Mùa hạ chia xa của Trương Nam Hương viết theo phong cách những bài thơ về tuổi học trò mà ta vẫn thấy. Thi liệu đầy ắp những “tiếng ve”, “hoa phượng”, “cổng trường”, “lưu bút”, “giọt mực”… đã quá quen thuộc, ấy vậy mà vẫn vượt lên được sự nhàm chán bằng một cấu tứ đặc biệt. Thơ Trương Nam Hương là thế, sắc và kỹ đến từng câu, từng chữ nhưng cấu tứ thì vẫn thanh thoát:
Mùa hạ chờ em đấy biết không
Tiếng ve khản cổ hát lời mong
Đang trưa mây nõn trôi ngang phố
Giấu một cơn mưa tận đáy lòng.
Vẫn chắc mùa qua mùa trở lại
Thương ơi biết lá có xanh về
Thương ơi, năm tháng em thơ dại
Hoa phượng buồn chi mắt đỏ hoe
Bè bạn ngồi quanh những tán cây
Cổng trường chưa khép vội chia tay
Từng trang lưu bút trao nhau viết
Giọt mực nhoè lem nắng cuối ngày
Đứa cuối đường xa vẫn ngoái trông
Tuổi em - mùa hạ thắt nơ hồng
Đứa dừng chân bước đưa tay vuốt
Xem giọt mưa nào vướng mắt không.
Trương Nam Hương
Ảnh minh họa
LỜI BÌNH
Mùa hạ chia xa của Trương Nam Hương viết theo phong cách những bài thơ về tuổi học trò mà ta vẫn thấy. Thi liệu đầy ắp những “tiếng ve”, “hoa phượng”, “cổng trường”, “lưu bút”, “giọt mực”… đã quá quen thuộc, ấy vậy mà vẫn vượt lên được sự nhàm chán bằng một cấu tứ đặc biệt. Thơ Trương Nam Hương là thế, sắc và kỹ đến từng câu, từng chữ nhưng cấu tứ thì vẫn thanh thoát:
Mùa hạ chờ em đấy biết không
Tiếng ve khản cổ hát lời mong
Đang trưa mây nõn trôi ngang phố
Giấu một cơn mưa tận đáy lòng.
Bài thơ được mở đầu bằng những sắc điệu luyến láy, có trọng điểm. Nếu không tin, bạn thử hình dung tự dưng sao lại có “biết không”, “lời mong”, “mây nõn”, “đáy lòng”… để ta liên tưởng đến một tâm trạng, một lo âu gửi vào mây, vào nắng, đến gió mưa cũng khắc khoải lòng ai. Khổ thơ thứ hai bắt đầu thăng hoa những xúc cảm:
Vẫn chắc mùa qua mùa trở lại
Thương ơi biết lá có xanh về
Thương ơi, năm tháng em thơ dại
Hoa phượng buồn chi mắt đỏ hoe.
Hai lần cụm từ “Thương ơi” được lặp lại rất bất ngờ. Phải thương yêu lắm, gìn giữ lắm nên mới lo rằng: “Biết lá có xanh về” trong khi “năm tháng em thơ dại” thì cứ trôi qua trước mắt, cứ thảng thốt từng ngày. Sau tất cả những tình cảm đó là sự ngưng đọng của sắc màu. Câu thơ tứ tư hay ở chỗ trong sắc phượng (đỏ hoe) có mắt phượng. Mắt phượng cũng là mỹ nhân trăm năm mới gặp. Nhưng mùa hè, mùa chia ly đâu chỉ là câu chuyện của riêng hai người, mà đã trở thành bầu không khí bao trùm tất cả:
Bè bạn ngồi quanh những tán cây
Cổng trường chưa khép vội chia tay
Từng trang lưu bút trao nhau viết
Giọt mực nhoè lem nắng cuối ngày
Bốn câu thơ tưởng sẽ không viết cho riêng ai mà ai cũng thấy mình trong đó. Chỉ cần một câu thơ đã đủ khắc họa bức tranh tuổi học trò, mang hồn vía, mang không khí mùa thi: “Bè bạn ngồi quanh những tán cây”. Hình như đó là những hình ảnh không bao giờ có lại. Mai ngày chúng ta trở về đã ở một tâm trạng khác, vai khác trong xã hội, nên khi đọc khổ thơ này, nhận ra bóng hình xưa cũ chợt thấy thao thiết một điều gì khó nói thành lời.
Đứa cuối đường xa vẫn ngoái trông
Tuổi em - mùa hạ thắt nơ hồng
Đứa dừng chân bước đưa tay vuốt
Xem giọt mưa nào vướng mắt không.
Bài thơ khép lại bằng đôi lứa học trò, vẫn đợi nhau đấy mà không biết có dám bước tiếp hay không, thương nhau đấy mà sao không thể nói thành lời. Cứ thế, thời gian trôi qua, họ cùng bước qua tuổi học trò, cứ xa nhau rồi xa mãi đúng như cái tên của bài thơ: Mùa hạ chia xa.
Cũng như Chút tình đầu của nhà thơ Đỗ Trung Quân; Kính gửi tuổi học trò của nhà thơ Nguyễn Duy hay Ngày xưa nhớ tuổi học trò của Thanh Trắc Nguyễn Văn… đều để lại dấu ấn trong lòng bạn đọc bởi những gì lạ mà quen, xa xôi đó mà như vừa mới hôm qua, trong ký ức của thế hệ có kỷ niệm của riêng mình.