Còn nhớ 3 năm trước, khi con trai bà yêu rồi đặt vấn đề cưới con gái tôi, tôi đã nửa vui, nửa… hụt hẫng. Tôi nói với bố cháu: Mình nên thách cưới đằng nhà trai những gì nhỉ. Con mình nặng bao nhiêu cân thịt, là bấy nhiêu cân vàng vợ chồng mình bỏ ra nuôi con đấy, sao mà gả đi dễ dàng được.
Bà thông gia quý mến
Còn nhớ 3 năm trước, khi con trai bà yêu rồi đặt vấn đề cưới con gái tôi, tôi đã nửa vui, nửa… hụt hẫng. Tôi nói với bố cháu: Mình nên thách cưới đằng nhà trai những gì nhỉ. Con mình nặng bao nhiêu cân thịt, là bấy nhiêu cân vàng vợ chồng mình bỏ ra nuôi con đấy, sao mà gả đi dễ dàng được.
Chồng tôi lúc đó cười bảo: Bà nó ơi, con gái mình thì mình yêu, mình xót thôi. Chứ nói một cách khách quan, con mình còn nhiều nhược điểm lắm. Giờ, có nhà người ta đồng ý “tiếp nhận”, khéo mình còn phải các thêm vàng cho họ.
Ông nhà tôi nói vậy cũng đúng. Hơn 20 năm sống với bố mẹ, con tôi trước chỉ biết học, sau chỉ biết đi làm chứ chả thạo việc nữ công gia chánh, tề gia nội trợ. Cái nếp sinh hoạt của con cũng không khiến chúng tôi hài lòng. Ngày nghỉ, con ngủ nướng tới trưa, việc ăn uống cũng thất thường. Nhiều lúc sợ con ốm, tôi phải gọt từng quả cam, pha từng cốc sữa mang lên tận phòng, đứng nhìn con ăn/uống cho hết rồi lại mang cốc tách đi rửa. Con gái tính tình lại vô tư lự, ít khi để ý đến mọi thứ xung quanh. Tôi đã nghĩ, khéo về nhà chồng chỉ được dăm bữa nửa tháng là bà thông gia lót lá trả con về nơi sản xuất.
Ảnh minh họa
Thành thử, vợ chồng tôi quyết định sẽ phải “công khai mọi chuyện” để bà lường trước tình hình. Khi ông bà sang nhà đặt vấn đề cho hai con chính thức tìm hiểu nhau, rồi cả trong đám hỏi, đám cưới của chúng nó, bố cháu luôn ý tứ có lời với ông bà rằng con gái còn nhiều thiếu sót, mong được ông bà thông gia bỏ quá và dậy bảo thêm. Những lúc đó, bà thông gia luôn cười, hứa với chúng tôi sẽ thương yêu con dâu như con gái mình.
Nhưng để yên tâm thì chúng tôi chưa yên tâm. Bởi, mình là bố mẹ mà đôi khi còn không chịu nổi con gái nữa là nhà chồng. Chẳng thế mà sau đám cưới, tôi cứ phập phồng chờ đợi phản hồi từ ông bà thông gia rằng… cháu nó thế này, thế nọ.
Thế mà lạ quá, 1 tháng, 2 tháng rồi cả năm con gái tôi đi làm dâu không chỉ diễn ra êm đẹp mà con còn có nhiều thay đổi bất ngờ. Từ thái độ vô tư, ít khi để tâm quan sát mọi thứ, con tôi bỗng nhiên biết chăm sóc cho mọi người xung quanh. Về thăm nhà ngoại, thấy tôi nằm trên giường, con biết hỏi có phải mẹ ốm không, mẹ muốn ăn gì con mua về cho mẹ. Rồi con trở nên lo toan, đảm đang hơn. Con còn hỏi tôi giá cả các mặt hàng, mua ở chỗ nào là rẻ, làm cách nào để giảm tiền điện, nước trong nhà.
Một lần tôi hỏi con: “Thế mẹ chồng mắng cho bao nhiêu lần rồi mà con thay đổi thế?” thì con gái nói: “Mẹ chồng con không mắng con mà tôn trọng con lắm”. Rồi con kể: Lần đầu nấu cơm tối cho nhà chồng, con trót… bỏ rau răm vào nồi canh bí, mẹ chồng thấy vậy liền bảo: “Con cho rau răm không sao, nhưng lần sau, con bỏ hành và mùi tàu sẽ hợp vị hơn”. Thế là từ đó, con luôn nhớ hành và mùi tàu đi với canh bí. Cuối tuần, bà vẫn để cho các con được ngủ thoải mái, nhưng thi thoảng, bà lại thủ thỉ với con dâu vào tối thứ 6: “Ngày mai, mẹ định làm món ăn tươi cho cả nhà. Con có thể đi với mẹ ra chợ không, con muốn ăn gì thì mẹ mua thức đó rồi mẹ con mình nấu cho vui”. Vậy là sáng hôm sau, con gái tôi rất tự nguyện và thoải mái ra khỏi giường đi chợ. Lại có lúc, bà bảo: “Mẹ có hộp yến được người ta cho nhưng mẹ ăn không hợp, con giúp mẹ ăn cho đỡ phí nhé”. Nể mẹ chồng quá, con gái cố gắng đều đặn chưng yến lên ăn, nhờ vậy mà tăng thêm được hẳn 1kg. Tôi biết ngay, đó là cách bà âm thầm bồi dưỡng cho cô con dâu gầy gò, sức khỏe yếu.
Ảnh minh họa
Quả thực, tôi cảm ơn bà thông gia rất nhiều đã thay chúng tôi dạy dỗ cho con tiếp tục nên người. Cách dạy của bà nhẹ nhàng, tế nhị, không ép buộc mà con vẫn thấm thía và nghe ra. Tôi phải thừa nhận, giờ con tôi đã lớn lên, chững chạc hơn đến vài tuổi.
Chúng tôi đã từng nghĩ, mình nuôi con gái khôn lớn. Nhưng nay thì, đến lượt bà đang cùng đồng hành giúp con dâu tiếp tục lớn khôn. Tôi tin rằng, dưới mái nhà của ông bà thông gia, con gái tôi sẽ có một cuộc sống hạnh phúc.
Hẹn gặp lại bà trong một dịp gần nhất. Chúc bà thật nhiều sức khỏe để tiếp tục là mũi thuyền rẽ sóng định hướng cho các con trai, con dâu.
Chào bà!