Vùng đất này được biết đến là địa điểm du lịch hút khách ở phường Phú Yên với phong cảnh hữu tình, hùng vĩ. Nơi này còn là điểm đón bình minh sớm nhất cả nước, thích hợp cho những buổi ngắm mặt trời mọc “cực chill”.
Điểm đón bình minh sớm nhất Việt Nam, được tân hoa hậu yêu thích
Mũi Điện (còn được gọi là Mũi Đại Lãnh) là một mũi đất nhô ra biển từ một nhánh của dãy Trường Sơn, hướng thẳng ra bãi Môn, thuộc địa phường Phú Yên, tỉnh Đắk Lắk. Địa điểm này cách trung tâm thành phố khoảng 35km về phía Nam và gần bến cảng Vũng Rô. Nằm dưới chân dãy đèo Cả - một trong những con đèo đẹp nhất và hiểm trở nhất Việt Nam, Mũi Điện mang đến cho khách du lịch một khung cảnh thiên nhiên hoang sơ và không kém phần hùng vĩ.
Mũi Điện từng được công nhận là điểm cực Đông trên đất liền của Việt Nam, nơi có thể nhìn thấy ánh mặt trời đầu tiên trong ngày. Tại đây đặt bia chủ quyền và cột mốc Mũi Điện để du khách check-in, đánh dấu hành trình khám phá đất nước.
Một điều đặc biệt khiến Mũi Điện trở nên nổi tiếng chính là vì nơi đây được xem là điểm đón bình minh sớm nhất trên đất liền Việt Nam. Vào những buổi sáng tinh mơ, chỉ cần thức dậy từ 4h30-5h sáng, du khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng khung cảnh mặt trời đỏ rực từ từ nhô lên khỏi đường chân trời, phản chiếu lấp lánh trên mặt biển. Ánh sáng dần nhuộm vàng những mỏm đá, hàng dương và ngọn hải đăng cổ kính, tạo nên một bức tranh bình minh vừa thơ mộng vừa kỳ vĩ.
Đặc biệt, khoảnh khắc mặt trời ló rạng ở Mũi Điện luôn được các nhiếp ảnh gia và du khách đam mê khám phá săn đón. Đó không chỉ là giây phút giao hòa giữa đêm và ngày, mà còn là biểu tượng cho sự khởi đầu, cho hy vọng và hành trình mới.
Thời gian tốt nhất để du lịch Mũi Điện là từ tháng 4-tháng 9 hàng năm, khi thời tiết ở Phú Yên khá đẹp, nắng ấm và gió mát rất thích hợp thích hợp để chinh phục ngọn hải đăng.
Nếu đến Mũi Điện, du khách nên đến hải đăng Mũi Điện được xây dựng từ năm 1890, sau đó được khôi phục và hoạt động trở lại từ năm 1997. Ngọn hải đăng màu trắng sừng sững trên nền trời xanh và biển xanh mang lại một hình ảnh ấn tượng. Đứng từ khuôn viên chân hải đăng, bạn có thể phóng tầm mắt bao quát cả một vùng biển trời bao la và cảm nhận vẻ đẹp kỳ vĩ của biển cả.
Ngọn hải đăng ở Mũi Điện sẽ là nơi du khách có thể ngắm nhìn được toàn cảnh khu vực này.
Ngay dưới chân Mũi Điện là bãi Môn - một trong những bãi biển đẹp nhất Phú Yên với vẻ đẹp hoang sơ, nước biển trong veo và bãi cát trắng mịn trải dài. Bãi biển không có nhiều dịch vụ thương mại, nên vẫn giữ được nét nguyên sơ hiếm có. Đây là nơi lý tưởng để du khách cắm trại qua đêm, đốt lửa trại, lắng nghe tiếng sóng vỗ rì rào và đón ánh bình minh ngay trên bãi biển.
Dọc bãi Môn, những khối đá tự nhiên xếp chồng lên nhau tạo nên những hình thù kỳ thú, là điểm lý tưởng cho những bức ảnh check-in. Nước biển ở đây trong đến mức có thể nhìn thấy tận đáy, thích hợp để bơi lội và lặn ngắm san hô gần bờ. Giữa không gian tĩnh lặng, chỉ có tiếng gió, tiếng sóng và tiếng chim gọi nhau, bạn sẽ cảm nhận được sự bình yên đến lạ.
Mũi Điện cũng là địa điểm du lịch yêu thích của Hoa hậu Trúc Linh. Nàng hậu tích cực đăng tải hình ảnh ở điểm du lịch này vào tháng 3 và cực kỳ hào hứng trước khung cảnh nên thơ ở vùng đất này.
Du khách check-in tại Mũi Điện.
Đến Mũi Điện du lịch, thưởng thức đặc sản gì?
Sò huyết đầm Ô Loan
Nhắc đến Phú Yên mà không nhắc đến sò huyết đầm Ô Loan là một thiếu sót lớn. Loài sò này sinh trưởng tự nhiên ở đầm nước lợ Ô Loan - cách Mũi Điện khoảng 40km nổi bật với thân hình mẩy, vỏ dày, ruột đỏ au như máu tươi và vị ngọt đậm đà đặc trưng.
Sò huyết tại đây có thể chế biến đủ kiểu: nướng mỡ hành, xào me, rang muối, nấu cháo… nhưng đỉnh cao nhất vẫn là nướng than hồng và chấm muối tiêu chanh.
Sò huyết đầm Ô Loan nổi tiếng bởi độ tươi ngon và vị ngọt đậm đà hiếm nơi nào sánh được. Những con sò béo tròn, vỏ dày, thịt đỏ au như máu được đánh bắt trực tiếp từ đầm, mang đến hương vị tự nhiên đặc trưng của vùng nước lợ. Khi nướng mỡ hành, hấp sả hay xào me, sò huyết lan tỏa mùi thơm ngây ngất, quyện cùng vị mặn mà của biển và hậu béo bùi khó quên. Ăn một lần là nhớ mãi – đó chính là lý do sò huyết Ô Loan trở thành đặc sản níu chân du khách khi đến vùng đất này.
Gỏi cá mai
Gỏi cá mai là món ăn dân dã nhưng đầy hấp dẫn, thường được người dân địa phương chế biến ngay sau khi đánh bắt cá tươi từ vùng biển quanh Mũi Điện.
Cá mai thuộc họ cá trích, thân nhỏ, trắng trong, thịt mềm, ngọt và đặc biệt không tanh như các loại cá sống khác.
Cá được làm sạch, trộn với nước cốt chanh hoặc giấm để tái chín nhẹ, sau đó trộn đều với hành tây, rau răm, đậu phộng rang và nước mắm pha chua ngọt. Ăn kèm với bánh tráng nướng, rau sống và nước chấm sền sệt, gỏi cá mai mang đến trải nghiệm vị giác độc đáo từ chua dịu, béo thơm, đậm đà và tươi mát.
Món ăn này đặc biệt phổ biến ở các quán ven biển gần Mũi Điện, thường được phục vụ vào chiều mát hoặc trong những buổi tiệc nhỏ ngoài trời. Với những ai yêu thích hải sản tươi sống, đây là lựa chọn không thể bỏ qua.
Bánh canh hẹ
Bánh canh hẹ là món ăn bình dân nhưng độc đáo bậc nhất ở Phú Yên, khiến du khách thích thú bởi... màu sắc lạ mắt. Tô bánh canh vừa bưng ra là đã ngập trong sắc xanh mướt của lá hẹ xắt nhỏ. Sợi bánh canh làm từ bột gạo mềm dai, đi kèm chả cá, trứng cút và nước dùng ngọt thanh nấu từ cá tươi.
Vị hẹ không quá hăng mà lại thơm nhẹ, kết hợp hoàn hảo với nước lèo đậm đà, chả cá dai sần sật và chút tiêu cay nồng.
Dù đơn giản, nhưng bánh canh hẹ chính là biểu tượng cho gu ẩm thực thanh nhã, “vừa đủ” của người Phú Yên. Món này thường được bán ở các quán nhỏ cho tới các chợ xã ven biển. Một tô bánh canh hẹ nóng hổi sau buổi sớm ngắm bình minh ở Mũi Điện là lựa chọn không thể hoàn hảo hơn.
Mũi Điện không chỉ là điểm cực Đông từng được công nhận trên đất liền Việt Nam, nơi đón những tia nắng đầu tiên của ngày mới, mà còn là mảnh ghép đặc biệt trong bản đồ cảm xúc của những người mê khám phá. Giữa khung cảnh thiên nhiên nguyên sơ, hùng vĩ và trầm mặc, từng bước chân đặt trên Mũi Điện là từng khoảnh khắc con người được sống chậm lại, lắng nghe tiếng lòng mình và thấu cảm sự nhỏ bé giữa đất trời bao la.