Từ yêu đến cưới và để có được tổ ấm viên mãn cùng cặp song sinh như hiện tại, cặp đôi đã trải qua biết bao thăng trầm.
Không cần tìm kiếm trong những câu truyện, bộ phim ngôn tình, trong cuộc sống thực vẫn có những câu chuyện tình hết sức diệu kỳ khiến chúng ta trầm trồ, ngưỡng mộ và thêm tin tưởng vào tình yêu. Chẳng hạn như câu chuyện tình yêu của cô gái Thái Lộc Thị Phương (sinh năm 1992, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) và anh chàng kỹ sư phát triển phần mềm Thụy Sĩ tên J (sinh năm 1982).
Từ yêu đến cưới và để có được tổ ấm viên mãn cùng cặp song sinh như hiện tại, cặp đôi đã trải qua biết bao thăng trầm.
Đó là năm 2015 – cái năm mà cô gái Thái đã gặp được tình yêu của đời mình. Năm ấy, chị Phương là quản lý tại một khách sạn ở Đà Lạt, còn anh J sang Việt Nam du lịch và chọn “thành phố sương mù” là điểm đến.
Trong lúc lên mạng học tiếng Anh, chị Phương đã tình cờ quen anh J qua một ứng dụng. Hai người nói chuyện rất hợp nhau nên sau 1 tuần nhắn tin qua lại, cả hai hẹn gặp mặt tại một quán cà phê nhỏ.
Trong buổi gặp gỡ đó, cả hai thoải mái kể cho nhau nghe những chuyện buồn vui trong cuộc đời. Anh J kể về những kỷ niệm bi hài trong lần đầu tiên đặt chân đến Việt Nam, còn chị Phương cũng chẳng ngần ngại mà nói cho anh nghe về thời sinh viên lăn lộn vừa học, vừa làm, vừa trau dồi ngoại ngữ của mình.
Sự mộc mạc, chân chất và tính tự lập, nghị lực vươn lên của cô gái dân tộc Thái đã để lại ấn tượng sâu sắc cho chàng trai Thụy Sĩ. Và thế là anh J quyết định ở lại Việt Nam thêm 2 tháng để tìm hiểu và chinh phục người con gái Thái mà anh đã trót "thương thầm, trộm nhớ".
Còn chị Phương, chị cũng ấn tượng bởi sự dễ mến, hiền lành của anh J. Tình cảm của hai người cứ nảy nở một cách tự nhiên như thế. Sau 2 tháng tìm hiểu, anh J đã tỏ tình chị Phương và quyết định ở lại Việt Nam lập nghiệp.
Yêu nhau chưa bao lâu, bố chị Phương bị chẩn đoán ung thư giai đoạn cuối. Vốn là gia đình thuần nông, điều kiện kinh tế eo hẹp, cùng lúc đó chị Phương lại mất việc nhưng vẫn phải lo cho em trai học nghề, nên khoản viện phí để bố chị điều trị là một vấn đề nan giải. Biết chuyện này, anh J đã chủ động hỗ trợ để bố chị Phương được nhập viện điều trị.
Sau khi sắp xếp xong, cặp đôi ra Phú Quốc tìm việc làm. “Khi đó là tháng 6, trời nắng chang chang, anh đã chở tôi đi rải hồ sơ xin việc khắp nơi. Sau 2 tháng thất nghiệp, cuối cùng tôi cũng tìm được công việc trợ lý giám đốc và tự chủ được kinh tế cho gia đình”, chị Phương chia sẻ.
Mùa thu năm 2017, bố Phương bị bệnh viện trả về. Chị đã xin nghỉ việc để về bên ông. Những ngày đó, anh J gọi video cho chị mỗi ngày. Thấy người mình yêu cố gắng kìm nén cảm xúc khi chứng kiến cơn đau của bố, thấy người con gái mình thương âm thầm khóc một mình sau chái nhà, anh J cũng khóc theo.
Hôm bố chị Phương qua đời, anh J muốn về ngay để động viên chị. Nhưng, lo ngại mình sẽ thành tâm điểm chú ý nên 3 ngày sau tang lễ, anh đã tự tìm đường về nhà chị Phương trong sự ngỡ ngàng của mọi người.
Lo xong việc của bố, chị Phương trở lại Phú Quốc và quyết định mở một công ty du lịch. Vẫn là anh J sát cánh bên chị trong khoảng thời gian này.
Anh đi phát tờ rơi quảng cáo tour cùng chị khắp các đường phố và trong những resort. Khi đi đạp xe thể dục, anh cũng in tờ rơi dán trên balo để người ta nhìn thấy. Lúc công ty được nhiều khách hàng và resort biết đến, anh hỗ trợ bạn gái làm website. "Một phần nhờ có anh, tôi trau dồi thêm phong cách làm việc chuyên nghiệp", Phương bộc bạch.
Khi đã có sự nghiệp của mình, chị Phương mới tự tin nhận lời về thăm quê của bạn trai vào tháng 3/2018. Trong 3 tháng ở đây, anh J đã dẫn chị đi chơi khắp các danh thắng. Chị cũng được anh J đưa về thăm trường đại học của mình và được anh cầu hôn ở đây.
"Kia là anh của thời đi học non trẻ và đây là anh ngày nay trưởng thành, chín chắn và trở thành phiên bản tốt hơn. Cảm ơn em và khoảng thời gian chúng ta bên nhau. Em đồng ý cưới anh chứ?", anh J cầu hôn và nhận được cái gật đầu của cô gái mình yêu.
Tháng 8/2019, sau 4 năm bên nhau, cặp đôi tổ chức lễ cưới tại Việt Nam theo phong tục của người Thái. Ngày cưới, nhà trai gồm 20 người thuê khách sạn cách nhà cô dâu 20km để chuẩn bị các thủ tục đón dâu. Mọi người mặc áo dài, khăn đóng và đem dàn tráp gồm sính lễ để đi hỏi vợ.
Đáng nói, đúng hôm đón dâu thì trời mưa rất to khiến con đường đất đỏ sinh lầy và trơn đến mức không thể đi nổi. Nhà trai đã phải thuê xe công nông chở nông sản để đến nhà gái hỏi vợ. Trong đám cưới, mẹ anh J đã trao một đôi vòng bạc cho mẹ cô dâu để đền đáp công sinh thành dưỡng dục.
Sau khi cưới, vợ chồng chị Phương vẫn ở Việt Nam, tới năm 2021 mới chuyển sang Thụy Sĩ định cư. Lúc mới sang đây, vợ chồng chị sống chung với bố mẹ chồng 2 tháng rồi chuyển ra riêng cách đó không xa.
“Bố mẹ chồng rất vui vì chúng tôi về Thụy Sĩ. Do 2 vợ chồng ở Việt Nam hẳn 5 năm và tôi từng không muốn về Thụy Sĩ sống, nên khi tôi chịu đưa 2 cháu về thì ông bà rất vui. Có một kỷ niệm khiến mình nhớ mãi, đó là lúc tôi mới đến đây, bố mẹ chồng đã treo lá cờ tổ quốc Việt Nam để chào đón tôi, điều này khiến tôi rất xúc động”, nàng dâu Việt chia sẻ.
Cuộc sống nơi đất khách quê người khiến 9X gặp khá nhiều khó khăn trong việc hòa nhập từ giao tiếp, đi lại, chi phí sinh hoạt… Chị Phương chia sẻ, chị khá thành thạo tiếng Anh, nhưng vùng chị sinh sống thì người dân lại nói tiếng Pháp, nên chị bắt buộc phải học tiếng Pháp để giao tiếp. Chị mất rất nhiều thời gian để học vì tiếng Pháp không phải dễ.
Hơn nữa ở đây rất khó xin việc mình yêu thích nếu không nói được 1 trong 3 tiếng địa phương là Pháp, Đức hoặc Ý. Do đó, chị đã mất hơn 1 năm mới tìm được công việc làm thêm đầu tiên. Và đến thời điểm hiện tại, chị Phương còn viết sách, thể loại tự truyện.
Chị Phương cũng cảm thấy, người Thụy Sĩ khá lạnh lùng và khó gần nếu họ không biết mình, nên khó giao lưu và kết bạn. Điều này ngược hẳn với tính cách và cuộc sống của chị ở Việt Nam, nên chị rất buồn trong thời gian đầu vì không có nhiều bạn bè.
Bên cạnh đó, Thụy Sĩ vô cùng đắt đỏ nên thời gian đầu mới qua đây, chị rất sốc về giá cả, mọi chi phí gần như gấp 8 đến 10 lần ở Việt Nam, nên đi đâu chị cũng hay quy ra tiền Việt rồi tự sợ.
Trong vấn đề đi lại, chị cũng gặp nhiều khó khăn do không biết lái ô tô nên phải phụ thuộc vào chồng, gia đình chồng hoặc phương tiện công cộng. Lúc đầu chị cảm thấy khá bất tiện nhưng giờ quen rồi nên dễ dàng hơn.
“Mọi khó khăn đã bớt đi trong năm thứ 2, tôi đã tham gia vài khóa học tiếng Pháp để giao tiếp. Tôi đã tìm được việc làm thêm, kết thêm bạn bè để có cơ hội thực hành tiếng Pháp. Ngoài ra bố mẹ chồng cũng hỗ trợ tôi rất nhiều trong tài chính, đưa tôi đi đây đó cho thoải mái tinh thần, phụ giữ con cho tôi và đặc biệt luôn ở bên tâm sự, chia sẻ nếu tôi cảm thấy buồn”, chị Phương chia sẻ.
Kết hôn hơn 5 năm, giữa bố mẹ chồng Thụy Sĩ và nàng dâu Việt không hề có mâu thuẫn nào, ngay cả trong việc nuôi con chăm cháu. Nàng dâu Việt cho biết: “Cách nuôi con của mình và bố mẹ chồng tuy khác nhau, nhưng cả gia đình luôn chọn cách trao đổi để hiểu nhau và thống nhất làm sao để tốt nhất cho con và cả nhà. Tôi cũng luôn hỏi ông bà nên không có xung đột nào cả”.
Tình cảm vợ chồng vẫn luôn hòa hợp khi cả hai biết chia sẻ với nhau từ công việc nhà đến chăm con, luôn minh bạch trong chuyện tài chính và luôn tôn trọng nhau, trao đổi với nhau trước khi đưa ra quyết định.
“Trong cuộc sống hôn nhân gia đình, tôi thấy quan trọng nhất vẫn là vấn đề giao tiếp. Mọi thứ tôi đều có thể trao đổi với nhau trên tinh thần tôn trọng nhau, lắng nghe và thấu hiểu cho đối phương. Không phải ai đúng ai sai mà là sự khác biệt, nên nếu không lắng nghe và hiểu thì rất khó để chung sống.
Ngoài ra, dù áp lực cơm áo gạo tiền nhưng vợ chồng tôi vẫn phải giữ thói quen lãng mạn với nhau. Thường xuyên hẹn hò, tặng quà và giữ cách nói chuyện lịch sự với nhau, thể hiện tình cảm với nhau như trước. Bên cạnh đó, cần chân thành ghi nhận, biết ơn mọi nỗ lực mà đối phương đã cố gắng, làm vì mình và ngược lại. Có như vậy gia đình mới hòa thuận, êm vui được”, chị Phương bày tỏ.