Tết về, nhớ món chè con ong mẹ nấu

Lê Hà
Chia sẻ

Thoảng trong gió mùi thơm của gừng, của nếp khiến tôi lại nhớ món chè năm xưa mẹ nấu. Nhớ chè con ong và những mùa xuân có mẹ!

Có lẽ món chè con ong không lạ gì với người dân miền Bắc, nhất là vào những dịp lễ, Tết. Nhưng với tôi nó thật đặc biệt, thấy chè tôi nhớ mẹ, nhớ những cái Tết quây quần bên bếp lửa hồng.

Năm nào cũng vậy, Tết nhà tôi không thể thiếu bánh chưng, nồi thịt đông, hũ hành muối và những đĩa chè con ong mẹ nấu để thắp hương ông bà tiên tổ. Mẹ tôi làm nông, sau vụ lúa hè thu, mẹ để dành những thúng thóc nếp mẩy nhất, ngon nhất để Tết dùng. Những hạt gạo tròn căng, trắng ngần, tích tụ hương trời khí đất cùng bao vất vả, tảo tần của mẹ được chuẩn bị cho nồi bánh chưng và những đĩa chè ngọt thơm.

Hồi bé, tôi thích lúc mẹ vo gạo, tôi lanh chanh chọc đôi bàn tay của mình vào rá gạo, vò nhẹ. Mẹ hay mắng: “Lớn lên thấy việc lại lẩn như trạch”, tôi chỉ biết nhe hàm răng sún cười tít mắt.

Gạo vo sạch, để ráo nước rồi xóc chút muối, mẹ mang đi đồ. “Muốn chè con ong ngon thì phải đồ gạo lên thành xôi, xôi dẻo nhưng không nát, hạt xôi còn nguyên, căng mọng thì chè mới đẹp, mới ngon.” Lời mẹ dặn như mới vừa hôm qua mặc dù mẹ đã xa chúng tôi bao năm.

Tết về, nhớ món chè con ong mẹ nấu - 1

Ảnh minh họa

Tết, tôi thường theo mẹ đi chợ, thứ không thể thiếu là phên bánh mật, mang về mẹ gói kỹ, để dành. Ngày ông Công ông Táo rồi đêm Giao thừa, mẹ đem mật ra nấu chè. Công thức nấu chè của mẹ cũng như bao người, mà sao tôi ăn ở bao nơi nhưng vẫn thấy chè mẹ nấu là ngon nhất. Mẹ dùng dao cạo mật nhỏ vụn ra, cho vào nồi gang nấu chảy, sánh quyện. “Chè nấu bằng mật màu sẽ đẹp và ngon nhất đấy – con nhớ nhé”, mỗi lần tôi định nấu chè thì câu nói đó lại vang lên. Chè con ong không thể thiếu gừng. Mùi thơm của gừng quyện với mùi thơm của nếp sẽ tạo hương vị rất đặc biệt của chè, hấp dẫn vô cùng.

Bếp củi mẹ nhóm chẳng mấy chốc đã nghi ngút khói. Nồi xôi nếp trên bếp tỏa mùi thơm lúa mới. Tôi lăng xăng bên mẹ, phụ mẹ rỡ xôi ra rá, để nguội rồi nấu chè. Một củ gừng già rửa sạch, giã nhuyễn, một nửa lọc lấy nước để trộn cùng nước mật, một nửa cho vào chè khi sắp chín. Tôi hít hà mùi thơm lan tỏa khắp không gian bếp, một mùi thân thuộc, yêu thương. Với tôi bếp là nơi ấm áp và ngọt ngào nhất khi có mẹ.

Trời đông lạnh giá mà trán mẹ lấm tấm mồ hôi, tôi ước mình lớn thật nhanh để đỡ mẹ. Cứ thế, tôi dõi theo đôi bàn tay mẹ, từng công đoạn, từng lời nói như in trong tâm trí tôi. Tưởng rằng nấu chè đơn giản nhưng khi tự tay làm, tôi mới hiểu và thấy thương mẹ biết nhường nào.

Tết về, nhớ món chè con ong mẹ nấu - 2

Ảnh minh họa

Mật quyện đều hạt xôi, hạt nào hạt nấy dẻo, mềm, bóng loáng, nhìn thôi đã hấp dẫn lắm rồi. Đôi đũa cả trên tay mẹ không ngừng khuấy, gần được mẹ cho nốt chút gừng giã nhuyễn vào đảo đều. Nồi chè đậm một màu nâu óng là lúc chè vừa chín. Mẹ khéo léo dùng muôi múc chè ra từng bát nhỏ để chè thành khuôn. Chè nguội úp sang đĩa, rắc chút vừng rang lên trên, vậy là món chè con ong đã hoàn thành.

Một điều thú vị tôi vẫn nhớ. Ngày Tết ông Công ông Táo, khi nấu chè mẹ cố ý để chè vương lên “ông đầu rau”, mẹ bảo để Táo Quân nhà mình lên trời tâu bày cho ngọt giọng. Lúc đó, tôi vừa ngạc nhiên vừa buồn cười nhưng khi lớn lên tôi hiểu, đó là mong ước của mẹ. Mẹ muốn ông Táo lên trời tấu bày suôn sẻ, năm mới gia đình cũng suôn sẻ mọi bề.

Khi có gia đình riêng, mâm cỗ Tết nhà tôi không khi nào thiếu đĩa chè con ong. Tôi tự tay nấu, mỗi một công đoạn, lời mẹ dặn như vẳng bên tai. Nhưng dù cố gắng thế nào tôi vẫn thấy mình nấu không ngon bằng mẹ. Thấy chè con ong tôi nhớ mẹ. Nhớ dáng mẹ gầy, nhớ bếp lửa ấm nồng ngày đông, nhớ những ngọt ngào, thơm tho mẹ dành cho gia đình và nhớ những mùa xuân có mẹ.

Chia sẻ

Lê Hà

Tin cùng chuyên mục

Một ngày có nội

Một ngày có nội

Cứ vào cuối tuần, rất đều đặn, bà nội lại bắt xe lên nhà tôi chơi. Nhà tôi và nhà bà ở cách nhau quãng tầm hơn 10km, bà đi qua 2 tuyến xe buýt và đi bộ độ 10 phút là tới.

Học cách sẻ chia

Học cách sẻ chia

Phương thở dài khi lại nhớ đến một danh sách công việc chưa hoàn thành: Rửa chén, nấu cháo cho con, gấp đống đồ phơi từ sáng, lau nhà, chuẩn bị đồ ăn sáng cho ngày mai, kiểm tra bài tập cho bé Na…

Nữ sinh lập dự án giảm định kiến giới

Nữ sinh lập dự án giảm định kiến giới

Đỗ Thị Hồng Phương, sinh viên Trường Đại học Hà Nội đã cùng bạn bè thành lập dự án cộng đồng 4FLAMES nhằm giảm thiểu định kiến giới trong gia đình Việt Nam. Phương mong muốn mang đến cho học sinh, sinh viên những góc nhìn đúng đắn về vấn đề “bất bình đẳng giới trong gia đình” - một vấn đề tưởng chừng như đã cũ nhưng vẫn tồn tại dai dẳng trong xã hội.

Chung tay hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về

Chung tay hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về

Thời gian qua, đã có nhiều hoạt động được triển khai để hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, vừa góp phần để nạn nhân sớm ổn định cuộc sống, sinh kế, hòa nhập cộng đồng, vừa đảm bảo thực hiện tốt các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.