Một cuộc chia tay có tính cá nhân khi biến thành drama thì không ai thực sự là người chiến thắng ngoại trừ mạng xã hội và những người thích bàn tán.
Vụ việc lùm xùm giữa streamer ViruSs (Đặng Tiến Hoàng) và hot TikToker Ngọc Kem (Trần Nguyễn Hồng Ngọc) thu hút sự chú ý của dư luận những ngày qua. Sau gần một năm hẹn hò, thay vì kết thúc trong êm đẹp, cả hai đã công khai chỉ trích lẫn nhau trên mạng xã hội, tạo nên một làn sóng tranh cãi. Khởi đầu bằng việc Ngọc Kem tố cáo ViruSs ngoại tình bằng một buổi livestream với gần 200.000 lượt xem, trong đó cô tố cáo ViruSs phản bội và tuyên bố có đủ bằng chứng để chứng minh điều này. Cô cho biết trong thời gian yêu nhau, ViruSs không chỉ đưa một mà nhiều cô gái về nhà và cô đã nhiều lần tha thứ nhưng không thể chịu đựng được nữa. Ngọc Kem cũng cảnh báo nếu ViruSs tiếp tục chối bỏ, cô sẽ công khai toàn bộ bằng chứng ngoại tình mà cô đang nắm giữ.
Ngay sau đó, ViruSs đăng tải video dài hơn 13 phút trên kênh cá nhân để đáp trả. Anh bày tỏ sự thất vọng trước cách hành xử của Ngọc Kem và phủ nhận việc phản bội cô trong thời gian yêu nhau. ViruSs khẳng định trong quá trình yêu nhau, anh toàn tâm toàn ý và công khai mối quan hệ trên mạng xã hội. Anh cũng cho biết bản thân đã từng trân trọng mối quan hệ này.
Sự việc đã gây ra nhiều luồng ý kiến trái chiều trong dư luận. Giữa lúc drama tình ái giữa ViruSs và Ngọc Kem căng thẳng, rapper Pháo, Emma Nhất Khanh xuất hiện, họ không “livestream” nhưng… hát rap. Bản rap “Sự nghiệp chướng” của Pháo tạo hit, đạt 3 triệu lượt view sau 20 giờ. Dư luận hả hê, “tra nam” bị lôi ra ánh sáng.
Công khai để tìm công lý hay “nuông chiều” cảm xúc nhất thời hoặc “tất cả chỉ là content thôi”
Một số người chọn cách phơi bày sự thật vì cảm thấy mình bị tổn thương, muốn nhận được sự đồng cảm từ công chúng. Nhưng cũng có những trường hợp, việc làm này chỉ là hành động bộc phát vì giận dữ hoặc cũng có khi tranh thủ tạo drama. Và chúng ta đều là người ngoài cuộc, không thực sự biết sự thật, mục đích của người trong cuộc là gì.
Nhiều người đứng về phía Ngọc Kem, cho rằng việc cô livestream tố cáo ViruSs là cách để vạch trần sự thật. Họ tin rằng khi bị tổn thương, phụ nữ có quyền lên tiếng để bảo vệ bản thân và cảnh báo cho những người khác.
Dư luận luôn không thể kiểm soát, sự chiến thắng ngoài mong đợi cũng kéo theo cả những luồng ý kiến trái chiều và vô tình người chủ động có thể lại vô tình trở thành nạn nhân. Sự việc tiếp tục leo thang và cái kết luôn nằm ngoài tầm kiểm soát.
Một bộ phận lại nghi ngờ động cơ đằng sau việc này. Có ý kiến cho rằng, khi hai người đã chia tay, việc tiếp tục tố cáo trên mạng xã hội có thể mang tính chất "tận dụng drama để thu hút sự chú ý". Bởi lẽ, không thể phủ nhận rằng mỗi drama tình ái như thế này đều kéo theo lượt xem khổng lồ, giúp những người trong cuộc được nhắc đến nhiều hơn.
Tuy nhiên, có một thực tế là mọi cuộc chia tay luôn đau đớn, nếu không kiểm soát cảm xúc mà biến nó thành cuộc đấu tố công khai, cả hai sẽ càng thêm tổn thương. Sau khi cơn nóng giận qua đi, những gì đã nói ra trên mạng không thể thu lại, và chính người trong cuộc có thể phải hối hận vì đã đẩy sự việc đi quá xa.
Việc công khai những mâu thuẫn cá nhân trên mạng xã hội không chỉ ảnh hưởng đến hình ảnh của người trong cuộc mà còn tạo ra môi trường tiêu cực cho cộng đồng mạng. Trong thời đại số hóa, mọi hành động và phát ngôn đều có thể lan truyền nhanh chóng và khó kiểm soát.
Có những trường hợp bắt buộc phải được đưa ra ánh sáng nếu là vi phạm pháp luật, bạo hành hay lừa đảo. Tuy nhiên, nếu chỉ là những mâu thuẫn tình cảm cá nhân, thì việc giữ lại cho riêng mình có thể là một lựa chọn tốt hơn. Vì một khi đã đưa lên mạng, "cái kim" trong bọc lòi ra có thể đâm ngược lại chính người tiết lộ nó, biến họ thành tâm điểm công kích của dư luận.
Người trưởng thành không cần thiết phải chứng minh ai đúng ai sai trên mạng xã hội. Khi tình yêu không còn, điều tốt nhất là tôn trọng nhau và để mọi thứ kết thúc trong bình yên.
Trong một số trường hợp, im lặng không có nghĩa là che giấu, mà là lựa chọn để tránh những tổn thương không cần thiết. Thay vì để mạng xã hội phán xét, tốt hơn hết là biết khi nào nên lên tiếng và khi nào nên im lặng bước đi. Giải quyết mâu thuẫn một cách văn minh, tôn trọng lẫn nhau và hạn chế đưa những vấn đề cá nhân lên mạng xã hội trong bất cứ hoàn cảnh nào luôn là “nước cờ” đúng đắn.
Một cuộc chia tay văn minh giúp cả hai có thể dễ dàng bước tiếp mà không bị ám ảnh bởi quá khứ. Khi một mối quan hệ kết thúc trong ồn ào, nó không chỉ kéo dài sự đau khổ mà còn ảnh hưởng đến mối quan hệ trong tương lai.
Những điều tiêu cực lan truyền trên mạng xã hội có thể trở thành vết thương khó lành, cản trở cả hai trong hành trình tìm kiếm hạnh phúc mới.
Còn nếu “đây chỉ là content thôi” thì lợi bất cập hại chắc rồi!