Làng nghề lược sừng Thụy Ứng (huyện Thường Tín, Hà Nội) từ lâu được biết tới là nơi duy nhất trên cả nước làm lược bằng sừng trâu, bò. Trải qua nhiều thăng trầm của thời gian, thương hiệu của làng nghề ngày càng được khẳng định. Không chỉ vậy, bằng đôi bàn tay khéo léo, sức lao động bền bỉ những người thợ làng nghề Thụy Ứng đã đa dạng hóa sản phẩm, đưa tên tuổi kỹ nghệ của làng vang xa, trở thành điểm du lịch lý thú của Thủ đô.
Bề dày nghề truyền thống
Đến Thụy Ứng, từ xa đã nghe được âm thanh ồn ã vọng ra từ những cơ sở sản xuất, cùng với đó là hình ảnh những ngôi nhà khang trang, bề thế nằm san sát nhau. “Yêu nghề thì nghề chẳng phụ”, có lẽ người Thụy Ứng yêu nghề chế tác lược sừng, bởi thế họ cũng đang được hưởng “lộc” từ nghề.
Theo tìm hiểu, nghề làm lược sừng ở Thụy Ứng phát tích từ thế kỷ XVI. Vị thế của làng Thụy Ứng được khẳng định khi khu 36 phố phường có một con phố mang tên Hàng Lược. Đến nay, người Thụy Ứng vẫn tự hào vì trong sách sử có con phố lưu dấu hình ảnh của làng.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Sử (sinh năm 1960), là một trong số ít những người đầu tiên được UBND thành phố Hà Nội phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Hà Nội” năm 2019 cho biết, nguyên liệu để làm ra những chiếc lược chủ yếu là sừng và móng trâu bò được thu mua từ khu vực miền núi phía Bắc. Có thời điểm khi nguồn sừng trong nước không đủ phục vụ cho sản xuất, người Thụy Ứng phải nhập sừng nguyên liệu từ Lào, Thái Lan, Campuchia và các nước châu Phi.
Nhắc đến những khâu đoạn để cho ra chiếc lược sừng bóng đẹp, “bàn tay vàng” của làng nghề Thụy Ứng Nguyễn Văn Sử chia sẻ, để làm ra một sản phẩm bằng sừng trâu, người thợ phải thực hiện rất nhiều công đoạn. Tính riêng các khâu đoạn từ lúc mua sừng về sơ chế đến lúc cho ra chiếc lược thô rồi đưa vào chà lát, đánh bóng thì phải mất hơn 30 công đoạn. Mỗi công đoạn đều đòi hỏi người thợ phải thật khéo tay, tinh mắt và sự chính xác cao.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Sử với các sảm phẩm từ sừng.
Chẳng hạn, sừng trâu mua về phải được rút lõi cứng ra, sau đó hơ lửa hoặc luộc sừng trong dầu để làm mềm. Tiếp theo, người thợ dùng máy ép thủy lực để ép sừng cho bẹp, rồi cắt thành những mảnh nhỏ gọi là phôi. Từ phôi, người thợ sẽ chế tác thành các sản phẩm như: Lược, thìa, bát, móc khóa, trâm cài tóc... Các sản phẩm thô này sau đó được đánh bóng và cuối cùng sẽ có mầu đen bóng tự nhiên. Sừng bò cũng được chế biến tương tự như sừng trâu, nhưng sẽ có mầu vàng đặc trưng.
Theo Nghệ nhân Nguyễn Văn Sử, bí quyết để làm nên chiếc lược có chất lượng nằm ngay ở khâu tạo phôi. Cụ thể, sừng sau khi được làm mềm sẽ cho vào máy ép thủy lực để gia công, cán sừng thành những miếng phẳng và mỏng. Từ lúc làm mềm đến khi ép, tùy theo từng chiếc sừng non hay già mà người thợ phải có sự điều chỉnh thời gian cho phù hợp. Nếu sừng trâu non làm chưa tới sẽ bị cong vênh trong khi sừng trâu già lại có thể vỡ vụn ngay sau khi ép. Để căn chỉnh được khâu đoạn này thì cần kinh nghiệm và “mắt nhìn” của người thợ. Ngoài ra, theo kinh nghiệm của người ông Nguyễn Văn Sử, khi làm lược nếu làm thớ ngang thì lược sẽ dễ gãy và ngược lại, nếu làm thớ dọc thì lược sẽ bền và đẹp.
Qua thời gian, nếu trước đây những sản phẩm từ sừng của Thụy Ứng chỉ dừng lại ở mặt hàng lược chải đầu với hình thức đơn giản như có hình vuông, răng đều nhau thì nay đã xuất hiện nhiều mẫu lược chạm trổ hoa văn cầu kỳ.
Đáng mừng hơn cả, hiện lược sừng Thụy Ứng cũng đã có mặt tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… đây là những đất nước vốn có nổi danh về hàng kỹ nghệ. Điều này ngoài vấn đề nâng cao thu nhập cho người làng Thụy Ứng thì đồng thời cũng khẳng định, người Thụy Ứng không chỉ kế thừa kỹ thuật của cha ông mà còn không ngừng sáng tạo để các sản phẩm của làng nghề luôn hiện diện trong đời sống hiện tại.
Từ những chiếc sừng trâu, sừng bò tưởng như bỏ đi, bằng sự tìm tòi, sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo, giờ đây những người thợ đã cho ra đời nhiều sản phẩm cực kỳ tinh xảo, có giá trị kinh tế cao.
Đưa làng nghề vươn xa
Nghệ nhân Nguyễn Văn Sử chia sẻ, dân làng và cá nhân ông luôn cảm thấy tự hào và may mắn vì đã được cha ông để lại cho nghề chế tác sừng, rất hiếm và độc đáo. Giống như những ngành nghề khác, từng có lúc, có thời điểm thị trường hàng thủ công mỹ nghệ trải qua thăng trầm nhưng chung quy lại nghề nơi Thụy Ứng vẫn có một sức sống riêng.
Với người dân Thụy Ứng, ngoài niềm vui vì nghề có sức sống bền bỉ thì với họ niềm hạnh phúc chính là nghề được công nhận. Thành phố đã công nhận Thụy Ứng là Điểm du lịch Làng nghề lược sừng Thụy Ứng. Cụ thể, ngày 26/10/2022, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4072/QĐ-UBND, về việc công nhận Điểm du lịch Làng nghề lược sừng Thụy Ứng. Điểm du lịch đi vào hoạt động làm thay đổi nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Qua đó, khai thác được tiềm năng, lợi thế của làng nghề, góp phần nâng cao đời sống của người dân, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho địa phương.
Một sản phẩm đẹp được chế tác từ nguyên liệu sừng của nghệ nhân làng Thụy Ứng.
Ông Nguyễn Văn Chung - Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bình chia sẻ, xã có làng nghề truyền thống lược sừng Thụy Ứng và làng nghề mộc dân dụng Phụng Công. Với trên 4.000 nhân khẩu, Thụy Ứng có số lượng người làm nghề đông, có thời điểm tới gần 90% hộ làm nghề. Đáng mừng hơn cả, người dân Thụy Ứng không chỉ làm ra lược sừng mà giờ đã đa dạng hóa sản phẩm, hướng đến xuất khẩu, từ đó mang lại thu nhập cao cho người làm nghề.
Sau khi được công nhận là điểm du lịch, UBND xã Hòa Bình đã đẩy mạnh việc tập huấn cho các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, các hộ dân về kiến thức và kỹ năng phục vụ du lịch. Thường xuyên rà soát các thiết bị về phòng cháy chữa cháy; đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, quy trình sản xuất an toàn, thân thiện với môi trường. Cùng đó, chú trọng đầu tư trồng, chăm sóc cây xanh, cây bóng mát tại các tuyến đường, các khu vực có công trình công cộng, di tích lịch sử, công trình tôn giáo, tín ngưỡng. Tập trung huy động nguồn lực xây dựng điểm tiểu thủ công nghiệp, hệ thống thu gom rác thải tập trung, hệ thống xử lý nước thải bảo đảm theo quy định. Các tuyến giao thông vào điểm du lịch làng nghề cũng được trải nhựa và lắp đặt hệ thống chiếu sáng đáp ứng nhu cầu tham quan, mua sắm và đi lại của du khách...
Được biết, không chỉ ở làng nghề Thụy Ứng, hiện Hà Nội đặc biệt quan tâm, chú trọng phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh văn hóa làng nghề đến với du khách trong và ngoài nước. Minh chứng dễ thấy nhất là những thành công ở làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm), làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông), làng hoa Tây Tựu (Bắc Từ Liêm)…
Trong giai đoạn 2024-2025, Sở Du lịch sẽ hoàn thiện sản phẩm đặc thù gắn với các giá trị của di sản, di tích và làng nghề theo tuyến Trung tâm Hà Nội - Thanh Trì - Thường Tín - Phú Xuyên; tiếp tục triển khai có hiệu quả kế hoạch về nâng cấp chất lượng sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch gắn với di sản - di tích, làng nghề tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, trong đó tập trung các nhiệm vụ nâng cao kiến thức, kỹ năng phục vụ khách du lịch và triển khai ứng xử văn minh du lịch cho cộng đồng dân cư địa phương; tổ chức các hội nghị nâng cao chất lượng điểm đến du lịch gắn với các giá trị di sản, di tích, làng nghề và kết nối với các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Việc Thành phố quan tâm công tác đầu tư, xúc tiến sản phẩm du lịch văn hóa nơi làng nghề đã và đang là động lực giúp các làng nghề phát triển; góp phần định vị và quảng bá rộng rãi làng nghề, khẳng định thương hiệu du lịch Hà Nội dựa vào những giá trị nổi bật về di sản, những giá trị chân thực về văn hóa truyền thống, lối sống của người dân Thủ đô Hà Nội.