Học cách sẻ chia

Hải Nam
Chia sẻ

Phương thở dài khi lại nhớ đến một danh sách công việc chưa hoàn thành: Rửa chén, nấu cháo cho con, gấp đống đồ phơi từ sáng, lau nhà, chuẩn bị đồ ăn sáng cho ngày mai, kiểm tra bài tập cho bé Na…

“Há miệng nào, cu Tin. Ăn thêm một miếng nữa thôi, rồi mẹ dọn cơm, dạy chị Na viết chữ nhé” - Phương vừa nói vừa nhanh tay lau miệng cho bé trai hơn một tuổi đang ngọ nguậy trong ghế ăn.

Tiếng nồi canh sôi lục bục dưới bếp nhắc cô phải chạy vội xuống đảo nồi. Trên bàn, chén bát bày la liệt. Trên ghế sopha, con gái lớn - bé Na, 6 tuổi đang ngồi khoanh chân cắt dán những tờ giấy màu thủ công.

Ngoài sân, trời đã tối sầm. Gió thổi lồng lộng qua khe cửa sổ. Phương ngó qua điện thoại - gần 7 giờ tối. Minh vẫn chưa về. Tin nhắn anh gửi lúc chiều là “Anh đi đá bóng một lát, đá xong anh về liền”. Thế nhưng Phương đã quá quen rồi, “về liền” có nghĩa là “nhậu tiếp” và “tí nữa” là “có thể nửa đêm”.

Phương và Minh quen nhau từ hồi tiểu học, lớn lên cạnh nhà, từng là cặp “thanh mai trúc mã” ai cũng ngưỡng mộ. Minh từng đạp xe qua đón Phương mỗi sáng, chờ cô dưới mưa, viết thư tay, hát cho cô nghe bằng cây guitar cũ… Cô từng nghĩ, có được Minh là có được cả thế giới. Nhưng sau cưới, đặc biệt là khi hai đứa con lần lượt ra đời, “thế giới” ấy dần dần trở thành... gánh nặng.

Phương không muốn than. Cô từng nghĩ: “Chồng đi làm về, mệt, thôi thì mình chịu khó thêm chút”. Nhưng chịu đựng một ngày thì được, một tuần thì còn ráng, chứ vài năm thì... cạn sức.

Cô từng khàn giọng ru con trong khi Minh ngáy khò khò. Từng phải nghỉ họp công ty vì con ốm, còn chồng lại bảo: “Em ở nhà rồi thì anh đi sinh nhật bạn.” Từng vừa rửa chén, vừa dạy con học, vừa nghe tiếng Minh chơi điện thoại và phàn nàn: “Cái nhà này lúc nào cũng ồn ào”.

Mọi lời than thở của Phương đều bị gạt đi bằng những câu quen thuộc: “Em rảnh thì nghỉ ngơi đi, ai bắt phải làm hết mọi việc?”. Hoặc tệ hơn là: “Thôi em đừng kể lể nữa, mệt lắm. Ai mà chả bận”. “Chuyện phụ nữ chăm con, làm việc nhà… xưa giờ vậy mà?”. Những câu nói quen tai, lạnh lùng, thiếu thấu cảm Minh vẫn dùng như thể là những lý lẽ hợp lý. Nhưng với Phương, thật khó chịu.

Học cách sẻ chia - 1

Ảnh minh họa

Tối nay cũng vậy. Gần 10 giờ, Minh mới về, hơi men nồng nặc. “Ủa chưa ngủ hả em?”- anh cởi giày, vứt bừa ra sàn.

Phương đang rửa chén, tay vẫn ướt nhẹp. Cô quay lại: “Chưa. Em dạy Na học xong, rồi cho Tin ngủ. Giờ em dọn nốt cái bếp”.

Minh ậm ừ rồi… vào phòng, lên giường nằm chẳng buồn thay quần áo. Phương đứng lặng, sự chán trường như giọt nước tràn ly. Mọi chuyện cứ lặp đi lặp lại cho đến một tối cuối tuần nọ.

Phương bị cảm, người mệt rã rời. Tin thì mọc răng, quấy không dứt. Na thì sắp kiểm tra cuối kỳ, cần kèm cặp sát sao. Cô gọi Minh: “Anh ơi, hôm nay đừng đi nhậu nhé. Em mệt quá, không kham nổi cả hai đứa một mình”.

Minh ngập ngừng: “Anh lỡ hẹn với tụi nó rồi. Mấy tháng mới gặp lại. Em ráng tí, có gì về sớm”.

Phương sốt đến mức run rẩy. Tin quấy liên tục từ 9 giờ tối đến tận khi cô bế nó đi quanh phòng cả tiếng mới chịu ngủ. Na thì sốt ruột vì mẹ không thể ngồi bên nhắc bài.

1 giờ sáng, Minh về, lại say khướt, loạng choạng giẫm lên món đồ chơi của con làm rớt cả bình sữa cô vừa pha. Phương không la hét, cô chỉ đứng đó, mặt tái nhợt, giọng khản đặc: “Anh biết em bị sốt, vẫn để em lo tất cả một mình, chỉ để đi làm vài lon? Vậy anh xem em là gì trong cái nhà này?”.

Minh lắp bắp: “Anh… xin lỗi. Tại anh nghĩ em vẫn ổn…”.

“Đủ rồi, Minh!”, cô hét lên - “Phụ nữ ổn là vì họ không có quyền mệt, chứ không phải vì họ không mệt. Em ổn vì không ai cho em quyền gục”.

Minh lảo đảo: “Sao tự nhiên em gắt thế? Có mỗi việc chăm con thôi mà...”.

“Mỗi việc chăm con thôi mà” - câu nói ấy như tát vào mặt Phương.

Cô uất ức không nói lên lời: “Em cũng đi làm. Em cũng mệt. Nhưng anh chưa bao giờ để ý. Anh nghĩ em là người giúp việc hay bảo mẫu à? Con cái không phải chỉ là trách nhiệm của mình em”.

Cô chỉ tay ra cửa: “Nếu anh còn tiếp tục sống như thế này, thì chúng ta nên xem lại cuộc hôn nhân này. Em không thể gồng mãi được nữa”.

Sáng hôm sau, Minh dậy muộn, uể oải khắp người. Anh ra phòng khách, ngó vào bếp thấy nhà vắng hoe. Phương và hai đứa trẻ không có ở nhà. Trên bàn là mảnh giấy ghi bằng nét chữ nguệch ngoạc: “Em đưa các con về ngoại vài hôm. Để suy nghĩ thấu đáo về mọi chuyện”.

Học cách sẻ chia - 2

Ảnh minh họa

Ba ngày đầu, Minh thấy nhẹ nhõm vì không tiếng trẻ con quấy, không vợ càm ràm, anh ngủ thẳng giấc, đi làm thong thả. Nhưng đến ngày thứ tư, anh mới thật sự bắt đầu thấy trống rỗng. Về nhà, bếp lạnh tanh, không có cơm, không có quần áo là ủi sẵn, không có tiếng bé Na gọi “Ba ơi!” mỗi khi anh về tới cửa. Chỉ có tiếng quạt quay và đồng hồ tích tắc.

Anh bắt đầu nhớ những bữa cơm có tiếng trẻ con cười đùa, nhớ mùi canh chua Phương nấu, nhớ cả tiếng càm ràm anh từng thấy “phiền”. Anh gọi cho Phương nhưng cô không bắt máy, nhắn tin  cô chỉ “seen” không trả lời.

Một tuần sau, Minh về quê vợ, ngồi nói chuyện với mẹ Phương. Ông bà không trách, chỉ nhẹ nhàng bảo: “Phương từ nhỏ đã giỏi nhịn. Nhưng không ai có thể nhịn cả đời đâu con”. Minh gục đầu: “Con sai rồi. Con chưa trưởng thành”.

Rồi anh quay sang nói với Phương: “Vợ ơi, anh xin lỗi. Anh sai rồi”.

Phương im lặng một lúc. Rồi cô nói nhẹ nhàng: “Nếu anh chỉ xin lỗi rồi lại như cũ, thì tốt nhất là dừng. Còn nếu thật sự muốn thay đổi, thì hãy hành động”.

Minh khẽ gật đầu, một sự khẳng định chắc chắn và lần đầu tiên sau bao nhiêu lần hứa hẹn, anh đã giữ trọn vẹn lời nói của mình. Phương, sau những đêm dài suy nghĩ đã đồng ý quay về. Nhưng đó không phải là sự trở lại với những tháng ngày cũ, đầy ắp những đòi hỏi và sự vô tâm. Thay vào đó, là một thỏa thuận mới, một khởi đầu với những nguyên tắc rõ ràng: Cả hai cùng nhau gánh vác trách nhiệm nuôi dạy con cái, chia sẻ mọi công việc trong nhà và tuyệt đối không còn tồn tại cái điệp khúc "anh mệt, em ráng" đầy bất công.

Sau ngày hôm đó, Minh không hóa thân ngay lập tức thành hình mẫu "ông chồng quốc dân" hoàn hảo, nhưng ít nhất, anh đã học được những bước cơ bản của sự sẻ chia. Bữa cơm gia đình trở nên trọn vẹn hơn khi chiếc điện thoại được anh đặt sang một bên, không còn những tin nhắn hay cuộc gọi công việc làm gián đoạn khoảnh khắc sum vầy. Mỗi tối, anh dành trọn một tiếng đồng hồ để thực sự kết nối với các con, cùng Tin nghịch ngợm những trò chơi trẻ thơ, nhẹ nhàng đọc những câu chuyện cổ tích cho Na trước giờ đi ngủ.

Những buổi đá bóng ba lần một tuần, niềm vui một thời của Minh, dần nhường chỗ cho những ưu tiên mới. Anh tự nguyện rút khỏi nhóm "nhậu nhẹt hội bạn thân" - những người vẫn còn buông lời trêu chọc khi anh kể về những công việc "bỉm sữa", hâm nóng bình sữa, hay những đêm ru con thao thức. Thay vào đó, Minh bắt đầu xuất hiện đều đặn trong những buổi họp phụ huynh ở trường của Na, kiên nhẫn tập viết từng nét chữ xiêu vẹo cùng con gái.

Dù đôi khi mệt mỏi, nhưng trong lòng Minh luôn trào dâng một niềm vui khó tả, bởi vì trong ánh mắt dịu dàng của Phương, anh đã nhìn thấy niềm tin dần trở lại. Và trong giọng nói líu lo đầy tự hào của con gái, khi khoe với bạn bè: "Ba mình nấu ăn ngon lắm!", anh cảm nhận được một hạnh phúc giản dị mà cực kỳ ngọt ngào.

Chia sẻ

Hải Nam

Tin cùng chuyên mục

Một ngày có nội

Một ngày có nội

Cứ vào cuối tuần, rất đều đặn, bà nội lại bắt xe lên nhà tôi chơi. Nhà tôi và nhà bà ở cách nhau quãng tầm hơn 10km, bà đi qua 2 tuyến xe buýt và đi bộ độ 10 phút là tới.

Nữ sinh lập dự án giảm định kiến giới

Nữ sinh lập dự án giảm định kiến giới

Đỗ Thị Hồng Phương, sinh viên Trường Đại học Hà Nội đã cùng bạn bè thành lập dự án cộng đồng 4FLAMES nhằm giảm thiểu định kiến giới trong gia đình Việt Nam. Phương mong muốn mang đến cho học sinh, sinh viên những góc nhìn đúng đắn về vấn đề “bất bình đẳng giới trong gia đình” - một vấn đề tưởng chừng như đã cũ nhưng vẫn tồn tại dai dẳng trong xã hội.

Chung tay hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về

Chung tay hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về

Thời gian qua, đã có nhiều hoạt động được triển khai để hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, vừa góp phần để nạn nhân sớm ổn định cuộc sống, sinh kế, hòa nhập cộng đồng, vừa đảm bảo thực hiện tốt các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.