Vị hoàng đế được mệnh danh “vua quỷ” trong sử Việt, say đắm một nữ tì

Lyly
Chia sẻ

Từ thân phận nô tì, mỹ nhân này đã chinh phục được trái tim nhà vua và leo lên vị trí vương phi nước Việt.

Lê Uy Mục (1505-1509), tên húy là Lê Tuấn, là vị vua thứ 8 của nhà Hậu Lê. Ông là con trai thứ 2 của vua Lê Hiến Tông và Chiêu Nhân Hoàng Thái Hậu Nguyễn Thị Cận, là cháu nội của Lê Thánh Tông – một vị vua có công rất lớn trong sử Việt.

Tuy nhiên, vua Lê Uy Mục lại trái ngược hoàn toàn với ông nội của mình, nổi tiếng là một vị hoàng đế tàn bạo và hoang dâm vô độ, đến mức bị người đời đặt cho biệt danh “vua quỷ” hay “quỷ vương”. Thời đại của vua Lê Uy Mục còn đánh dấu giai đoạn chuyển thịnh thành suy của vương triều nhà Hậu Lê.

Vừa lên ngôi hoàng đế ở tuổi 17, vua Lê Uy Mục đã sai người hạ độc giết chết bà nội của mình là Thái hoàng Thái hậu (tức Trường Lạc hoàng hậu của vua Lê Thánh Tông trước đây), vì cho rằng bà đã thường xuyên xúc phạm, nhục mạ mẹ ruột của mình.

Không những thế, vị vua tàn ác này còn giết chết 2 đại thần của triều đình là quan Lễ bộ Thượng thư Đàm Văn Lễ, quan Đô ngự sử Nguyễn Văn Bật, cùng rất nhiều hoàng thân quốc thích, quan lại triều thần khác. Nguyên nhân là do khi vua Lê Hiến Tông mất, những người này đã không ủng hộ việc ông lên ngôi mà nhận di chiếu lập Lê Túc Tông làm người kế vị. “Vua quỷ” còn cho giết hết những người Chiêm bị bắt làm gia nô trong các điền trang của các thế gia, công thần.

Không chỉ lạm sát người vô tội, vua Lê Uy Mục còn có thú vui tình dục hết sức quái gở và man rợ. Theo một số tài liệu, ngày nào “vua quỷ” cũng mở yến tiệc để vui vẻ cùng các cung nhân, hành lạc thâu đêm suốt sáng. Thế nhưng, ông thường xuống tay giết hại người tình của mình ngay sau khi hoan lạc. Chính vì thế, phi tần mỹ nữ trong cung vô cùng khiếp sợ, nhưng không biết phải làm gì ngoài chắp tay cầu trời lạy phật cho mình tránh được họa lớn.

Vị hoàng đế được mệnh danh “vua quỷ” trong sử Việt, say đắm một nữ tì - 1

Ảnh minh họa

Nhưng ai có thể ngờ rằng, vị bạo chúa này cũng từng say đắm một bóng hồng. Mỹ nhân này tên là Lê Thị Thanh (chưa rõ năm sinh, năm mất) quê ở xã Sa Lung, châu Minh Linh, nay thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.

Vì gia đình mắc tội, bà bị sung làm nô tì. Theo Ô châu cận lục, bà Lê Thị Thanh hầu hạ ở trong cung. Lúc ấy, Lê Tuấn (tức Lê Uy Mục sau này) chưa lên ngôi vua và còn ở nơi dành cho hoàng tử, theo học với vị vương phó (thầy dạy của hoàng tử). Dạo đó, bà Lê Thị Thanh cũng đến học tập ở đây.

Cả hai học cùng nhau, Lê Tuấn dần có cảm tình với Lê Thị Thanh. Viết về chuyện tình của hai người, Ô châu cận lục có viết: “Vương thấy bà lấy làm vừa ý, hai bên trở nên quyến luyến nhau. Một hôm, vương dùng chân khèo chân bà, khi về bà đem chuyện ấy kể lại với sư mẫu, sư mẫu nói rằng:

- Vậy là vương thử lòng con, sau này nếu con thấy vương làm như thế thì dùng hai tay che chân của vương để tỏ ý thân.

Hôm sau bà làm đúng như kế của sư mẫu đã bày. Đến lúc học cùng, ngồi gần nhau, Lê Tuấn lại tỏ ý thân mật như lần trước, Lê Thị Thanh liền đáp lại. Kẻ trai trẻ được hai bàn tay ngọc ngà mềm mại của thiếu nữ mới lớn chạm vào, lòng đầy rung động, thế nên Lê Tuấn rất vừa lòng, từ đó về sau không chọc ghẹo như thế nữa. Riêng Lê Thị Thanh cũng giữ kín mối tình đẹp đẽ ấy mà chẳng hề tiết lộ ra cho ai hay".

Vị hoàng đế được mệnh danh “vua quỷ” trong sử Việt, say đắm một nữ tì - 2

Ảnh minh họa

Năm Ất Sửu (1505), Lê Tuấn lên ngôi, nhớ lại đoạn tình xưa liền tuyển bà vào cung. Vừa xinh đẹp, vừa thông minh lại có học hành nên Lê Thị Thanh được Lê Uy Mục hết lòng sủng ái, gần như độc chiếm tình yêu của vua và sau này được phong làm vương phi.

Anh và em trai bà Lê Thị Thanh cũng nhờ đó mà được thơm lây, được ban tước hiệu. Triều đình giao cho gia đình bà nhiệm vụ khai phá thêm những vùng đất hoang, chiêu mộ dân chúng, lập nên nhiều làng xã, kéo dài từ vùng Sen Thủy (Quảng Bình) đến vùng Hạ Bạn (Gio Linh, Quảng Trị ngày nay).

Về bà Lê Thị Thanh, cuộc sống với vị vua trẻ rất mặn nồng. Tuy nhiên, cả hai cũng chỉ đầu ấp tay gối bên nhau được 4 năm ngắn ngủi.

Năm Kỷ Tỵ 1509, Giản Tu công Lê Oanh dấy binh khởi loạn, giết Lê Uy Mục. Vì căm hận “vua quỷ” giết hại tàn nhẫn gia đình mình, nên sau khi xử tử Lê Uy Mục, Lê Oanh vẫn chưa nguôi giận, bèn sai người dùng súng lớn, để xác Uy Mục vào miệng súng rồi bắn cho nổ tan hết hài cốt. Sau đó, Giản Tu công tự lập làm vua, tức vua Lê Tương Dực.

Về số phận của Lê phi, bà bị Vũ Tá hầu tên Phùng Dị, bề tôi của Lê Tương Dực, cưỡng bức đem về làm thiếp. Không rõ kết cuộc về sau.

Chia sẻ

Lyly

Tin cùng chuyên mục

Phục dựng di ảnh để tri ân các liệt sĩ

Phục dựng di ảnh để tri ân các liệt sĩ

Nhiều tấm hình liệt sĩ đã rách nát, không còn nguyên vẹn, thậm chí chỉ còn vài chi tiết nhưng cũng bị phủ mờ bởi thời gian, nhưng với sự tâm huyết, tỉ mỉ, Lê Văn Phúc (Phúc Lê, sinh năm 1989, ở Phú Xuyên Hà Nội, trưởng nhóm Tình nguyện viên Phục dựng ảnh liệt sĩ Màu Hoa Đỏ và Phó trưởng nhóm những bạn trẻ phục dựng ảnh Skyline) đã phục dựng bức ảnh chân dung rõ nét. Gần 5 năm...

Áp lực làm “phụ nữ hoàn hảo”

Áp lực làm “phụ nữ hoàn hảo”

Một người phụ nữ được xã hội cho là hoàn hảo khi vừa có sự nghiệp thăng tiến, vừa có khả năng chăm sóc gia đình, chồng con. Tuy nhiên, theo thời gian, xã hội đánh giá lại vai trò giới và những tiêu chuẩn nêu trên trở thành kỳ vọng phi thực tế, thậm chí là áp lực không cần thiết đối với nhiều phụ nữ.

Những “hạt giống vàng” tham gia xây dựng đất nước

Những “hạt giống vàng” tham gia xây dựng đất nước

Thanh niên chính là nhân tố then chốt, góp phần thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo và phát triển bền vững của dân tộc. Điều này cũng tạo nên nhiều cơ hội và những thách thức cho những cán bộ làm công tác Đoàn – Hội trong việc định hướng, dẫn dắt thế hệ thanh niên, sinh viên Việt Nam trong kỷ nguyên mới, chuyển mình trong nhiều hoạt động kết nối, phát triển thế hệ sinh viên trẻ...