Trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh “Công nghiệp hóa - hiện đại hóa”, ứng dụng những thành tựu 4.0 vào sản xuất và quản lý điều hành thì việc chuyển đổi số là tất yếu và vô cùng quan trọng. Trên tinh thần này, Hà Nội cũng xác định đây là khâu đột phá để Thủ đô phát triển nhanh và bền vững. Trên các lĩnh vực quan trọng của Thủ đô, bước đầu chuyển đổi số đã được lan tỏa sâu rộng và có hiệu quả nhất định.
Dấu ấn chuyển đổi số
Tại Trường Trung học cơ sở Vân Canh (huyện Hoài Đức), suốt nhiều năm nay cô giáo Nguyễn Thị Kim Dung - Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường luôn tích cực lan tỏa tinh thần đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy. Với 34 năm tuổi nghề, trong đó có 19 năm làm công tác quản lý, cô Nguyễn Thị Kim Dung đã xây dựng thành công mô hình trường học online trong Office 365, góp phần tích cực trong việc chuyển đổi số trong công tác quản trị nhà trường. Không chỉ vậy, để nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường, cô Dung còn miệt mài “lan tỏa” ứng dụng công nghệ thông tin cho các trường ở Hà Nội, Nam Định, Sơn La, Kon Tum, Quảng Trị, Tuyên Quang.
Tương tự, tại Trường Trung học cơ sở Thành Công (quận Ba Đình), nhà trường đã thực hiện hiệu quả mô hình “Điểm danh học sinh qua thẻ từ”. Theo đó, nhà trường đã triển khai lắp đặt máy quét ở những vị trí thuận lợi từ cổng trường cho đến các hành lang lớp học để thực hiện quản lý chuyên cần của học sinh bằng phương pháp quét thẻ từ. Với phương pháp này, nhà trường có thể dễ dàng tổng hợp, báo cáo chi tiết thời gian ra, vào của học sinh; từ đó việc quản lý học sinh của Ban Giám hiệu và giáo viên chủ nhiệm dễ dàng hơn rất nhiều.
Chuyển đổi số giúp tiết giảm các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp.
Theo tìm hiểu, để việc ứng dụng công nghệ thông tin trở thành nếp quen trong dạy và học, năm học 2023 - 2024, các trường học trên địa bàn Thành phố đã tích cực hướng dẫn giáo viên, học sinh và cả phụ huynh sử dụng kho học liệu số của ngành. Bên cạnh đó, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô cũng chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập phù hợp với tình hình thực tế. Chính bởi những nỗ lực kể trên, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về kết quả triển khai học bạ số cấp tiểu học với 97,6% học sinh khối 1 đến khối 4 được tạo thành công học bạ số (bằng hơn 2 lần mức trung bình của cả nước đạt 41%).
Cũng trong năm học 2023 - 2024, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã triển khai chương trình ôn thi tốt nghiệp Trung học phổ thông trên ứng dụng HANOI ON và phát sóng trên kênh H2 của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội; xác nhận nhập học trực tuyến vào lớp 10 trung học phổ thông cho 71.545 học sinh (đạt tỷ lệ 100%); đăng ký thi tốt nghiệp trung học phổ thông có 102.095 học sinh đăng ký (đạt tỷ lệ 100%).
Đó là với ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô, với ngành Giao thông Vận tải Hà Nội, hoạt động chuyển đổi số cũng được chú trọng triển khai và bước đầu có hiệu quả. Điểm sáng dễ thấy nhất là hiện 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến (4 dịch vụ toàn trình và 115 dịch vụ một phần). Trong tháng 4 vừa qua, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng đã đưa hệ thống thẻ vé ảo vào ứng dụng trong toàn hệ thống xe buýt của Thành phố.
Lan tỏa sâu rộng
Thực tế cho thấy, với định hướng phát triển rõ nét, Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố đã có chủ trương về chuyển đổi số, xây dựng Thành phố Hà Nội thông minh, trong đó có Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30/12/2022 của Thành ủy Hà Nội về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Nghị quyết đặt ra mục tiêu tổng quát đến năm 2025 thực hiện chuyển đổi số phát triển Thủ đô theo hướng thông minh, hiện đại, tạo điều kiện kinh tế tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững. Hà Nội phấn đấu thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số. Đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại. Hà Nội duy trì và phấn đấu vị trí cao trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số; hình thành nền tảng dữ liệu cho các ngành kinh tế trọng điểm dựa trên dữ liệu của các cơ quan nhà nước, phát triển các dịch vụ sáng tạo, dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp, khai thác dữ liệu như một nguồn tài nguyên mới để phát triển kinh tế - xã hội.
Nhờ việc chuyển đổi số, nhiều nơi hiện đã không dùng tiền mặt trong các giao dịch.
Đặc biệt, Nghị quyết số 18 đặt ra mục tiêu đến năm 2025, về chính quyền số đó là: Xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số hiện đại, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình; hoạt động chỉ đạo, điều hành, quản trị nội bộ, xử lý hồ sơ công việc được thực hiện trên môi trường mạnh ở cả 3 cấp.
Để triển khai chuyển đổi số, các lĩnh vực quan trọng của Hà Nội như giao thông, giáo dục, y tế… đều tích cực tuyên truyền, đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành. Đặc biệt, cách đây ít lâu, Hà Nội cũng phối hợp với các doanh nghiệp tập trung triển khai chữ ký số miễn phí cho người dân tại Bộ phận Một cửa của các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã để cung cấp chữ ký số và hướng dẫn sử dụng chữ ký số cho người dân khi tham gia dịch vụ công trực tuyến của Thành phố. Tính đến nay, gần 50.000 chữ ký số đã được cấp miễn phí cho người dân để thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, giao dịch điện tử tại các quận, huyện, thị xã nhằm góp phần xây dựng công dân số hướng tới xây dựng chính quyền số trên địa bàn Thủ đô.
Trở lại câu chuyện chuyển đổi số trong ngành Giao thông Vận tải Thủ đô, Hà Nội đã xác định giao thông thông minh là một trong những trụ cột chính trong cấu trúc đô thị thông minh. Lộ trình hình thành hệ thống giao thông thông minh chia làm 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 (năm 2024-2026) hình thành Trung tâm Điều hành giao thông thông minh (với 9/12 chức năng). Giai đoạn 2 (năm 2027-2029), trung tâm được mở rộng (gắn với việc thực hiện đủ 12/12 chức năng). Giai đoạn 3 (từ năm 2030) là giai đoạn phát triển bền vững.
Với ngành Giáo dục và Đào tạo, Hà Nội cũng xác định chuyển đổi số là khâu đột phá, là nhiệm vụ quan trọng cần tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trước những yêu cầu mới, những thách thức mới trong xu thế hội nhập quốc tế. Để triển khai hiệu quả những mục tiêu đề ra, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã lưu ý các đơn vị, nhà trường trực thuộc thực hiện việc kết nối cơ sở dữ liệu Giáo dục và Đào tạo nhằm nâng cao tiện ích và hiệu quả cho công tác quản lý giáo dục; triển khai học bạ số; xây dựng cơ sở dữ liệu văn bằng, chứng chỉ hướng đến văn bằng số, chứng chỉ số.
Trước mắt, ở cấp cơ sở, để thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục, quận, huyện, thị xã đã đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại như: Màn LED sân trường, mạng Internet với cáp quang và wifi cùng hệ thống cơ sở vật chất về công nghệ thông tin như máy tính, loa... để hỗ trợ công tác quản lý, dạy học, kiểm tra, đánh giá (được trang bị miễn phí từ Bộ và Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và nhà trường chủ động đầu tư, thuê, mua...). 100% trường học được trang bị hệ thống camera giám sát tại các khu vực xung yếu về an ninh, khu vực hành lang, sân trường, trong các lớp học, các phòng bộ môn, sân chơi bãi tập... góp phần đảm bảo an ninh, an toàn trường học.
Từ những tín hiệu tích cực do chuyển đổi số mang lại ở các ngành, các lĩnh vực trên địa bàn Hà Nội, tin tưởng rằng tương lai không xa dấu ấn và hiệu quả chuyển đổi số sẽ ngày một rõ nét, qua đó mang lại các lợi ích thiết thực, hiệu quả cho nhân dân.