Đồ dùng nhà bếp thời nay

Vũ Thị Tuyết Nhung
Chia sẻ

Nhà tôi thuê cô giúp việc theo giờ. Hàng tuần đúng ngày cô sẽ đến lau dọn nhà cửa bếp núc. Đôi khi tôi cũng xắn tay áo làm cùng.

Cô cháu trò chuyện vui vẻ:

- Cô mới mua cái cối xay đa năng đây này. Vì có khi muốn ăn bữa chả cá lành canh hay bữa xôi chim mà các hàng thịt hàng cua ngoài chợ họ chả chịu xay cá xay chim cả xương cho cháu ạ. Cái này công suất lớn. Xay vù vù. Trông thích không cháu?

- Ôi giời, cô chả nói thì cháu chả biết. Đẹp cô ạ. Nhưng nhà cô bao nhiêu máy móc nồi niêu xoong chảo đời mới mà cô vẫn thích mua. Hại điện lắm. Bếp quê chúng cháu bây giờ có tủ lạnh đã đành. Thêm chỉ có cái nồi cơm điện, hay cái máy xay sinh tố. So với ngày xưa đã là oách vô tận rồi. Mà cứ đến ngày trả tiền điện, mẹ chồng cháu vẫn rên rẩm xót ruột. 

- Ô. Ngày xưa thì nói chuyện gì. Ngày xưa thì ngay cả ở thành phố các cô đây mà còn không có bất cứ đồ dùng nhà bếp nào chạy điện cả. Nhà nào có cái cối xay thịt quay tay Liên Xô đã là ghê lắm rồi. Tủ lạnh thì cứ phải sau năm 75-80 mới thi thoảng có nhà có. Bê lên tận phòng khách mà trưng chứ chả có để ở bếp đâu. Mỗi tháng dù tiền điện có tăng nhưng mẹ cô vẫn sung sướng lắm. Vì giữa mùa hè vẫn nấu được thịt đông. Ai ở quê cho biếu con gà con cá còn để dành được. Chứ mà ăn một bữa hết luôn thì còn tốn hơn.

Đồ dùng nhà bếp thời nay - 1

Ảnh minh họa

Ngày xưa ấy, năm sáu mươi năm trước, nhà tôi có cái cối giã cua bằng đồng nặng chình trịch. Nó vốn là của gia bảo truyền đời của gia tộc bên nhà ngoại gốc ở làng đúc đồng Ngũ Xã bên hồ Trúc Bạch. Mùa hè muốn ăn canh cua, mùa đông muốn ăn chả cá, đều cậy vào nó tất. Giã muối vừng muối lạc thì thường xuyên. Nhưng giã riềng nấu giả cầy hay giã gừng pha nước chấm ốc, giã gạo nấu cháo trai, thậm chí giã lá nhọ nồi đắp trán cho em bé sốt cao… trăm sự cũng nhờ cái cối. Tết mùng Ba tháng Ba, từ đêm tối hôm trước, nhà nhà rồng rắn lên mây xếp hàng dài ở cửa hàng xay bột nước ở gần chợ Hàng Bè mà chờ đợi lấy bột làm bánh trôi, bánh chay. Rủi hôm nào Hà Nội mất điện thì cứ gọi là bột chua chè vữa như chơi. Mà ngày ấy, Hà Nội thi thoảng mất điện cả buổi là chuyện rất thường. Ngày ấy, đến cả cái ước mơ khi nào nhà mình có cái máy xay bột điện cũng không xuất hiện nổi trong đầu một đứa con gái mười mấy tuổi đầu rất ham nấu nướng như tôi, chứ đừng nói đến lúc trong nhà có cái máy xay đa năng như hiện tại, muốn xay thứ gì, gạo ngô, thịt thà, cua cá… cũng sẵn sàng. Mặc dù có khi hàng tuần hàng tháng chả bấm máy lấy một lần. Vẫn sắm. Chứ ngày ấy chiến tranh bao cấp khó khăn lắm. Dẫu mà có đồ cũng chả sẵn điện mà dùng. Hà Nội và một số thành phố được ưu tiên còn có điện, chứ ngoại thành và các vùng quê thì ánh điện còn là khát vọng xa mờ.  

Giáp Tết, nhà nhà xếp hàng ở lò nướng bánh quy bánh xốp. Mỗi nhà đều mang cái chậu đẹp nhất của gia đình đến đó tự tay đánh trứng, trộn đường, nhào bột, nhào men, ủ bột chờ đợi mỏi mòn mới đến lượt bánh nhà mình được vào khuôn nướng. Không thì lấy gì mà đãi khách ngày Tết đến chơi nhà. Nay thì muốn làm bánh làm kẹo ngày thường thì đã có máy đánh trứng chạy ro ro, mấy phút thôi mà bọt nổi như bông. Lò nướng bánh thì ghi rõ nhiệt độ, thời gian, công thức và cách thức làm hàng trăm loại bánh thì trang trên mạng internet. Nghĩa là không thiếu thứ gì. Cứ gọi là bách phát bách trúng. Nói đến điện thì lúc nào cũng thường trực là có. Có điện là đương nhiên. Động từ mất điện thường được dùng những năm nào nay dần đi vào dĩ vãng. Hễ lúc nào mất điện chỉ có thể là sửa chữa bảo dưỡng thay thế thiết bị, mà chi nhánh điện phải báo trước để người dân còn chuẩn bị tư tưởng. Tổ dân phố nào giờ đây cùng dùng zalo nhóm. Hôm trước nhóm zalo cụm Giáp Nhất chỗ tôi ở thấy hiện lên bản thông báo cắt điện từ ngõ ấy đến ngõ kia, mà chỉ cắt có 10 phút để thay thiết bị gì đó. Ai lơ mơ chợp mắt đến lúc tỉnh dậy có khi chả biết là mất điện cũng nên.

Đồ dùng nhà bếp thời nay - 2

Ảnh minh họa

Thế rồi sau khi thành phố đổi mới, mở cửa và hội nhập, căn bếp mỗi gia đình Hà Nội cứ dần dần đổi mới hiện đại nhiều khi đến bất ngờ. Đèn đóm sáng choang. Tủ lạnh từ hai ngăn sang đến bốn ngăn. Niềm yêu thích sắm sửa đồ gia dụng của những người phụ nữ nội trợ luôn được thỏa mãn từ những chuyến đi mua sắm trong và ngoài nước. Hầu như các căn bếp Hà Nội nào giờ đây cũng sẵn sàng bếp điện, bếp từ, nồi cơm điện, cối xay sinh tố, cối xay đa năng, lò nướng, lò vi sóng, nồi chiên không dầu, máy làm sữa hạt… Nấu nướng chế biến món gì cũng vô cùng thuận tiện. Món canh cua bấm máy xay sinh tố xòe xòe chưa đầy một phút, cua đã nhỏ biến. Làm sữa hạt chỉ đổ hạt đổ nước đúng tỷ lệ, mặc kệ nó xay xáo, đun nấu tự động, một chốc là có bình sữa hạt thơm phức trên tay. À mà nếu biết cách rang cơm bằng nồi chiên không dầu thì chỉ cần trộn cơm sẵn với chút gia vị rồi bấm nút hẹn giờ, đảo qua đảo lại chút là hoàn thiện, chẳng phải vất vả củi lửa rang đảo mỏi bã đôi tay như bà ngoại năm xưa.

Thường dùng nhất hàng ngày chính là cái nồi cơm điện. Chẳng còn lo cảnh đầu gio mặt muội quạt than, thổi củi lem nhem, cơm cháy cơm khê, cơm sống cơm nhão như xưa. Muốn ăn cơm có cháy cho thơm mồm, thơm miệng thì nhấn nút thêm một lần nữa. Khó gì đâu. Ban đầu thì nồi cơm điện thường đã gọi là quý. Tuy nhiên, khoảng chục năm nay, thị trường lại đã xuất hiện những dạng nồi cơm điện cao cấp, nồi cơm áp suất, nồi cơm cao tần. Lại thi nhau mua. Sướng nỗi, nồi cơm cao cấp nấu cơm ngon thật, gạo nào nấu cũng thành ngon. Cơm nếp cơm tẻ thơm dẻo tất. Mà chả tốn mấy tý điện, để khỏi bà nội tướng mỗi nhà có thể kêu ca, phàn nàn.

Đến chuyện các thể loại bếp đun thì qua nửa thế kỷ, có thể gọi là một cuộc cách mạng tuyệt vời. Từ bếp củi, bếp mùn cưa, bếp lá cây nhem nhuốc đến bếp than bùn, bếp than tổ ong hay bếp dầu độc hại cho đến bếp điện may-xo, bếp gas nguy hiểm rồi sang bếp hồng ngoại nóng bức, thì nay đỉnh cao là bếp từ. Đa phần các nhà Hà Nội đều đã lắp đặt bếp từ. Vừa tiện lợi sạch sẽ, đỡ tốn điện lại an toàn, dễ lau dọn, sạch cứ gọi là sạch bong, sáng loáng. Ước gì bà và mẹ chúng mình sống lại mà dạo bước ngắm nghía căn bếp của cháu con bây giờ, chắc là các cụ sẽ lạ lẫm ngạc nhiên rồi thích thú vô cùng đấy. Nghĩ mà thương lắm các bà các mẹ ngày xưa, lấm lem bức sốt cả ngày với mấy bữa ăn cho cả nhà thời gian khó. 

Đồ dùng nhà bếp thời nay - 3

Ảnh minh họa

Có lần, cô giúp việc lại buột miệng hỏi một câu:

- Cô ơi, sao nhà cô lắm cặp lồng cơm thế? Mà cháu thấy cô có dùng mấy đâu? Lủng củng chết lên được. Cô đem cho bớt đi cho gọn nhà. 

- Cho là cho thế nào? Cặp lồng cô sưu tập đấy. Cháu đi làm nhiều nơi có thấy nhà nào sưu tập cặp lồng như nhà cô không?

- Dạ không ạ. Toàn người sưu tập đồng hồ, tranh ảnh với đồ gốm sứ thôi. Cháu thấy bảo có những món đồ hàng trăm triệu đồng hay hàng chục cây vàng, quý giá lắm cô ạ.

- Ừ, cặp lồng nhà cô, cái nào rẻ thì cho đồng nát may ra có người nhận, cái nào đắt nhất cũng chỉ bốn năm trăm nghìn. Nhưng với cô, chúng vô giá cháu ạ. Vì nó gắn bó với cả cuộc đời cô và gia đình cô. Cháu biết không? Đây là cái cặp lồng 4 ngăn cô vừa mới sắm. Nó chạy bằng điện đấy.  Cùng lúc nó vừa thổi cơm, vừa kho thịt, nấu canh, hãm chè.

- Ôi cô ơi, hôm nay cháu mới biết. Cháu cứ tưởng cái hộp gì cơ. Đem đi công sở hay đem vào bệnh viện thì tiện quá. Mà lại cắm điện à cô?

- Ừ đấy. Bây giờ mà ngày nào tự dưng mất điện thì gay to. Chả ai dám nghĩ tới nữa đâu. Cháu ơi.

Chia sẻ

Vũ Thị Tuyết Nhung

Tin cùng chuyên mục

Sáng tạo trong tập hợp, thu hút hội viên

Sáng tạo trong tập hợp, thu hút hội viên

Thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ Thủ đô luôn xác định công tác tập hợp, thu hút hội viên phụ nữ tham gia tổ chức Hội là nhiệm vụ then chốt trong xây dựng và phát triển tổ chức Hội vững mạnh. Với phương châm “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động Hội”, Hội Phụ nữ đã triển khai nhiều phong trào thi đua, mô hình phù hợp mang lại hiệu quả thiết thực và thu hút đông đảo...

Lưu ý khi rã đông thực phẩm

Lưu ý khi rã đông thực phẩm

Rã đông thực phẩm là bước không thể thiếu trước khi chế biến sản phẩm được bảo quản lâu trong tủ lạnh. Việc làm này giúp thực phẩm mềm ra, dễ dàng cắt thái và nấu chín đều. Sau đây là các cách và lưu ý khi rã đông thực phẩm.

Tinh hoa lược sừng Thuỵ Ứng

Tinh hoa lược sừng Thuỵ Ứng

Làng nghề lược sừng Thụy Ứng (huyện Thường Tín, Hà Nội) từ lâu được biết tới là nơi duy nhất trên cả nước làm lược bằng sừng trâu, bò. Trải qua nhiều thăng trầm của thời gian, thương hiệu của làng nghề ngày càng được khẳng định. Không chỉ vậy, bằng đôi bàn tay khéo léo, sức lao động bền bỉ những người thợ làng nghề Thụy Ứng đã đa dạng hóa sản phẩm, đưa tên tuổi...

Mát tay nuôi bò sữa, nữ nông dân Ba Vì thành tỉ phú

Mát tay nuôi bò sữa, nữ nông dân Ba Vì thành tỉ phú

Chị Tạ Thị Năm ở thôn Mồ Đồi, xã Vân Hoà, huyện Ba Vì là người đầu tiên ở xã Vân Hòa khởi xướng mô hình nuôi bò sữa. Hiện tại, chị đang có đàn bò sữa lớn nhất xã với tổng số 62 con. Chị cũng là nữ nông dân duy nhất của Thủ đô được Hội Nông dân Việt Nam vinh danh 63 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024.