Có những cặp vợ chồng sau khi đổ vỡ mãi mãi không còn muốn nhìn mặt nhau. Nhưng cũng có những cặp đôi dù hôn nhân đã kết thúc vẫn mang hoài niệm về quãng thời gian xưa cũ trong cuộc hành trình mới của mình. Để rồi một lúc nào đó, sự yếu mềm lại dẫn họ về cõi "trai thương vợ cũ, gái nhớ chồng xưa" và vô tình kéo theo nhiều hệ luỵ sau đó...
Gần 8 năm kết hôn nhưng hạnh phúc của vợ chồng chị Nguyên và anh Khang chỉ ấm êm trong một, hai năm đầu. Sau đó, do khoảng cách về trình độ học vấn, bất đồng quan điểm sống là những vấn đề khiến cho vợ chồng anh chị phải đặt dấu chấm hết cho cuộc hôn nhân của mình. Chia tay, mỗi người nhận nuôi một đứa con, không yêu cầu đối phương cấp dưỡng nuôi con nên họ không còn gì liên quan đến nhau nữa.
Không lâu sau đó, cả hai anh chị đều lần lượt tái hôn để tìm hạnh phúc mới, với mong muốn nhanh chóng thoát ra khỏi quá khứ đổ vỡ. Thoạt nhìn vào tổ ấm của hai người ai cũng nghĩ có lẽ việc ly hôn của họ trước đó là… đúng đắn. Vì có vẻ như cả hai đều hạnh phúc với cuộc hôn nhân mới.
Tuy nhiên cũng không lâu sau ngày họ bước vào hai cuộc hôn nhân mới, bạn bè và những người quen biết bỗng nhiên thấy anh Khang và chị Nguyên thường xuyên gặp lại nhau. Điều mà trước đây cả hai không muốn nghĩ tới. Thậm chí, đôi khi họ còn đưa cả hai đứa con chung đi ăn uống ở đâu đó. Ai thắc mắc hay tò mò hỏi han, chị Nguyên lý giải ly hôn rồi không là vợ chồng nữa nhưng vẫn là bạn của nhau. Vả lại, vì những đứa con, họ vẫn có quyền được gặp gỡ và giao lưu với nhau bình thường. Nghe thì có vẻ là vậy và xét về lý thì cũng chẳng có gì sai.
Ảnh minh họa
Ấy vậy nhưng thỉnh thoảng người ta lại bắt gặp những cử chỉ yêu thương, chăm sóc chị Nguyên dành cho anh Khang giống như vợ chồng vẫn thường dành cho nhau. Có lúc chị tìm đến tận cổng cơ quan anh đưa cho anh cái áo chị vừa mua để tặng anh. Chị bảo hôm nay tan làm rảnh rỗi đi siêu thị mua đồ cho “chồng mới”; tiện thể chị mua cho “chồng cũ” cái áo sơ mi. Chị bảo ngày trước còn chung sống với nhau, mua quần áo cho anh Khang toàn một tay chị nên số đo, màu sắc cũng như kiểu dáng chị đều mua phù hợp. Lý do chị mua đồ tặng anh Khang là do thấy anh “xuống mã” quá.
Sự thật thì từ ngày ly hôn rồi có vợ mới, anh Khang mất hẳn cái vẻ tươm tất ngày nào. Cũng tại cô vợ mới vụng đường chợ búa, chăm sóc cho chồng. Bình thường chuyện mua sắm cho chồng hầu như cô không đụng đến. Sở thích thời trang của ai thế nào người đó tự đi mua sắm. Bởi vậy, anh Khang mất phong độ trông thấy khi rời xa sự chăm sóc kỹ càng của chị Nguyên. Mỗi lần gặp lại chồng cũ, chị Nguyên cứ thấy… thương thương. Vậy là mỗi lần mua sắm, chị lại tiện thể mua nốt cho anh Khang.
Không chung sống với nhau hàng ngày nữa nên những bất đồng mâu thuẫn cũng ít xảy ra, gặp lại nhau chị Nguyên và anh Khang lại bỗng nhiên thấy dễ chịu khác lạ. Họ chia sẻ về cuộc hôn nhân mới, phàn nàn về những người chồng, người vợ hiện tại không hiểu mình như người cũ. Một chút nuối tiếc len lỏi trong họ. Giờ đi đâu, ai có hỏi, chị Nguyên cũng bảo với chồng cũ chị hết yêu nhưng vẫn còn thương nhiều lắm. Do đó, sự chăm sóc hay quan tâm anh vẫn còn trong chị là chuyện đương nhiên. Dẫu sao thì họ cũng đã có với nhau một quãng thời gian dài chung sống. Nghe chị Nguyên nói, có người bảo ly hôn rồi nhưng vẫn giữ được tình bạn thân thiết thì quý lắm, nhưng cũng có người nói chị Nguyên nên dừng cái sự “hết yêu nhưng vẫn còn thương” ấy lại nếu không có ngày sẽ gặp hoạ.
Chuyện hết yêu chồng cũ nhưng vẫn còn… thương của chị Nguyên một ngày đến tai anh chồng mới. Dù chị đưa ra đủ mọi lý do để thanh minh cho sự trong sạch của mình nhưng anh chồng mới vẫn không tin. Anh ta bảo chỉ có người mất trí thì mới tin điều ấy. Chẳng có lý gì một người đang chung sống với người mới mà vẫn để tâm lo cho người cũ từng manh áo; thỉnh thoảng lại còn giãi bày tâm sự với nhau. Anh ta còn bảo đến pháp luật còn rạch ròi, đưa ra hẳn cả ranh giới giữa mới và cũ. Vậy tại sao anh ta lại không có quyền ngăn cấm vợ mình chấm dứt hẳn mọi quan hệ với người cũ.
Ảnh minh họa
Cứ thế cơn ghen của anh chồng mới đốt cháy âm ỉ hạnh phúc mới của chị Nguyên. Oái oăm, càng bị chồng mới hành hạ bao nhiêu thì chị lại càng cảm thấy cô đơn, muốn tìm về người cũ để được sẻ chia, được che chở như thuở nào. Vậy là “tình cũ không rủ cũng tới”, chị Nguyên ngày càng công khai chuyện đi lại với chồng cũ của mình hơn. Chị bảo vì đứa con chung, không thể cắt đứt tình cảm mẹ con khi đã ly hôn, nhưng thực chất là chị muốn tìm lại cảm giác bình yên mà một thời chị đã có được với anh Khang.
Đôi lúc ngồi ngẫm nghĩ lại, chị mới thấy họ đã chia tay quá vội vã. Nếu lúc đó hai người đừng hiếu thắng, đừng đưa cái tôi của mình đặt lên hàng đầu thì có lẽ đến giờ phút này họ không phải đối mặt với chuyện người cũ, người mới rắc rối và không kém phần đau khổ.
Bên kia, cô vợ mới của anh Khang cũng chẳng ngồi yên nhìn chồng qua lại với vợ cũ, dù là dưới danh nghĩa quan tâm nhau để cho các con có cảm giác vẫn còn bố mẹ chăm sóc yêu thương đầy đủ, không bỏ rơi chúng khi hai người có gia đình mới. Cô tìm đến chị Nguyên dùng lời lẽ của một người vợ hợp pháp hiện tại để vạch ranh giới giữa chồng và vợ cũ của anh. Một mặt, cô kéo chồng chị Nguyên vào cuộc để “giữ vợ”, không để chen chân vào hạnh phúc của gia đình cô. Chuyện lẽ ra của hai người thì bây giờ trở thành cuộc chiến của cả 4 người. Sự ghen tuông xuất phát từ sự “mập mờ” của mối quan hệ chồng cũ, vợ cũ khiến hai cuộc hôn nhân gặp sóng gió.
Một ngày, chồng chị Nguyên “tức nước vỡ bờ” khi vợ nói dối mình để cùng chồng cũ đưa hai đứa con về quê dự đám cưới họ hàng. Khi chị Nguyên quay về cũng là lúc anh đưa ra tờ đơn ly hôn đã được ký sẵn. Bên kia, vợ anh Khang cũng chẳng đủ bao dung để tha thứ cho chồng nên đã bế con về bên ngoại sống ly thân. Vì đứa con, cô muốn họ có một khoảng thời gian nhìn nhận lại tất cả để có thể tiếp tục nữa hay không. Hạnh phúc thêm một lần nữa đổ vỡ, chị Nguyên biết chẳng thể tiếp tục chung sống lâu dài với người đàn ông mà chị thấy không bằng “chồng cũ”. Chỉ khổ những đứa trẻ, sau những sai lầm của người lớn là chúng không còn được sống trong một mái ấm gia đình hạnh phúc, có đầy đủ sự chăm sóc, nuôi dưỡng hàng ngày của bố mẹ.
Cuộc sống càng hiện đại đã và đang cuốn cuộc sống gia đình vào cơn lốc xoáy thị trường, khiến những người chồng, người vợ không đủ kiên nhẫn để thấu hiểu, chia sẻ cho nhau mỗi ngày. Hậu quả, mâu thuẫn nảy sinh khiến những cuộc hôn nhân đổ vỡ chỉ vì một lý do hết sức đơn giản. Để rồi sau một thời gian bình tĩnh lại, họ mới chợt nhận ra sự vội vã của mình nhưng làm lại thì đã quá muộn, vì hoàn cảnh của mỗi người lúc bấy giờ đều trong tình trạng “ván đã đóng thuyền”. Thêm vào đó, cái mới lại không bằng cái cũ nên trong sự hoài niệm, họ vô tình rơi vào trạng thái “nhớ cũ thương xưa”. Kết quả là những cuộc tình kiểu “trai thương vợ cũ, gái nhớ chồng xưa” lại lần lượt xuất hiện. Hệ luỵ là cuộc sống gia đình mới bất ổn, lại một lần xáo trộn, thậm chí là thêm một lần đổ vỡ.