(PNTĐ) - Tiếp tục các hoạt động nhân kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 và 1983 năm ngày khởi nghĩa Hai Bà Trưng, tối ngày 18/3, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ thành phố Hà Nội tổ chức hoạt động xem chương trình nghệ thuật vở chèo truyền thống "Trung trinh liệt nữ" do Nhà hát chèo Hà Nội biểu diễn.
Lãnh đạo Trung ương Hội LHPN Hà Nội, Hội LHPN Hà Nội và lãnh đạo tp Hà Nội cùng khán giả xem vở chèo Trung trinh liệt nữ
Đến dự xem chương trình có: bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; ông Lê Hồng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội, Trưởng Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ Thành phố; bà Phạm Thị Thanh Mai, Thành ủy viên, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội; bà Lê Kim Anh, Thành ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội, Phó Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ Thành phố; bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch thường trực Hội LHPN Hà Nội cùng các lãnh đạo nữ các ban Đảng, Đoàn đại biểu Quốc Hội, HĐND và sở, ban, ngành, đoàn thể của Thành phố; nữ cán bộ chủ chốt các quận, huyện trên địa bàn Thành phố.
Tặng hoa cảm ơn lãnh đạo Nhà hát chèo Hà Nội
Tại buổi xem chương trình nghệ thuật truyền thống, lãnh đạo Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ Thành phố đã tặng hoa chúc mừng và cảm ơn lãnh đạo Nhà hát chèo Hà Nội và các diễn viên đã cho khán giả một buổi xem nghệ thuật hay và ý nghĩa.
Vở chèo “Trung trinh liệt nữ" tái hiện một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc. Tác giả kịch bản Trần Hồng Vân; đạo diễn - NSND Hoàng Quỳnh Mai; chuyển thể chèo Mai Văn Sinh đã mang đến cho khán giả câu chuyện hấp dẫn về công chúa An Tư thời nhà Trần hi sinh quên mình trong kháng chiến chống quân Nguyên Mông.
Một cảnh trong vở chèo
An Tư công chúa là con gái út của vua Trần Thái Tông, em gái vua Trần Thánh Tông và là cô ruột của vua Trần Nhân Tông. Chuyện kể rằng tháng Giêng năm 1285, đội quân Nguyên hùng mạnh do Thoát Hoan chỉ huy tràn vào xâm lược Đại Việt lần thứ 2. Trước thế giặc hung hãn, nhiều tôn thất nhà Trần đã bỏ trận quy hàng, tình thế hết sức nguy cấp… Vua Trần ra lệnh rút quân về Thiên Trường để củng cố lực lượng và sai sứ giả sang trại giặc vờ thương thuyết để làm chậm tốc độ tiến quân của giặc nhưng không có kết quả. Trong tình thế vô cùng cấp bách đó, triều đình nhà Trần buộc phải tìm kế hoãn binh để có thời gian củng cố lực lượng, tổ chức chiến đấu.
Cảnh trong vở chèo
Để cứu đất nước trong lúc an nguy, công chúa An Tư đã hy sinh bản thân mình để làm cống vật kìm hãm chân quân giặc. Nàng đã được mang gả cho Thoát Hoan và ở trong lòng quân giặc, An Tư công chúa đã bí mật gửi tin tức về tình hình quân Nguyên cho nhà Trần biết để tìm cách phản kích… Đặc biệt hơn, khi nhà Trần phản công mạnh mẽ, An Tư công chúa đã biến mình thành ngọn lửa sống để dẫn đường cho quân nhà Trần biết chỗ ở của Thoát Hoan mà đến tấn công khiến cho Thoát Hoan phải trốn trong ống đồng về nước…
An Tư là nàng công chúa lá ngọc cành vàng nhưng vì nước vì dân mà hi sinh quên mình cho dân tộc. Chính sự hi sinh của An Tư công chúa đã góp phần không nhỏ trong cuộc kháng chiến Mông - Nguyên thắng lợi lần thứ 2 đầy vẻ vang trong lịch sử nhà Trần.
Tất cả giai đoạn lịch sử hào hùng đó và đặc biệt là câu chuyện về công chúa An Tư đã được tái hiện một cách rõ nét qua vở diễn “Trung trinh liệt nữ” của Nhà hát Chèo Hà Nội. “Trung trinh liệt nữ” có sự tham gia diễn xuất của nhiều gương mặt nghệ sĩ, diễn viên tên tuổi của Nhà hát Chèo Hà Nội như: NS Thanh Huyền, Lê Đạt,NS Hồng Thắng, NSƯT Hồng Nam, NS Quang Biên, NSƯT Thu Hằng…
Diễn xuất tài năng của nghệ sĩ
Câu chuyện lịch sử hấp dẫn, cộng thêm tài năng của dàn diễn viên trẻ nổi trội cả thanh và sắc đã khiến khán giả trong phòng xem xúc động nghẹn ngào bởi giọng hát ngọt ngào, sâu lắng của nghệ sĩ Quốc Phòng (vai Trần Thông) và Thanh Huyền (vai An Tư công chúa). Bà Nguyễn Lệ Hằng (Đống Đa) chia sẻ: Vở chèo rất hay và ý nghĩa, giúp chúng tôi hiểu hơn về lịch sử hào hùng của dân tộc, tô điểm đẹp hơn hình ảnh người phụ nữ Việ Nam luôn trung trung kiên, bất khuất. Nội dung vở chèo cũng như diễn xuất xuất sắc của các nghệ sĩ mang lại một hơi thở mới cho sân khấu chèo truyền thống, qua đó góp phần thu hút khán giả đến xem và yêu thích bộ môn nghệ thuật truyền thống này hơn.