Nữ tác giả trao tiếng nói mạnh mẽ cho phụ nữ Ấn Độ

ĐỖ HỮU
Chia sẻ

Ngày 21/5/2025, Banu Mushtaq trở thành nữ tác giả Ấn Độ đầu tiên đoạt giải Booker Quốc tế với tuyển tập truyện ngắn "Heart Lamp"; tác phẩm khắc họa sâu sắc đời sống và nỗi đau của phụ nữ miền Nam Ấn Độ qua 3 thập kỷ sáng tác bền bỉ.

Sinh năm 1948 tại Hassan, Karnataka (Ấn Độ), Banu Mushtaq trưởng thành trong một gia đình Hồi giáo truyền thống. Ngay từ nhỏ, bà đã theo học tại một trường truyền giáo ở thành phố Shivamogga, nơi lần đầu bà tiếp xúc sâu sắc với văn học tiếng Kannada. Vào những năm 1970 và 1980, bà trở thành một trong những tiếng nói tiêu biểu và hiếm hoi của phụ nữ trong phong trào văn học phản kháng Bandaya Sahitya - một dòng văn học cấp tiến có mục tiêu phản ánh bất công xã hội, đòi hỏi sự thay đổi và trao quyền cho các cộng đồng bị gạt ra bên lề như người Dalit và phụ nữ Hồi giáo.

Banu Mushtaq không chỉ là một nhà văn. Bà còn là một luật sư và nhà hoạt động nữ quyền không mệt mỏi. Sự kết hợp giữa nghiệp cầm bút và nghiệp cầm cán cân công lý đã tạo nên chất liệu hiện thực mạnh mẽ trong tác phẩm của bà. Những nhân vật nữ của Mushtaq thường không có tiếng nói trong xã hội thực, nhưng trong truyện của bà, họ được trao tiếng nói mạnh mẽ, sâu sắc và nhiều tầng cảm xúc.

Nữ tác giả trao tiếng nói mạnh mẽ cho phụ nữ Ấn Độ - 1

Bà Banu Mushtaq tại giải thưởng Booker 2025.     Ảnh: CNN

“Heart Lamp” gồm 12 truyện ngắn được viết trong suốt hơn 3 thập kỷ, là bản đồ chi tiết về đời sống nội tâm và xã hội của phụ nữ miền Nam Ấn Độ. Không chỉ phơi bày sự áp bức mà tôn giáo, xã hội và các cấu trúc quyền lực chính trị áp đặt lên phụ nữ, các mẩu truyện còn miêu tả tinh tế sự phản kháng - đôi khi âm thầm, đôi khi bùng nổ - của họ. Trong truyện “Black Cobras”, phụ nữ trong cộng đồng đứng lên đấu tranh sau cái chết thương tâm của một đứa trẻ bị bỏ rơi bởi lãnh đạo tôn giáo. Ở “Heart Lamp”, một người mẹ trẻ vật lộn với trầm cảm sau sinh và nỗi tuyệt vọng của một cuộc hôn nhân không lối thoát. Truyện “Red Lungi” lại là một lời tố cáo đầy châm biếm về chủ nghĩa giai cấp thông qua một nghi lễ cắt bao quy đầu tập thể.

Max Porter, Chủ tịch Hội đồng giám khảo, nhận định rằng các truyện ngắn của Mushtaq không phải là văn học tuyên truyền mà là những “tường thuật nên thơ” về đời sống, miêu tả sự đấu tranh, mất mát và niềm hy vọng của phụ nữ một cách chân thực và đầy nhân văn. Bên cạnh đó, bản dịch của Deepa Bhasthi cũng đóng vai trò quyết định trong việc đưa tác phẩm này đến với công chúng quốc tế. Khác với các bản dịch theo hướng “vô hình” thường thấy, Bhasthi chọn cách giữ lại phong cách và âm hưởng của tiếng Kannada. Những sắc thái văn hóa, ngữ điệu, thậm chí là phương ngữ của người Ấn được bảo tồn trong bản dịch, khiến “Heart Lamp” vừa lạ lẫm vừa cuốn hút. Theo Porter, đây là một bản dịch “lớp lang”, thể hiện sự tôn trọng cả hai ngôn ngữ, đồng thời tạo nên một trải nghiệm đọc đa chiều.

Sự thành công của “Heart Lamp” còn là kết quả từ nỗ lực âm thầm của nhà xuất bản Kannada A. Ganesh, người đã in những tập truyện đầu tiên của Mushtaq từ giữa thập niên 1990. Từ một người bán sách rong bằng xe đạp, Ganesh trở thành người gìn giữ và lan tỏa văn chương địa phương. Sau chiến thắng tại Booker, nhu cầu về các bản in Kannada đã tăng mạnh, minh chứng cho tầm ảnh hưởng lâu dài của Mushtaq đối với bạn đọc trong nước và quốc tế.

Chiến thắng của Banu Mushtaq tại giải thưởng Booker Quốc tế 2025 là cột mốc không chỉ cho cá nhân bà, mà còn cho văn học Ấn Độ, đặc biệt là văn học vùng miền viết bằng ngôn ngữ thiểu số. Bà trở thành nữ tác giả thứ 6 đoạt giải này và là người tiên phong trong việc đưa tiếng Kannada – một ngôn ngữ thường bị gạt ra ngoài dòng chảy chính thống vào trung tâm của sân khấu văn học toàn cầu.

Trong thời đại mà tiếng nói của phụ nữ, đặc biệt là từ những cộng đồng bị áp bức vẫn chưa được lắng nghe đầy đủ, văn chương của Banu Mushtaq là một ngọn đèn tim – như chính tên tuyển tập – soi sáng nỗi đau, nghị lực và khát vọng được sống như một con người trọn vẹn của hàng triệu phụ nữ. Với bà, văn học không chỉ để kể chuyện mà còn để chữa lành và tạo ra thay đổi thực sự trong xã hội. Và “Heart Lamp” chính là bằng chứng sống động nhất cho điều đó.

Chia sẻ

ĐỖ HỮU

Tin cùng chuyên mục

Nhiều hoạt động hè bổ ích cho thiếu nhi Thủ đô

Nhiều hoạt động hè bổ ích cho thiếu nhi Thủ đô

Không chỉ là khoảng thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, kỳ nghỉ hè là lúc để các em học thêm nhiều điều mới lạ, hấp dẫn. Năm nay, thiếu nhi Thủ đô sẽ có một mùa hè lý thú và đầy ý nghĩa khi rất nhiều các hoạt động sôi động và bổ ích đang được triển khai.

Nở rộ các khóa chiêu sinh ngày hè

Nở rộ các khóa chiêu sinh ngày hè

Giáo dục không chỉ đến từ sách vở mà còn từ trải nghiệm, lan tỏa giá trị nhân văn. Đó là lý do nhiều bố mẹ ở Hà Nội tìm kiếm những khóa học kỹ năng, trại hè quân đội và các cơ hội vui chơi cho con được thỏa sức khám phá và có một mùa hè ý nghĩa.

Nữ công nhân nhiệt huyết với nghề

Nữ công nhân nhiệt huyết với nghề

Vừa qua, Công đoàn ngành Y tế Hà Nội tổ chức Hội nghị Tuyên dương công nhân, điều dưỡng, kỹ thuật viên, hộ sinh giỏi ngành Y tế Thủ đô năm 2025. Trong số các cá nhân được khen thưởng có chị Trần Thị Dung - công nhân Phân xưởng Nang mềm, Công ty Cổ phần Dược phẩm Hà Tây.

Hạnh phúc giản dị

Hạnh phúc giản dị

Chị về đến nhà, đầu đau như búa bổ, hai tay rã rời. Nghĩ đến hai con cần phải ăn tối xong trước giờ học bài, chị tự nhủ: “Mình nằm chút thôi rồi dậy ngay”. Vậy mà khi chị tỉnh dậy, trời đã tối mịt.

Covid-19 và biến chủng mới

Covid-19 và biến chủng mới

Trước tình hình số ca mắc Covid-19 có xu hướng gia tăng trở lại và sự xuất hiện của các biến chủng mới, TS.BS Lê Kiến Ngãi - Trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương đã có những chia sẻ tại một buổi tư vấn y tế trực tuyến về việc nhận biết triệu chứng, các biện pháp phòng ngừa hiệu quả và kế hoạch ứng phó khi dịch quay trở lại.

Phụ nữ thi đua “giữ nhà, xây tổ ấm”

Phụ nữ thi đua “giữ nhà, xây tổ ấm”

Những năm qua, Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” được cán bộ, hội viên, phụ nữ trên địa bàn Hà Nội tích cực hưởng ứng bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Qua đó, xuất hiện nhiều gương tiêu biểu, điển hình trong xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, chung sức cùng địa phương xây dựng nông thôn mới.