nhuyễn và loãng, có màu nâu ngà ngà.
Phần nhân cháo thường được thái dày để khi ăn có thể cảm nhận rõ hương vị. Một bát cháo đầy đủ sẽ bao gồm các thành phần như: tim, gan, lưỡi, cật, dồi,… Làm nên vị ngon khó cưỡng của món đặc sản Hậu Giang này là nước chấm. Nước mắm nhĩ thêm vào vài lát ớt ngâm dấm, cùng một ít nước cốt chanh chua chua tạo nên hương vị độc đáo.
Bánh xèo bông điên điển
Nhắc đến bông điên điển là nhắc đến dòng kênh Xà No nước xanh chảy ngang qua lòng thành phố này, nơi bắt nguồn từ tiếng Khmer là Sok Snor có nghĩa là xóm cây điên điển. Đây là loại cây có hoa vàng nở rộ vào mùa lũ, thường được dùng làm dưa, nấu canh, làm nhân bánh cho vị ngọt đặc biệt.
Sau khi hái bông điên điển về, bạn đem rửa sạch rồi để ráo nước trước khi chế biến. Củ sắn gọt sạch, cắt sợi nhuyễn, vắt bỏ nước cho khô. Bột làm bánh xèo được chọn là bột gạo. Người dân miền Tây thường hay vắt nước cốt dừa khô để trộn chung với bột. Bột pha nước sao cho khi nhúng chiếc đũa vào là có thể nhấc lên bột nhỏ chậm từng giọt là đạt yêu cầu. Muốn bột ngon, người ta còn quấy thêm một trứng vịt vào cùng, rồi đào nghệ ngoài vườn giã nhuyễn vắt lấy nước cho vào bột tạo màu vàng tươi vô cùng đặc trưng. Người ta cũng cắt nhuyễn hành lá thả vào, nêm muối, bột ngọt để tăng thêm vị đậm đà của bánh.
Thịt heo cắt nhỏ bỏ xào chín, nêm vừa miệng rồi mới xúc ra bát. Tiếp đó, bắt chảo lên bếp để chiên bánh, thoa đều mỡ rồi múc từng chén bột đổ nhanh tay vào sao cho nghe thấy tiếng xèo xèo vui tai, và đó cũng là lí do dân gian vẫn gọi bánh chiên này là bánh xèo.
Để bánh xèo bông điên điển ngon thì người chiên bánh phải có kinh nghiệm để chiên sao cho vỏ bánh mỏng mà giòn, không khét. Vỏ bánh khi chín thì cho nhân thịt, củ sắn và một chút bông điên điển vào rồi úp nửa bánh lại. Tiếp đó, người ta đậy nắp lại để hơi nóng làm cho nhân củ sắn và bông điên điển vừa chín là ngon. Khi bỏ ra ăn thì cần nhẹ tay lấy bánh bỏ ra đĩa, xếp cách nhau bởi những miếng lá chuối xiêm nhỏ.
Cá thác lác Hậu Giang
Cá thác lác là một loại cá phổ biến ở lưu vực sông Cửu Long, nhưng chỉ thực sự được nhiều người biết đến khi có sự xuất hiện của cá thác lác cườm (hay có tên gọi khác là thác lác còm, đặc điểm nhận dạng là có chấm tròn như hạt cườm dọc theo vảy bụng).
Một cái tên khác mà người địa phương hay gọi đó là cá Nàng Hai. Có rất nhiều món ăn được chế biến từ loại cá này, nhưng hai món ăn phổ biến nhất đó là cá thác lác chiên sả ớt và cá thác lác nấu canh. Đẻ làm món cá thác lác chiên sả ớt, cá phải được làm sạch sẽ, khứa theo chiều chéo ngang thân cá, sau đó ướp cá với sả băm nhuyễn, tỏi, muối, tỏi, ớt trong 15 phút. Sau đó đem đi chiên. Chấm kèm với nước mắm ớt cay cay, cá thì giòn dậy lên mùi sả khiến bạn khó cưỡng.
Món cá thác lác nấu canh cũng ngon không kém, cá được nạo thịt vò thành viên, sau đó thả những viên cá đã quết vào nồi, chờ cho đến khi thấy viên cá nổi bồng bềnh trên mặt nước thì cho tiếp khổ qua bào vào. Khi nước sôi tắt lửa, cho thêm hành ngò nêm nếm lại cho vừa ăn. Nồi canh nóng hổi, bắt mắt, ăn viên cá thì dai dai sựt sựt khiến bạn chỉ muốn ăn thêm nữa.
Lẩu cá ngát
Lẩu cá ngát là một trong những món đặc sản Hậu Giang được nhiều du khách “phải lòng” nhất. Khi thưởng thức món ăn này các bạn sẽ được tận hưởng hương vị béo béo và thơm ngon từ thịt cá mang lại. Lẩu cá ngát ngon đúng điệu phải có vị chua từ mẻ, ngọt thanh từ vị của dứa và cà chua nấu cùng.
Món ăn này thường được ăn kèm với rau nhút, rau bắp chuối, đậu bắp, rau muống. Phần nước dùng nóng hôi hổi được nêm gia vị khéo léo làm dậy lên vị cá thơm ngon. Khiến cho bất cứ ai sau khi đã thử đều chắc chắn muốn quay lại lần nữa.
Đọt choại
Ở vùng nước ngọt nhiễm phèn nhẹ như vùng Vị Thanh, Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang) là nơi có sự hiện diện của choại – một loại rau có lá non xoăn tít như loài cuốn chiếu cuộn mình này, dù có hơi nhớt nhưng có vị ngọt thơm, tưởng đơn giản mà ăn rồi mới biết “đã bị nghiện” món ăn này.
Đến Vị Thanh, nếu bạn ghé vào nhà hàng nào đó cũng sẽ được thưởng thức một vài món làm từ đọt choại vườn như đọt choại nhúng lẩu cá ngát, cá hồi… nhưng như vậy có lẽ cũng chưa đủ. Chỉ cần lần theo những bụi tre, liếp dừa, trong các vườn cây tạp dọc mé sông, bạn sẽ bắt gặp choại mọc chen trong đó.
Ở các gia đình, món đọt choại đơn giản nhất là ăn sống, trộn nước mắm giấm tỏi ớt, hoặc đơn giản nữa thì luộc chấm nước tương, nước cá, nước thịt kho hay mắm nêm cũng đều ngon miệng vô cùng. Khi luộc đọt choại bạn đừng quên giữ lại nước luộc. Nước này chỉ cần cho thêm chút muối, bột ngọt thì sẽ trở thành món canh nóng hấp dẫn, ấm bụng sau bữa cơm. Ngon miệng hơn là khi bạn ăn sống hoặc luộc đọt choại với cá thác lác cườm (một loại đặc sản Hậu Giang) chiên, cá rô chiên, hoặc cá lóc nướng trui sẽ ngon vô cùng.
Đọt choại giòn mềm có tác dụng làm giảm bớt sức nóng của miếng cá chiên tạo nên một hương vị khó diễn tả. Ngoài ra, người ta còn dùng đọt choại xào tép. Mớ tép bạc sau khi rửa sạch, lột bỏ vỏ xào chung với đọt choại, nếm vừa ăn là có một bữa ăn nhanh, ngon và an toàn.