Chị nói kể từ lúc hai vợ chồng kết hôn thì hạnh phúc của chị đã xuất hiện “người thứ ba” đầy quyền uy khiến tổ ấm của anh chị luôn bất ổn. Khổ nỗi, chị chẳng thể lấy quyền của người vợ để trừng trị “người thứ ba” này, còn chồng chị thì lúc nào cũng tuyên bố không thể nào bỏ được người phụ nữ ấy.
“Chiều nay, mấy mẹ con ăn cơm đi nhé. Anh về bên nhà, mẹ đăng ký hai suất ăn bữa cơm đại đoàn kết của ngõ rồi. Ăn xong, nếu uống nhiều quá, say thì anh ngủ bên mẹ luôn…”, cuối ngày anh gọi điện thoại về cho vợ. Chị nghe chồng nói vậy thì bực bội: “Anh không nhớ hôm nay ngõ nhà mình cũng tổ chức ăn cơm đại đoàn kết à? Em đã đóng tiền cho mình 4 suất rồi đấy”. “À, ừ, anh quên mất, anh về bên mẹ rồi. Em và con cứ ăn ở khu nhà mình đi nhé. Giờ về, mẹ lại giận”, anh nói rồi tắt máy luôn khiến chị càng bực hơn. Đây không phải là lần đầu tiên, anh lỡ hẹn hoặc thất hứa với chị và các con vì những kế hoạch đột xuất với mẹ chồng.
“Mẹ chồng tôi không khác gì “người thứ ba” chen chân vào hạnh phúc của chúng tôi. Nguy hiểm hơn, đây là “người thứ ba” quá đặc biệt, tôi không thể nào loại bỏ được”, chị nói trong nỗi buồn pha lẫn ấm ức.
Anh là con một trong gia đình, ngày đầu tiên về ra mắt bố mẹ anh, chị đã nhận thấy sự không ưa của mẹ chồng đối với mình. Sau nhiều lần gặng hỏi, anh bảo bà không thích gốc gác thôn quê của chị, chỉ muốn cưới con dâu môn đăng hộ đối “xuất thân” thành thị. Nhưng quan trọng là anh yêu chị và nhất quyết chỉ cưới chị chứ không chịu cưới người nào khác nên bà đành miễn cưỡng đồng ý. Trái ngược với mẹ chồng, bố chồng chị lại rất trân trọng con dâu. Ông luôn làm cầu nối, xoa dịu mọi hiềm khích của vợ đối với con dâu. Mỗi khi chị chịu ấm ức bởi mẹ chồng, ông lại an ủi, động viên chị bỏ qua để gia đình hòa thuận. Vì có “đồng minh” tốt như vậy nên chị cũng bớt đi những tủi thân ấm ức.
Ảnh minh họa
Cưới về, sống chung với bố mẹ chồng được một năm thì chị nói ra mong muốn sống riêng để tránh mâu thuẫn nảy sinh hàng ngày. Mẹ chồng chị tất nhiên không đồng ý vì bà không muốn sống xa đứa con trai yêu quý của mình, nhưng bố chồng thì ủng hộ. Ông bảo, con cái lớn rồi, cuộc sống hai thế hệ không thích hợp nên cứ sống riêng, bao giờ họ già yếu cần sự chăm sóc của con cháu thì bấy giờ dọn về sống chung lại. Vì sự cứng rắn của ông mà vợ chồng chị được dọn ra ngoài sống riêng dù mẹ chồng phản đối quyết liệt. Cứ ngỡ, sống riêng rồi, cuộc sống của họ sẽ không còn bị mẹ chồng chi phối, nhưng không ngờ bà trở thành “người thứ ba” luôn dùng đủ mọi cách để kéo chồng chị về bên bà.
Chị kể, bà biết rõ lịch trình của hai vợ chồng hàng tuần vì lúc nào cũng gọi điện cho con trai hỏi hôm nay làm gì, ngày mai đi đâu sau giờ làm, rồi cuối tuần có kế hoạch gì… Khi đã nắm rõ thời gian của con trai, bà bắt đầu lên kế hoạch đi chỗ nọ, mua cái kia, rồi lúc thì khám răng, lúc khám mắt… để kéo con trai về bên nhà mỗi khi con rảnh rỗi. Điều đó khiến cho lịch trình của chị sắp xếp luôn bị nhỡ kế hoạch, hoặc nếu có tiến hành thì sẽ vắng mặt anh.
“Đôi khi, bà còn dùng cả chiêu trò ốm đau để chồng tôi về bên đó rồi ở lại một hai hôm cuối tuần. Cứ thế, bà tách tôi và chồng khỏi nhau một cách chính đáng. Rất nhiều lần, tôi đưa bà ra so sánh thì anh bảo tôi “có vấn đề” khi “ghen” với mẹ chồng. Càng ngày, tôi càng nhận rõ sự chen chân của bà vào tình cảm của vợ chồng tôi, nhất là từ khi bố chồng tôi qua đời”, chị kể.
Kỷ niệm 10 năm ngày cưới, chị lên kế hoạch nhờ bà ngoại lên trông hộ con, hai vợ chồng cắt phép mấy ngày để đi du lịch hâm nóng lại tình cảm. Mẹ chị ủng hộ để các con thắt chặt thêm tình cảm nên sắp xếp công việc đồng áng lên thành phố trước một tuần để chị hướng dẫn việc ăn uống, đưa đón cháu đến trường học. Thế nhưng ngược lại, mẹ chồng biết chuyện thì lại âm thầm lên “kế hoạch ốm” để bắt con trai vào viện chăm sóc mình. Trước ngày vợ chồng xuất phát, chị nhận được tin mẹ chồng nhập viện điều trị. Tìm hiểu thì bệnh tình bà chẳng nghiêm trọng nhưng cứ nhất quyết nhập viện để điều trị kiểu “an dưỡng” theo chế độ bảo hiểm 15 ngày.
Khi vào viện rồi, bà lại làm bệnh thêm trầm trọng bằng việc kêu đau chỗ nọ, chỗ kia để con trai không yên tâm đi chơi mà phải ở nhà chăm sóc mẹ. Chồng chị, tất nhiên chẳng nhìn thấy “chiêu” của mẹ mà luôn tin mọi điều bà nói, thậm chí anh còn lo lắng bội phần hơn. Vậy là chị đành hủy chuyến du lịch kỷ niệm 10 năm ngày cưới ngọt ngào của hai vợ chồng để anh vào viện chăm sóc mẹ. Mấy ngày phép đó, anh luôn túc trực trong bệnh viện, không còn tâm trạng để nghĩ đến mấy chuyện lãng mạn vợ sắp xếp. Thậm chí, bữa cơm liên hoan kỷ niệm, chị tổ chức ở nhà để bù lại cho chuyến du lịch không thực hiện được cũng bị mẹ chồng làm cho gián đoạn. Trong khi hai vợ chồng và con đang vui vẻ cắt bánh, nâng ly chúc mừng dấu mốc hạnh phúc thì mẹ chồng liên tục gọi cho anh hỏi công việc xong chưa, bao giờ vào bệnh viện với bà, rồi dặn vào nhanh để mua thuốc…
Ảnh minh họa
“Thấy mẹ suốt ngày lôi chồng về bên đó, tôi nghĩ đến chuyện đón bà về sống chung. Nhưng không ngờ, khác với trước đây, bây giờ bà lại muốn sống riêng, có việc cần thì gọi con trai về. Bà thể hiện sự giành giật tình cảm của con trai với tôi, có những lần thay vì để chồng về một mình bên đó, tôi cũng theo về để hỗ trợ, bà tỏ vẻ không hài lòng. Sau đó, bà bảo mỗi lần có việc, tôi không cần về, chỉ cần con trai về là đủ. Nếu vui vẻ, thỉnh thoảng, cả vợ chồng con cái về ăn với bà bữa cơm là đủ. Chồng tôi theo nếp của mẹ, hễ có việc bên đó là anh về, hoặc đèo con đi cùng để lấy cớ về sau đó nếu như bà có ý định bắt anh ở lại mà tôi đang cần anh về để giải quyết việc trong gia đình”, chị kể.
Mẹ chồng chị cứ thế giành con trai về bên mình nhiều hơn. Thậm chí, có những lần hai vợ chồng cãi vã nhau, bà biết được qua lời hai đứa cháu đã cố tình khoét sâu hơn mâu thuẫn của hai vợ chồng. Bà sẽ giả vờ có việc để gọi con trai về bên nhà, rồi “đổ thêm dầu vào lửa” khiến anh giận vợ lâu hơn và ở lại bên nhà mẹ dài ngày hơn. Nếu chị không chủ động làm lành, tìm sang bên đó kéo chồng về thì có lẽ chồng chị cũng ở luôn cả tháng bên nhà mẹ. Hôn nhân của anh chị theo đó cứ lủng củng, bất ổn dần.
Chị ốm, muốn chồng ở nhà chăm sóc nhưng mẹ chồng biết chuyện lại tìm cách gọi con trai về bên đó có việc gấp. Lúc anh dắt xe đi, lòng chị thất vọng tận cùng. Suy cho cùng, chị chẳng bắt anh lựa chọn mình mà bỏ mẹ được, bởi anh nhiều lần tuyên bố dù thế nào thì với anh chữ hiếu vẫn lấy làm đầu. Lần đầu tiên, anh nói sang nhà mẹ mà chị không phản đối hay tỏ thái độ giận dỗi, bất bình. Nửa đêm, chị sốt cao, thay vì gọi cho anh thì chị lại gọi sang nhờ cô bạn hàng xóm đưa mình vào bệnh viện. Đến sáng, anh hớt hải chạy vào, nhìn vợ dù mệt vẫn tự oder đồ ăn sáng chẳng cần nhờ đến mình thì bất giác hoang mang. Mấy ngày vợ nằm viện, anh tất tả chạy vừa lo con cái vừa lo việc bên nhà mẹ. Bởi bà cũng lấy cớ mệt, sai anh lo hết cái này đến cái khác. Việc chăm sóc vợ, anh đành nhờ cô em họ đỡ đần hộ. Mấy ngày đó, trong đầu chị cũng đã nghĩ đến chuyện lần này xuất viện về nhà, việc đầu tiên làm sẽ là viết đơn ly hôn.
Bữa đó vừa về đến nhà, chị thấy trong nhà mình xuất hiện một người phụ nữ trung tuổi. Anh bảo vừa đón chị ấy từ quê lên để làm giúp việc bên nhà mẹ. Từ nay, những chuyện vặt vãnh, chuyện nhỏ mà mẹ cần giải quyết, chị giúp việc sẽ thay anh làm điều đó. Anh chỉ về với bà khi có việc thật cần, thật quan trọng, và sẽ dành thời gian nhiều hơn cho vợ con. Cuối tuần, cả anh chị và các con sẽ lại về thăm hỏi sức khỏe của bà chứ anh không “đi riêng” nữa. Chị hỏi, việc này mẹ chồng có đồng ý không, anh bảo việc này anh đã quyết chẳng ai thay đổi được. Bất chợt, chị thấy lòng ấm áp trở lại, bởi lần đầu tiên, chị thấy mình trở nên quan trọng trong suy nghĩ của chồng.