Con nít thì nhỏ xíu, nhưng lại phải gánh những trận giông không phải của mình.
Cái miệt vườn năm nào người ta hay gọi là "đất lành chim đậu" nay sao nghe rộn ràng mà không thấy an vui. Mùi trái chín đầu mùa chẳng còn át nổi cái khét lẹt của những lời hơn thua. Khói bốc lên từ những bếp lửa, không phải để nấu nồi cá lóc kho tộ cho bữa cơm chiều, mà là để hơ nóng những câu chữ nặng trịch trên mạng xã hội mà hổm rày làng trên xóm dưới người ta xôn xao xôn xao hết cả một vùng quê.
Bà Ba lau nước mắt rầu rầu nói cho bà Tư hàng xóm: "Ba má nó gây lộn 5 năm nay, mẹ nó ẵm nó biệt xứ, rồi hổng hiểu sao, mấy nay tụi nó bắt chước ai mà lên mạng moi hết chuyện nhà cho bà con xóm giềng phân xử dùm. Đứa nào cũng nói thương con, nghĩ cho con. Mà sao tụi nó có lớn chớ hổng có khôn".
Ở quê, người ta hay ngồi uống cà phê trước hẻm, buôn dưa lê chuyện thiên hạ. Nhưng bây giờ, cái quán cà phê lớn nhất là cái mạng xã hội. Chuyện nhà người khác, bỗng dưng thành chuyện bàn cơm nhà mình. Hàng trăm, hàng ngàn cái miệng như bến đò lúc nước lớn - ồn ào, tấp nập, rồi cũng cuốn theo bao nhiêu phù sa của đứa nhỏ.
Má nó thì mơ hồ nhưng cũng rất rõ ràng nói ba nó sống hổng ra gì.
Ba nó úp mở mà cũng rất quyết liệt nói má nó hổng biết chăm lo vun vén gia đình gì ráo trọi.
Con rạch trước nhà từng soi bóng trăng, nghe tiếng ai vọng cổ buồn buồn, giờ lặng im, đục ngầu. Và giữa dòng nước ấy, một chiếc vỏ lãi con con trôi lơ thơ, không dây neo, không người lái. Trên đó, có một đứa trẻ đang ngồi co ro. Nó không khóc, tại nó nhỏ xíu, nó có biết gì ráo đâu. Chỉ là người ta cám cảnh cho cái ngày nó hổng là con nít nữa, nên là cầm lòng hổng đặng.
Ngày xưa, người lớn giận nhau thì đóng cửa mà nói. Bữa nay, chuyện trong bếp cũng đem ra giữa chợ, rồi quay phim, phát sóng, mời thiên hạ vô góp ý. Cái ổ rơm từng là nơi ấm áp nhất đời con nít, giờ hóa thành một cái sân khấu, nơi người lớn mặc áo giáp mà tổn thương nhau không ngơi tay.
Cái nhà không còn là nơi để con nít về nữa. Nó như cái vó bị rách, giăng lên mà chẳng giữ được gì ngoài những câu chuyện dở dang. Mỗi lần cha mẹ ném vào mạng xã hội một câu nói, là một lần cái lưới trong lòng con nít bị rách toạc thêm chút, tương lai con nít lại bớt chút bình yên. Mỗi vết rách, là một mảnh tuổi thơ bay mất.
Đứa nhỏ mốt đi học hổng dám nhìn bạn. Tụi nhỏ khác cần gì biết thiệt hơn, chỉ cần nhớ cái mặt người lớn trên tivi hôm qua, cãi lộn, tố nhau, khóc lóc. Con nít bị nhìn bằng con mắt thương hại, mà cái kiểu thương đó như lưỡi câu ngụy trang trong miếng mồi, móc chặt vào lòng tự trọng của đứa con nít.
Người lớn thì còn có thể tự giải thích, bào chữa. Còn con nít, biết lấy gì để gột rửa cái tiếng thị phi đó ra khỏi tên mình? Người lớn cứ tưởng trẻ con không hiểu. Nhưng chèn ơi tụi nó hiểu hết. Hiểu theo cái cách của một cây me non bị gió quật giữa đồng - không gãy liền đâu, nhưng nó nghiêng, nghiêng mãi rồi méo mó. Rồi tới một lúc, chúng chẳng còn muốn tin vào cái gọi là gia đình nữa. Nhìn người lớn, không còn thấy bóng cây chở che, mà chỉ thấy những cái bóng to lớn đang tranh giành cái ánh sáng vốn dĩ lẽ ra phải dành cho mình.
Không ai kể chuyện cổ tích, không ai dạy con chữ nghĩa. Mà thay vào đó là giấy tờ kiện tụng, những livestream dài hàng giờ và những cuộc tranh cãi không đầu không đuôi. Đứa nhỏ lớn lên giữa tiếng thở dài và tiếng gõ bàn phím. Không có ai để dựa.
Miền Tây mà, mùa nước nổi mấy cũng sẽ rút. Cái đục rồi sẽ lắng nếu người ta chịu ngừng khuấy. Chỉ xin người lớn, hãy dừng lại một chút, nhìn về cái bến nhỏ nơi đứa con mình vẫn đứng chờ, đứa con nít vốn dĩ không muốn chọn phe, chỉ muốn được nắm tay ai đó mà đi tiếp.
Miệt vườn nào rồi cũng có mùa ra bông, nếu người ta chịu cất dao, trồng lại. Nhưng nếu cứ mãi hơn thua, thì lũ phù sa non ấy - lũ con nít - sẽ chẳng bao giờ có được mùa ngọt. Chúng sẽ lớn lên, nhưng trong lòng chỉ còn toàn bất an, toàn sỏi đá.
Người ta hỏi: "Ai đúng ai sai?"
Tui thì hỏi: "Con nít đã ăn cơm chưa? Nó có cười không?"
Bởi vì, cái kết có hậu nhất trong một gia đình hổng phải coi ai thắng ai thua, hổng phải coi ba má con nít có còn hạnh phúc với nhau không, tại vì không hạnh phúc với nhau thì cũng thôi đi, nhưng quan trọng là: Ai bảo vệ tương lai lũ con nít này bây giờ đây?
Cha mẹ mà, lẽ ra phải là hai bờ sông ôm lấy đứa con mình. Dù nước có cạn, phù sa có nghèo, cũng phải là chỗ cho con cắm rễ. Nhưng bây giờ, họ lo đi xây đập chắn nhau, bơm nước lên ruộng mình, rồi để mặc con lẻ loi giữa cái đồng khô cháy nắng.
Hỏi xong, mà thấy lòng tự nhiên rầu rầu.