Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi): Tăng cường cơ sở pháp lý để Hội phụ nữ thực hiện chức năng bảo vệ phụ nữ, trẻ em

Bài và ảnh: Hoàng Anh
Chia sẻ

Thực hiện chức năng đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội và phản biện xã hội, Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Ủy viên Ban Chấp hành TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga và Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương đồng chủ trì Hội nghị.

“Nạn nhân mua bán người có thể là bất cứ ai”

Hiện nay, Luật phòng, chống mua bán người đang trong quá trình sửa đổi, do Bộ Công an chủ trì soạn thảo và được đưa vào thảo luận tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV. Qua thực tiễn triển khai công tác phòng, chống mua bán người những năm qua cũng như tham gia nghiên cứu hồ sơ dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), Hội LHPN Việt Nam nhận thấy Dự thảo 5 Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) đã có nhiều tiếp thu sửa đổi, nhất là những nội dung liên quan đến vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, vẫn còn có những vấn đề giới cần tiếp tục được nghiên cứu, trao đổi, thảo luận và hoàn thiện tại Dự thảo.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam: Mua bán người luôn là vấn đề nóng, không chỉ với mỗi quốc gia mà đã trở thành vấn nạn mang tính toàn cầu. Nạn nhân của mua bán người có thể là bất cứ ai, nhưng một thực tế là phụ nữ và trẻ em gái luôn chiếm đa số. Báo cáo tổng kết thi hành Luật của Bộ Công an cho biết, từ năm 2012 đến tháng 2/2023, lực lượng chức năng đã giải cứu, tiếp nhận, xác minh khoảng 10.000 trường hợp trong đó, xác định gần 8.000 người là nạn nhân. Phân tích về tình hình nạn nhân cho thấy chủ yếu là phụ nữ, trẻ em (chiếm khoảng 90%). Đa số nạn nhân là phụ nữ khi bị lừa bán ra nước ngoài bị cưỡng ép kết hôn làm vợ người dân bản địa và bóc lột tình dục (chiếm gần 80%), cưỡng bức lao động...

Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi): Tăng cường cơ sở pháp lý để Hội phụ nữ thực hiện chức năng bảo vệ phụ nữ, trẻ em - 1

Bà Hà Thị Nga, Ủy viên Ban Chấp hành TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam phát biểu tại hội nghị chiều 3/6.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế, quốc tế, sự phát triển của công nghệ thông tin, các vấn đề an ninh phi truyền thống, thiên tai, dịch bệnh…, mua bán người được đánh giá tiếp tục diễn biến phức tạp, xu hướng gia tăng, nhất là trong bối cảnh những tác động tiêu cực của hậu dịch bệnh Covid-19. Vấn đề lao động, việc làm và vấn đề mở cửa trở lại nền kinh tế, khiến nhu cầu việc làm tăng cao, là điều kiện thuận lợi để các đối tượng triệt để lợi dụng lừa gạt, dụ dỗ nạn nhân để lừa bán, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền con người, trong đó có quyền của phụ nữ.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương nhận định: Trong thời gian tới, tình hình mua bán người tiếp tục diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng về số vụ, số nạn nhân; các đối tượng mua bán người tăng cường sử dụng công nghệ thông tin để xây dựng mối quan hệ với nạn nhân; tuyển mộ nạn nhân bằng cách lợi dụng kẽ hở của pháp luật và hoạt động với vai trò “môi giới” nhận con nuôi, kết hôn với người nước ngoài, hiến tạng, đưa người đi lao động hoặc du lịch nước ngoài. Trong bối cảnh đó, việc hoàn thiện Luật Phòng, chống mua bán người cần tính đảm bảo lồng ghép giới và cách tiếp cận lấy nạn nhân làm trung tâm trong tất cả các thời điểm, giai đoạn từ phòng ngừa, phát hiện, xác minh, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân hiệu quả.

Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức nhiều Hội thảo góp ý Luật và đã có Công văn số 2686/ĐCT-TG ngày 13/11/2023 gửi Cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Công an). Đối chiếu với Dự thảo lần này, trên 10 nội dung ý kiến của Hội đã được Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, sửa đổi. Những nội dung tiếp thu này là cơ sở thực hiện bình đẳng giới trong công tác phòng, chống mua bán người. Trong hệ thống Hội, tính đến thời điểm hiện tại đã có 49/60 tỉnh/thành Hội có văn bản tổng hợp ý kiến góp ý của hội viên, phụ nữ về Dự thảo Luật.

Đề nghị bổ sung giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới

Để tiếp tục lấy ý kiến của các chuyên gia, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác phòng, chống mua bán người, đảm bảo quyền và lợi ích của phụ nữ, trẻ em gái, Hội LHPN Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

Theo bà Dương Thị Ngọc Linh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp xã hội - Ngôi nhà Bình yên chia sẻ, việc bổ sung trách nhiệm của Hội LHPN Việt Nam về “Vận hành cơ sở hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định nạn nhân” có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm cơ sở pháp lý cho Hội thực hiện chức năng bảo vệ phụ nữ, trẻ em quy định tại Hiến pháp, Luật Bình đẳng giới và các văn bản pháp luật khác, đóng góp vào trách nhiệm chung của xã hội trong công tác phòng chống mua bán người nói riêng và công tác bảo vệ, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới nói chung. Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo đưa vào Điều 20 của Dự thảo Luật chức năng của Hội LHPN Việt Nam;

Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi): Tăng cường cơ sở pháp lý để Hội phụ nữ thực hiện chức năng bảo vệ phụ nữ, trẻ em - 2

Bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khai mạc hội nghị.

Ông Lê Việt Trường, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tán thành phương pháp tiếp cận vấn đề giới, lồng ghép giới trong Dự thảo Luật của Chính phủ trình Quốc hội. Thực tế, nạn nhân các vụ mua bán người gần đây đã có cả nam giới, nhưng xét trên tổng thể toàn bộ quá trình xử lý vấn đề nạn nhân các vụ mua bán người, sau khi được giải cứu, hỗ trợ về lại gia đình và cộng đồng, so với nạn nhân nam giới, nạn nhân là nữ giới, trẻ em sẽ khó hòa nhập cộng đồng hơn, dễ trở thành “nạn nhân mới” của sự kỳ thị, phân biệt đối xử do chính gia đình, cộng đồng mà họ đang sống tạo ra. Do đó, ông cho rằng, cùng với nguyên tắc trung tính về giới, Dự thảo Luật cần được nghiên cứu, bổ sung thêm một số biện pháp cần thiết thúc đẩy bình đẳng giới nhằm hỗ trợ tốt hơn cho nạn nhân các vụ mua bán người là phụ nữ và trẻ em.

TS Nguyễn Văn Pha, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết: Điều 53 Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Hội LHPN Việt Nam được giao “Chủ trì, phối hợp tổ chức cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình thuộc phạm vi quản lý; nhân rộng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình” (khoản 4). Như vậy, trong lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình, Hội đã tham gia với vai trò chủ trì, phối hợp tổ chức cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình. Trong khi đó, mua bán người cũng là tội phạm liên quan đến vấn đề giới và là một hình thức của bạo lực trên cơ sở giới nên cần thiết quy định trách nhiệm của Hội trong vận hành cơ sở hỗ trợ mua bán người.

Thượng tá Khổng Ngọc Oanh, Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an cho biết: Nạn nhân phần lớn là phụ nữ và trẻ em gái có mức độ tổn thương nhiều hơn nam giới, trong Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), Hội LHPN Việt Nam có trách nhiệm tuyên truyền nâng cao nhận thức của phụ nữ và trẻ em về tội phạm mua bán người. Việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho phụ nữ và trẻ em là bó hẹp phạm vi tuyên truyền của các cấp Hội LHPN. Thượng tá Khổng Ngọc Oanh đề xuất bổ sung thêm từ "cộng đồng", đầy đủ sẽ là "Hội LHPN Việt Nam có trách nhiệm tuyên truyền nâng cao nhận thức của phụ nữ, trẻ em, cộng đồng về tội phạm mua bán người”.

Bà Hà Thị Nga, Ủy viên Ban Chấp hành TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam tiếp thu ý kiến của các đại biểu và đánh giá cao các ý kiến phát biểu của các chuyên gia nhà khoa học… Trong thời gian tới, Hội LHPN Việt Nam sẽ hoàn thiện văn bản soạn thảo để gửi tới các cơ quan có thẩm quyền trình Quốc hội đề nghị điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung; Hội hy vọng tiếp tục nhận được sự quan tâm và nghiên cứu từ các chuyên gia để Dự án Luật không chỉ được thông qua mà còn áp dụng hiệu quả nhất trong thực tiễn.

Chia sẻ

Bài và ảnh: Hoàng Anh

Tin cùng chuyên mục

Nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ mầm non tại khu công nghiệp, khu chế xuất

Nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ mầm non tại khu công nghiệp, khu chế xuất

Phát triển giáo dục mầm non tại các khu công nghiệp, khu chế xuất không chỉ là mục tiêu của riêng ngành giáo dục mà còn là mối quan tâm hàng đầu của Hội LHPN Việt Nam trong nhiều nhiệm kỳ qua. Đặc biệt, tại Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, TƯ Hội LHPN Việt Nam đã đề ra nhiệm vụ đề xuất chính sách/đề án hỗ trợ phụ nữ là lao động di cư có con dưới 36 tháng tuổi gửi...

Vì sự phát triển toàn diện của phụ nữ dân tộc thiểu số

Vì sự phát triển toàn diện của phụ nữ dân tộc thiểu số

Thúc đẩy bình đẳng giới, trong đó có bình đẳng giới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (MN), là một trong những nhiệm vụ quan trọng được TP Hà Nội tập trung thực hiện, để bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững. Với một loạt các giải pháp đưa ra và đang thực hiện, khoảng cách về bình đẳng giới trong vùng DTTS ngày càng được thu hẹp.

Phụ nữ Cẩm Lĩnh giúp nhau thoát nghèo, khởi nghiệp

Phụ nữ Cẩm Lĩnh giúp nhau thoát nghèo, khởi nghiệp

Thời gian qua, Hội LHPN xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì luôn xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng của tổ chức Hội Phụ nữ các cấp từ Trung ương đến cơ sở nhằm từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của gia đình hội viên phụ nữ, góp phần tham gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng Thủ đô Hà Nội văn minh, hiện đại, xứng danh Thành phố vì hòa bình,...

Mô hình “Tổ dân phố văn hóa kiểu mẫu”: Nhân lên nét đẹp văn hóa ứng xử trong cộng đồng

Mô hình “Tổ dân phố văn hóa kiểu mẫu”: Nhân lên nét đẹp văn hóa ứng xử trong cộng đồng

Thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã tích cực triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố và cuộc vận động "Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp”. Trong đó, mô hình “Tổ dân phố văn hóa kiểu mẫu” đã và đang được các cấp Hội duy trì, nhân rộng góp phần nhân lên nét đẹp văn hóa ứng xử trong cộng đồng.

Để người cao tuổi tự tin cống hiến

Để người cao tuổi tự tin cống hiến

“Chúng ta cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của mỗi người dân, gia đình, cộng đồng và chính người cao tuổi về vai trò của người cao tuổi. Người cao tuổi phải gắn với hình ảnh tự tin, tự chủ, từng trải, hiểu biết thay vì là những người yếu thế, cô đơn, sức khỏe yếu... Có như vậy, người cao tuổi mới tự tin tiếp tục cống hiến, phát huy vai trò trong xây dựng...

Đổi thay nhờ sự đồng hành của báo Hội

Đổi thay nhờ sự đồng hành của báo Hội

Từ năm 2014, Báo Phụ nữ Thủ đô và công ty Tài chính TNHH MTV Home Credit Việt Nam (Công ty Home Credit Việt Nam) đã triển khai chương trình trao vốn vay không lãi để hỗ trợ phụ nữ khó khăn trên địa bàn Thành phố có điều kiện phát triển kinh tế. Nhờ đó, nhiều chị giờ đã vươn lên, bắt đầu làm ăn khấm khá.

Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế

Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế

Để hỗ trợ cho các hội viên phụ nữ phát triển kinh tế, thời gian qua, các cấp Hội LHPN Hà Nội đã nỗ lực phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) cùng một số nguồn vốn uy tín để tạo nguồn vốn vay ưu đãi cho chị em, giúp các gia đình hội viên phụ nữ có thêm nguồn vốn phát triển kinh tế, vượt qua khó khăn, vươn lên làm...

38 năm Báo Hội đồng hành cùng hội viên phụ nữ

38 năm Báo Hội đồng hành cùng hội viên phụ nữ

Trong 38 năm hình thành và phát triển (19/8/1986-19/8/2024), Báo Phụ nữ Thủ đô đã trở thành người bạn thân thiết, góp phần giúp cán bộ, hội viên phụ nữ nói riêng, các độc giả gần xa nói chung nâng cao kiến thức mọi mặt, tích cực tham gia bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho chị em phụ nữ. Cùng lắng nghe những chia sẻ của một số độc giả thân thiết nhân dịp “sinh nhật”...

Lời nhắn gửi cộng đồng trong cuộc chiến chống tội phạm mua bán người

Lời nhắn gửi cộng đồng trong cuộc chiến chống tội phạm mua bán người

Thời gian tới, tình hình mua bán người, mua bán trẻ em sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường rất cần sự chung tay của các cấp, các ngành và của toàn xã hội. Trong đó, Hội LHPN Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành có liên quan, các tỉnh/thành phố, các tổ chức quốc tế để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động phòng,...

Hành trình tri ân của các cấp Hội

Hành trình tri ân của các cấp Hội

Những ngày qua, phát huy tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” cùng với cả nước, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa thiết thực thể hiện tình cảm, trách nhiệm thăm hỏi, tặng quà tri ân với những công hiến hy sinh của các bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình chính sách trên địa bàn Thành phố.